Wednesday, January 11, 2017

CÁC "THƯƠNG HIỆU" DONALD TRUMP Ở TRUNG QUỐC CÓ THỂ VI HIẾN ? (Thụy My - RFI)




Thứ Tư, ngày 11 tháng 1 năm 2017

(AFP 11/01/2017) Tổng thống Mỹ tương lai đã nộp ít nhất 45 đề nghị đăng ký thương hiệu tại Trung Quốc. Những đề nghị này đang được xem xét, và có khả năng vi phạm Hiến pháp Hoa Kỳ.

Từ khi đắc cử, Donald Trump đã đối đầu với Trung Quốc qua việc điện đàm với tổng thống Đài Loan, bổ nhiệm các cố vấn không ưa Bắc Kinh và nêu ra việc đánh thuế lên hàng xuất khẩu của Trung Quốc. Nhưng điều này không ngăn cản ông bảo hộ nhãn hiệu « Trump » tại nền kinh tế thứ nhì thế giới.

Ông Trump đã đăng ký ít nhất 72 nhãn hiệu tại Trung Quốc, đây chỉ là một phần nhỏ trong nhiều nhãn hiệu của ông trên thế giới đã làm nên gia tài của nhà tỉ phú. Tháng 4/2016, một năm sau khi loan báo ra tranh cử, Donald Trump đã đề nghị đăng ký thêm 42 thương hiệu nữa tại Trung Quốc, theo ghi nhận của AFP từ các dữ liệu của chính quyền Bắc Kinh. Đến tháng 6/2016, lại thêm ba đề nghị bổ sung, sau khi Trump đã trở thành ứng cử viên chính thức của đảng Cộng Hòa. Tất cả những đề nghị này đứng tên chính ông Trump, và sử dụng địa chỉ Trump Tower ở New York.

Thủ tục xét duyệt thường kéo dài từ 12 đến 18 tháng. Chính quyền Trung Quốc sẽ loan báo quyết định chính thức của họ sau khi ông Trump lên nắm quyền ngày 20 tháng Giêng. Các chuyên gia của phe Dân Chủ lẫn Cộng Hòa đều cho biết, thông báo này hẳn sẽ gây bối rối, vì Hiến pháp Hoa Kỳ cấm các tổng thống nhận quà hay bổng lộc từ một chính quyền ngoại quốc.

Có thể bị truất phế nếu vi phạm nặng nề Hiến pháp ?

Robert Painter, cựu cố vấn tổng thống George W.Bush về đạo đức nhận định : « Việc cấp phát các nhãn hiệu thương mại hay giấy phép có thể được coi là ưu đãi từ một chính quyền nước ngoài ». Norman Eisen, cựu luật sư của Barack Obama cũng phụ trách về mặt đạo đức cho biết : « Mỗi nhãn hiệu có thể là bổng lộc tiềm năng. Hiến pháp lo ngại các ưu đãi từ các cường quốc bên ngoài để tác động đến nhận định của tổng thống Mỹ, và các thương hiệu chắc chắn có thể làm được điều đó ».

Hiến pháp Mỹ không dự trù bất cứ « giải pháp đặc biệt » nào trong trường hợp vi phạm – Jay Wexler, chuyên gia về luật Hiến định của trường đại học Boston nhấn mạnh. « Theo tôi, việc phế truất có thể là giải pháp nếu vi phạm nghiêm trọng ».

Ê-kíp chuyển giao quyền lực của tổng thống tân cử không trả lời các câu hỏi của AFP, một luật sư của Trump Organization cũng thế.

Theo ông Trump, nhãn hiệu của ông trị giá 3,3 tỉ đô la, tương đương khoảng một phần ba tài sản được ông khai báo trong chiến dịch tranh cử. Việc bảo hộ nhãn hiệu tại Trung Quốc là thiết yếu để thu tiền từ việc sử dụng tên « Trump » trên các sản phẩm được bán ra tại thị trường này, từ các khách sạn cho đến chiếc cà vạt.

Các nhãn hiệu đã được đăng ký giúp Donald Trump độc quyền kiểm soát việc sử dụng tên ông – bằng tiếng Anh cũng như nhiều phiên âm khác nhau ra tiếng quan thoại – trong các lãnh vực đa dạng như khách sạn hay kỹ thuật sinh học, nhưng không bao trùm lên tất cả.

Các toa-lét Trump

Theo các luật sư chuyên ngành, các đề nghị mới trong năm 2016 có thể là một chiến lược để phòng hờ « đầu cơ thương hiệu ». Tại Trung Quốc, nhãn hiệu thường được cấp cho người đăng ký đầu tiên, nhưng trong một lãnh vực hoạt động cụ thể nào đó. Chẳng hạn một nhà sản xuất nắp bồn cầu Trung Quốc từ nhiều năm qua đã sử dụng tên « Trump » làm nhãn hiệu bằng tiếng Anh, một cách hoàn toàn hợp pháp.

Tổng giám đốc các khách sạn thuộc tập đoàn Trump là Eric Danziger, tuy vậy đã tuyên bố ông nhắm vào các thỏa thuận liên quan 20 đến 30 khách sạn tại Trung Quốc. Trước đây AFP cũng đã tiết lộ các thương lượng giữa Trump Organization với tập đoàn quốc doanh lớn nhất Trung Quốc là State Grid.

Tổng thống tân cử đã khẳng định muốn giao quyền điều khiển tập đoàn cho các con. Tuy nhiên « business là cốt yếu đối với ông Trump. Khó thể hình dung ông có thể tách ra như thế nào » - Edward Lehman, luật gia chuyên về luật Trung Quốc nhận định.

Sau khi Donald Trump đắc cử hồi tháng 11, chính quyền Bắc Kinh cũng đã nghiêng về phía ông Trump trong một vụ tranh chấp sở hữu trí tuệ từ 10 năm trước, khiến người ta phải đặt ra nhiều câu hỏi gay gắt. 

Chuyên gia Jay Wexler cho rằng, chỉ còn cách bán doanh nghiệp đi, nếu không ông Trump sẽ phải đối mặt với các tranh cãi về đạo đức, cho dù ông sử dụng biện pháp nào đi nữa.« Khi tổng thống làm việc với Trung Quốc, làm thế nào biết được ông có bị tác động từ việc Bắc Kinh xử lý các đề nghị đăng ký thương hiệu như thế nào hay không ? »

Publié par Thuymy Rfi à 15:19 





No comments: