Friday, January 13, 2017

BÁO CÁO VỀ TÌNH HÌNH TỰ DO TÔN GIÁO CỦA CÔNG DÂN QUÝ 4 NĂM 2016 (Hội Bảo Vệ Quyền Tự Do Tôn Giáo)




Hội bảo vệ Quyền Tự do Tôn Giáo
Tác giả gửi tới Dân Luận
12/01/2017

Báo cáo số 04/2016 - Quý IV năm 2016

Bối cảnh chính trị
Quốc hội Việt Nam đã quyết định thông qua Luật Tôn Giáo chính thức từ ngày 18-11-2016 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2018. Qua một vài bản dự thảo trước đó gặp phải nhiều sự phản ứng từ phía các lãnh đạo, các chức sắc tôn giáo rằng bản dự thảo Luật Tôn Giáo chưa cho thấy được quyền lợi của các tôn giáo mà ngược lại phía chính quyền còn có nhiều cơ sở để kìm hãm sự phát triển tôn giáo của Việt Nam. Chính vì thế bản dự thảo bị đánh giá là bước thụt lùi so với các thông tư, các pháp lệnh và các nghị định trước đó. Tuy nhiên bất chấp sự phản đối ấy Quốc hội Việt Nam vẫn thông qua bộ luật này.
Trong một diễn biến xấu mà Hội bảo vệ Quyền tự do tôn giáo của chúng tôi tiếp nhận trong Quý 4 này cho thấy: các vụ vi phạm quyền tự do tôn giáo ngày càng tệ hơn được thể hiện rõ nhất thông qua các hành động xâm phạm quyền đi lại của các chức sắc tôn giáo, lăm le cưỡng chế các cơ sở tôn giáo nhằm phục vụ nhóm lợi ích, bên cạnh đó các nhóm tôn giáo nhỏ lẻ tiếp tục bị sách nhiễu không cho tự do hành đạo, các tín đồ thường xuyên bị xâm phạm về nhân phẩm cũng như có những hành xử rất đáng lên án từ phía cơ quan công quyền phụ trách tôn giáo.
Bên cạnh đó, có một số việc được coi là tín hiệu tốt từ chính quyền trong việc chính quyền chấp thuận việc thành lập Học viện Công giáo Việt Nam và việc công nhận tư cách pháp nhân phi thương mại của các tổ chức tôn giáo. Đó là một số điểm nhấn trong tình hình tự do tôn giáo của Việt Nam những tháng cuối năm 2016.

PHẦN 1: NHỮNG VỤ VI PHẠM QUYỀN TỰ DO TÔN GIÁO CỦA CÁC CƠ QUAN TRỰC THUỘC CHÍNH PHỦ

1/ Tháng 10 có những trường hợp vi phạm sau:

Trường hợp vi phạm thứ 1: Nhà một chức sắc Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo thuần túy bị ném trứng
Vào lúc 22h15 phút ngày 1/10 ông Nguyễn Ngọc Tân là Vụ trưởng vụ truyền thông và liên lạc của Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo Thuần Túy (GHPGHHTT) thấy có tiếng ném đồ vào nhà, ông chạy ra coi thấy trước nhà đã bị ném rất nhiều trứng vịt hỏng nên gây mùi rất khó chịu.
Nhà ông sát quốc lộ 54, thuộc ấp Đông Hòa, xã Đông Thành, thị xã Bình Minh, Vĩnh Long nên bọn chúng rất dễ tẩu thoát sau khi hành sự.
Ông Tân cho biết: gia đình tôi nhiều lần bị chọi đá, mắm tôm... vào nhà mỗi khi trong Đạo sắp có sự kiện diễn ra. Gia đình bán quán ăn chay nên đây là việc làm vừa khủng bố tinh thần và khủng bố kinh tế.
Hành động này để trấn áp tinh thần ông Tân do ngày 02/10 sau đó GHPGHHTT Tp Cần Thơ và gia đình các liệt sĩ sẽ tổ chức Lễ Tưởng niệm các Ông: Huỳnh Thạnh Mậu, Trần Ngọc Hoành, Nguyễn Xuân Thiếp, một Liệt sĩ Vô Danh (có người nói là Trần Nguyên Thiều). Những liệt sĩ PGHH đã hy sinh tại Cần Thơ và cho là Việt Minh sát hại tháng 10/1945.
Tại địa điểm làm Lễ thuộc Huyện Vĩnh Thạnh, Tp Cần Thơ, Và ngày 01/10 Công an đã xuống chốt canh giữ.
Tại nhà của các Trị Sự Viên GHPGHHTT CA an ninh các tỉnh thành cũng bám theo dõi.
Và hôm qua 30/9/2016 một nhóm CA an ninh huyện Lai Vung và tỉnh Đồng Tháp do Trần Thanh Duyệt dẫn đầu, đã đến tại tư gia cụ Nguyễn Văn Điền Hội Trưởng Trung Ương GHPGHH TT thông báo rằng công an tp Cần Thơ sẽ ngăn chặn đồng đạo địa phương khác đến tham dự lễ Tưởng niệm các Liệt sĩ PGHH tại Vĩnh Thạnh - Cần Thơ.
Đây là những hành động xâm phạm quyền tự do tôn giáo nghiêm trọng của công an Cần Thơ đối với các tín đồ của nhóm PGHHTT.

Trường hợp vi phạm thứ 2: Sức khỏe của Mục sư Nguyễn Công Chính ngày càng suy kiệt do bị hành hạ trong trại tù.
Trong thư của phu nhân Ms. Chính vừa gửi cho Ms. Nguyễn Hoàng Hoa và Hội đồng Liên tôn Việt Nam cho biết:
"Kính chào ông MS và quý Hội đồng Liên tôn, Ngày 1/10 tôi mới vừa đi thăm ông MS Chính về. tối vào ngày 1-10. Tôi bất ngờ khi thấy ông tiều tụy đi rất nhiều, khi ông và một số anh em tuyệt thực đến 22 ngày trong trại giam. Trong những ngày tuyệt thực cán bộ trại giam An Phước họ cũng cho bác sĩ đến khám bởi vì tuyệt thực quá nhiều ngày cho nên sức khỏe anh em cũng như MS Chính đã kiệt sức và sau đó ngày 28-8 có ông tổng cục thi hành án đã vào và hứa sẽ giải quyết đơn thư khiếu nại cũng như việc giam giữ khắc nghiệt, nhưng đó cũng chỉ là một lời hứa suông cho qua chuyện. Khi ông tổng cục rời đi thì lập tức cán bộ trại giam An Phước lại tiếp tục dùng những thủ đoạn thật hèn hạ mà họ áp dụng lên cho bản thân ông MS Chính và một số anh em. Họ trộn cơm vào với mảnh chai và những dây chì cắt từng mảnh nhỏ trộn vào với cơm cho ông MS Chính cũng như một số anh em trong đó ăn. Nước uống thì có mùi hóa chất rất nồng nặc.
Trong đó có ông Y Dích người sắc tộc Ba-na. Ông phải lãnh bản án 12 năm tù giam. Sức khỏe ông rất yếu và tính mạng của ông đang đe dọa. Mỗi lần cán bộ đem cơm vào thì ông chắp tay lạy các anh để cho tôi một con đường sống về với vợ con tôi chứ đừng giết chúng tôi bằng những thủ đoạn đê hèn như vậy. Khi ông MS Chính tố cáo những hành vi nêu trên thì 2 người cán bộ trại giam không có lời nào để nói. Và tôi có nghe ông MS Chính nói bên cán bộ trại giam họ không giải quyết mà họ càng đầu độc anh em bằng những thủ đoạn mà anh em không kiểm soát được thì anh em sẽ tiếp tục tuyệt thực cho đến chết chứ không còn lối thoát nào cho anh em được nữa. Vậy tôi tha thiết mong quý vị cực lực cầu nguyện, đấu tranh để giữ được tính mạng cho anh em trong thời điểm này.

Trường hợp vi phạm thứ 3: Tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo bị sách nhiễu khi lưu trú qua đêm ở nhà đồng đạo
Nhóm tín đồ PGHH đi hái thuốc nam, nghĩ qua đêm bị công an xã Đông Thành gây khó khăn không cho lưu trú đòi phạt hành chính. Sự việc xảy ra vào đêm ngày 2/10/2016 tại nhà ông Bùi Văn Luốt Hội Trưởng Ban Trị Sự GHPGHH Thuần Túy tỉnh Vĩnh Long thuộc xã Đông Thành.
Sáng ngày 02/10/2016, khoảng 30 tín đồ PGHH thuộc Đội Tầm Dược PGHH ở tỉnh An Giang đến nhà ông Bùi Văn Luốt hái lá bưởi về bào chế thuốc. Công việc trong ngày chưa xong, chín người phải ở lại để hôm sau tiếp tục công việc.
Chiều tối ông Hội trưởng đi đến Công an xã thông báo về việc chín người lưu trú qua đêm.Trong đó chỉ có sáu người có đem theo CMND, còn lại không. Họ đồng ý. Sau đó hơn một giờ, một Công an viên của xã đến nhà ông Hội Trưởng cho biết cấp trên chỉ cho phép sáu người có CMND được lưu trú quá đêm. Còn lại phải rời khỏi địa phương nếu không đến 22g sẽ đến lập biên bản phạt hành chính.
Đến khoảng 23 giờ cùng ngày, công an thị xã Bình Minh và công an xã Đông Thành đến kiểm tra hành chính nhà ông Hội Trưởng đòi lập biên bản xử phạt ba người không CMND. Nhưng ba người này đã lưu trú chỗ khác. Họ bảo nếu sáng gặp trong nhà ra sẽ phạt hành chính.
Theo luật cư trú 2006, Điều 31, mục 2: "Gia đình, nhà ở tập thể, cơ sở chữa bệnh, khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở khác có người từ đủ 14 tuổi trở lên đến lưu trú có trách nhiệm thông báo việc lưu trú được thực hiện trực tiếp hoăc bằng điện thoại".
Như vậy ông Hội Trưởng đã thực hiện đúng trách nhiệm của chủ nhà, việc công an xã không tiếp nhận ghi vào sổ lưu trú ba người không có CMND, và kiểm tra đòi lập biên bản là trái luật cư trú.

Trường hợp vi phạm thứ 4: Công an huyện Kỳ Anh - Hà Tĩnh đập phá tượng đài Đức Mẹ của Giáo xứ Đông Yên mới
Tóm tắt sự việc xảy ra tại khu tái định cư Đông Yên thuộc phường Kỳ Phương - Kỳ Anh - Hà Tĩnh.
Bà con ở một xóm tại khu tái định cư quyên góp và dựng một tượng đài Đức Mẹ tại xóm để cho những người già không thể đi lễ nhà thờ có thể ra ngay đó đọc kinh. Sau khi xây dựng phần trụ của trượng đài thì sáng ngày 22/10/2016. Lực lượng công an đã cho người vào dọa nạt người dân tại xóm đó yêu cầu dừng xây dựng.
Đến khoảng 16h lực lượng công an sắc phục, thường phục cũng như côn đồ khoảng 200 người, đã kéo vào đập phá trụ của tượng đài Đức Mẹ. Khi người dân thấy sự việc diễn ra như vậy một vài người phụ nữ và người già đi ra phản đối. Lực lượng công an mặc sắc phục cũng như côn đồ đã dùng đá ném những người dân đó. Kết quả là có một người phụ nữ bị lực lượng công an, côn đồ ném đá vào và bị đổ máu. Một ông cụ bị xe của lực lượng công an xô vào chân đồ máu.
Khi thấy người dân trong làng bị đổ máu, thì bà con đã kéo ra để phản ứng lại sự việc của chính quyền. Lực lượng công an, côn đồ tiếp tục ném đá vào người dân, một số khác thì dùng búa tạ để đập phá trụ của tượng đài Đức Mẹ. Người dân đã quá bức xúc trước hành động bạo lực của công an. Họ dùng chính gạch đá của lực lượng công an để ném lại.Người dân cho biết họ chỉ ra bảo vệ lại tài sản của mình xây dựng và việc an ninh đến phá dỡ nên mới xảy ra sự việc trên.

Trường hợp vi phạm thứ 5: Tỉnh Vĩnh Long trả lời Giám mục: “Không có cơ sở” để yêu cầu trả lại Đại Chủng Viện
Cơ sở Đại chủng viện Vĩnh Long (hiện là Trung tâm hoạt động Thanh thiếu niên Vĩnh Long) nằm ở số 75 đường Nguyễn Huệ. Văn bản gửi Đức cha Phêrô Huỳnh Văn Hai hôm 3/10 của UBND Vĩnh Long cho rằng, cơ sở của giáo phận Vĩnh Long “đã được nhà nước quản lý, bố trí sử dụng phục vụ lợi ích chung từ năm 1977 đến nay, nên thuộc sở hữu Nhà nước.” Văn bản dẫn điều 26 luật đất 2013: “Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao theo quy định nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của nhà nước VN Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam VN và nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa VN”
Để từ đó nói, việc nhà nước quản lý cơ sở Đại Chủng Viện năm 1977 “là đúng quy định pháp luật.”Trong thư phúc đáp văn bản trên hôm 20/10, Đức cha Phêrô Hai nói, “có thể khẳng định rằng đại chủng viện là cơ sở tôn giáo được thừa nhận theo pháp luật, cho nên không phải là đối tượng của các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa liên quan đến nhà đất.”
Ngài cho biết tiếp, và từ năm 1977 đến nay, Giáo phận Vĩnh Long chưa nhận được bất kỳ quyết định chính thức nào của Tỉnh về việc tịch thu đại chủng viện. Văn thư cũng quy định của Hiến pháp VN 2013 rằng “trụ sở tổ chức tôn giáo... được phát luật bảo hộ.”
Theo thông tin từ website giáo phận, cơ sở Đại Chủng Viện đã bị Nhà Nước tỉnh Cửu Long "trưng dụng" theo quyết định số 1957/QĐ.UBT ngày 06/09/1977 của UBND tỉnh Cửu Long. Tuy nhiên, họ chỉ đến đọc quyết định tại Đại chủng viện chứ không giao quyết định này cho giáo phận. Hậu quả của việc trưng dụng này là có nhiều Linh mục giáo sư và Đại Chủng Sinh đang tu học, bị cầm tù với tội danh mà các ngài không bao giờ làm, đó là tội phản động.
Theo số liệu năm 2012, Giáo phận Vĩnh long có hơn 200.000 giáo dân, 600 tu sĩ nam nữ, 186 linh mục.
Chính quyền tỉnh Vĩnh Long đã gửi văn thư đến Đức giám mục Giáo phận Vĩnh Long và nói rằng, việc ngài yêu cầu trả lại cơ sở Đại chủng viện Vĩnh Long là “không có cơ sở để xem xét giải quyết.”Đức cha Huỳnh Văn Hai, liền có thư phản bác và nói rằng, “chúng tôi sẽ tiếp tục khiếu nại đến các cấp, các cơ quan chức năng cho tới khi nào những yêu cầu của chúng tôi được giải quyết thỏa đáng, đúng pháp luật. Ngài cũng khẳng định chủ quyền của Giáo hội trên mảnh đất này.

Trường hợp vi phạm thứ 6: Tỉnh Thừa Thiên Huế “hợp thức hóa” phần đất cướp của Đan viện Thiên An
Phần đất – nhà – rừng thông của Đan viện Thiên An có từ những năm 1940 bị nhà cầm quyền “mượn” sau năm 1975, đã bị “chiếm dụng” và “biến” thành đất tư, cho phép doanh nghiệp kinh doanh trái phép trên các khu đất này.
Sự lạm dụng quyền lực, nhằm thực hiện “ý đồ” hợp thức hóa phần đất đã mượn của Đan viện Thiên An thông qua văn bản số 1062/TB-ĐKCG của Sở Tài Nguyên và Môi trường Tỉnh Thừa Thiên Huế.
Văn bản này được gửi đến Đan viện Thiên An vào ngày 12.10.2016. Nội dung thông báo: về việc đăng ký, kê khai lập hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở tôn giáo.
Trong khi đó, suốt một thời gian dài đi tìm kiếm công lý, kiên cường bảo vệ tài sản của Giáo hội, các Đan sĩ đã nhiều lần gửi đơn khiếu nại đến Văn phòng Chính phủ, văn thư cho nhà cầm quyền địa phương, cũng như văn bản cho Công ty TNHH MTV Lâm Trường Tiền Phong… yêu cầu “hoàn trả nguyên trạng” các tài sản mà nhà chức trách đã “mượn” sau năm 1976, nhưng chỉ nhận được những văn bản phản hồi với nội dung “bao che, bảo kê, tiếp tay” cho kẻ cướp. Thậm chí Văn phòng chính phủ còn “né tránh và chỉ đạo” cho cấp dưới giải quyết các khiếu nại của các Đan sĩ (Quyết định số 577/QĐ-XKT của Tổng Thanh Tra Nhà Nước vào năm 2002). Phần đất tiếp quản, mượn, chiếm dụng, chiếm, cướp… phải trả lại cho Đan viện Thiên An.
Chính vì vậy, quý Đan sĩ cương quyết không chấp nhận lời đề nghị khiếm nhã ngồi xổm trên pháp luật của nhà cầm quyền, nếu như UBND tỉnh Thừa Thiên Huế không “giải quyết thỏa đáng các kiến nghị của Đan viện Thiên An liên quan đến phần nhà – đất – rừng Thông, do Đan viện Thiên An sở hữu và sử dụng từ năm 1940”. Do đó, Đan viện Thiên An chỉ đồng ý “đăng ký, kê khai lập hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng” với tổng diện tích 107 hécta đất – nhà – rừng thông thuộc quyền quản lý và sở hữu của Đan viện từ năm 1940.

2/ Tháng 11 có những trường hợp vi phạm sau:

Trường hợp thứ 1: Nhóm thiện nguyện Tin Lành đến với bà con vùng lũ bị cản trở
Ngày 1/ 11/ 2016: Một nhóm thiện nguyện Tin Lành đến khu vực tỉnh Quảng Bình, là tỉnh chịu hậu quả nặng nề của việc xả lũ của các thủy điện. Nhận được tin về trận lũ đó các nhóm thiện nguyện đã lên đường vào Miền Trung để hỗ trợ bà con khu vực lũ đi qua, nhưng nhóm thiện nguyện Tin Lành này lại bị ngăn cản.
Trên facebook Đặng Thái Quang cho biết: Hội chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình đã giữ hồ sơ của đoàn và ngăn cản không chuyển đến cho Sở Y tế tỉnh Quảng Bình giải quyết. Đơn vị này cho rẳng họ không đủ thẩm quyền để cấp phép tuy nhiên lại không muốn gửi hồ sơ của đoàn thiện nguyện lên cấp trên. Và đoàn thiện nguyện đã phải rời đi nơi khác để phục vụ.

Trường hợp vi phạm thứ 2: Công an Đồng Tháp ngăn cản cụ Nguyễn Văn Điển – hội trưởng trung ương Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo Thuần Túy ra khỏi nhà.
Sự viêc xảy ra vào khoảng 7 giờ sáng nay, 07/11/2016.
Cụ Nguyễn Văn Điền cùng một đồng đạo vừa ra khỏi nhà, bị toán công an ninh tỉnh Đồng Tháp do Thượng Tá Hải ngăn cản. Cụ Hội Trưởng cho biết: "Thượng tá Lê Thanh Hải ngăn chặn không cho tôi đi đám giỗ nhà đồng đạo Dự ở xã Long Hậu, Lai Vung, Đồng Tháp; Vì họ cho rằng nơi ấy mất an ninh, có nhiều chốt canh giữ của CA Lai Vung nên đi không cho đi. Từ đầu năm 2015 đến nay, có hơn 50 lần, họ không cho tôi đi đám giỗ lễ tuần tang ma..."
Giới chức rất nhiều lần ngăn cản, sách nhiễu các buổi gặp gỡ của các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo Thuần Túy, thậm chí thường xuyên xảy ra những trận xô xát đánh đập từ phía công an nếu gặp phải sự phản ứng quyết liệt của các tín đồ.

Trường hợp vi phạm thứ 3: Linh mục Phan Văn Lợi bị ngăn cản quyền đi lại
Chiều ngày, 08-11-2016, lúc 3g, linh mục Phaolo Trần Văn Quý đến đón linh mục Phan Văn Lợi để hai người cùng sang Tòa Giám mục Huế tham dự cuộc họp với một vài linh mục khác. Vừa bước ra khỏi cổng, có hai công an trẻ, xông đến chặn ông lại. Tên giọng Huế chỉ nói nhẹ nhàng: "Ông hãy vào nhà. Ông không được đi". Tên giọng Quảng Bình hùng hổ hơn, xô tôi và nói: "Ông mắc nợ người ta nên chủ nợ thuê tôi giữ ông lại. Cấm ông ra khỏi nhà"
Linh mục Lợi nói: "Tôi mắc nợ ai? Giấy đòi nợ đâu? Đừng có bịa chuyện bậy bạ, mấy anh là công an, cứ nói thẳng là có lệnh chặn tôi lại.”
Người dân chung quanh chạy ra xem, có lên tiếng nhưng không làm gì được với bọn côn đồ này. Lúc đó có thêm vài tên khác xuất hiện trợ lực. Một tên mặc áo lam tiếp tục đẩy linh mục Lợi vào nhà cách thô bạo và cứ giọng điệu dối trá: "Tôi không dính dáng chi tới công an cả! Chủ nợ thuê tôi giữ không cho ông đi"

Ảnh hai thanh niên được cho là người của công an điều động để cản trở linh mục Phan Văn Lợi ra khỏi nhà

Rốt cuộc cuối cùng linh mục Phan Văn Lợi vẫn không thể ra khỏi nhà, đành phải để cha Quý đi một mình.
Ngay sau đó vài ngày công an Thừa Thiên Huế tiếp tục ngăn cản quyền đi lại của linh mục Phan Văn Lợi. Theo thông tin từ linh mục Lợi, Chiều ngày - Chúa nhật 13-11-2016, có thánh lễ đồng tế tại nhà thờ chánh tòa Phủ Cam. Vì lo sợ công an chặn lại không cho ra khỏi nhà như hôm 08-11 tôi đã nhắn với một số linh mục hãy đến thăm tôi, nhân tiện dẫn tôi lên nhà thờ. Một vị đã tới cùng với một huynh trưởng đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể, nên công an đã không thể chặn đường tôi được.
Không dừng lại ở đó lúc 23h đêm, có 4 tên mặc thường phục, đeo khẩu trang, đi xe máy đến để xe cạnh một nhà hàng xóm, rồi tỏa ra chung quanh, ném đá vào nhà linh mục rầm rầm. Hậu quả là cửa kính dày trên gác nhà của linh mục bị vỡ, bát đĩa và một số vật dụng khác cũng vỡ tan.

Ảnh nhóm côn đồ ném rác vào nhà linh mục Phan Văn Lợi ở Huế

Được biết đây là lần thứ 3 công an Thừa Thiên-Huế chơi trò bẩn này đối với linh mục Lợi. (lần nhất ngày 22-07-2015, lần hai ngày 14-08-2016).
Từ năm 2001 đến 2004, công an Thừa Thiên-Huế đã từng chặn đường linh mục Lợi như thế. Nay họ tái áp dụng biện pháp này. Nhưng chuyện vu khống "nợ nần" là chiêu trò mới của họ. Cũng nhắc lại là trong mấy tháng gần đây, công an đã 4 lần đổ keo 502 vào khóa cổng nhà linh mục, thậm chí một lần còn đổ keo vào khóa cổng nhà cậu em ngay bên cạnh.

Trường hợp vi phạm thứ 4: Chính quyền huyện Cư Kuin, Đăk Lăk âm mưu chiếm đoạt đất của giáo xứ Vinh Hòa, giáo phận Ban Mê Thuột
Mới đây ngày 12/11, tại giáo xứ Vinh Hòa, một giáo xứ của những giáo dân gốc địa phận Vinh dư cư năm 1956, nhà cầm quyền huyện Cư Kuin, tỉnh Đăk Lăk đang ngày đêm lên sức ép các Linh mục, thậm chí dùng mọi thủ đoạn dơ bẩn hèn hạ hòng tước đoạt vùng hồ của giáo xứ có tên là hồ Vinh Hòa.
Giáo Xứ Vinh Hòa thuộc GP Ban Mê Thuột, nằm về hướng Đông Nam dọc theo QL 27 (trước đây QL21 kép), cách thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk 15km, thuộc xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đăk Lăk. Giáo xứ Vinh Hòa chính thức được thành lập ngày 27/9/1956.
Nằm trên một vị thế khá đẹp chính vì lẽ đó mà chính quyền nơi đây viện ra đủ thứ loại luật về đất đai để đe dọa Cha xứ và giáo dân Vinh Hòa hòng chiếm đoạt mảnh đất này. Họ lợi dụng đêm tối đến cắm mốc đổi tên bảng hồ Vinh Hòa thành hồ Trung Hòa với ý định “công cộng hóa” hồ Vinh Hòa để tiến đến việc lập dự án, quy hoạch rồi sau cùng là phân lô bán chia chác hoặc là biến thành một khu du lịch sinh thái cho tư nhân thuê.

Trường hợp vi phạm thứ 5: Một người tu hành bị Bộ công an bắt giam
Trưa ngày 16.11.2016, khoảng 40 công an đến lục soát và bắt anh Phan Trung tại nhà riêng ở Đức Trọng, Lâm Đồng. Vì anh sống một mình trong nhà nên việc bắt giam không có người thân chứng kiến. Anh Phan Trung, sinh năm 1976, xuất gia đi tu được 10 năm. Quê quán: Bảo Lâm, Lâm Đồng. 10 năm nay anh sống tại nhà riêng tại Đức Trọng, Lâm Đồng và lập nơi thờ tự tại đây. Mục sư Chen cũng cho biết, qua những lần tiếp xúc, được biết anh Phan Trung thấy người dân sống khổ và không được bình đẳng nên mong muốn đất nước có tự do, dân chủ, nhân quyền.

Ngày 18.11, gia đình anh Phan Trung có đến công an huyện hỏi thăm tin tức thì được biết anh Phan Trung bị bắt theo lệnh của công an bộ và đã chuyển anh về Tp.HCM tạm giữ.

Trường hợp vi phạm thứ 6: Chính quyền Huế ép buộc các thầy Dòng Lasan phải rời đi
Thông báo khẩn: Hôm nay 22.11.2016, Nhà cầm quyền Huế kéo đến quyết liệt ép buộc các thầy thuộc dòng Lasan Huế phải rời đi.
Trước đó có thông tin về việc chính quyền có thể cướp đất và tài sản của Dòng La San tại Huế vào cuối tháng 09.2016.
Hiện giờ nơi này chỉ có một Thầy trông coi nhưng mới đây có người đến báo với thầy rằng sớm muộn họ sẽ cưỡng chế. Trước đây các bạn trẻ và sinh viên đến đây để sinh hoạt nhưng bị nhà cầm quyền ngăn cản. Vì khu đất đang bị chiếm dụng nên các Linh mục và mọi người không được dâng Thánh lễ tại đây. Sau năm 75 chính quyền thuê đất lại của Dòng, nhưng sau đó không trả mà lấy luôn.
Dòng La San là một Dòng Tu chuyên về Giáo dục, Y tế, trước năm 1975, Dòng La San có nhiều cơ sở Giáo dục và Y tế thuộc chủ quyền của mình. Sau 75 thì cộng sản chiếm và đuổi các Thầy ra khỏi tu viện.
Những cơ sở của Dòng La San tại Đà Lạt, Sài Gòn, Huế đã bị cộng sản cướp đi với cái gọi là "quốc hữu hóa". Sau năm 1975 thì Dòng La San bị kiệt quệ cả về cơ sở và con người.
Trước năm 1954, Dòng La San có sự hiện diện ở miền Bắc, biến cố tị nạn cộng sản 1954 từ Bắc vào Nam thì Dòng La San cũng là nạn nhân.

Trường hợp vi phạm thứ 7 An ninh Hà Nội vi phạm quyền tự do tôn giáo
Chúng tôi nhận được thông tin từ một trường đại học tại Hà Nội, an ninh Hà Nội đã yêu cầu trường đại học này lấy thông tin sinh viên Công giáo đang sinh hoạt tôn giáo tại nhà thờ Thái Hà hay tại nhà thờ khác trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Việc lấy thông tin chi tiết tôn giáo và việc sinh hoạt tôn giáo của sinh viên cho thấy an ninh Hà Nội đang vi phạm đến quyền tự do tôn giáo của người dân và việc chỉ lấy thông tin đối với sinh viên Công giáo cho thấy có sự đe dọa của an ninh đối với sinh viên Công giáo.

Ảnh chụp công văn yêu cầu lấy hồ sơ học sinh sinh viên theo đạo Công giáo tại Hà Nội

Yêu cầu cụ thể được gửi tới phòng ban BM (Bộ Môn), các GVCN (Giáo Viên Chủ Nhiệm) các trường đại học như sau:

Kính gửi lãnh đạo các phòng ban bộ môn, các giáo viên chủ nhiệm
Theo yêu cầu bảo vệ an ninh chính trị của Phòng an ninh chính trị nội bộ - Bộ công an TPHN đề nghị nhà trường báo cáo tình hình HSSV theo Công giáo đang học tại trường, đề nghị các GVCN cho họp lớp và lên danh sách theo mẫu sau:
DANH SÁCH HỌC SINH – SINH VIÊN CÔNG GIÁO LỚP:
- STT
- Họ tên
- Địa chỉ nơi ở hiện tại
- Quê quán
- Sinh hoạt tại dòng chúa Thái Hà
- Sinh hoạt tai dòng chúa khác (Tên)
- Lớp nào không có gửi báo cáo không có HSSV nào.
Đề nghị các lãnh đạo bộ phận đôn đốc các GVCN thực hiện khẩn trương nộp về PĐT trước 16g30 T4 30/11/2016.
Việc lấy hồ sơ học sinh – sinh viên như thế này là việc làm sai trái xâm phạm đến quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng của học sinh sinh viên.

3/ Tháng 12 có những trường hợp vi phạm sau:

Trường hợp thứ 1: Dòng La San – Huế tiếp tục gửi đơn kêu cứu khẩn cấp về việc chính quyền Huế có ý định cưỡng chế khu đất của nhà Dòng.Bottom of Form
Dòng La San trong tháng Mười Một đã gửi “đơn kêu cứu khẩn cấp” đến các cấp cầm quyền, và lãnh đạo Giáo hội về khu đất 60.000m2 của dòng ở số 1 Lê Lợi, thành phố Huế. Đây là dòng tu thứ hai ở Huế, sau đan viện Thiên An, kêu cứu về vấn đề tranh chấp đất đai với nhà chức trách.
Khu đất số 1 Lê Lợi hiện đang nằm trong dự án xây dựng Học viện Quốc gia Âm nhạc Huế. Tuy nhiên đại diện tỉnh dòng La San ở Huế, tu sĩ Lê Văn Phượng, cho biết nhà dòng đã “không được bồi thường hay hỗ trợ” gì khi nhà nước nắm quyền sử dụng tài sản trên.
Thậm chí, Thủ tướng chính phủ vào năm 2008 ban hành quyết định chuyển toàn bộ khu đất mà “UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đang mượn [của dòng La San] sử dụng sang cho Bộ Văn Hóa Thể Thao với giá trị quy thành tiền là” gần 400 tỷ đồng.
Tu sĩ Phượng cho biết thêm, Dòng La San Huế được các tu sĩ xây dựng từ năm 1902 với diện tích đất trên 60.000 mét vuông, để mở trường Tư thục Bình Linh ở số 1 Lê Lợi. Sau biến cố 1975, vào ngày 15/8/1975, đại diện dòng La San ở Huế cùng đại diện Ty Giáo Dục tỉnh Thừa Thiên Huế ký “bản Hợp đồng sử dụng trường Bình Linh” trong thời hạn 5 năm, để mở trường Bổ túc Văn hóa. Nhưng sau thời hạn 5 năm, tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục chiếm dụng và sử dụng cơ sở trên cho các mục đích khác. Và đến năm 2011, UBND tỉnh ký quyết định thu hồi đất cho dự án xây dựng Học viện Âm nhạc. Trong tháng 11, giới chức trách Huế đã tiến hành đo đạc để tiến tới việc thu hồi toàn bộ khu đất. Đại diện dòng La San khẳng định “không phản đối dự án xây dựng viện âm nhạc”, nhưng chỉ yêu cầu “UBND tỉnh cấp lại cho dòng La San một nơi mới với diện tích đất thỏa đáng, bồi thường hỗ trợ giá và cho phép dòng mở trường học phục vụ người dân ở Huế, đặc biệt là người nghèo theo tôn chỉ của nhà dòng.”
Từ năm 1995, dòng La San đã liên tục gửi đơn khiếu nại đến các cấp cầm quyền, nhưng tu sĩ Phượng nói “mọi hồi đáp đều cho thấy một phân xử không công bằng và thiếu tôn trọng sự thật.”

Trường hợp vi phạm thứ 2: Mục sư Nguyễn Công Chính bị giấu biệt tích
Theo thông báo của Giáo Hội Liên Hữu LuTheran Việt Nam – Hoa Kỳ. Văn phòng Ban Thường Trực Giáo hội này vừa nhận được tin báo của Cô Trần Thị Hồng phu nhân MS Nguyễn Công Chính chia sẻ như sau:Vào sáng ngày 12/12 cô Hồng đến trại giam An Phước tỉnh Bình Dương thăm nuôi chồng. Cán bộ trại giam bảo cô chờ đợi xin ý kiến cấp trên. Họ không mở cửa nhà chờ cho cô tạm nghỉ mà̀ để cô Hồng ngồi ngoài mưa suốt 3 giờ đồng hồ. Đồ ăn và những vật dụng thăm nuôi bị mưa làm hư hỏng hết. Đến 11h trưa công an ra bảo ông Chính đã bị chuyển đi chỗ khác rồi không có ở đây. Cán bộ trại giam chỉ nói chuyển đến Đồng Nai nhưng không cho địa chỉ cụ thể, khiến vợ của mục sư Chính lo lắng không biết số phận ông ra sao.
Như các báo cáo trước đã đưa tin gần một năm qua công an trại giam thường xuyên sách nhiễu, khủng bố tinh thần, thể xác ông MS Chính trong nhà tù. Bên ngoài thì tại quê nhà công an 3 cấp gồm tỉnh Gia lai, Tp Pleiku, phường Hoa Lư liên tục khủng bố tinh thần thậm chí đánh đập vợ, con ông. Bây giờ thì họ đem Muc sư Chính đi giấu nơi đâu không cho vợ, con gia đình biết.

Trường hợp vi phạm thứ 3: Chính quyền Lâm Đồng có ý định cưỡng chiếm khu đất của Dòng Chúa Cứu Thế Đà Lạt
Những ngày của nửa đầu tháng 12/2016, chính quyền tỉnh Lâm Đồng đã tìm cách thực hiện quyết tâm chiếm hoàn toàn tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Đà Lạt, tọa lạc trên đồi Tùng Lâm với diện tích trên 20 hecta.
Hiện nay họ đã chiếm hoàn toàn tu viện để làm nhà trưng bày cho Viện sinh thái Tây Nguyên, và xây Viện mới trên đất này. Gần đây họ tiến hành phân lô đất để bán hay chia trên toàn khu đất đối Tùng Lâm.
Tối ngày 14/12, giáo dân giáo xứ Tùng Lâm đã đến ngăn cản việc làm tiếp tục xâm chiếm này. Sau một hồi giành co, cuối cùng đã đi đến một bản cam kết.

Ảnh: Giáo dân Tùng Lâm tập trung kiên quyết giữ lại mảnh đất của nhà Dòng

Công Ty Chăn Nuôi Gà ngưng hoàn toàn các hoạt động cho tới khi có sự giải quyết thỏa đáng giữa Giáo xứ Chúa Cứu Thế - Tùng Lâm và các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Pháp luật. Tuy nhiên vẫn cần dư luận quan tâm và lên tiếng kịp thời nếu không cơ sở tôn giáo này sẽ bị cưỡng chiếm như những cơ sở tôn giáo khác của Dòng tu này từng bị cưỡng chiếm ở các khắp nơi.

Trường hợp vi phạm thứ 4: Các cán bộ xã Lâm Hóa – Tuyên Hóa – Quảng Bình sách nhiễu linh mục Trương Văn Vút không cho linh mục này phát quà cho bà con vùng bị lũ quét.
Ngày 19/12 đoàn thiện nguyện do linh mục Trương Văn Vút dẫn đoàn đến thăm và trao quà cho một số bà con ở khu vực xã Lâm Hóa bị lũ quét. Tuy nhiên khi đến nơi thì bị cán bộ xã gây khó khăn không cho phát quà và yêu cầu đoàn không được tiếp tục ở lại đây. Linh mục Vút cho biết: ông cán bộ ở đây tự đặt ra quy định “muốn phát quà thì phải thông qua xã không được tùy tiện phát ở đây”. Sở dĩ việc phát trực tiếp cho người dân mà không qua chính quyền địa phương vì đã có quá nhiều vụ việc được truyền thông phanh phui rằng cán bộ xã ăn chặn tiền và quà từ thiện của người dân.
Sự việc này nhằm ngăn chặn sự có mặt và sự ảnh hưởng của các tôn giáo đối với người dân. Đây là một việc làm thể hiện sự kìm hãm phát triển tôn giáo của nhà cầm quyền và việc can thiệp quá sâu vào công việc của các tôn giáo muốn làm đối với tín đồ của họ.

Trường hợp vi phạm thứ 5Lực lượng công an ngăn cản các thành viên của Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo Thuần Túy tham dự ngày sinh nhật của Đức Huỳnh Giáo chủ.
Ngày 23/12 các tín đồ của Phật Giáo Hòa Hảo Thuần Túy kỷ niệm ngày sinh nhật của Đức Huỳnh Giáo chủ (còn gọi là ngày Đản Sinh) đây được coi là ngày Chính Lễ nhưng nhóm tín đồ này lại bị lực lượng công an lại tiếp tục ngăn cản và hạn chế các thành viên GHPGHHTT tham gia ngày Đại lễ.
Theo nguồn tin từ Ông Hà Văn Duy Hồ -Thành viên Ban tổ chức điểm Lễ chính GHPGHHTT tọa lạc tại Chợ Mới- cho biết: Sáng ngày 23/12 công an tỉnh An Giang lại tiếp tục đóng chốt canh giữ hai đầu điểm lễ, ngăn chặn các đồng đạo về tham dự lễ.

Hình ảnh do nhóm truyền thông Phật Giáo Hòa Hảo cung cấp

Bà Dương Thị Tròn (cựu tù nhân Tôn giáo) cùng một số đồng đạo tỉnh Đồng Tháp đi gần đến bến đò Sóc Chét - Chợ Mới - An Giang bị lực lượng an ninh ngăn không cho qua đò và cấm đò chạy.
Ngày hôm đó các thành viên Giáo Hội PGHHTT đều bị an ninh đeo bám để ngăn cản tụ họp lại hoặc về điểm lễ chính ở Chợ Mới. Ông Bùi Văn Luốt Hội Trưởng Ban Trị Sự GHPGHHTT tỉnh Vĩnh Long cho biết.
Việc ngăn cản GHPGHHTT và đồng đạo tổ chức, tham dự ngày Đại lễ này đã nói lên việc chính phủ Hà Nội tiếp tục vi phạm nhân quyền về lĩnh vực Tôn giáo.

Trường hợp vi phạm thứ 6:Công an huyện Phù Yên tỉnh Sơn La đòi trục xuất Đức Cha Anphong Nguyễn Hữu Long
Theo thông tin từ facebook Anh Tran Ngoc cho biết: ngày 23/12 anh Đinh Công Hiếu công an huyện Phù Yên, Tỉnh Sơn La - phụ trách xã Suối Bau, bản Suối Chèo đòi trục xuất Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long giám mục phụ tá của Giáo phận Hưng Hóa ra khỏi xã Suối Bau vì Đức cha đến dâng lễ mừng Chúa Giáng Sinh cho các anh em dân tộc H'mông tại nơi đây.
Sự việc trên cho thấy những vi phạm tự do tôn giáo trắng trợn của chính quyền đối với những khu vực vùng sâu vùng xa. Ở những khu vực như thế này, tình hình tự do tôn giáo luôn bị kìm hãm từ phía chính quyền. Hôm nay, vị giám mục Công giáo còn bị trục xuất thì không hiểu những linh mục ở đây làm sao có thể tự do tổ chức Thánh Lễ vào mỗi Chúa nhật.

Trường hợp vi phạm thứ 7: Đoàn từ thiện của Tăng Đoàn bị sách nhiễu và ngằn cản cứu trợ tại tỉnh Quảng Nam
Theo thông tin từ Hòa Thượng Thích Không Tánh cho biết Sáng ngày 21/12/2016, lúc 9h, Đoàn chúng tôi gồm: Hòa thượng Thích Không Tánh, ĐĐ. Thích Đồng Hoàn, sư cô Thích nữ Đồng Tâm, sư cô Thích nữ Nguyên Liên, Sa di Nhật Chánh và huynh trưởng Nguyễn Chiến lên đường đến xã Sơn Thành, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi, để phát quà cứu trợ lũ lụt cho bà con sắc tộc thiểu số.
Chúng tôi được biết, cuộc sống bà con dân tộc H’rê miền núi này chịu nhiều thiếu thốn khổ cực, nhất là do nạn lũ lụt vừa qua.
Tuy nhiên, ông chủ tịch xã Sơn Thành đã ngăn cản, buộc chúng tôi phải về xã làm việc, phải đăng ký, khai báo và phải chờ kết quả giải quyết là có cho phát quà hay không?
Đoàn của Hòa thượng không chỉ bị chính quyền địa phương xã Sơn Thành, tỉnh Quảng Ngãi này đã cố ý ngăn cản việc thăm hỏi, chia sẻ và cứu trợ của đoàn chúng tôi với bà sắc tộc nơi đây, mà còn bị sách nhiễu bởi an ninh và công an giao thông của chính quyền địa phương xã này. Đây là một hành vi đáng lên án mà trong mục Video trang nhà của Tăng Đoàn, chúng tôi có phổ biến rõ sự kiện này.

Chèn_tiêu_đề_của_ảnh_vào_đây

Điều đáng nói, các cháu nhỏ dân tộc miền núi khi hay tin Đoàn về phát quà nên đã tập trung hơn 100 em. Hòa thượng Thích Không Tánh đã bất chấp sự ngăn cản của nhà cầm quyền địa phương, tranh thủ phát hết 2 thùng bánh kẹo cho các cháu, đồng thời cũng biếu được 70 phần quà cho bà con sắc tộc đang đứng xung ngài.
Sau đó Đoàn đến tỉnh Quảng Nam (lần 2), thăm hỏi, chia sẻ khó khan do lũ lụt và biếu 100 phần quà (200 ngàn/1 phần) cho quý tín hữu Thánh Thất Cao Đà - xã Bình Quý, huyện Thăng Bình.5 giờ chiều cùng ngày, Đoàn đã đến chùa Bửu Hiệp, huyện Đại Lộc, Quảng Nam để thăm hỏi, chia sẻ và biếu 385 phần quà (200 ngàn/1 phần) cho bà con bị nạn lũ lụt, huyện Đại Lộc.

Trường hợp vi phạm thứ 7: Bất chấp mùa Giáng Sinh, chính quyền Quảng Bình cưỡng chế đất nghĩa trang Giáo xứ Xuân Hòa
Vào khoảng 11 giờ trưa ngày 23 tháng 12 năm 2016, chính quyền huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình đã huy động lực lượng công an, cảnh sát cơ động và công nhân cầu đường phá hủy nghĩa trang của người dân xứ Xuân Hòa ở xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình. Việc này đã xảy ra ẩu đả, ném đá, dẫn đến có người bị thương phải cấp cứu.
Một người dân địa phương cho biết: “Nhà cầm quyền huyện Quảng Xuân đã cho công ty cầu đường thi công làm một con đường đi qua nghĩa trang của người dân xứ Xuân Hòa. Tuy nhiên, vì nghĩa trang là nơi chôn mồ mả của ông bà tổ tiên nên người dân không ai đồng ý. Phía nhà cầm quyền cũng không có đền bù thiệt hại nào cho người dân, vì vậy mà quá trình tranh chấp đã diễn ra lâu nay.
Ông Trầm còn cho biết thêm: “Cách đây không lâu, phó thủ tướng Chính phủ, ông Trương Hòa Bình đã tới giáo xứ Xuân Hòa để gặp Linh mục Phê-rô Mai Xuân Ái, cha chánh xứ Xuân Hòa và có hứa là đầu tháng 01/01/2017 tới đây sẽ có công văn chính thức của chính phủ về việc của khu đất nghĩa trang giáo xứ.”
Vào tháng 11/2015, bà con giáo xứ Xuân Hòa đi tảo mộ nhằm làm sạch khuôn viên nghĩa trang. Chiều cùng ngày, một nhóm thanh niên xã Quảng Hưng đã dùng hung khí chặn đánh 4 người dân xứ Xuân Hòa bị thương nặng. Đến tháng 10/2016 vừa qua, người dân xứ Xuân Hòa tiếp tục phát giác nhiều ngôi mộ đã bị đào bới, bị đập phá phần mộ và lễ đài cùng tượng Chúa Giêsu đã bị đập phá.

Trường hợp vi phạm thứ 8: Giáo hội Tin lành Lutheran không được tổ chức Giáng Sinh
Giáo Hội Tin Lành Lutheran Việt Nam Hoa Kỳ, được biết đến qua Mục sư Nguyễn Công Chính với bản án 11 năm tù giam, sẽ không được phép tổ chức lễ Giáng Sinh năm nay.
Hôm 22/12, một thầy truyền đạo người dân tộc trong giáo hội này bị đánh vì phản đối lệnh triệu tập cũng như lệnh cấm tổ chức lễ Giáng Sinh. Người này bị công an trao khảo và cấm tổ chức Giáng Sinh
Bà Trần Thị Hồng vợ Mục sư Nguyễn Công Chính cho biết: “Từ ngày 15/12 cho đến ngày hôm nay những anh em đồng đạo trong Giáo Hội Tin Lành Lutheran Việt Nam Hoa Kỳ chúng tôi, đặc biệt một số anh em ở tình Đak Lak, ngày nào cũng bị công an tỉnh Dak Lak bắt lên khảo tra và cấm anh em chúng tôi không được thờ phượng, không được tổ chức lễ Giáng Sinh trong mùa lễ này.
Anh em không đồng ý thì công an tỉnh Dak Lak dùng vũ lực đánh đập, đó là tin tôi mới được báo lại. Khi họ đưa giấy mời thì chúng tôi vẫn có giấy mời và ngày giờ đàng hoàng, nhưng khi lên trên đó làm việc thì họ cấm anh em bằng miệng và họ không có văn bản.”
Công an tỉnh Dak Lak bắt thầy truyền đạo Y Khen và đánh đập thầy rất dã man. Thầy Y Khen B’đáp là người dân tộc Ê-đê. Y Khen B’Đáp và Y Ven là hai thầy ở Dak Lak, nhưng người bị đánh ở đây là thầy Y Khen.
Bà Trần Thị Hồng cho biết Hội Thánh của bà đã từng ra đến chính phủ để mà đăng ký về tư cách pháp nhân rồi nhưng chính phủ nói đợi thời gian xem xét, cuối cùng thì bị công an địa phương đàn áp.
Cho nên khi đến mùa lễ Giáng Sinh thì nhóm của bà chỉ thờ phượng một cách âm thầm, chứ còn đến đăng ký thì họ không bao giờ cho phép.
Đây là những hành động xâm phạm quyền tự do tôn giáo một cách nghiêm trọng của chính quyền tỉnh Đắc Lắc đối với nhóm Tin Lành Latheran Việt Nam – Hoa Kỳ.

PHẦN 2: ĐÁNH GIÁ CHUNG

Qua các thống kê vi phạm tự do tôn giáo cho thấy, tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam vẫn còn hạn chế rất nhiều từ phía chính quyền.

Các vụ vi phạm liên tiếp xảy ra đối với những tôn giáo nhỏ lẻ chưa được công nhận như Phật Giáo Hòa Hảo Thuần Túy hay Phật Giáo Thống Nhất, các nhóm Tin Lành nhỏ lẻ hoạt động truyền giáo ở vùng sâu vùng xa. Tình hình Đạo Công Giáo cũng không khá hơn khi liên tiếp các vụ cướp đất đai của các nhà Dòng, hay nhà thờ giáo xứ cũng vẫn diễn ra. Bên cạnh đó, các linh mục thậm chí Đức Cha của một giáo phận cũng bị gây khó dễ khi đi dâng lễ cho bà con các khu vực vùng sâu vùng sa. Điều đó cho thấy rằng một số cơ quan trực thuộc chính phủ Việt Nam vẫn bất chấp Hiến pháp xâm phạm quyền tự do tôn giáo của Công dân.
Luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016 được thông qua nhưng có nhiều nhu cầu trong sinh hoạt tôn giáo của người dân chưa được bộ luật này quan tâm và đáp ứng đúng mức, dù đã được đề xuất. Hơn nữa, còn có thể nói bộ luật này có những bước thụt lùi so với những Dự thảo trước đây, ví dụ về việc tham gia của các tổ chức tôn giáo vào lĩnh vực giáo dục, y tế và bác ái xã hội.




No comments: