Tuesday, April 5, 2016

T.VẤN : DÒNG NHẠC KỶ NIỆM VỚI NHẠC CŨ MIỀN NAM (TV và BH)





12/17/2015

Trong một chuyến về thăm quê nhà gần đây nhất, tôi lại được người Sài Gòn cũ gởi gắm hồn của những người trẻ năm xưa còn sống ở quê nhà. Trẻ năm xưa nhưng nay đã là những ông bà lão tóc hai màu. Dầu vậy, hồn Sài Gòn cũ vẫn như ngày nào trước khi có cuộc đổi đời. Nó không mất, không bị “cải tạo”. Nó vẫn sừng sững tồn tại trong những ấn phẩm văn hóa trước 1975 sống sót qua cuộc phần thư tàn khốc. Nó sống sót được là nhờ ở lòng dân. Nhờ vậy, hôm nay đây tôi may mắn “sở hữu” hồn Sài Gòn ấy qua kho tài sản vô giá : hàng mấy trăm bài nhạc cũ in trước 1975, với cả thủ bút , chữ ký của các nhạc sĩ tác giả, với cả những hàng chữ viết tay của người chủ sở hữu năm xưa ghi lại kỷ niệm của riêng mình.
Họ trao lại cho tôi vì sợ rằng kho tài sản ấy sẽ mai một đi nếu không có người hết lòng chăm sóc.Và gìn giữ. Và nhất là vì kho tài sản ấy tồn tại được sau một cuộc phần thư “long trời lở đất”. Nay họ không thể nào đành lòng nhìn chúng bị mối mọt tàn phá chỉ vì không còn đủ sức giữ gìn.

Là người được gởi gắm, tôi có nghĩa vụ phải làm cho những ấn phẩm chứa hồn Sài Gòn cũ ấy sống mãi với thời gian và đến được với nhiều người, nhiều nơi, cả Việt Nam hôm nay lẫn thế giới.

Thế là trong đầu tôi hình thành chuyên mục “ Dòng Nhạc Kỷ Niệm “ ngay lúc ngồi lặng người cầm từng bản nhạc mang đầy dấu vết thời gian hơn 40 năm giữa cái nóng hầm hập của căn nhà nhỏ cũ kỹ và tai nghe tiếng thổn thức cố nén của những vị chủ nhân đang ngậm ngùi chia tay kỷ niệm một thời tuổi trẻ của mình.

Trên trang TV và BH, chúng ta đã có chuyên mục “Tù Khúc “ lưu trữ gần 80 bài tù ca, với những ghi chép, giai thọai liên quan đến tâm tình của những người tù cải tạo ở một đọan đời nhiễu nhương nay đã trở thành một phần không thể thiếu của lịch sử cận đại nước nhà.

Chúng ta cũng đã có phần lưu trữ “ 70 năm tình ca trong tân nhạc Việt Nam “, một công trình đồ sộ và quý báu của nhà báo Hòai Nam về nhạc tình Việt Nam trong suốt chiều dài 70 năm mà phần chính yếu nhất nằm ở giai đọan trước năm 1975 tại miền nam Việt Nam.

Nối tiếp công việc phổ biến và lưu trữ những công trình văn hóa và lịch sử , và vì món nợ cá nhân nêu trên, chuyên mục “Dòng Nhạc Kỷ Niệm “ có mặt như một đóng góp nhỏ bé vào việc bảo tồn một nền văn hóa mà kẻ thắng trận năm 1975 đã phát động “ một cuộc phần thư với mưu toan chôn vùi lịch sử trong những đống tro tàn, chôn vùi những thành tựu văn hóa của một nửa nước Việt Nam vì sợ rằng với tính đa dạng, phóng khoáng, nhân bản và tự do của nó, kẻ thắng trận trên mặt trận quân sự sẽ trở thành kẻ bại trận ngay trên mảnh đất mình vừa chiếm đoạt trên một mặt trận khác . Nhưng vô ích. Những thứ tôi đang có trên tay là một chứng minh. Chúng đã sống sót như chúng tôi đã sống sót. Với sự bảo bọc nuôi dưỡng của lòng dân.” ( T.Vấn – Sài Gòn và những trang sách cũ ).*

Và mới đây nhất, người nhạc sĩ trẻ Tuấn Khanh hiện sống ở trong nước đã nói lên điều chính anh nhận thấy bằng con mắt của người Sài Gòn, dù là người Sài Gòn sinh ra và trưởng thành sau biến cố kinh người tháng tư năm 1975 :

“ . . . hàng ngàn bài hát của nền văn hoá miền Nam trước năm 1975 vẫn sống và lay động lòng người bất chấp rêu phong thời cuộc. Những bài hát đó vẫn góp tiếng vào thị trường thương mãi âm nhạc, nhưng được viết ra bằng sự chia sẻ, bằng cách kết nối sự cảm thông của thành thị và thôn quê, của con người biết đau từng nỗi đau của nhân thế. Khác với mua bán và giải khuây, những bài hát đó là lịch sử và văn hoá của một thời kỳ, nó giảng giải một cách đơn giản về chiến tranh và mất mát, chia sớt nỗi buồn của thân phận và nghịch cảnh quê hương mà không có chương trình lịch sử nào có thể sánh bằng. Vi vậy, dù đã nghe biết bao lần, trái tim ta vẫn diệu vợi khi thưởng thức, như chỉ mới vừa biết một tình khúc nào đó, lần thứ nhất trong đời.
Cuộc đời khép mở bất tận. Hôm qua, có những bài hát bị giày xéo và nguyền rủa, thì hôm nay chúng lại được trang hoàng lộng lẫy, gọi mời trở lại. Không ai có thể tự giày xéo mình đau thương bằng chính mình, cũng như chỉ có chế độ kiểm duyệt mới có thể cắt ứa máu linh hồn và trí tuệ của chính dân tộc mình.
Có người nói rằng dẫu muộn, thì việc chấp nhận phần văn hoá miền Nam Việt Nam đó vẫn còn hơn không. Nhưng ai biết được, rằng cuộc quay lại đó, là huy hoàng đón nhận hay chỉ là lời chào kết thúc. . . “ ( Nhạc sĩ Tuấn Khanh –VN) “

Chuyên mục “Dòng Nhạc Kỷ Niệm “ trên TV&BH sẽ là một công trình dài hạn. Mỗi kỳ chúng tôi sẽ giới thiệu một bài nhạc, với phần phóng ảnh của Bìa Trước, Bìa Sau , hai trang ghi nhạc và lời bên trong. Kèm theo đó sẽ là phần sưu tập audio, tức bài nhạc được hát bởi một ca sĩ. Chúng tôi sẽ cố sưu tập bản nhạc được hát bởi một ca sĩ miền Nam trước 1975 để ý nghĩa bảo tồn được trọn vẹn, dù rằng cũng bản nhạc đó, với phần kỹ thuật, phối âm , phối khí và ca sĩ trẻ hơn thực hiện tại hải ngọai sau này có hay hơn nhiều. Mặt khác, như tên gọi “Dòng Nhạc Kỷ Niệm”, nghe một bản nhạc cũ bằng chính âm thanh cũ của ngày xưa, là sống lại kỷ niệm về một đoạn đời cùng với những niềm vui, những nỗi buồn của riêng mỗi người . Chúng ta nghe nhạc là nghe kỷ niệm , nhờ kỷ niệm, âm thanh bài nhạc ở lại trong hồn lâu hơn, sâu hơn, đằm thắm hơn.Do đó, ở đây không có chỗ cho những thẩm định chủ quan nhạc hay, nhạc dở, nhạc sang, nhạc sến, nhạc nghệ thuật, nhạc thương mại v.v..

Hiện tại, chúng tôi sở hữu trong tay gần 300 bản nhạc in tại miền Nam Việt Nam trong khỏang thời gian từ 1951 cho đến năm 1975 của các nhạc sĩ mà tên tuổi của họ đã rất quen thuộc với người yêu nhạc. Mỗi bản nhạc được in trên giấy cứng, khổ giấy lớn, bìa là những tác phẩm vẽ minh họa của những họa sĩ nổi tiếng một thời : Duy Liêm, Kha Thùy Châu ; hoặc hình những ca sĩ nổi tiếng đương thời, do những nhà xuất bản và trung tâm phát hành như Sóng Lúa, Tinh Hoa, An Phú, Mỹ Hạnh ..v.. in ấn. Với phương tiện kỹ thuật hiện nay, bản phóng ảnh dưới dạng phổ thông JPEG được giới thiệu trong mỗi kỳ sẽ cho người xem được nhìn thấy rõ nét dấu vết thời gian trên các ấn phẩm , tuy không sờ tay vào được và mũi không ngửi được mùi giấy cũ ẩm mốc. Bù lại, chúng ta sẽ được nghe phần âm thanh của bài nhạc trong lúc “cầm” bản nhạc bằng mắt, miệng có thể lẩm nhẩm hát theo với bản nhạc có ghi nốt nhạc và lời trước mặt.

Ngòai gần 300 bản nhạc rời nói trên, chúng tôi còn có một tuyển tập nhạc được đóng rất cẩn thận, giấy còn cứng như mới. Đặc biệt, ở mỗi bản nhạc có một trang giấy trắng kèm theo, trên đó là chữ ký và thủ bút của tác giả bản nhạc với lời đề tặng chủ nhân tập nhạc. Chúng tôi sẽ kèm theo cả phóng bản trang đặc biệt này khi giới thiệu bản nhạc trong tập này, nhưng để tôn trọng sự riêng tư của chủ nhân, chúng tôi sẽ che đi phần tên của chủ nhân ( nếu có ).

Việc giới thiệu bản nào trước bản nào sau trong kho tài liệu 300 bài nhạc chúng tôi có trong tay hoàn toàn do ngẫu nhiên, không theo một thứ tự năm tháng phát hành hay tên tác giả nào, và vì chỉ giới hạn trong số tài liệu chúng tôi thực sự có trong tay nên chắc chắn sẽ không đầy đủ so với di sản âm nhạc miền Nam dưới dạng âm thanh hiện đang được lưu trữ trong thế giới ảo.

Nhân đây, chúng tôi cũng xin những trang mạng âm nhạc Việt Nam cho phép chúng tôi được sử dụng những tài liệu âm thanh mà các trang mạng đó lưu trữ, cũng như các hình ảnh liên quan , để mỗi bài nhạc chúng tôi giới thiệu và lưu trữ được phong phú về giá trị bảo tồn, phục vụ đông đảo giới thưởng ngọan khắp nơi trên thế giới.

Xin trân trọng giới thiệu chuyên mục “Dòng Nhạc Kỷ Niệm “ với thân hữu và độc giả của trang T.Vấn & Bạn Hữu.

Tháng 12 năm 2015
T.Vấn

*Trong lúc chuẩn bị sắp xếp và thực hiện những việc cần thiết để giới thiệu chuyên mục “Dòng Nhạc Kỷ Niệm” trên TV&BH thì chúng tôi nhận được bản tin do một người bạn chuyển nói về chợ phiên đấu giá sách quý hiếm do NXB Nhã Nam tổ chức sáng 20-9 tại Sài Gòn , nơi đã từng xẩy ra những cuộc đốt sách báo của miền Nam và bắt kẻ sĩ đi tù của bên tháng trận hồi năm 1975.

Trong số những ấn phẩm đem ra bán đấu giá , chúng tôi nhận thấy có vài bản nhạc của Sài Gòn cũ ( tương tự như những bản nhạc chúng tôi sẽ giới thiệu trong chuyên mục “Dòng Nhạc Kỷ Niệm” ) như dưới đây.

15 ấn phẩm và giá đấu thắng:


Tờ nhạc Mùa thu cho em, tác giả Ngô Thụy Miên: 100.000 đồng
Sách Việt Nam phong tục, tác giả Phan Kế Bính, 1975: 270.000 đồng
Sách Nói với tuổi hai mươi, tác giả Thích Nhất Hạnh, 1973: 260.000 đồng
Tri Tân tạp chí số 98, năm 1943: 300.000 đồng
Tờ nhạc Thà làm giọt mưa, tác giả Phạm Duy: 150.000 đồng
Tờ nhạc Chuyện hẹn hò, tác giả: Trần Thiện Thanh: 100.000 đồng
Sách La musique et le monde, tác giả Trần Văn Khê, 1995: 2.100.000 đồng
Món ngon Hà Nội, tác giả Vũ Bằng, 2014: 300.000 đồng
Bác sĩ Ai-Bô-Lít, 1984: 1.000.000 đồng
Tờ nhạc Diễm xưa, tác giả Trịnh Công Sơn: 150.000 đồng
Đầu xuân ra sông giặt áo, tác giả Nguyễn Nhật Ánh, 1986: 300.000 đồng
Việt Nam văn hóa sử cương, tác giả Đào Duy Anh, 1951: 2.500.000 đồng
Cochinchine, Phủ toàn quyền Đông Dương thực hiện, 1931: 10.000.000 đồng
Vang bóng một thời, tác giả Nguyễn Tuân, 1963: 800.000 đồng
Kiều, Nguyễn Văn Vĩnh dịch ra tiếng Pháp, in song ngữ 1951: 2.800.000 đồng.

©T.Vấn 2015

---------------------


Nguyễn Hữu Thiết : Đôi Ngả   -   December 27, 2015 | TV và BH
Hoàng Trọng : Đường Về   -   January 1, 2016 | TV và BH
Huỳnh Anh : Em Gắng Chờ   -   January 5, 2016 | TV và BH
Đức Quỳnh : Nhớ Quê   -   January 15, 2016 | TV và BH
Hoàng Giác : Bóng Ngày Qua   -   January 18, 2016 | TV và BH
Văn Cao : Cung Đàn Xưa   -   January 28, 2016 | TV và BH
Hoài An : Tâm Sự Ngày Xuân   -   February 6, 2016 | TV và BH
Vũ Thành : Tình Xuân   -   February 15, 2016 | TV và BH
Thanh Sơn : Chúc Xuân   -   February 22, 2016 | TV và BH
Đỗ Lễ : Sang Ngang   -   March 15, 2016 | TV và BH
Mặc Thế Nhân : Trả tôi về   -   March 28, 2016 | TV và BH

(còn tiếp)


*
NHỮNG TRANG KHÁC :
·         Thơ Nhạc Bích Huyền
·         Tù Khúc-Nhiều tác giả
·         Nhạc Phạm Chinh Đông
·         Nhạc Trần Lê Việt
·         Nhạc Nguyễn Đình Tòan
·         Dòng nhạc kỷ niệm



No comments: