Saturday, April 23, 2016

NGƯỜI MỸ LẠI ĐI TÌM ẨN SỐ CHO "CHIẾN TRANH VIỆT NAM" ? (BS Mã Xái)





Bác Sĩ Mã Xái
Posted by adminbasam on 24/04/2016

Lịch sử “Chiến tranh Việt Nam” tưởng chừng như đã chìm vào dĩ vãng đối với chính giới Hoa kỳ, nhưng không, “The Vietnam War Summit” (Thượng đỉnh về Chiến tranh Việt Nam) đã được khơi lại nơi Thư viện Tổng thống Lyndon B.Johnson (Austin,Texas) vào những ngày cuối tháng Tư năm 2016, chung quanh Ngày Quốc Hận 30-04-75, ngày mà nhân dân Miền Nam sẽ không bao giờ quên sự bội tín của đồng minh Hoa Kỳ đưa tới sự sụp đổ của VNCH.
Cuộc Hội luận ba ngày gọi là để giải mã những ẩn số cuối cùng của chiến tranh Việt Nam cùng những bài học và di sản của nó (nguồn: vietnamwarsummit.org). Hội nghị có dành phần nghi lễ vinh danh những người đã phục vụ cuộc chiến. “Chiến tranh Việt Nam” là theo cách gọi của người Mỹ, nhiều tài liệu sách khác còn gọi là “Chiến tranh Đông Dương lần thứ hai”. Đã có nhiều viện nghiên cứu chính trị, các Đại Học, các sử gia, tướng lãnh cả Mỹ, lẫn Viêt Nam đã nhiều lần đóng góp về nguyên nhân và hệ luỵ của cuộc chiến Viêt Nam; khá nhiều hồi ký do các viên chức cao cấp VNCH làm sáng tỏ thêm nguyên nhân chung quanh việc sụp đổ VNCH. Pentagon Papers và trong những năm gần đây, các tài liệu giải mật về Chiến tranh Việt Nam giúp cho các nhà nghiên cứu tiếp tục phân tích về sách lược mà cường quốc Hoa Kỳ, Liên Xô, Trung Cộng trong việc giải quyết cuộc chiến.

Đây cũng là lúc người quốc gia chúng ta nên tiếp tục vạch trần sự gian trá, lừa đảo của tập đoàn Cộng sản Hà Nội đã bóp méo lich sử tranh đấu cho chính nghĩa của VNCH, cộng sản cũng đã lừa được một số chính khách người Mỹ và vài giới truyền thông theo đóm ăn tàn, ca ngợi cuộc chiến diệt chủng của cộng sản Bắc Viêt dựa trên chủ nghĩa Mác Lê và cái gọi là tư tưởng Hồ Chí Minh.

Cộng đồng người Việt quốc gia hải ngoại đã thể hiện lập trường và hành động thích nghi với “Thượng đỉnh về Chiến Tranh Việt Nam” ngay nơi hội nghị (Austin, Texas).

Những ai đi tìm ẩn số cho bài toán? Không thấy sự hiện diện những người Việt Nam đã sống và chiến đấu cho lý tưởng tự do trong hàng ngũ VNCH, ngoại trừ ông Hubert Võ là Dân biểu Tiểu Bang Texas. Riêng danh sách tham dự viên (participants) người Mỹ, trên dưới năm sáu mươi học giả, sử gia, văn nghệ sĩ, giới truyền thông, các ký giả của thời chiến, các cựu chiến binh Hoa Kỳ. Có sự hiện diện của Ngoại trưởng John Kerry, diễn giả chính cho buổi hội luận, ông là người đã từng tham chiến tại Viêt Nam, và từng là phát ngôn viên của phong trào chống chiến tranh, có diễn giả Henry Kissinger và Đại sứ CSVN tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh với bài thuyết trình “America and Vietnam in the 21st Century: A New Beginning”, như để bổ túc bài phát biểu của ông John Kerry nói về bang giao Việt Mỹ và các chuyển biến chính trị và xã hội Việt Nam kể từ ngày ông Kerry có mặt tại chiến trường, những tài liệu mới về cuôc chiến được giải mật cho thấy, cựu ngoại trưởng Kissinger đã một mình thao túng, đạo diễn chính sách Hoa Kỳ về Việt Nam và là người trách nhiệm bán đứng Miền Nam cho Cộng Sản Hà Nội, gây nên thảm trạng Quốc Hận 30-4-75.

Kissinger đươc khen là đóng góp phần tạo nên không khí “détente” với Liên Xô, và tách rời được liên minh LX-TC, nhưng khi Nixon-Kissinger bắt tay với Mao Trạch Đông (tháng 2 năm 1972) là Hoa Kỳ đã đơn phương khép cánh cửa tiền đồn thế giới tự do của VNCH, chuẩn bị cho một chuyển hướng chiến lược mới; Hoa Kỳ ngày nay chắc cũng thắm đòn khi giúp Bắc Kinh mở cửa để trở thành cường quốc kinh tế, Hoa Kỳ đã giúp Tập Cận Bình cũng cố chế độ độc tài toàn trị bành trướng về phương nam, lấn chiếm Biển Đông, kềm kẹp Hà Nội vào con đường “Bắc thuộc mới”, cản trở chính sách Chuyển trục/Tái Cân bằng của chánh phủ Obama. Tham dự còn có nhà làm phim Ken Burns, người thực hiện phim tài liệu gồm 10 phần Phim Vietnam War sẽ ra mắt năm 2017.

Trước kia, phần lớn những tham dự viên trong buổi hội luận nhìn cuộc chiến Việt Nam một cách tiêu cực, giờ đây, mong họ sau khi chứng kiến việc cộng sản Hà Nội cưỡng chiếm Miền Nam, vi phạm Hiệp định Paris 1973 và cung cách cai trị độc tài toàn trị trên toàn cõi Viêt Nam, lại vừa hèn với Trung Cộng, ác với dân, chắc họ đã phải thấy rõ nhân dân Miền Nam đã phải dấn thân vào cuộc chiến Quốc – Cộng hoàn toàn vì lý do tự vệ. Miền Nam vừa xây dựng nền dân chủ pháp trị, vừa phải luôn chống trả sự xâm lăng liên tục của CS Bắc Việt, với sự hỗ trợ của khối cộng sản quốc tế.

Lý do người Mỹ can dự vào chiến cuộc Đông Dương bao gồm Việt Nam bắt nguồn từ chánh sách chống chủ nghĩa cộng sản trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, qua các đời Tổng thống Truman, Eisenhower, Kennedy, Johnson, Nixon, Ford với chiến lược be bờ ngăn chặn làn sóng đỏ Liên xô, Trung Cộng xuống ĐNA, nhưng chính sách ngăn ngừa sự bành trướng chủ nghĩa cộng sản được thực hiện tuỳ theo đường lối riêng của mỗi Tổng thống trước tình huống, dựa theo quyền lợi quốc gia, tình hình quốc tế, quốc nội, áp lực quần chúng, truyền thông, báo chí, các viện nghiên cứu chính trị, thời gian bầu cử tổng thống và tiếng nói quyết định là quốc hội. Một cách tổng quan, sự can dự chính thức của người Mỹ vào lúc Hoa Kỳ tuyên bố sự hỗ trợ nền Đệ Nhất VNCH, sau những ngày ký kết Hiệp định Geneve 1954.

Lịch sử cho thấy, ý đồ xâm lăng Miền Nam Việt Nam đã được ban lãnh đạo Hội nghị trung ương ĐCSVN lần thứ 6 (tháng 07/1954) quyết định từ Hà Nội trước ngày ký HĐ Geneve-54 là “chỉa mũi nhọn vào đế quốc Mỹ”; chiến tranh không phải xuất phát từ Miền Nam mà cũng không do người Mỹ khởi xướng. Hà Nội cài cán bộ ở lại Miền Nam sau Hiệp định Geneve, thiết lập lực luợng vũ trang, và cho xâm nhập quân đội vào Nam, rồi năm 1960 Hà Nội cho thành lập Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam; đảng cộng sản chủ trương chiến tranh du kích, khủng bố, và trận địa chiến. Vào giữa tháng 11/1965 lực lượng chánh qui Bắc Việt (Quân đội Nhân dân) đã dàn măt trận đánh lớn (Battle of Ia Drang Valley) với Quân đội Mỹ.
Những quyết định của mỗi tổng thống có ảnh hưởng đến hướng đi của lịch sử Hoa Kỳ và đã tác động mạnh đến số phần của Miền Nam vì VNCH quá tin cậy vào đồng minh.

Hoa kỳ đã có ý định can dự quân sự vào thời Đệ nhứt VNCH, nhưng TT Ngô đình Diệm cho rằng điều đó sẽ làm mất chính nhĩa quốc gia, và quân đội Mỹ không được tổ chức thích hợp cho chiến tranh du kích; quan điểm bất đồng này đã đưa đến cuộc đảo chánh 1963. Khi cường độ chiến tranh lên cao, Tổng thống Johnson lần đầu tiên đã phải cho TQLC đổ bộ vào Đà Nẵng (6/3/1965) và gần đến Tết Mậu Thân (1968) thì quân lực Hoa Kỳ đã trên nửa triệu mà tướng Westmoreland vẫn thấy chưa đủ để thực hiện kế hoạch “truy lùng và diệt địch” (search and destroy).

Trong cuộc chiến Việt Nam, Nhà Trắng toàn quyền trực tiếp điều động cuộc chiến; chủ động chiến trường, cho đến khi chuẩn bị rút lui thì Nixon mới đưa ra chương trình Việt Nam Hoá cuộc chiến (1969) giúp tân trang và huấn luyện quân đội VNCH. Quân đội vừa đánh lại rụt rè lo sợ gây nên một cuộc chiến với Liên Xô và Trung Cộng, nên chỉ đánh cầm chừng, không phải để thắng ; vừa đánh vừa đàm, đàm với Liên Xô, đàm với Trung Cộng, và còn cả đi đêm với Hà Nội; đàm với cộng sản thì thất bại khó tránh khỏi.

Một đánh giá sai lầm của chính khách chủ bại và giới truyền thông ở Hoa thịnh Đốn: cuộc tổng nổi dậy Tết Mậu Thân là một thất bại năng nề cho Cộng sản về măt chiến thuật, quân đội VNCH và Hoa Kỳ đã hốt gần hết địch quân (gồm chính qui Bắc Việt và bộ đội Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam) xuất đầu lộ diện ra thành phố từ các chiến khu, rừng núi; nhưng TT Johnson cũng không đạt thêm những thắng lợi sau đó, khiến dư luận mất niềm tin, thiếu kiên nhẫn khi số thương vong của binh sĩ Hoa Kỳ là yếu tố quan trọng, khiến TT Johnson quyết định bỏ ý định tái tranh cử (31/03/1968) để đối phó với cuộc chiến.

Dù sao, vụ Tết Mậu Thân đánh đấu một bước ngoặt quan trọng định hướng giải quyết cuộc chiến; những mật đàm giữa Kissinger và Cộng sản Hà Nội đã sau cùng đưa đến Hiệp định Paris ký ngày 27/01/1973 hoàn toàn có lợi cho Bắc Việt nhưng nó thoả mãn hai việc riêng cho Kissinger/Nixon là “rút quân trong danh dự”, trong vòng 60 ngày cùng với việc trao trả tù binh. Quân đội Bắc Việt tiếp tục ở lại Miền Nam cùng với bộ đội của Chánh phủ Lâm Thời Cộng Hoà Miền Nam (do Hà Nội dựng lên). Nixon hứa hẹn với Tổng Thống Thiệu là sẽ trả đũa nếu Hà Nội vi phạm hiệp định. Nhưng ai cũng thấy được sau ngày Hoa Kỳ hoàn tất việc rút quân 27/03/1973 thì việc sụp đổ của VNCH chỉ là vấn đề thời gian vì Hoa Kỳ cắt hết nguồn viện trợ, trong khi Bắc Việt được khối cộng sản đồng minh tiếp tục cung cấp đầy đủ phương tiện để chiến thắng. Không có việc Hoa Kỳ trả đũa khi Hà Nội vi phạm trầm trọng HĐ Paris.

Hệ luỵ của “Rút quân trong danh dự”

Hoa Kỳ can dự vào “Chiến tranh Việt Nam” với mục tiêu chống chủ nghĩa cộng sản trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh qua các đời tổng thống nhằm ngăn chặn làn sóng đỏ xuống ĐNA, nhưng chiến lược đã đổi hướng trong thời kỳ Nixon dưới ảnh hưởng của ngoại trưởng Kissinger. Lúc bấy giờ nhân dân Hoa Kỳ không còn kiên nhẫn với càng ngày càng tăng con số tử vong binh sĩ Hoa Kỳ với những hình ảnh chiến tranh trên TV, ngay trong phòng khách, lại được thổi phồng do phong trào phản chiến mà người phát ngôn lúc bấy giờ mà ai cũng biết là đương kim Ngoại trưởng John Kerry, nên Tổng thống Nixon dứt khoát chủ trương rút quân và dứt khoát bỏ rơi Miền Nam với bất cứ giá nào và như theo một vài nhà phân tích, để đổi hướng chiến lược về Trung Đông, để giữ tiền đồn dầu lửa! Quyền lợi của Hoa Kỳ ở Miền Nam theo nhận định của Kissinger không còn nữa, Hoa Kỳ có thể đóng cửa “tiền đồn của thế giới tự do” ở Miền Nam, quyết định sai trái này gây không biết bao nhiêu hệ luỵ cho đến ngày nay và ai cũng thấy rõ, tiền đồn đó nay đã nhuộm đỏ, nằm trong tay Đảng Cộng sản Việt Nam, mà Tổng thống Obama sắp đến thăm vào cuối tháng năm này, có Ngoại trưởng Kerry tháp tùng.

Chấm dứt chiến tranh Việt Nam không đơn thuần là chỉ rút quân về nhà. Mục tiêu can dự vào Việt Nam chưa đạt được mà còn làm tình hình xấu đi, chánh quyền Hoa Kỳ đã phản bội anh linh 58 ngàn quân sĩ Hoa Kỳ hy sinh ở Việt Nam để bảo vệ tiền đồn chống CS, nhiều người mang thương tật, mất tích. Hoa Kỳ đã phản bội đồng minh VNCH; bao nhiêu triệu người Việt Nam đã chết vì cuộc chiến. Cái giá đầy khổ đau, bất hạnh mà nhân dân Việt Nam phải trả cho loại hoà bình đó, sau 30-4-1975, dưới chế độ cộng sản, độc tài, toàn trị. Nhân dân Việt Nam trân trọng tri ơn chiến binh Hoa Kỳ và đồng minh, và quân cán chính VNCH đã dũng cảm chiến đấu cho lý tưởng tự do. Những người Việt Nam tị nạn cộng sản khắp nơi trên thế giới sẽ ghi tạc lòng thiện tâm của nhân dân Hoa Kỳ và thế giới đã cưu mang họ, họ đã và sẽ đóng góp công sức đáng kể cho những quốc gia đã mở rộng vòng tay tiếp nhận họ; những người tị nạn cộng sản đó là những nhân chứng trung thực về chế độ tàn bạo và gian dối CSVN, họ là những người cần có mặt trong “Vietnam War Summit” đang tổ chức tại Thư Viện Tổng thống Lyndon Baines Johnson.

Thay lời kết

* Chúng ta muốn nói với chính phủ Hoa Kỳ rằng “Chiến tranh Việt Nam” đối với Hoa Kỳ đã chấm dứt sau ngày người quân nhân Hoa Kỳ cuối cùng rút khỏi Việt Nam (ngày 29/03/1973) chiếu theo HĐ Paris 1973, nhưng đối với nhân dân Việt Nam trong nước cũng như hải ngoại cuộc tranh đấu vẫn tiếp tục cho sự sống còn của dân tộc Việt, cho một Việt Nam tự do, dân chủ pháp trị, thịnh vượng, cho sự vẹn toàn lãnh thổ. Chế độ toàn trị độc tài phải bị giải thể, đảng CSVN phải ra đi.

* Trong chiến tranh Việt Nam, trong cuộc chiến quốc – cộng, Việt Nam Cộng Hoà chỉ chiến đấu để tự vệ trước chủ trương xâm lăng và cưỡng chiếm Miền Nam của đảng cộng sản Bắc Việt.

* Chúng ta hoan nghinh sự can dự của Hoa Kỳ vào cuộc chiến Việt Nam để hỗ trợ VNCH cùng bảo vệ tiền đồn của thế giới tự do; tiếc thay chính phủ Nixon-Kissinger đã thay đổi mục tiêu của cuộc chiến chống chủ nghĩa cộng sản, lại thoả hiệp với cộng sản, chỉ để được rút quân và đã phản bội lại lời hứa với VNCH, và phản bội với vong linh 58 ngàn binh sĩ Hoa Kỳ chiến đấu cho lý tưởng tự do. Hơn bốn mươi năm đi qua, cái tiền đồn đó vẫn nhuộm đỏ, nơi đây tổng thống Obama và Ngoại trưởng Kerry sẽ đến thăm vào cuối tháng 5- 2016, để lại rao giảng giá trị Hoa Kỳ nhưng hai nhiệm kỳ tổng thống sắp đi qua vẫn chưa tách nổi cộng sản Hà Nội ra khỏi quỹ đạo Bắc Kinh, ngược lại chỉ tổ làm giàu tư bản đỏ để tập đoàn CSVN cũng cố quyền lực và chế độ toàn trị, nhờ chui vào được TPP; chiến lược chuyển trục /tái cân bằng của Obama sẽ ra sao khi Tập Cận Bình gần như hoàn tất kế hoạch khống chế Biển Đông.

* Chúng ta ghi ơn người chiến sĩ VNCH cùng sự hy sinh của quân cán chính để bảo vệ quê hương, xây dựng chế độ dân chủ cho Miền Nam, dù chưa hoàn hảo trong vòng hai thập niên nhưng người dân được sống an cư lạc nghiệp hạnh phúc, hơn hẳn cái xã hội tụt hậu Cộng hoà XHCN.

Cuộc tranh đấu tất nhiên còn khó khăn, nhưng nhân dân Việt Nam nhất quyết không bỏ cuộc. Chính nghĩa tất thắng.

Hoa Kỳ 23/4/2016




No comments: