Nhàn
Đàm (theo Bloomberg)
Đăng
lúc: 04/04/2016 05:46
Bắt
đầu từ năm nay, Ả Rập Saudi sẽ bước vào giai đoạn chuyển đổi nền kinh tế quy mô
nhất của nước này kể từ khi lập quốc, qua đó chấm dứt sự phụ thuộc quá lớn với
việc khai thác và xuất khẩu dầu. Khi kẻ thủ lĩnh đã không còn quá lưu luyến với
dầu, có lẽ đã đến lúc OPEC chìm dần vào hoàng hôn?
“Đế chế
nào cũng có lúc suy tàn”, định luật bất biến này dường như đang đúng với những
gì đang diễn ra ở thời điểm hiện tại, khi mà cả thế giới đang được chứng kiến sự
thoái trào của một trong những định chế nhiều quyền lực nhất trên thế giới gần
một thế kỷ qua – Tổ chức xuất khẩu dầu lửa thế giới (OPEC). Cuộc chiến giá dầu
khốc liệt kéo dài hơn một năm rưỡi qua có lẽ sắp đến hồi kết thúc với phần
thắng dành cho kẻ thách thức mới nổi là Mỹ, trong khi ở chiều ngược lại đang chứng
kiến sự thoái lui của cường quốc xuất khẩu dầu lửa lớn nhất thế giới và là trái
tim của OPEC - Ả Rập Saudi. Bắt đầu từ năm nay, Ả Rập Saudi sẽ bước vào
giai đoạn chuyển đổi nền kinh tế quy mô nhất của nước này kể từ khi lập quốc,
qua đó chấm dứt sự phụ thuộc quá lớn với việc khai thác và xuất khẩu dầu. Khi kẻ
thủ lĩnh đã không còn quá lưu luyến với dầu, có lẽ đã đến lúc OPEC chìm dần vào
hoàng hôn?
Thế giới
đang được chứng kiến một bước ngoặt của lịch sử, khi trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg
vào ngày đầu tiên của tháng Tư, Phó vương Ả Rập Saudi là Mohammed Bin Salman
chính thức tuyên bố kế hoạch cải tổ nền kinh tế quy mô nhất từ trước đến nay của
nước này, thông qua một quỹ đầu tư quốc gia (PIF) có tổng trị giá lên đến 2.000
tỉ USD. Nên nhớ rằng tổng cộng quỹ dự trữ ngoại tệ quốc gia của Ả Rập Saudi
hiện chỉ ở khoảng 600 tỉ USD. Việc công bố quỹ đầu tư quốc gia gấp gần 4 lần
con số đó đang cho thấy quyết tâm của Riyadh rằng các nhà lãnh đạo Ả Rập Saudi
sẽ dồn tất cả những gì họ có vào canh bạc chuyển đổi nền kinh tế này, một canh
bạc sống còn.
Để có
được quỹ đầu tư lên tới 2.000 tỉ USD để chuyển đổi nền kinh tế quốc gia, Ả
Rập Saudi sẽ buộc phải chấp nhận bán đi một phần của thứ vẫn được xem là
tài sản quý giá nhất tại vương quốc này – cổ phiếu của Tập đoàn dầu khí quốc
gia Aramco. Bin Salman cho biết, Ả Rập Saudi sẽ tiến hành IPO cổ phần của
Aramco vào năm 2017, một việc có thể đem lại cho nước này một khoản tiền lớn,
cùng với đó là việc chuyển đổi Aramco từ một tập đoàn chuyên hoạt động trong
lĩnh vực dầu lửa thành một tập đoàn đầu tư đa ngành và hoạt động đa quốc gia.
Việc bán bớt cổ phần và chuyển đổi mục đích hoạt động của tập đoàn được xem như
biểu tượng cho sức mạnh dầu lửa của Ả Rập Saudi đang cho thấy, nước này đang tiến
tới việc đoạn tuyệt với quá khứ là một quốc gia phụ thuộc hoàn toàn vào dầu lửa.
Với quyết
định này của Riyadh, lịch sử đã chính thức sang trang. Trong tám thập kỷ kể từ
khi lần đầu tiên dầu được phát hiện tại Ả Rập Saudi và trong vòng 55 năm kể
từ khi OPEC được thành lập vào năm 1960, Ả Rập Saudi đã trở thành quốc gia có
tiếng nói nhất trên thị trường dầu toàn cầu còn OPEC dưới sự lãnh đạo của Ả Rập Saudi
thì như một đế chế thực sự. Dưới sự chi phối của Ả Rập Saudi và OPEC lên
giá dầu thế giới, hầu hết các sự kiện lớn nhất trong thế kỷ 20 đều có bóng dáng
của đế chế dầu lửa này, từ việc giá dầu tăng vọt khiến nền kinh tế Nhật Bản và
Mỹ gặp trục trặc nghiêm trọng, cho đến sự sụt giảm của giá dầu là một trong những
nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô. Tất cả đều có dấu tay can thiệp của Ả
Rập Saudi và OPEC. Vị thế của Ả Rập Saudi và OPEC lớn đến mức một
siêu cường như Mỹ cũng phải nể vì Ả Rập Saudi là nhà cung cấp dầu hàng đầu
cho nền kinh tế Mỹ có thể vận hành ổn định.
Tuy
nhiên, cuộc cách mạng dầu đá phiến đã chấm dứt tất cả. Cuộc cách mạng diễn ra tại
Mỹ này đã làm đảo lộn ván cờ trên thị trường dầu thế giới mà trước đó vẫn nằm
trong tầm chi phối của Ả Rập Saudi và OPEC. Trước hết, nó đánh thẳng vào
thị phần dầu lửa mà Ả Rập Saudi vẫn xuất khẩu sang thị trường Mỹ, dẫn đến
tình trạng dư thừa nguồn cung trên thị trường toàn cầu khiến cho giá dầu sụt giảm
thê thảm – một đòn nặng vào Ả Rập Saudi vốn có một nền kinh tế phụ thuộc nặng
nề vào việc xuất khẩu dầu và nhất là giá dầu. Lần đầu tiên trong lịch sử, Ả Rập
Saudi được nếm trái đắng do sự dịch chuyển giá dầu mà quốc gia này cũng như
OPEC không thể chi phối như những lần trước đó. Lợi nhuận giảm, tình trạng dư
thừa nguồn cung tiếp tục gia tăng, Ả Rập Saudi đánh mất thị phần ở khắp mọi
nơi, từ thị trường Mỹ cho đến Trung Quốc, Nam Phi và cả châu Âu. Tính tổng cộng
từ giữa năm 2014, thời điểm mà cuộc chiến giá dầu bùng nổ, cho đến tháng
3.2016, Ả Rập Saudi đã đánh mất thị phần ở 9 trong số 15 thị trường quan trọng
nhất. Ả Rập Saudi và OPEC đã không còn là kẻ viết nên luật chơi nữa, mà giờ
đây đã trở thành nạn nhân của luật chơi được viết nên bởi kẻ khác.
Và khi
mà người thủ lĩnh là Ả Rập Saudi chính thức tuyên bố sẽ không tiếp tục gắn
chặt vận mệnh của mình vào dầu lửa và bắt đầu chuyển đổi nền kinh tế, thì cũng
là lúc OPEC bắt đầu thoái trào. Dĩ nhiên, nó sẽ vẫn là một thế lực lớn trên thị
trường dầu, khi vẫn kiểm soát khoảng 1/3 tổng sản lượng dầu thế giới, nhưng Ả Rập Saudi
và OPEC sẽ không còn ở vị thế quy định luật chơi như trước nữa. Một đế chế đã
khuynh đảo cả thế giới trong nửa sau thế kỷ 20 bằng cách tác động vào sản lượng
và giá dầu trên thị trường toàn cầu sẽ chính thức trở thành một con cừu vô hại,
hay chỉ là một gã buôn dầu khéo léo sẵn sàng giảm giá cho khách hàng để giành
được hợp đồng cung cấp dầu thay vì thái độ quát nạt và hách dịch như trước
đây.
Việc Ả
Rập Saudi đang là cường quốc xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới lại đi đầu
trong việc chuyển đổi nền kinh tế, có thể dẫn đến một làn sóng chuyển đổi kinh
tế tương tự tại các quốc gia thành viên của OPEC. Hơn ai hết, Ả Rập Saudi
là quốc gia nhạy cảm nhất với những biến động trên thị trường dầu và đồng thời
cũng là nước có mức độ phụ thuộc vào xuất khẩu dầu của nền kinh tế lớn nhất
trong OPEC. Việc Ả Rập Saudi không cố gắng níu kéo và bám trụ vào dầu lửa
bất chấp vị trí số một trên thế giới trong hàng chục năm qua, có thể là một cảnh
báo cho các quốc gia OPEC khác về tình trạng quá phụ thuộc vào dầu lửa trong nền
kinh tế. Một khi Saudi giảm sản lượng khai thác và chuyển đổi nền kinh tế, và
có thể kéo theo các nước thành viên OPEC khác làm điều tương tự, thì có lẽ sự
thoái trào của tổ chức xuất khẩu dầu lửa đầy quyền lực một thời này sẽ còn diễn
ra nhanh hơn. Hiện tại, OPEC vẫn đang nắm giữ 1/3 tổng sản lượng dầu trên thị
trường toàn cầu, nhưng nếu tất cả thành viên của nó đều giảm sản lượng và chuyển
đổi kinh tế theo gương Ả Rập Saudi, mức sản lượng mà OPEC nắm giữ sẽ ngày càng
giảm dần, đồng nghĩa với tiếng nói của tổ chức này trên thị trường dầu
toàn cầu sẽ ngày càng giảm.
Nhàn
Đàm (theo
Bloomberg)
No comments:
Post a Comment