Thứ
Bảy, ngày 09 tháng 4 năm 2016
Trong
vụ "Bình Nam đồ" do nhà nghiên cứu sử học Tạ Chí Đại Trường nêu ra
trong di cảo của anh, sai lầm đầu tiên đã từ một số giáo sư, học giả uy tín của
miền Nam: Gs. Trương Bửu Lâm, Giám đốc Viện Khảo cổ, giáo sư Sử tại Đại học Văn
khoa và Đại học Sư phạm Sàigòn, cùng một số giáo sư, học giả uy tín khác cộng
tác với ông: Gs. Bửu Cầm, dạy Sử và chữ Nôm tại Đại học Văn khoa, và một số nhà
cựu học tên tuổi như Đỗ Văn Anh, Tạ Quang Phát, Phạm Huy Thúy …, tất cả đều có
danh vọng.
Bìa sách “Hồng Đức Bản
Đồ”
Trong
phần về "Bình Nam đồ," gồm 15 tấm địa đồ được in từ trang 138 đến
trang 167 của sưu tập Hồng Đức bản đồ (Tủ sách Viện Khảo cổ--Sàigòn: Bộ
Quốc gia Giáo dục, 1962), có một câu về tác giả, "Đốc suất Đoan Quận
công họa tiến" 督率端郡公畫進 (Đốc suất Đoan Quận công vẽ dâng lên). Trong
“Lời giới thiệu,” Gs. Trương Bửu Lâm giải thích rằng, "Đoan Quận công là
tước của Nguyễn Hoàng do vua Lê phong trước khi cho vào trấn đất Thuận Hóa năm
1558." Điều ấy đúng với sử sách. Trong khá nhiều năm, học giới Việt Nam và
ngoại quốc cũng công nhận như thế. Nhưng nếu quả thật Nguyễn Hoàng đã cho vẽ
"Bình Nam đồ" để dâng lên triều đình vua Lê như lời giới thiệu của
Gs. Trương Bửu Lâm thì khi xem kỹ bộ bản đồ, ta sẽ thấy một số điều không được
hợp lý.
Trước
hết, tên đầy đủ của bộ bản đồ là "Giáp Ngọ niên bình Nam đồ" 甲午年平南圖 (bản đồ bình định
phương Nam năm Giáp Ngọ). Chúng ta cùng biết mỗi 60 năm lại có một năm Giáp Ngọ.
Vậy đây là cuộc “bình Nam” vào năm Giáp Ngọ nào? Nguyễn Hoàng sinh năm Ất Dậu
1525. Năm Giáp Ngọ 1534 ông mới lên 9. Năm Giáp Ngọ 1594 ông 69 tuổi. Ông qua đời
năm 1613, không sống tới Giáp Ngọ 1654. Vậy hai chữ “Giáp Ngọ” trong danh hiệu
bộ bản đồ chỉ có thể là Giáp Ngọ 1594.
Hàng
chữ lớn: Giáp Ngọ niên bình Nam
đồ.
Hai
hàng chữ nhỏ phía dưới: Đốc suất Đoan Quận
công họa tiến
Hàng
chữ nhỏ bên trái: Tự Động Hải chí Cao
Miên giới (Từ Đồng Hới tới biên giới
Cao Miên)
Trong
bộ bản đồ này có vẽ Lũy Thầy ("Đồng Hới lũy," trang 91 của Hồng Đức
bản đồ). Lũy này chưa có trong thời Nguyễn Hoàng. Phải đến năm Tân
Mùi 1631, 18 năm sau khi Nguyễn Hoàng qua đời, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên mới
cho đắp theo kế hoạch của Đào Duy Từ. Những địa danh như "phủ Thái Khang,
phủ Diên Ninh," mãi đến đời chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần (năm Quý Tỵ 1653) mới
có. Gs. Trương Bửu Lâm cho rằng "Những bản đồ ấy có lẽ được thực hiện
dưới thời chúa Hiền," nhưng "không hiểu vì sao mà trên trang đầu lại
nói đến tước của Nguyễn Hoàng."
Khi
xem kỹ, ta sẽ thấy một số địa danh nữa cũng chưa có ở thời Nguyễn Hoàng. Ngoài
ra, trong bản đồ có ghi một "Đoan công miếu" (miếu thờ Đoan Quận
công, về sau là Quốc công, tước phong của Nguyễn Hoàng). Cũng có một “Thụỵ công
mộ” (mộ của Thụy Quận công, tước phong của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên,
con của Nguyễn Hoàng, qua đời năm 1635). Làm sao trong bản đồ Nguyễn Hoàng vẽ để
dâng lên vua Lê năm 1594 có thể ghi ngôi miếu để thờ chính ông cùng ngôi mộ của
con ông, hơn 40 năm sau mới qua đời được?
Giáp
Ngọ niên bình Nam đồ
Bản
đồ khu vực Quảng Bình, với “Động hải lũy” (lũy Đồng Hới) ở các ô 8D, 8E
Một
chi tiết đáng lưu ý nữa là năm Giáp Ngọ 1594 thì Nguyễn Hoàng không còn là
"Đoan Quận công." Theo Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục,
ông được vua Lê phong là Thái úy Đoan Quốc công từ năm trước, Quý Tỵ
1593. Quốc công cao hơn Quận công. Tại sao một Thái úy Đoan Quốc công lại
xưng là "Đốc suất Đoan Quận công"? Nguyễn Hoàng chưa bao giờ có chức
vụ nào mang ý nghĩa "Đốc suất." Thái úy là một chức quan rất cao thời
xưa, đứng đầu hàng võ, nhiều triều đại liệt vào hàng “Tam công.” Về sau có triều
đại cải danh là Đại Tư mã, cao hơn “Đốc suất” rất nhiều.
Theo
Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục, tháng 5 năm Giáp Ngọ (1774), Trấn thủ
Nghệ An là Đoan Quận công Bùi Thế Đạt báo về triều đình Đàng Ngoài những
suy yếu đang xảy ra ở Đàng Trong (Trương Phúc Loan chuyên quyền, triều chính rối
ren, nhân tâm ly tán, Tây Sơn nổi dậy ở Qui Nhơn ...) và "dâng sớ xin
đi đánh." Chúa Trịnh Sâm chấp thuận, cử "Việp Quận công Hoàng Ngũ
Phúc làm Thống suất Bình Nam Thượng tướng quân" và "Đoan Quận công
Bùi Thế Đạt (đang giữ chức Trấn thủ Nghệ An) kiêm thêm chức Đốc suất Bình Nam Đại
tướng quân" "đi kinh lược trước." Vậy vị "Đốc suất Đoan Quận công họa tiến" nhiều
phần chính là Bùi Thế Đạt. Khi cho vẽ bộ bản đồ để chuẩn bị cho việc cất
quân vào "bình Nam" năm Giáp Ngọ 1774, nhiều phần ông đã dựa theo một
số bản đồ Đàng Trong vốn có từ trước, chỉ ghi thêm những chi tiết liên quan tới
quân sự: các đồn lũy, số quân, chỗ đặt súng, chỗ đốt lửa báo hiệu (hỏa hiệu),
chỗ neo thuyền của thủy quân ... Đó là một số chi tiết chúng ta thấy xuất hiện
trong "Giáp Ngọ niên bình Nam đồ."
Người nhận ra điều ấy từ khá sớm là Tạ
Chí Đại Trường.
Trong Thần, người và đất Việt (Westminster, CA : Văn Nghệ, 1989), anh
nói lên lần thứ nhất chuyện không đồng ý với Gs. Trương Bửu Lâm. Trong chú
thích số 10 ở trang 214 của cuốn sách, anh cho biết, "Đốc suất Đoan Quận
công," người cho vẽ "Giáp Ngọ niên bình Nam đồ,” chính là Bùi Thế
Đạt chứ không phải Nguyễn Hoàng. Tôi có cuốn sách của anh từ khá lâu, nhưng
thú thật là đã không đọc kỹ các chú thích. Chỉ sau khi bản "di cảo" của
Tạ Chí Đại Trường được phổ biến, mới xem lại và tìm thấy lời chú thích ấy.
Không
thể phản bác ý kiến rất hợp lý của Tạ Chí Đại Trường, tôi thử tìm xem vì sao
hai vị giáo sư uyên bác và khả kính của Đại học Văn khoa (các Gs. Trương Bửu
Lâm và Bửu Cầm) cũng như nhiều học giả uy tín khác, đã lầm lẫn.
Các
giáo sư, học giả biên tập cuốn Hồng Đức bản đồ năm 1962 có lý do để
không biết rằng Bùi Thế Đạt cũng có tước hiệu "Đoan Quận công." Một
phần vì tước hiệu ấy đã được phong cho Nguyễn Hoàng. Phần nữa vì Đại Việt Sử
Ký Toàn Thư và Cương Mục đều không chép chuyện ấy. Các bản Toàn
Thư được phổ biến chỉ chép tới năm Bính Thân 1656, đời vua Lê Thần tông. Cương
Mục chỉ cho biết Bùi Thế Đạt là “Trấn thủ Nghệ An” chứ không ghi tước hiệu.
Phủ biên tạp lục có thể đã không được đọc kỹ vì chỉ là “tạp lục,” chưa đạt
tới địa vị của "chính sử."
Việc
Bùi Thế Đạt có tước hiệu "Đoan Quận công" được ghi trong Đại Việt
sử ký tục biên (cũng gọi là Bản kỷ tục biên hay Lê sử bản kỷ tục
biên), nhưng bộ sách ấy bị cấm lưu hành từ năm 1838, do một đạo dụ của vua
Minh Mạng. Khi xây dựng quốc học cho miền Nam Việt Nam sau 1954, nhiều phần các
trí thức, học giả của miền Nam chưa có đủ thời giờ nghĩ tới việc phiên dịch bộ
sách ấy. Trong hoàn cảnh như thế, việc chỉ nghĩ đến Nguyễn Hoàng khi nghe nhắc
tới tước hiệu "Đoan Quận công" là một thiếu sót có thể hiểu được.
Khi
cho in Hồng Đức bản đồ năm 1962, Gs. Trương Bửu Lâm đã viết những lời rất
khiêm tốn: "Chúng tôi đã cố gắng ... nhưng vẫn không bao giờ quên là
tác phẩm còn rất nhiều khuyết điểm hay lỗi lầm," "Mong các độc
giả vui lòng chỉ dẫn trong những khuyết điểm cũng như sửa chữa những lầm lỗi."
Thắc mắc do giáo sư nêu ra, "Những bản đồ ấy có lẽ được thực hiện
dưới thời chúa Hiền," nhưng "không hiểu vì sao mà trên trang đầu lại
nói đến tước của Nguyễn Hoàng," mãi 27 năm sau (1989) mới có người lên
tiếng góp ý: cựu sinh viên Đại học Văn khoa Tạ Chí Đại Trường. Anh viết trong Thần,
người, và đất Việt: Những bản đồ ấy được thực hiện năm Giáp Ngọ 1774, sau
khi chúa Hiền mất (1687) gần 90 năm. Vị “Đoan Quận công họa tiến” không phải là
Nguyễn Hoàng (1525-1613) như vẫn được ngộ nhận mà là một người ra đời sau Nguyễn
Hoàng gần 200 năm: Trấn thủ Nghệ An Bùi Thế Đạt (1704-1778). Anh nhận xét rất
tinh, và đã đọc sử sách thật kỹ.
Một
số nhân vật trong học giới Tây phương như David Bulbeck và Li Tana (trong “Maps
of Southern Vietnam, circa 1690, Giap Ngo nien binh Nam do,” được in
trong Southern Vietnam under the Nguyen [Singapore : Institute for
Southeast Asian Studies, 1993]), hoặc Brian A. Zottoli (trong bản luận án PhD nộp
cho University of Michigan năm 2011, “Reconceptualizing southern Vietnamese
history from the 15th to the 18th century”) cũng bàn về
“Bình Nam đồ và đưa ra nhiều suy đoán khác nhau về niên đại nhưng chưa đi tới kết
luận dứt khoát. Niên đại 1690 do David Bulbeck và Li Tana đưa ra chỉ là năm Canh
Ngọ chứ không phải Giáp Ngọ. Dựa theo các nhà sưu tập và chú giải Hồng Đức bản
đồ năm 1962, các vị vẫn nghĩ rằng "Đoan Quận công"
là Nguyễn Hoàng chứ chưa biết tới Bùi Thế Đạt.
Trong
mấy năm gần đây, học giới trong nước đã biết tới vai trò của Bùi Thế Đạt. Trong
bài về "Giáp Ngọ niên bình Nam đồ" đăng trên tạp chí Nghiên cứu và
Phát triển số 109 (số 2-2014), tước hiệu "Đốc suất Đoan Quận
công" đã được chú thích lại là "Bùi Thế Đạt." Số báo này phát
hành sau cuốn Thần, người và đất Việt của Tạ Chí Đại Trường đúng 25 năm
(2014-1989). Tạp chí điện tử Nghiên cứu sử địa An Giang cũng đăng
một bài của Trần Hoàng Vũ, được lấy từ Tạp chí văn hóa - lịch sử An
Giang số 120 (tháng 3-2015) về “Giáp Ngọ niên bình Nam đồ.” Tác giả bài viết
cũng ghi nhận “bộ bản đồ này là tác phẩm của Đoan Quận công Bùi Thế Đạt”:
.
Bài
của Huỳnh Thị Anh Vân (Tạ Chí Đại Trường nhớ sai là “Ánh Vân”), thuộc Trung tâm
Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, góp ý về bài “Giáp Ngọ niên bình Nam đồ”của David
Bulbeck và Li Tana nhắc tới ở trên (Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 342 [Hà Nội
: Viện Sử Học, tháng 11, 2004], trang 70-76).
Tuy
trễ đã hơn 20 năm, phát hiện của Tạ Chí Đại Trường đã được trong và ngoài nước
ghi nhận vì phát hiện ấy rất đáng được ghi nhận.
Trần
Huy Bích
(Tháng 4-2016)
(Tháng 4-2016)
No comments:
Post a Comment