Thursday, April 7, 2016

MÂU THUẪN TRONG GIÁO DỤC VIỆT NAM - MỘT GÓC NHÌN (Lê Xuân Chiến)





07.04.2016

Hô khẩu hiệu ‘Trường học thân thiện’ nhưng bạo lực học đường ngày càng gia tăng!

Từ năm học 2008-2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) chủ trương thực hiện cuộc vận động “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” ở các trường học trong cả nước. Mô hình này Bộ GD-ĐT cho là một bước “đột phá” nhưng thực ra nó đã có từ những thập kỷ cuối của thế kỷ trước do Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) đề xướng. Trước đây, ngành giáo dục nước ta đã có phương châm, khẩu hiệu hành động súc tích nhưng ý nghĩa thật sâu sắc: “Kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”. Phương châm này phù hợp và nhất quán với khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”. Không phải ngẫu nhiên mà người ta đưa từ “kỷ cương” (cũng như chữ “lễ”) ở phía trước, mà đó là kinh nghiệm giáo dục được đúc kết từ ngàn đời nay. Cách đây mấy ngàn năm Khổng Tử, người được tôn vinh là “vạn thế sư biểu” trong Luận ngữ đã nói : “Dưỡng bất giáo, phụ chi quá; giáo bất nghiêm, sư chi đọa”. Nghĩa là: Nuôi con mà không dạy dỗ là lỗi của người cha; dạy dỗ mà thầy không nghiêm là lỗi ở người thầy”. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng từng nói: Phải làm cho “trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò”. Rõ ràng, yếu tố kỷ cương, kỷ luật phải được đặt lên hàng đầu và là điều kiện tiên quyết trong giáo dục. Có lẽ vì xem nhẹ mặt này nên lãnh đạo ngành giáo dục mới thay khẩu hiệu “Kỷ cương, tình thương, trách nhiệm” bằng khẩu hiệu “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” đã có ở châu Âu từ… đầu thế kỷ trước !

Hệ lụy của sự hình thức, hô khẩu hiệu nhiều mà làm ít trong “phong trào” này đã dẫn đến sự bất cập hiện nay ở trường học: “trường học thân thiện” nhưng bạo lực học đường ngày càng gia tăng! Những video clip do học sinh tung lên mạng gần đây cho thấy, học sinh hiện nay không chỉ nhẫn tâm bạo lực với bạn mà còn vô cảm lạnh lùng. Không ít video clip trên youtube có cảnh học sinh đánh bạn, đánh rất tàn nhẫn, nhiều em đánh một em, thậm chí còn xé áo làm nhục bạn giữa đường. Trong khi đó, nhiều em ở ngoài lạnh lùng đứng xem, có em còn quay điện thoại để đưa lên facebook … giải trí.

Trong giáo dục phải có tình thương, trách nhiệm nhưng tình thương, trách nhiệm phải đi đôi với kỷ cương, và kỷ cương phải đặt lên hàng đầu. Không có kỷ cương phép nước thì xã hội tất loạn. Ngay trong nhà chùa, nơi mà lòng từ bi bác ái đặt lên hàng đầu thì vẫn có “giới”, “luật”, nếu tăng ni phật tử phạm “giới”, “luật” thì sẽ bị xử phạt nghiêm khắc.  

Bạo lực học đường không chỉ giữa học sinh với học sinh mà còn giữa giáo viên với học sinh. Từ chuyện ở Lào Cai, một cô giáo đánh một học sinh 6 tuổi bầm tím mặt vì em không viết đúng chính tả, ông bảo vệ dâm ô với 20 bé gái tiểu học, đến chuyện một thầy giáo dạy nhạc xâm hại nữ sinh lớp 6 đến 5 lần ngay ở một đô thị văn minh là ở thành phố Hồ Chí Minh là một hồi chuông báo động về nạn bạo lực học đường, “loạn” học đường.

Hô hào quản lý dạy thêm, học thêm mà dạy thêm, học thêm vẫn cứ tràn lan

Dạy thêm, học thêm đang phát triển “tràn lan”. Trước đây phổ biến ở bậc trung học, bây giờ cả ở bậc tiểu học. Đáng thương cho con trẻ phải học nhồi nhét suốt cả tuần, học như cái máy, không có thời gian nghỉ ngơi, giải trí để tái tạo chất xám.

Trước sự bức xúc của xã hội, từ năm 2012, Bộ GD-ĐT đã ban hành quy định về dạy thêm, học thêm. Trước đây, dạy thêm học thêm diễn ra tại nhà, gần đây được “tổ chức” ở trường, gọi là “đưa vào quản lý”. Các sở giáo dục trong thời gian gần đây chỉ đạo các trường quản lý dạy thêm bằng hình thức yêu cầu giáo viên muốn dạy thêm phải đăng ký với lãnh đạo nhà trường, cùng với việc khai báo thời gian, địa điểm dạy thêm, số lượng học sinh, các tiêu chuẩn về phòng ốc, ánh sáng … Thế nhưng đó chẳng qua là hình thức mà thôi, vì được mấy giáo viên khai báo “thật thà” để bị khiển trách, xử lý khi số lượng học sinh học quá đông, thu tiền học phí cao hơn quy định? Và ai sẽ là người đi kiểm tra, xử lý những giáo viên dạy thêm không theo quy định trên?

Phụ huynh vì mong muốn con em “bằng bạn bằng bè”, sợ giáo viên “phân biệt đối xử” nên phải cho con đi học thêm. Điều đó vô tình thỏa hiệp với việc dạy thêm, học thêm. Bên cạnh đó chương trình học quá tải cũng là nguyên nhân của nan đề này. Giáo viên thì vì miếng cơm manh áo, dạy được lớp nào thì dạy, kiếm thêm thu nhập. Lấy tiền học sinh, tất nhiên phải thiên vị, tạo mọi điều kiện để học sinh học thêm đạt điểm cao, đó là lẽ thường tình.
Bao giờ giáo viên lấy dạy thêm làm nguồn thu nhập thì còn đó nan đề dạy thêm,  học thêm.

Chống bệnh thành tích nhưng vẫn chạy theo thành tích!

Vì thành tích phổ cập tiểu học, trung học cơ sở nên nhà trường ép học sinh đến trường, ép lên lớp. Vì sợ tỷ lệ học sinh bỏ học, lưu ban cao làm mất thành tích thi đua nên nhiều trường tìm mọi cách để “đẩy” học sinh lên lớp, biến các em thành “trái chín non, chín ép”. Điều đó giải thích vì sao nhiều học sinh cấp THPT vẫn đọc không nên câu, viết không nên chữ, không biết tính cộng trừ nhân chia số âm, số dương, phân số…

Nói chống bệnh thành tích nhưng lớp nào có tỷ lệ học sinh yếu kém, lưu ban nhiều thì giáo viên chủ nhiệm lớp đó sẽ bị cắt thi đua. Cách ra đề thi, chấm thi gần đây rất dễ dãi, không phân biệt và sàng lọc trình độ học sinh. Coi thi tốt nghiệp mà giám thị nào công tâm, nghiêm túc lập biên bản thí sinh vi phạm quy chế thì sẽ bị xem là hiện tượng “không bình thường”, bị dị nghị, bị phân biệt đối xử. Còn chấm thi tốt nghiệp thì “linh động”, “thiên biến vạn hóa” để tỷ lệ thí sinh đỗ cao, để địa phương mình đạt thành tích cao hơn năm trước.

Phong trào “trường chuẩn” gây ra nhiều hệ lụy, nó như trái còn xanh ép chín vội mà “hóa chất” can thiệp là tỷ lệ ảo. Tiêu chí học lực số học sinh xếp loại yếu, kém không quá 5%  đã đẩy học sinh ngồi nhầm lớp, nhiều em lên lớp “oan”. Tiêu chí tỷ lệ học sinh bỏ học và lưu ban hàng năm không quá 5%, trong đó tỷ lệ học sinh bỏ học không quá 1%  đã “hô biến” những em bỏ học thành học sinh “chuyển trường”, học sinh “đi học nghề”, thậm chí tên các em đó vẫn còn trong danh sách (ảo) nằm trong hồ sơ trường chuẩn.

Hội nghị giáo dục nào cũng “hô vang” khẩu hiệu “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, nhưng trường nào, tỉnh nào cũng ham thành tích, ham cái danh hiệu “trường đạt chuẩn quốc gia”.

‘Giáo dục toàn diện’ mà thực ra là dạy chữ đơn thuần!

Với phương châm “giáo dục toàn diện”, ngành giáo dục đặt ra nhiều môn học như âm nhạc, mỹ thuật đối với học sinh tiểu học. Với bậc trung học, học sinh còn học “công nghệ”, hướng nghiệp, nghề phổ thông, hoạt động ngoài giờ lên lớp. Nhưng chẳng cái nào ra hồn cả, chẳng qua là “cưỡi ngựa xem hoa”, mang tính hình thức chứ không mang tính thực chất. Buồn cười nhất là môn Nghề phổ thông, dạy và học thì qua loa lấy lệ nhưng em nào cũng đạt chứng chỉ loại giỏi để được cộng 2 điểm trong xét tốt nghiệp!

Giáo dục toàn diện đâu phải phát sinh nhiều môn phụ linh tinh, hình thức mà phải là giáo dục cả đức, trí, thể, mỹ, giáo dục cả kỹ năng sống, thái độ ứng xử đối với thiên nhiên và con người. Thấy mà buồn cho thái độ ứng xử, lời ăn tiếng nói cách ăn mặc, thị hiếu thẩm mỹ của học sinh của học sinh hiện nay. Không ít em nói tục, chửi thề, tóc nhuộm xanh nhuộm đỏ, áo quần “hở trên, hở dưới”, thái độ thì vô cảm, thờ ơ với đời sống xung quanh, hiểu biết thì hời hợt, nông cạn, phần lớn chỉ biết rập khuôn theo những giáo điều trong sách vở.

Khó có thể liệt kê, phân tích hết đầy đủ những mâu thuẫn, nghịch lý trong giáo dục Việt Nam hiện nay. Đây chỉ là góc nhìn của một người trong cuộc với bao nhiêu nỗi niềm, trăn trở. Lời nói thẳng khó nghe nhưng chẳng lẽ im lặng mãi. Sợ rằng, thấy vô lý, mâu thuẫn mà vẫn im lặng thì đó cũng là tự mâu thuẫn với chính mình vậy.

----------------------
*  Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.                                        






No comments: