08/04/2016
Vâng,
các ngài cất công 2 buổi đến chia sẻ kinh nghiệm cho các ứng viên tự ứng cử đại
biểu Quốc hội khóa này của đất nước chúng tôi. Thật là quý hóa. Chúng tôi xin hết
sức tri ân. Nhưng có một kinh nghiệm rất cần chia sẻ mà hẳn các ngài không có
cách gì chia sẻ, vì đất nước các ngài không phải là XHCN nên có lâm vào tình trạng
này đâu. Đó là tình trạng “đảng cử dân bầu” mà người ta dùng một danh từ có vẻ
như hiền lành để gọi: “cơ cấu”. Thực chất, Đảng có chỉ định người nào thì người
ấy mới được phép ứng cử, nếu không, cứ cứng cỏi làm theo Hiến pháp thì liệu.
Các anh chị muốn có dân chủ thật ư? Thì hãy cứ gồng mình lên để qua cho được 3
vòng “hiệp thương” tại phường xã sở tại cho “dân” (các ngài cũng chẳng thể hiểu
nổi chữ dân có nháy nháy này nhé)... họ “góp ý” xem nào. Chẳng phải bao nhiêu
người như Luật sư Võ An Đôn (Phú
Yên), Thạc sĩ Nguyễn Trang Nhung, Giảng
viên ĐH Lê Khánh Luận (TP HCM), nhà
thơ Bùi Minh Quốc (Lâm Đồng)... đều
là những công dân nghiêm túc và đứng đắn cả, thế mà vừa mới trải qua cuộc “hành
thần” (ngược với “hành xác”) căng thẳng mệt mỏi ấy, đã rụng ngay vòng đầu tất tật
rồi.
Và
đây, TS Nguyễn Quang A, nhà trí thức
Hà Nội nổi bật trong công cuộc phấn đấu cho dân chủ tự do và cho việc giữ vững
chủ quyền toàn vẹn của đất nước, cũng sắp được mời ra “hiệp thương” vòng 1 rồi
đây. Tối mồng 9 tháng Tư! Công văn đã gửi đến anh như một thứ “hiệu lệnh ngọt
ngào” mà các ngài nào có biết. Các ngài thật là thiệt thà quá đi.
Chúng tôi thì đang sốt ruột chờ xem ngày 9-4 tới anh Quang A có trụ nổi ngón
đòn “dân chủ” của phường gia Thụy huyện Gia Lâm hay không. Làm dân chủ ở Việt
Nam đúng là trầy vẩy.
Nhưng
phải thế mới đứng đầu gió được. Chúng tôi vẫn không mất hy vọng.
Bauxite
Việt Nam
----------------
CÁC ĐẠI SỨ QUÁN CHIA
SẺ KIẾN THỨC VỀ BẦU CỬ TỰ DO CHO CÁC ỨNG VIÊN ĐỘC LẬP
Ngày
4/4/2016 tại Hà Nội, quan chức của Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Việt Nam đã có cuộc
trao đổi với một số ứng viên đại biểu Quốc hội (ĐBQH) độc lập. Trước đó, ngày
29/3, tùy viên chính trị của bốn đại sứ quán Thụy Điển, Nauy, Pháp và Canada
cũng đã gặp gỡ các ứng viên. Nội dung các cuộc thảo luận xoay quanh cơ chế bầu
cử ở trong một chế độ dân chủ, thế nào là bầu cử tự do và công bằng, bầu cử tổng
thống ở Mỹ và bầu cử quốc hội ở châu Âu, v.v.
Ông
David Muehlke, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Mỹ, đã làm các ứng viên ngạc nhiên
và thích thú khi trình bày hoàn toàn bằng tiếng Việt. Nhưng những điều ông nói
còn gây ngạc nhiên và thích thú hơn nữa. Chẳng hạn, ông cho biết: “Hệ thống
chính trị ở Mỹ đặt trên cơ sở niềm tin rằng sự lựa chọn của cử tri luôn là tốt
nhất. Cử tri sẽ luôn lựa chọn được người tốt nhất để làm tổng thống, còn nếu ứng
viên có hành vi sai lạc, hành vi xấu, thì cử tri sẽ không chọn người đó. Chính
quyền không có quyền lựa chọn ai là tốt, ai là xấu. Sự lựa chọn này dành cho
người dân, không dành cho bất cứ chính quyền nào”.
Điều
này quả thật quá khác với cơ chế “dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần” đại biểu
Quốc hội ở Việt Nam.
Ông
David Muehlke còn nói thêm: “Ở Mỹ, có một đạo luật quy định rằng ứng viên có thể
được nhận tài trợ từ ngân sách nhà nước, nhưng số lượng rất hạn chế, nếu nhận
thì sẽ chẳng có tiền mà làm quảng cáo. Ý tôi là, tất cả mọi ứng viên có thể chọn
tài trợ từ nhà nước hoặc từ khối tư nhân. Nhưng nếu họ lấy tài trợ từ nhà nước
thì rất ít tiền. Đó là lý do tại sao không bao giờ ứng viên nhận tài trợ nhà nước.
Tất cả đều chọn tài trợ tư nhân. Ở Mỹ, không có Mặt trận Tổ quốc để giám sát
quá trình này”. (Nghe đến đây, mọi người cười ồ lên).
Cũng
theo Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Mỹ, đảng viên ở Mỹ, cho dù cao cấp đến mấy, thậm
chí là lãnh đạo đảng, cũng không bao giờ được trả lương bằng ngân sách nhà nước.
Họ chỉ có thể nhận lương của đảng, mà thu nhập của đảng là đến từ hoạt động gây
quỹ, xin tài trợ tư nhân.
Điều
này khác với ở Thụy Điển, nơi luật quy định, nếu đảng chính trị nào được hơn 4%
cử tri ủng hộ thì có thể được nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí. Song cả Mỹ, cả
Bắc Âu đều hoàn toàn khác Việt Nam, nơi Đảng Cộng sản một mình một cõi hưởng
ngân sách nhà nước không giới hạn.
Ở
Mỹ, bất kỳ người nào có quốc tịch tự nhiên, trên 35 tuổi, sống ở Mỹ ít nhất 14
năm trong đời, đều có thể ứng cử tổng thống, kể cả với tư cách độc lập (nghĩa
là không qua sự giới thiệu, đề cử của đảng nào). Ở Bắc Âu, theo bà Victoria
Rhodin Sandstrom - tùy viên chính trị Đại sứ quán Thụy Điển - công dân không thể
tự ứng cử vào Quốc hội mà nhất thiết phải là thành viên của một đảng phái nào
đó. Tuy nhiên, vấn đề là bất kỳ ai cũng có quyền thành lập đảng mới hoặc tham
gia một đảng đang tồn tại, nên quyền tham gia của công dân vẫn luôn được đảm bảo.
Kết
thúc hai cuộc thảo luận, điều đọng lại trong các ứng viên đại biểu Quốc hội đều
là ấn tượng tốt đẹp về tiến trình bầu cử công bằng và tự do trong các nền dân
chủ, vốn quá khác so với Việt Nam.
Quan
chức các đại sứ quán đều bày tỏ sự ủng hộ và khâm phục đối với các ứng viên độc
lập vào Quốc hội khóa 14, coi họ như những người mở đường cho công cuộc nâng
cao nhận thức cộng đồng và đòi quyền chính trị ở Việt Nam.
No comments:
Post a Comment