Tác giả: Phạm Việt
Hưng
8 Tháng Mười Một , 2015
Ngày
02/12/2014, nhà khoa học Anh nổi tiếng Stephen Hawking gây chấn động thế giới
khi tuyên bố: “Sự phát triển đầy đủ của trí tuệ nhân tạo sẽ dẫn tới sự cáo
chung của loài người”. Tuyên bố này làm tôi nghĩ đến một phán xét của André
Bourguignon, một nhà nhân loại học người Pháp trong thế kỷ 20, rằng “Vì một
ngàn lý do, con người đã trở thành một động vật điên rồ”. Vâng, nhân danh khoa
học và phát triển, con người điên rồ đến mức say sưa lao vào khám phá và phát
minh ra những thứ hủy diệt chính mình…
André
Bourguignon
Không ai nghi ngờ con người là một sinh vật tiến hóa
ở bậc cao nhất, nhưng ít người để ý rằng “Với việc thiết lập bạo lực và giết
nhau trong loài của mình, con người tự đặt mình xuống dưới động vật” [1].
Đó là kết luận của André Bourguignon, tác giả của công trình đồ sộ mang tên
“L’Histoire Naturelle de l’Homme” (Lịch sử Tự nhiên của Con người), gồm 3 tập:
Tập I – “L’Homme Fou” (Con người điên rồ)
Tập II – “L’Homme Imprévu” (Con người không thể đoán
trước) [2]
Tập III – “L’Homme Inachevé” (Con người dở dang). Tập
III đúng là dở dang, vì chưa kịp hoàn thành thì tác giả đã ra đi.
Vì Tập III không bao giờ được xuất bản nên tôi đoán
tiêu đề “Con người dở dang” có một hàm ý sâu sắc: với định hướng văn hóa như hiện
nay – một nền văn hóa chứa đựng những yếu tố điên rồ có thể sớm đưa loài người
tới diệt vong – loài người sẽ không bao giờ trở thành con người hoàn thiện với
đầy đủ ý nghĩa cao đẹp mà nó được kỳ vọng; loài homo sapiens chưa
được người hóa (humanized) một cách đầy đủ thì đã bị tuyệt chủng sớm
vì chính sự điên rồ của nó. Vì thế con người là một tác phẩm dở dang trong cuộc
tiến hóa của sinh giới!
Phỏng đoán trên là hệ quả tất yếu của những điều đã
được trình bày trong Tập II, rằng theo quy luật sinh học, không có loài nào là
vĩnh cửu – mọi loài đều trải qua quá trình sinh ra rồi lớn lên và chết đi – loài
người không thể là một ngoại lệ. Tuy nhiên, sự diệt vong của loài người có thể
đến sớm hơn vì chính sự điên rồ chứa đựng trong nền văn minh của nó.
Không thể phủ nhận rằng nền văn minh ấy đã đạt được
những thành tựu rực rỡ, trong đó tôn giáo, triết học, và các khoa học nhân văn
từng làm cho con người trở nên người hơn rất nhiều. Nhưng cũng không thể bịt mắt
lại để không nhìn thấy một sự thật cay đắng rằng yếu tố điên rồ trong nền văn
minh cũng đã gây ra không biết bao nhiêu đau khổ cho con người, làm chậm quá
trình người hóa, và đến một lúc nào đó có thể chấm dứt quá trình này. Mỉa mai
thay, tính điên rồ chỉ có ở con người. Bourguignon viết:
“Thật vậy, không một loài nào lại say sưa lao vào việc tạo ra nỗi bất hạnh
cho mình, vào việc hủy diệt các sinh vật và vật thể như con người; không một
loài nào lại bướng bỉnh thực hiện bạo lực và giết nhau trong loài, cá nhân và tập
thể như con người… Như vậy, vì một nghìn lý do, con người đã trở thành
một động vật điên rồ” [3].
Cái mà Bourguignon kết luận là “sự điên rồ của con
người” thực ra cũng gần giống với cái mà Tuân tử ở Trung Hoa cách đây hơn 2000
năm gọi là “nhân chi tính ác” (bản tính của người là ác) [4], và giống với cái
mà Sigmund Freud đầu thế kỷ 20 gọi là “Thanatos” (bản năng vô thức thúc đẩy
hành vi muốn hủy hoại) [5]. Tuy nhiên có một điểm khác nhau quan trọng.
Cả Tuân tử lẫn Freud, tuy cách nhau hơn 2000 năm,
nhưng giống nhau ở chỗ đều quy tính ác trong con người thành bản chất bẩm sinh.
Bourguignon không tán thành quan điểm đó. Theo ông, “Nếu Freud có lý thì phải rút ra kết luận rằng những ứng xử gây hấn
trong loài (người) có một nền tảng sinh học. Đó là những gene đặc biệt, hay là
nhiễm sắc thể tội ác… Nhưng ngược lại, tất cả những cuộc nghiên cứu đều đi tới
kết luận rằng ở trình độ cá nhân, những ứng xử gây hấn của con người không bị
quy định bởi một nhân tố di truyền nào cả…” [6].
Bourguignon đưa ra một loạt lập luận thuyết phục để
bác bỏ việc quy “tính ác” cho bản chất sinh học, và chứng minh rằng những “hành
vi điên rồ” ấy có nguồn gốc xã hội – hoàn cảnh chi phối sự phát triển
và giáo dục của các cá nhân.
Trong bài “Luận về bản tính Thiện/Ác (3) – Gene tội
phạm, một dấu hỏi lớn” [7], bản thân tôi cũng từng lập luận rằng không hề tồn tại
cái gọi là “gene tội phạm” – hành vi của con người không quyết định bởi gene,
mà bởi môi trường văn hóa và giáo dục. Vì thế tôi hoàn toàn tán thành quan điểm
của Bourguignon khi cho rằng sự điên rồ của con người bắt nguồn từ những hoàn cảnh
chi phối sự phát triển và giáo dục.
Nếu hoàn cảnh xã hội các thế kỷ 16, 17, 18 tạo ra những
nhà khoa học xuất chúng như Isaac Newton, Gottfried Leibniz, Blaise Pascal,… đều
là những người tuyệt đối tin tưởng vào Chúa thì hoàn cảnh xã hội thế kỷ 19, 20
dẫn tới sự hạ bệ đức tin tôn giáo và sự suy tôn Chủ nghĩa Duy Khoa học (Scientism).
Nietzsche, bản thân ông là một người vô thần, nhưng
lại là một nhà tiên tri khi ông cảnh báo từ cuối thế kỷ 19, rằng “cái chết của
Thượng đế” sẽ tạo ra một khoảng trống về đạo đức [8]. Khoảng trống ấy sẽ đẩy xã
hội vào khủng hoảng, nếu không tìm được một lý tưởng nào thay thế tôn giáo. Vào
thời điểm ấy, khoa học đạt được những thành tựu rực rỡ, đến nỗi người ta tưởng
rằng sắp tìm thấy những nguyên lý cuối cùng của vũ trụ. Rất nhiều người vội mừng
như đã tìm thấy lý tưởng mới mà Nietzsche đòi hỏi – khoa học chính là lý tưởng
mới thay thế tôn giáo! Đó là lý do để Chủ nghĩa duy khoa học ra đời.
Chủ nghĩa duy khoa học là chủ nghĩa coi khoa học là
chúa.
Nếu Thiên Chúa giáo tin vào Chúa như Đấng tối cao có
thẩm quyền phán xét chân lý thì chủ nghĩa duy khoa học thay thế Chúa bằng khoa
học – khoa học thay Chúa phán xét chân lý, không có một lĩnh vực nhận thức hoặc
văn hóa nào khác có thẩm quyền phán xét chân lý bằng khoa học. Với Thiên Chúa
giáo, lời của Chúa là chân lý. Với chủ nghĩa duy khoa học, các định lý và định
luật là chân lý.
Nhưng từ cuối thế kỷ 20 đến nay, chủ nghĩa duy khoa
học bắt đầu lung lay. Niềm tin vào tính chân lý của khoa học bắt đầu bị nghi ngờ.
Albert Einstein lên tiếng: “Đừng coi trí tuệ là
chúa; nó có sức mạnh cơ bắp nhưng phi nhân tính”. Dường như ông lo lắng cho
tương lai u ám của loài người nếu cái sức mạnh cơ bắp phi nhân tính ấy bị lợi dụng
cho mọi tham vọng điên rồ của con người. Lời nói của ông giống như một lời tiên
tri.
Về mặt triết học, Định lý Bất toàn của
Kurt Godel đã giáng một đòn chí tử vào tính chắc chắn của khoa học, chỉ ra rằng
chẳng có một hệ thống logic nào của khoa học là đầy đủ để vỗ ngực tuyên bố mình
là hoàn hảo. Hóa ra khoa học cũng chỉ là một tập hợp những lập luận dựa trên niềm
tin và kinh nghiệm. Khoa học không bao giờ có thể thay thế Chúa. Còn lâu khoa học
mới đủ thẩm quyền để phán xét chân lý… Godel không bao giờ trực tiếp đối diện với
Chủ nghĩa duy khoa học, nhưng những công trình toán học của ông gián tiếp bác bỏ
chủ nghĩa ấy, đặc biệt là công trình cuối đời:Chứng minh sự hiện hữu của
Chúa [9].
Không ai dám bác bỏ Godel, và cũng không ai có thể
bác bỏ Godel. Nhưng giống như cách người ta đối xử với Định lý Bất toàn, nay
người ta đối xử với Chứng minh của Godel về sự hiện hữu của Chúa theo cách
tương tự – rúc đầu xuống cát như con đà điểu để không nhìn thấy sự thật. Nhà Phật
gọi đó là sự vô minh. Einstein gọi đó là cái “stupidity”, và theo ông, cái
“stupidity” ấy lớn vô hạn: “Chỉ có hai thứ vô hạn: vũ trụ và sự vô minh của
con người; tôi không chắc về cái thứ nhất…”.
Sự vô minh ấy là gốc rễ của sự điên rồ. Sự điên rồ
là gốc rễ của khủng hoảng đạo lý, khủng hoảng môi trưởng, khủng hoảng tội ác,
khủng hoảng chiến tranh, khủng hoảng nghèo đói,…
André Bourguignon báo động: “… chúng ta đã
bước vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất mà loài người chưa từng biết tới”
[10]
Liệu con người có thoát ra khỏi khủng hoảng được
không? Liệu con người có trì hoãn sự tuyệt chủng được hay không? Điều này phụ
thuộc vào lương tri của toàn nhân loại.
Lương tri của nhân loại là tổng đại số lương tri của
từng con người trong 7 tỷ người trên trái đất hiện nay. Nếu lương tri tích cực
lấn át sự bất lương thì tương lai còn có hy vọng. Nếu sự bất lượng khuynh đảo
dòng chảy tiến hóa thì ngày Doomsday (Ngày tận thế) sẽ đến nhanh chóng.
Bắt đầu từ 1947, khi cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân
bắt đầu, tạp chí The Bulletin of the Atomic Scientists bắt đầu
đưa hình ảnh chiếc Đồng hồ Tận thế (Doomsday Clock) lên trang
bìa của nó, để báo động cho toàn nhân loại biết chúng ta đang ở gần ngày tận thế
chừng nào. Thời điểm “midnight” (giữa đêm) tượng trưng cho ngày tận thế.
Từ 1947 đến 2000, kim đồng hồ đã dịch chuyển 15 lần về phía “midnight”. Năm
2000, kim đồng hồ thông báo còn 9 phút nữa sẽ đến “midnight”. Năm 2010 còn 6
phút. Năm 2012 còn 5 phút…
The Bulletin of the Atomic Scientists
Những người bi quan cho rằng chiếc đồng hồ này sẽ tiếp
tục chạy theo chiều của nó, thậm chí chạy ngày càng nhanh hơn. Nhưng những người
tỉnh thức và có trách nhiệm với số phận của nhân loại cho rằng có thể tạo ra những
lực cản buộc chiếc đồng hồ này chạy chậm lại hoặc dừng lại, thậm chí vặn ngược
chiếc đồng hồ, bắt nó quay ngược, nếu con người tỉnh ngộ để nhận ra sự điên rồ
và tội lỗi của mình.
Để con người tỉnh ngộ, phải rung lên những hồi
chuông lớn đánh thức mọi người…
Tháng 04 năm 2000, một hồi chuông lớn đã rung lên –
bài báo trên tạp chí WIRED, “Why the future doesn’t need us” (Tại sao
tương lai không cần chúng ta) của Bill Joy, nhà đồng sáng lập
và nhà khoa học đứng đầu tổ hợp Sun Microsystems, tác giả của nhiều khám phá và
phát minh trong công nghệ thông tin hiện đại. Bất chấp những ân sủng và lợi lộc
do khoa học và công nghệ mang lại cho bản thân, Bill Joy tố cáo sự ngông cuồng
của khoa học, cảnh báo mối nguy hiểm to lớn do công nghệ thế kỷ 21 mang lại, và
tha thiết kêu gọi giới khoa học hãy thức tỉnh trước khi quá muộn. Bài báo viết:
“Những công nghệ mạnh nhất của chúng ta trong thế
kỷ 21 – công nghệ robot, công nghệ gene, và công nghệ nano – đang đe dọa biến
con người thành một loài nguy hiểm” (Our most powerful 21st-century
technologies – robotics, genetic engineering, and nanotech – are threatening to
make humans an endangered species).
Bill Joy
Vũ khí trong thế kỷ 21 gọi tắt là GNR (Genetics +
Nanotechnology + Robotics) khác hẳn và nguy hiểm hơn hẳn so với các vũ khí hủy
diệt hàng loạt trong thế kỷ 20 ở chỗ GNR có thể tự nhân bản (self-replicate).
Bill Joy viết: “Một quả bom chỉ nổ một lần, nhưng một vũ khí GNR có thể trở
thành vô số GNR, và chúng nhanh chóng vượt ra khỏi sự kiểm soát của con người!”.
Vũ khí hủy diệt hàng loạt trong thế kỷ 20, gọi tắt
là NBC, gồm vũ khí hạt nhân (Nuclear) + vũ khí sinh học (Biological) + vũ khí
hóa học (Chemical), tuy có sức hủy diệt khổng lồ, nhưng việc chế tạo những vũ
khí này đòi hỏi nhiều thời gian, cần nhiều nguyên liệu thô hiếm hoi, việc bảo mật
rất phức tạp và tốn kém, và nói chung đòi hỏi quy mô sản xuất lớn. Trong khi
đó, vũ khí GNR của thế kỷ 21 nguy hiểm hơn nhiều vì chỉ cần một tổ chức nhỏ, một
quy mô nhỏ, thậm chí một cá nhân cũng có thể chế tạo với chi phí thấp, và chỉ một
lượng nhỏ cũng có thể tự nhân bản thành một số lượng lớn.
Hơn thế nữa, trong khi vũ khí NBC của thế kỷ 20 nói
chung nằm trong tay nhà nước, do quân đội quản lý chặt chẽ, thì vũ khí GNR của
thế kỷ 21 có thể trở thành hàng hóa thương mại phổ thông, buôn bán và phổ biến
rất dễ dàng, thoát khỏi sự kiểm soát của các nhà nước. Trong thời buổi đồng tiền
thống trị như hiện nay, cái gì kiếm ra tiền sẽ chiếm vai trò khuynh đảo xã hội.
Khi đó, vũ khí GNR càng có cơ hội trở thành thứ vũ khí phổ biến nhất và nguy hại
nhất.
Bill Joy viết: “Không có gì cường điệu khi nói rằng chúng
ta đang đứng trên đỉnh điểm của cái cực ác… Đây là lần đầu tiên trong lịch
sử của hành tinh chúng ta, có một loài, bằng hành động tự nguyện của chính nó,
đã trở thành mối đe dọa đối với chính nó và với các loài khác”.
Dù bi quan hay lạc quan, con người phải ý thức được
tình hình nghiêm trọng hiện nay. Bill Joy viết: “Trong thời đại hiện nay, mối
nguy chúng ta phải đối mặt lớn đến chừng nào, không chỉ vì vũ khí hạt nhân, mà
vì tất cả những thứ vũ khí ra đời từ công nghệ hiện đại. Nguy cơ tuyệt chủng lớn
đến chừng nào”.
Là một nhà khoa học xuất sắc, Bill Joy biết rõ hơn
ai hết khát vọng khám phá thôi thúc con người như thế nào. Ông nhắc lại câu nói
bất hủ của Aristotle: “Mọi người về bản chất đều khát khao hiểu biết”.
Khao khát hiểu biết được coi như một lẽ sống, một nhu cầu chính đáng như hít thở
không khí vậy. Thậm chí khao khát hiểu biết được coi như một lý tưởng cao đẹp,
cội nguồn của sáng tạo, đáng được ca ngợi. Trong thời đại ngày nay, chúng ta
khao khát hiểu biết đến mức tôn sùng khoa học, cái gì khoác bộ mặt khoa học đều
được kính trọng. Nhưng…
Một cái “nhưng” rất đáng chú ý:
Nhưng
đứng trước mối nguy hiện nay, khi con người nhân danh hiểu biết để muốn làm gì
thì làm, bất chấp mọi hậu quả có thể đến, thì cái gọi là phát triển và khát vọng
hiểu biết ấy cũng cần phải được xem xét lại, cần phải được kiểm soát.
Cái gì kiểm soát và điều chỉnh con người?
Câu trả lời: ĐẠO
Nếu
tư tưởng quan trọng nhất của ĐẠO là sự cân bằng và hòa hợp với tự nhiên thì nền
văn minh hiện đại đã và đang phá vỡ tính cân bằng và trái tự nhiên.
Ngày nay, nhiều người không hề biết đến Đạo Trung
Dung, vì thế họ không biết kiềm chế bất kể cái gì. “Trung dung là theo thiên lý
(đạo trời) mà giữ lẽ điều hòa, khiến cho không có điều gì chênh lệch” [11].
“Phàm cái gì thái quá cũng là dở cả, chỉ nên giữ thế nào cho tinh thần và vật
chất hai bên cùng điều hòa với nhau được thì mới là hoàn toàn” [12].
Khi Chủ nghĩa duy khoa học lên ngôi, cái gọi là khát
vọng hiểu biết càng có cơ hội bất chấp, không cần kiềm chế, kể cả khát vọng chế
tạo những thứ vũ khí hủy diệt loài người. Chủ nghĩa duy khoa học không có ĐẠO dẫn
đường, do đó nó thiên lệch về vật chất, phá vỡ sự cân bằng, đưa thế giới vào khủng
hoảng, bất ổn.
Sự lên ngôi của Chủ nghĩa duy khoa học cũng đồng
nghĩa với tuyên bố “Thượng đế đã chết” của Nietzsche, đưa con người tới tình trạng
vô ĐẠO, con người được sổ lồng với những bản năng Eros và Thanatos mà Sigmund
Freud đã mô tả.
Con người sổ lồng ấy đã trở thành những con vật điên
rồ như Bourguignon nhận định. Những con vật điên rồ ấy tự cho rằng mình thông
minh, nhưng không hiểu rằng đó là cái thông minh do ăn “trái cấm trong vườn
địa đàng” mà có – một thứ thông minh tội lỗi!
Ai cũng biết tích truyện “Trái cấm” trong Kinh Sáng
Thế, nhưng dường như rất ít người để ý rằng trái cấm ấy ăn vào là trở nên thông
minh hiểu biết mọi sự! Điều này có vẻ trái với tuyên ngôn của Aristotle về khát
vọng hiểu biết, nhưng nó hàm chứa những ẩn ý sâu sắc mà chỉ những người thích suy
nghĩ về ý nghĩa đích thực của cuộc sống mới hiểu. Vậy xin nhắc lại tích truyện
“trái cấm trong vườn địa đàng” dưới dạng vắn tắt sau đây:
Kinh Sáng thế kể rằng trong vườn địa đàng (vườn
Eden) có cây “sự sống” và cây “biết lành dữ”. Thiên Chúa ra lệnh cho người rằng:
“Con có thể ăn quả các cây trong vườn, nhưng không được ăn quả cây biết lành dữ,
vì ngày nào con ăn quả cây ấy, con sẽ phải chết”. Nhưng con rắn xui bà Eva cứ
ăn quả đó. Bà Eva thấy quả cây ấy ngon, đẹp mắt và quý, vì ăn vào sẽ được
thông minh; bà hái quả mà ăn, bà cũng đưa cho chồng là ông A-đam đang ở gần
đấy, và ông đã ăn. Thế là mắt hai người mở ra và thấy mình trần truồng… Hai người
đã phạm tội, bị Thiên Chúa đuổi xuống trần gian…
Thử hỏi, còn ai thông minh hơn các nhà khoa học chế
tạo vũ khí NBC trong thế kỷ 20 và GNR trong thế kỷ 21? Còn ai thông minh hơn những
nhà khoa học về trí thông minh nhân tạo? Họ chính là những kẻ đã ăn trái cấm.
Nhưng họ không hề có ý thức về tội lỗi, vì họ là những đệ tử nhiệt thành của Chủ
nghĩa duy khoa học. Họ không tin vào thế giới sau cái chết như Kurt Godel đã
tin. Họ không tin vào ngày phán xử cuối cùng như các môn đệ của Thiên Chúa
giáo. Do đó họ không đếm xỉa đến số phận của nhân loại, họ chỉ cần thỏa mãn
tham vọng hiện tại – tham vọng tiền bạc + tham vọng công danh + tham vọng thống
trị + và cả tham vọng hiểu biết nữa! Chưa có một nhà khoa học nào bị
kết tội vì khao khát hiểu biết, kể cả Werner Heisenberg, cha đẻ của Nguyên lý Bất
định trong Cơ học Lượng tử, từng là giám đốc chương trình nghiên cứu chế tạo
bom nguyên từ của Hitler trong Thế Chiến II.
Vì thế Bill Joy phải được xem là một người dũng cảm
khi đề xuất ý tưởng phải xem xét lại ngay cả cái lý tưởng được coi là cao đẹp
như khát vọng hiểu biết. Ông đặt vấn đề cần phải hỏi xem liệu cái lý tưởng ấy
có hoàn toàn chính đáng không?
Đọc bài báo của Bill Joy, tôi hiểu rằng ông muốn
khuyên chúng ta đừng chỉ biết đặt câu hỏi “what is it?” (đó là cái gì?), mà phải
biết đặt câu hỏi “what is it for?” (cái đó để làm gì?). Câu hỏi “what is
it?” chỉ là trí thông minh do ăn trái cấm mà có. Câu hỏi “what is it for?” mới
làm cho chúng ta người hóa (humanized) để trở thành con người thực sự, thay vì
chỉ là “con người dở dang” như Bourguignon nhận xét.
Nếu không hiểu những nghĩa lý đó để điều chỉnh kịp
thời thì thế kỷ 21 sẽ lại là thế kỷ của một cuộc chạy đua vũ trang mới – chạy
đua phát triển vũ khí hủy diệt dựa trên công nghệ GNR – mà một khi đã bắt đầu
thì sẽ rất khó để chấm dứt. Cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân trước đây khởi đầu từ
chiến tranh. Ngày nay không thể viện cớ chiến tranh để biện minh cho một cuộc
chạy đua mới. Nếu chúng ta lao vào cuộc chạy đua mới này, Bill Joy tố cáo,
thì chẳng qua vì chúng ta hành động theo một thói quen sai lầm, vì
chúng ta chạy theo khát vọng ngông cuồng, vì lợi nhuận, và vì cả nhu cầu hiểu
biết.
Bill Joy đề nghị cộng đồng khoa học hãy hưởng ứng lời
kêu gọi của Hans Bethe, một nhà khoa học từng đoạt Giải Nobel, một trong những
thành viên của Dự án Manhattan (Dự án chế tạo bom nguyên tử của Mỹ những năm
1940) hãy còn sống, rằng tất cả các nhà khoa học hãy “ngừng và từ bỏ việc
chế tạo, phát triển, cải tiến và sản xuất vũ khí hạt nhân và vũ khí hủy diệt
hàng loạt tiềm năng”.
Liệu cộng đồng khoa học có lắng nghe không? Nếu lắng
nghe, liệu họ có hưởng ứng không? Có lẽ phải có một sự trả giá vô cùng đắt nào
đó rồi loài người mới tỉnh ra chăng?
■ ■ ■
Bài
học của nước Đức có lẽ là điển hình về sự trả giá cho tính điên
rồ: Nước Đức đầu thế kỷ 20 là một quốc gia điên rồ nhất khi hai lần gây chiến
tranh thế giới; nhưng từ 1945 đến nay, Đức là một quốc gia hòa bình nhất, một
trong hai nhà sáng lập Liên Minh Châu Âu (EU), và là quốc gia trụ cột của liên
minh này, đi đầu EU trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng trên thế giới bằng
phương pháp hòa bình. Chẳng hạn, Đức là quốc gia dũng cảm tuyên bố từ bỏ năng lượng
hạt nhân và đi tiên phong trong việc tìm nguồn năng lượng mới…
Mô
hình EU tuy chưa phải là hoàn hảo, nhưng cũng là một tấm
gương sáng chói cho mọi quốc gia. Bản nhạc bất hủ “Ode to Joy” (Giao hưởng Niềm
vui) của Beethoven được lấy làm quốc ca cho EU, nói lên tư tưởng hòa bình của
Liên Minh Âu Châu. Trước 1945, còn ai thù hằn nhau hơn ba nước Anh, Pháp, Đức?
Nhưng bây giờ khó có thể nghĩ ra một kịch bản nào để ba nước này đi đến chiến
tranh với nhau: người Anh, người Pháp, người Đức có lẽ đã “đủ già” để hiểu nên
sống với nhau như thế nào.
Ngay
cả con gấu Nga, một đế chế vô thần cũ, nay cũng đã trở lại với
Chính Thống giáo một cách mặn mà. Họ đã hiểu được cái giá của một xã hội vô thần
phải trả.
Thụy
Điển xa xưa vốn là một dân tộc hiếu chiến, nhưng từ
triều đại của vua Charles XIV, nguyên là đại tướng Jean Bernadotte trong quân đội
Napoléon, đã trở thành một quốc gia hòa bình được cả thế giới kính trọng. Một
cá nhân Bernadotte với những tư tưởng cao thượng, chống lại mọi tham vọng điên
rồ, đã tác động đến cả một thời đại, một dân tộc, tạo ra một không gian Bắc Âu
thanh bình, xã hội chủ nghĩa đích thực,…
Vậy rõ ràng vẫn có những quốc gia, những tổ chức, những
cá nhân tỉnh táo, nhìn xa trông rộng, không để mình bị cuốn vào trào lưu điên rồ
trong cộng đồng nhân loại. Khi kết tội con người là một động vật điên rồ, chắc
chắn Bourguignon không có ý vỡ đũa cả nắm. Chắc chắn ông không vơ đũa cả nắm,
nhưng ông không thể nói khác khi ông duyệt lại quá khứ của con người, đặc biệt
những bi kịch của thế kỷ 20 mà ông chứng kiến, qua đó lộ ra cái xu hướng phản tự
nhiên trong nền văn minh của loài người, mà ông không thể gọi nó bằng cái tên
nào khác là sự điên rồ.
Ngày 13/09/2014 vừa qua, Đài RFA đưa tin: Đức Giáo
Hoàng Francis hôm thứ bảy tuyên bố tại Redipuglia ở mạn bắc Italy rằng, sự gia
tăng các cuộc khủng hoảng trên toàn cầu hiện nay chẳng khác gì những mảng của
Thế chiến thứ ba. Ngài lên án nạn buôn bán vũ khí và những âm mưu khủng bố đã
gieo rắc cái chết và sự tàn phá… Đức Giáo Hoàng cảnh báo, chiến tranh là điên rồ,
chiến tranh chỉ mang lại sự tàn phá và chiến tranh được mở rộng bằng sự hủy diệt.
Ngài cho rằng lòng tham, sự bất khoan dung, tham vọng quyền lực là ba động cơ
đưa tới quyết định gây chiến và thường được biện minh bằng một ý thức hệ…
■ ■ ■
Bourguignon không phải là người đầu tiên nói đến sự
điên rồ của con người. Thật vậy, ngay từ thế kỷ 17, Blaise Pascal, một trong những
nhà hiền triết sâu sắc nhất của mọi thời đại, đã nói: “Con người điên rồ một
cách tất yếu, đến nỗi không điên chẳng qua cũng là một kiểu điên” (Les hommes
sont si nécessairement fous que ce serait être fou par un autre tour de folie
de n’être pas fou) [13]
Bourguignon đã nhắc lại câu ấy trong cuốn “Con người
không thể đoán trước” của ông, vì nó đúng trong toàn bộ lịch sử tự nhiên của con
người.
Sau khi vạch rõ sự điên rồ của con người,
Bourguignon chỉ ra rằng tương lai của loài người phụ thuộc vào nền văn minh do
con người tạo ra. Nhưng nền văn minh ấy hiện nay ra sao? Ông viết:
“Một nền văn minh chỉ dựa vào sự tăng trưởng vô hạn
về sản xuất chỉ có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng về năng lượng và nguyên liệu.
Một nền văn minh mà những sự khoái lạc gắn liền với tiêu dùng lấn át mất những
trao đổi giữa người với người, mà nạn thất nghiệp hoành hành theo lối kinh
niên, mà trẻ con bị vất bỏ trở thành những thiếu niên hung hãn, hư hỏng, nghiện
ma túy hay lao vào tự sát, một nền văn minh như vậy chỉ có thể chết đi mà thôi.
Nhưng nền văn minh tuyệt vọng ấy cũng là nền văn minh của sự ngu đần đi, không
phải vì tỷ lệ đẻ ở những người thông minh sẽ thấp hơn, mà là vì những phương tiện
truyền thông, đặc biệt là truyền hình, làm nảy sinh tính thụ động, bóp nghẹt tư
duy cá nhân dưới một làn sóng thông tin và giải trí tầm thường, thay vì phát
triển tinh thần phê phán, xét đoán và sáng tạo…” [14].
Vậy nền văn minh ấy thiếu cái gì? Làm thế nào để
thay đổi nó?
Theo tôi, chỉ có một lối thoát duy nhất:
Con
người phải trở về với ĐẠO, như các bậc Thánh nhân đã dạy!
------------
Chú
thích:
[1] Sách đã dẫn trong chú thích 2, trang 448
[2] Đã được xuất bản bằng tiếng Việt, NXB Văn hóa
Thông tin, Hà nội 2004, người dịch Huyền Giang.
[3] Sách đã dẫn trong chú thích 2, trang 18-19.
[4] Xem “Luận về bản tính Thiện/Ác (2) – Học thuyết
Tuân tử, Hàn Phi”, Phạm Việt Hưng, Khoa học & Tổ quốc Tháng 11/2011, trên mạng
Vietsciences http://vietsciences.free.fr/timhieu/trietly-giaoduc/luanvethienac02.htm hoặc
trên PhamVietHung’s Home.
[5] Xem “Luận về bản tính Thiện/Ác (1) – Học thuyết
Sigmund Freud”, Phạm Việt Hưng, Khoa học & Tổ quốc Tháng 10/2011, trên mạng
Vietsciences http://vietsciences.free.fr/timhieu/trietly-giaoduc/luanvethienac.htm hoặc
trên PhamVietHung’s Home.
[6] Sách đã dẫn trong chú thích 2, trang 451
[7] Đã đăng trên Khoa học & Tổ quốc Tháng
12/2011, trên mạng Vietscienceshttp://vietsciences.free.fr/timhieu/trietly-giaoduc/luanvethienac03.htm và
trên PhamVietHung’s Home
[8] Xem “Gã điên của Nietzsche” trên PhamVietHung’s
Home.
[9] Xem “Godel chứng minh sự hiện hữu của Chúa” trên
PhamVietHung’s Home.
[10] Sách đã dẫn trong chú thích 2, trang 492
[11] Nho giáo, Trần Trọng Kim, NXB Văn hóa Thông
tin, Hà nội, 2001, trang 186.
[12] Nho giáo, Trần Trọng Kim, NXB Văn hóa Thông
tin, Hà nội, 2001, trang 72.
[13] Men are so necessarily mad, that not to be mad
would amount to another form of madness
[14] Sách đã dẫn trong chú thích 2, trang 488
Bài viết được đăng với sự cho phép của tác giả Phạm Việt Hưng.
Quan điểm thể hiện trong bài viết này là ý kiến của
tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đại Kỷ Nguyên.
No comments:
Post a Comment