Bruno
Philips, Le
Monde
Thứ Ba, ngày 10 tháng 11 năm 2015
Bà Aung San Suu Kyi vẫy chào ngườ ủng hộ trước khi
vào phòng phiếu, 08/11/2015.
(Bruno Philips, Le
Monde 10/11/2015) Đảng cầm quyền do các cựu tướng lãnh thành lập
đã nhìn nhận thất bại trong cuộc bầu cử Quốc hội hôm Chủ nhật, kỳ bầu cử tự do
đầu tiên từ một phần tư thế kỷ. Liên đoàn Quốc gia Vì dân chủ của bà Aung San
Suu Kyi chiếm được 70% số ghế.
Sự đón tiếp của báo chí, người ủng hộ và đám đông
dành cho bà tại một trường học ở Răngun được chuyển đổi thành phòng phiếu, một
lần nữa đã khẳng định bà Aung San Suu Kyi không chỉ là một nữ chính
khách : sự xuất hiện của bà trước công chúng đã như một ngôi sao nhạc
rock, đối tượng của một sự tôn sùng đáng ngạc nhiên.
Khi chiếc xe của bà đến nơi vào khoảng 9 giờ sáng Chủ
nhật 8/11, tại một ngôi trường nhỏ của khu dân cư nằm gần căn nhà kiểu thuộc địa,
nơi Aung San Suu Kyi đã trải qua 15 năm quản thúc trong thời kỳ độc tài quân sự,
người ta chứng kiến một sự cuồng nhiệt tập thể. Được các cận vệ bảo vệ, bao
quanh là một đám đông phóng viên và « fan cuồng » giơ cao điện thoại
di động, máy tính bảng, máy chụp hình và máy quay phim, giải Nobel hòa bình phải
rất chật vật mới vào được bên trong phòng phiếu.
Bà ra khỏi vài phút sau đó, ngón trỏ nhuốm mực đen,
bằng chứng cho thấy người cử tri đã bỏ phiếu tại đây.
Trong khi chờ đợi kết quả sẽ mang lại chiến thắng
cho Liên đoàn Quốc gia Vì dân chủ (LND), đảng của « Lady », các cử
tri đã hưởng ứng nguyên tắc phổ thông đầu phiếu : 80% trong số 30 triệu
người có quyền đi bầu đã đến các phòng phiếu, trong khuôn khổ cuộc bầu cử tự do
đầu tiên ở Miến Điện từ một phần tư thế kỷ qua.
Thứ Hai 9/11, trong lúc việc kiểm phiếu vẫn đang tiếp
tục, Htay Oo, chủ tịch lâm thời đảng cầm quyền - đảng Liên minh Liên đới và
Phát triển (USDP) - đã công nhận thất bại. Những kết quả ban đầu
trên toàn quốc cho thấy chiến thắng vang dội của LND, mà theo phát ngôn viên
Win Htein của đảng này, đã giành được trên 70% ghế ở Quốc hội, đủ để thành lập
chính phủ. Tại Răngun, đảng đối lập chiếm được 12 ghế đầu tiên - theo ủy ban bầu
cử. « Tôi nghĩ rằng nhân dân đã đoán biết được kết quả, dù tôi
không nói gì cả » - bà Aung San Suu Kyi nói với đám đông tụ họp
trước trụ sở đảng.
Ảnh của nhà đối lập chiếm trang nhất một số tờ báo
Miến Điện.
« Một
con tàu lớn »
Ủy ban bầu cử trước đó đã thận trọng quyết định hủy
việc bỏ phiếu tại những quận thuộc các bang người thiểu số Kachin, Chan và
Karen : các trận đánh giữa quân đội và các nhóm ly khai tiếp diễn, và
không khí bất an ngự trị tại các vùng này khiến việc đi bầu trở nên quá nguy hiểm.
Tựa của các báo cho thấy tầm vóc của sự thay đổi
trong bốn năm qua, từ khi tập đoàn quân sự cầm quyền từ năm 1962 tự giải thể : « Bình
minh của một kỷ nguyên mới, hàng triệu người đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử lịch
sử » - tít trang nhất của tờ« The New Light of
Myanmar », một loại « Pravda » (« Sự
Thật », báo chính thức của đảng Cộng sản Liên Xô cũ – ND) của
chế độ cũ…
Khi ra khỏi phòng phiếu nơi Daw Suu (Bà Suu) vừa
bỏ phiếu, một nhân vật đáng kính vào sáng Chủ nhật giữ một khoảng cách trước sự
kiện : Hla Maung, 71 tuổi, nhà địa chất về hưu, khẳng định « cần
phải kiên nhẫn ». « Các thay đổi không thể diễn ra trong một sớm một
chiều. Miến Điện là một con tàu lớn không thể bỗng chốc chuyển hướng. Tôi không
chờ đợi những đổi thay kịch tính trước năm, sáu năm tới. Và tôi e nhiều người
nghĩ rằng tất cả sẽ diễn tiến rất nhanh, hy vọng những điều bất khả ».
Gần nhà tù Insein, nơi Maung Maung Oo, 51 tuổi, đã bị
giam giữ hơn một chục
năm trong thời kỳ tập đoàn quân sự, cựu vệ sĩ của bà Suu Kyi nay là một ứng cử
viên, tỏ ra thận trọng khi được hỏi ý kiến về phản ứng của quân đội trước khả năng NLD thắng áp đảo : « Hãy
còn quá sớm để nói. Tôi nghĩ rằng cuộc bầu cử là tự do. Nhưng liệu không có
gian lận hay không ? Còn phải xem… »
Tổng thống Thein Sein, cựu Thủ tướng thời độc tài cũ, hôm 3/11
đã khẳng định : « Tôi muốn nhắc lại rằng chính phủ và quân đội
sẽ tôn trọng kết quả ».
Năm 1990, khi diễn ra các cuộc bầu cử tự do cuối
cùng, LND đã chiến thắng. Nhưng Aung San Suu Kyi đã bị quản chế từ năm trước đó. Tập đoàn quân sự quyết định
làm ngơ trước kết quả. Kỳ bầu cử mới đây
năm 2010, đã bị gian lận quy mô và bị LND tẩy chay, trong lúc
« Lady » vẫn kín tiếng.
Người ủng hộ tập trung trước trụ sở LND ngày
09/11/2015.
25%
số ghế dành cho quân đội
Trong khi mọi người chờ đợi một số bất thường, có vẻ như
cuộc bầu cử nhìn chung là diễn ra êm ả. Những người có trách nhiệm trong ủy ban
bầu cử, gồm đại đa số là các cựu quân nhân, cũng như chính phủ hiện nay xuất
thân từ tập đoàn quân sự, có thể để xảy ra một số gian lận ?
Nhà văn kiêm chuyên gia về Miến Điện, Bertil Lintner
không nghĩ như thế : « Vấn
đề chính là không ai tin vào chính phủ, dù họ đàng hoàng, người ta vẫn không tin
và cho rằng có thể có những thủ thuật nào đó » - ông nói với báo mạng Irrawady, tờ báo do những người lưu vong ởThái Lan trong thời kỳ
độc tài trước đây chủ trương. « Tôi không tin là chính quyền sẽ
gian lận bầu cử, bởi vì có quá nhiều điều được đặt cược : tính chính danh
và vị thế của Miến Điện trên trường quốc tế. Tôi nghĩ rằng chính phủ muốn cuộc
bầu cử này càng cởi mở, tự do và minh bạch càng tốt ».
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm Chủ nhật đã ghi nhận « các
trở ngại về cơ cấu và hệ thống » tiếp tục xuất hiện trên con đường
dân chủ hóa toàn diện. Nhất là việc 25% số ghế trong Quốc hội mặc nhiên dành
cho quân đội, theo Hiến pháp 2008 trong thời kỳ độc tài. Rằng một số sắc tộc
thiểu số như người Rohingya theo đạo Hồi ở bang Arakan « không thể
thực hiện quyền đầu phiếu », vì dân tộc này bị loại khỏi danh sách 135
sắc tộc được chính thức công nhận. Và cuối cùng, một số ứng cử viên đã bị loại « một
cách tùy tiện ». Ông Kerry nói : « Cuộc bầu cử
này là một tiến bộ ý nghĩa, nhưng chưa phải là hoàn hảo ».
Cho dù mọi người đều chờ đợi chiến thắng của LND, chủ
nghĩa thực tế và hoài nghi vẫn còn ngự trị nơi nhiều người. Chỉ tính đến số ghế
dành riêng cho quân đội ở Quốc hội, thì LND phải đạt tỉ lệ phiếu 67% để giành
được đa số. Và theo Hiến pháp thì bà Aung San Suu Kyi, vợ góa của một người Anh
và có hai con, không thể trở thành nguyên thủ quốc gia.
« Xu hướng chuyên chế của Aung San Suu Kyi, đang
là chúa tể trong đảng của bà, làm tôi lo ngại ít nhiều » - Hla Maung thổ lộ. Phản ứng của Myo Yan Naung Thein, cựu tù
chính trị, nguyên giáo sư tiếng Pháp và hiện là người phụ trách Trung tâm
nghiên cứu chiến lược của LND, tự cho là tai mắt của « Lady » : « Không
một ai trong đảng dám có quyết định mà không có sự đồng ý của bà. Đó là một điều
tốt. Người ta lên án bà chuyên chế ? Nhìn chung, đó là điều cần thiết. Nếu
đảng không nói cùng một tiếng nói, thì sẽ bị tan rã ngay từ bên trong. Và các đối
thủ trước mặt chúng tôi không phải là những nhà dân chủ… »
Mời
đọc lại:
Publié par Thuymy
Rfi à 01:30
No comments:
Post a Comment