Monday, November 9, 2015

HUMAN: bộ phim choáng ngợp về quy mô và tính nhân văn (Milene Fernandez, Epoch Times)





Tác giả: Milene Fernandez, Epoch Times 
Dịch giả: Jessica
7 Tháng Mười Một , 2015

New York–Những câu hỏi đơn giản nhất lại có thể là những câu hỏi khó trả lời nhất. Ý nghĩa của cuộc đời là gì? Hạnh phúc đối với bạn là gì? Tình yêu nghĩa là gì? Những câu hỏi đó vốn dĩ rất trọng tâm nhưng trong cuộc sống thường ngày chúng ta lại ít nghĩ về nó.

Nhà báo và cũng là nhà hoạt động môi trường người pháp Yann Arthus-Bertrand luôn đau đáu với bức tranh tổng thể. Ông muốn tìm hiểu xem tại sao trên thế giới lại có nhiều đau khổ đến thế, tại sao chúng ta vẫn cứ chiến tranh loạn lạc, tại sao lại nhiều cảnh nghèo đói như vậy, tại sao chúng ta lại đang tàn phá môi trường với tốc độ nhanh đến thế, tại sao chúng ta không sống hoà hợp với nhau hơn, tại sao, tại sao và tại sao?

Ông và nhóm cộng tác đã phỏng vấn 2.020 người từ 60 quốc gia khác nhau trong suốt 3 năm để sản xuất một bộ phim tài liệu mang tên “HUMAN” (“Con người”). Mỗi người được phỏng vấn trả lời những câu hỏi như nhau, những câu hỏi đơn giản nhưng lại rất cơ bản. Một trong số 40 câu hỏi tiêu chuẩn đó là: “Trải nghiệm khó khăn nhất mà bạn đã phải đối mặt là gì, và bạn đã học được gì từ nó?”.

Với tâm hồn trong sáng tựa trẻ thơ, Arthus-Bertrand đã tìm cách giúp chúng ta hiểu rõ hơn điều gì làm nên con người chúng ta.

Hầu hết những dự án trước đây của ông – bao gồm sách ảnh, triển lãm, phim tài liệu truyền hình dài tập và phim truyện – đều tập trung vào vấn đề môi trường. Có thể nói ông là một biểu tượng của nước Pháp (ông đã được tặng huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh, là huân chương cao nhất cấp quốc gia của Pháp và là thành viên của Viện Hàn Lâm Mỹ Thuật danh giá của Pháp), ông được thế giới biết đến chủ yếu bởi cuốn sách ảnh chụp từ trên không của mình: “Trái đất nhìn từ trên cao”.

Cuốn sách này đã bán được 4 triệu bản và 175 triển lãm ngoài trời đã trưng bày những bức ảnh đó. Đây là cơ sở nền móng cho những bộ phim của ông “7 tỉ người khác”, “Nhà” và hiện tại là bộ phim tài liệu “HUMAN” – là bộ phim mà ông chuyển chủ thể từ cảnh vật sang con người. Với sự ủng hộ hào phóng từ tổ chức Fondation Bettencourt Schueller ông đã thực hiện được bộ phim phi thương mại dành cho tất cả mọi người.

Trong khách sạn ở Midtown New York buổi sáng sau khi bộ phim “HUMAN” được chiếu ra mắt tại Hội trường Liên Hợp Quốc vào ngày 12 tháng 9, Arthus-Bertrand nói: “Tôi muốn nghe từ trái tim của mọi người…và muốn nói với trái tim của họ”.

Đó là lần đầu tiên một bộ phim được đưa lên màn hình của Hội trường Liên Hợp Quốc – là hội trường đã đón tiếp vô số các vị lãnh đạo quốc tế hội họp để giải quyết những vấn đề của thế giới, để tuân theo các nghị quyết tiêu chuẩn, năm này qua năm khác như một một câu chuyện lặp đi lặp lại, cũ rích.

Đặc biệt, với vai trò là đại sứ thiện chí của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, Arthus-Bertrand đã quyết định chọn Hội trường lớn của Liên Hợp Quốc là địa điểm mang tính biểu tượng tốt nhất cho buổi lễ công chiếu bộ phim, trong số những người tham dự có Tổng Thư Ký Liên Hợp Quốc, ông Ban Ki-moon.

Trong ảnh: phần mở đầu của phiên bản điện ảnh của bộ phim “HUMAN” trong lễ chiếu ra mắt tại Hội trường lớn Liên Hợp Quốc ở New York ngày 12 tháng 9 năm 2015 (Milene Fernandez/Epoch Times).

Đại diện thường trực của nước Pháp tại Liên Hợp Quốc, ông Francois Delattre nhận xét về bộ phim trong một email: “Bộ phim này là một thông điệp rất mạnh mẽ về niềm hi vọng. Nó cho ta thấy tầm quan trọng của tiếng nói mỗi cá nhân và sự quý báu mà tính đa dạng đã nói lên được cho số phận chung của nhân loại”.

Với nhiệm vụ khó khăn là phải khắc họa một bức chân dung về nhân loại, Arthus-Bertrand đã quyết định miêu tả những người mà chúng ta chưa từng thấy hoặc chưa từng nghe về họ. Arthus-Bertrand viết trong một cuốn sách của ông có tên “Bức chân dung về thế giới chúng ta, CON NGƯỜI”: “Mặc dù không ai biết họ là ai, hoặc nói khác đi, bởi vì con người họ – họ đã gửi đi những thông điệp với sức mạnh thật chấn động”, cuốn sách này đi cùng với bộ phim mang đến cho khán giả nhiều bối cảnh hơn – và những bối cảnh đó được đặt vào những chủ đề chủ đạo như hạnh phúc, chiến tranh, nghèo đói và lòng vị tha.

Điều gì chia rẽ, điều gì đoàn kết chúng ta

Bộ phim “HUMAN” mở đầu bằng một cảnh quay ngoạn mục từ trên không với một đoàn người buôn bò Trung Đông đi trên những đụn cát của thung lũng Indus thuộc vùng Gilgit-Baltistan, Pakistan. Những đoạn nhạc rất hay được đan xen một cách hoàn hảo trong suốt bộ phim, được sáng tác bởi nhà soạn nhạc nổi tiếng Armand Amar cũng ngoạn mục không kém – nó đã giúp hiệu ứng cảm xúc từ hình ảnh tăng lên mãnh liệt.

Mỗi nhân vật trong phim xuất hiện rất sát máy quay tuy nhiên lại nằm ngoài bối cảnh. Tất cả trong số họ đều được quay khi đứng trước một tấm phông màu xám tối giống nhau. Mỗi người trong số họ đều nói chuyện theo cách riêng nhưng mạch lạc, khi họ chia sẻ một đoạn câu chuyện ngắn về cuộc đời họ trong một vài giây.

Sự xuất hiện của họ trong phim rất có chiều sâu. Nhiều cảnh quay tuyệt đẹp và đôi khi lại gây khó chịu từ trên không được ghép nối với nhau bởi các cuộc phỏng vấn ngắn – đó là cảnh thác nước Agua Azul ở Mexico, cảnh những người phụ nữ đang phơi vải ở Pakistan, cảnh một người đàn ông ở bãi rác công cộng ở nước Cộng hoà Dominican, hay cảnh một hồ bơi đông nghẹt ngoài sức tưởng tượng ở Trung Quốc và còn nhiều các cảnh khác. Những cảnh quay này cho người xem có thêm chút thời gian để lắng đọng và suy ngẫm.

Người được phỏng vấn đầu tiên là anh Leonard, người đàn ông bị tù chung thân vì đã sát hại một người phụ nữ và con của cô. Anh đã biết được ý nghĩa của tình yêu và học được cách giúp đỡ người khác sau khi mẹ của người phụ nữ đã bị anh ta sát hại (và là bà của đứa trẻ) – đã tha thứ cho anh.

HUMAN - clip #13: Love from the most unlikely place

Arthus-Bertrand giải thích về lý do tại sao ông đã chọn mở đầu phim với Leonard và người đàn ông này đã rơi nước mắt ở cuối đoạn clip: “Ở một con người bạn có đủ cả – từ tối tệ nhất cho đến tử tế nhất- và anh ấy là một ví dụ như thế. Đó là sự hối lỗi, và tôi nghĩ rằng đó là điều then chốt của một con người”.

Một người phụ nữ người Mỹ, cô Sharon chia sẻ: “Các bạn đã mang lại rất nhiều điều cho tôi ngày hôm nay…Các bạn làm cho tôi cảm nhận rằng tôi có điều gì đó để cho đi…Tôi nghĩ rằng mọi người cần phải cảm thấy rằng chúng ta đã làm được điều gì đó khi còn sống, họ cần cảm thấy rằng họ đã đóng góp và ngày hôm nay các bạn đã làm tôi thấy tôi đã được đóng góp, tôi rất biết ơn vì điều đó”.

HUMAN - clip #1: Kindness can come from anywhere

Có thể chúng ta ít khi suy ngẫm về những câu hỏi đơn giản nhưng cơ bản trong cuộc sống, và có lẽ vì lý do đó chúng ta cảm thấy rất biết ơn khi được có thời gian và không gian để được diễn đạt những câu trả lời của riêng chúng ta.

Arthus-Bertrand cho rằng những gì mà cậu bé Samuel đến từ Cộng Hòa Dân Chủ Congo nói là “rất thông minh”. Trong phim, Samuel nói: “Tôi đã tự hỏi lý do tại sao tôi lại có mặt trên trái đất…bởi vì mỗi người trên trái đất đều có một sứ mệnh nào đó. Tôi cũng có một sứ mệnh nhưng tôi vẫn chưa biết nó là gì”.

Arthus-Bertrand cảm thấy sứ mệnh của ông là làm nên một bộ phim ý nghĩa và ông thấy thật may mắn khi đã có thể làm ra một bộ phim có sức mạnh đến thế – “une chance incroyable” (thật là một cơ hội tuyệt vời), ông nói câu đó bằng tiếng Pháp.

Trên thực tế bộ phim “HUMAN” quả thật là quá choáng ngợp về quy mô và nó xuất sắc đến nỗi chính Arthus-Bertrand cũng không tin được.

Arthus-Bertrand nói “Tư tưởng bên trong bộ phim thật là kỳ lạ, tôi nghĩ rằng Chúa đã hiện hữu trong phim và hiện hữu đâu đó ở những nhân vật này, tôi không tin có Chúa ở trên đời, nhưng tôi tin rằng chắc chắn Chúa đã hiện hữu trong bộ phim này”.

Cuộc đối thoại vĩ đại

Dường như số người xuất hiện trong phim là vô số. Mỗi người đều có nét độc đáo và nét đẹp riêng khi thể hiện sự mong manh và chân thành của mình, họ chia sẻ những chuyện mà có lẽ trước đây chưa bao giờ được tiết lộ, thậm chí là với những người bạn thân thiết nhất của mình. Nhưng thay vào đó họ đã cởi mở quan điểm khi tham gia vào cuộc đối thoại này, giữa những người xa lạ chưa hề biết nhau bao giờ.

Cuộc đối thoại trong phim hoàn toàn không tương xứng. Một số người được phỏng vấn rất nghèo, bị tước quyền bầu cử, là tầng lớp mạt cùng trong xã hội và mù chữ; một số là những người tị nạn đang chạy trốn; một số khác thì định nghĩa hạnh phúc đơn giản chỉ là có cái gì đó để ăn.

Mặc dù họ có buồn phiền, giận dữ, trầm ngâm hay hạnh phúc đi nữa thì người ta đều có thể cảm nhận được hết các cung bậc cảm xúc con người. Ở cuối mỗi đoạn phỏng vấn mỗi người đều nhìn thẳng vào ống kính máy quay. Khán giả nhìn thấy họ phơi bày hết tâm hồn mình nhưng những nhân vật được khắc hoạ trong phim có thể không bao giờ có cơ hội được gặp những nhân vật khác trong phim.

Một ngày sau khi bộ phim được công chiếu tại Uỷ ban Liên Hợp Quốc tại New York và vài tiếng trước chuyến bay trở về Paris, nhà báo kiêm phó giám đốc sản xuất bộ phim “HUMAN”, cô Mia Sfeir nhấn mạnh: “Mỗi người đều có một câu chuyện riêng…mỗi người đều có một câu chuyện riêng nào đó”. Với cô Sfeir thì bộ phim này nói về sự bền bỉ của con người.

Trong số vài ngàn người được phỏng vấn, cô đã nói chuyện với Bruno, một người đàn ông đến từ Anh. Anh chia sẻ câu chuyện về sự mạnh mẽ và sự am hiểu cuộc sống mà anh đã có được sau khi bị mất đi hai chân, nếu Chúa có cho lại đôi chân cho anh thì anh cũng sẽ không nhận bởi vì điều đó sẽ tước đi sự thông tuệ mà anh đã có được.

Một người phụ nữ tên là Ekami, là người thuộc tầng lớp tận cùng của xã hội Ấn Độ và đang ở trong tình cảnh rất bần cùng, chị để lại ấn tượng lâu phai nhất cho Sfeir.

Trong phim có cảnh cô đang hét lên, giải phóng hết cảm giác chán chường bất lực và nỗi đau ẩn sâu trong cô qua bao nhiêu năm, cô nói với những vị lãnh đạo thế giới: “Hãy giúp chúng tôi có một cuộc sống tử tế với, nếu không chúng tôi sẽ chết đói mất!” Tuy nhiên cũng mất một chút thời gian và can đảm cô mới có thể làm được như thế. Thông qua người phiên dịch, Sfeir đã động viên cô nói hết ra những điều cô muốn nói.

Sfeir nói: “Tôi nhận ra rằng tôi đã thấu hiểu được cảm xúc và nỗi đau của cô ấy, điều ấy không thể thốt nên lời. Nó giống như một bài hát cứ vang vọng”. Mặc dù bộ phim chỉ ghi lại tiếng hét giải toả nỗi bức xúc của cô nhưng Sfeir khẳng định Ekami “có một nụ cười tuyệt đẹp…đó đúng là một khoảnh khắc thật hào sảng của cô”. Sfeir nói thêm: Thường thì bởi vì những người thuộc tầng lớp bần cùng trong xã hội “không nói và không kêu ca gì nhiều ở trong làng mình hết”.

Sfeir chia sẻ: “Bộ phim làm cho những tiếng nói kia được thốt lên, nó nói về những tiếng nói này nhưng đồng thời cũng là về những gì ẩn sau tiếng nói đó”. Nhắc đến sức mạnh mà âm nhạc của nhạc sĩ Amar mang lại, cô nói: “Đối với tôi những gì những nhân vật trong phim nói cũng là một dạng âm nhạc khác theo một kiểu khác”.

Một bộ phim dành cho tất cả mọi người trong số 7 tỉ người

Tổng giám đốc quỹ Fondation Bettencourt Schueller là ông Olivier Brault đã viết trong một email bày tỏ họ rất tự hào vì đã tài trợ cho một “bộ phim bác ái”, tạo cơ hội cho Arthus-Bertrand “được làm một bộ phim mà ông mơ ước và cho phép số khán giả nhiều nhất có thể được xem”.

Phiên bản điện ảnh của bộ phim “HUMAN” dài 3 tiếng và có nhiều dạng thể khác nhau như phiên bản phim truyền hình (131 phút), “On the trail of human” (Trên hành trình của con người, gồm 3 tập phim, mỗi tập 52 phút), “The stories of HUMAN” (Những câu chuyện về con người, 80 phút), “The HUMAN Adventure” (Cuộc phiêu lưu của loài người, 52 phút), “HUMAN the music” (Âm nhạc trong HUMAN, dài 52 phút), “HUMAN for the Web” (phim HUMAN dành cho trang web) và “HUMAN Behind the Scenes” (Hậu trường phim HUMAN). Hơn cả một bộ phim, “HUMAN” là một dự án phi thương mại mang tính toàn cầu. Google đã đưa ra 6 kênh Youtube chỉ dành riêng cho dự án này vào ngày phiên bản điện ảnh của nó được ra mắt. Quỹ GoodPlanet của Arthus-Bertrand trao miễn phí bản sao và tài liệu phim cho các trường học và tổ chức phi chính phủ.

Arthus-Bertrand thừa nhận đã đưa rất nhiều chi tiết vào phim nhưng điều đó là cần thiết. Theo ông, đây là một bộ phim khơi gợi một người “mở cửa trái tim bạn và lắng nghe lời trái tim nói”. Với giọng nói mệt mỏi sau một đêm dày đặc các hoạt động trong buổi ra mắt phim tại trụ sở Liên Hợp Quốc, ông chia sẻ: “Làm bộ phim này không dễ dàng chút nào, tôi biết bộ phim rất dài, nhưng tôi yêu nó”.

Là một trong số 7 tỉ người của dân số trái đất, ban đầu Arthus-Bertrand từ chối trả lời 1 trong những câu hỏi của chính ông đưa ra bởi vì đó không phải là lúc thích hợp. Tuy nhiên ông đã trả lời cho ít nhất một trong số các câu hỏi đó.

Ông nói: “Đêm qua tôi rất hạnh phúc. Tính nhân văn mà chúng tôi cố gắng thể hiện trong bộ phim đã được cảm nhận và thấu hiểu và tôi rất vui”, tuy nhiên sau đó, như cảm thấy sức nặng của cả thế giới đang đặt lên vai mình, ông nói thêm: “Thế vẫn là chưa đủ, vẫn chưa đủ đâu”.

Bộ phim như sự cô đọng và mãnh liệt về số phận những con người, phim “HUMAN” cho chúng ta được thấy điều gì làm cho chúng ta trở thành con người như chúng ta bây giờ, mà nếu không có nó thì hẳn điều đó là không thể. “HUMAN” là một dự án phim vô cùng nhân văn để 7 tỉ trên trái đất có thể suy ngẫm.

Sfeir nói: “Tôi hi vọng với thời lượng 3 tiếng 11 phút, bộ phim sẽ phá vỡ vài bức tường phong kín tâm hồn họ khi họ theo dõi nó”.

Arthus-Bertrand nói: “Bộ phim này vượt qua tôi, vượt qua chúng ta. Chúng ta phải đặt tính nhân văn của chúng ta lên trên mọi nỗi sợ hãi…đặt lên trên tất cả”.  Đôi mắt xanh nhạt của ông ánh lên rạng rỡ khi ông khẽ thở dài: “HUMAN không còn là phim của tôi nữa; nó là một bộ phim của chúng ta”.

HUMAN Extended version VOL.1


-------------------------------












No comments: