Monday, November 9, 2015

Bầu cử Miến Điện : một trắc nghiệm thành công trên con đường dân chủ ? (Thanh Hà - RFI)





Thanh Hà  -  RFI
Đăng ngày 09-11-2015

Miến Điện : cảm tình viên đảng đối lập - Liên Đoàn Quốc gia vì Dân chủ - NLD- mừng thắng lợi. Ảnh ngày 09/11/2015. Reuters

Cả thế giới theo dõi cuộc tuyển cử tự do đầu tiên tại Miến Điện từ 25 năm qua. Dù không « hoàn hảo » nhưng tất cả đã diễn ra êm thắm : cử tri đi bầu trong không khí tràn đầy hy vọng, không xảy ra bạo động. Đảng đối lập kêu gọi chờ đợi kết quả chính thức trước khi ăn mừng chiến thắng. Chính quyền nhanh chóng nhìn nhận thất bại cho dù kết quả chính thức sẽ chỉ được công bố trong vài ngày tới. Phải chăng những dấu hiệu đó cho thấy Miến Điện đã thành công trên con đường dân chủ hóa đất nước ?

Theo các con số chính thức, 80 % trong số hơn 30 triệu cử tri Miến Điện ngày hôm qua đã dùng lá phiếu để bầu lại Thượng và Hạ viện cùng với 14 Hội đồng địa phương. Khác với cuộc tuyển cử hồi năm 2010, giới quan sát cho rằng, cuộc bầu cử tại Miến Điện lần này đã diễn ra êm đẹp.

Nhìn từ phía các nhà cầm quyền ở Naypyidaw thì cuộc bầu cử này là một bước thành công : không xảy ra xô xát tại các phòng phiếu, và cử tri kiên nhẫn chờ đợi để thực hiện quyền công dân. Vào giờ phòng phiếu đóng cửa, người dân Miến Điện tỏ ra hài lòng được tự do chọn lựa người lãnh đạo.

Đây cũng là lần đầu tiên, chính quyền Miến Điện huy động đông đảo quan sát viên đến giám sát các phòng phiếu, trong đó có 150 quan sát viên của Liên Hiệp Châu Âu. Trả lời phóng viên đài RFI, Rémy Favre từ Rangoon, ông Alexander Graf Lambsdorff trưởng đoàn quan sát viên của Liên Hiệp Châu Âu ghi nhận « một số những thiếu sót » về mặt thủ tục trong cuộc bầu cử vừa qua, nhưng theo ông, việc Miến Điện điều động từ 11 đến 12 ngàn quan sát viên đến giám sát khoảng 40 ngàn phòng phiếu cho phép có được một « tầm nhìn tổng quát » về cuộc bầu cử hôm qua. Bên cạnh đó đại diện của Liên Hiệp Châu Âu đánh giá cao việc Miến Điện cho phép các quan sát viên quốc tế đến hiện trường, kể cả việc có mặt tại các phòng phiếu chỉ dành riêng cho giới quân đội.

Washington nhìn nhận đây là một bước ngoặt quan trọng đối với tiến trình dân chủ hóa đất nước tại quốc gia Đông Nam Á này, cho dù theo lời Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry cuộc tuyển cử ngày hôm qua « không được hoàn hảo », khi vẫn còn có tới 25 % số ghế tại Quốc hội được dành cho các đại diện quân đội, một số các ứng cử viên đã bị loại một cách tùy tiện và nhất là một số các sắc tộc thiểu số như người Rohingya theo đạo Hồi không được tham gia cuộc bỏ phiếu lịch sử hôm qua.

Dù vậy, ngay từ tối hôm qua, hàng ngàn người ủng hộ Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi đã tập hợp trước trụ sở của đảng như thể muốn ăn mừng chiến thắng. Dân chúng vui mừng vì tin chắc vào thắng lợi của đảng này. Tờ báo chính thức Global New Light of Myanmar của chính phủ, sáng nay chạy tựa trên trang nhất « Một thời kỳ mới đang mở ra ».

Gương mặt đối lập hàng đầu Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi tới nay vẫn tỏ ra thận trọng. Bà kêu gọi công chúng kiên nhẫn chờ đợi kết quả chính thức và hãy chấp nhận kết quả đó. Thế nhưng những người thân cận của bà thì không còn hoài nghi về thắng lợi vẻ vang lần này.

Tất cả hy vọng của người dân Miến Điện giờ đây đang được đặt lên đôi vai người đàn bà mảnh khảnh mà từ gần 30 năm qua đã dành trọn cuộc đời để đấu tranh vì dân chủ.

Cử tri ủng hộ bà Aung San Suu Kyi chờ đợi bà nhanh chóng vực dậy một đất nước tuy giàu tài nguyên thiên nhiên nhưng đã trải qua 50 năm dưới chế độ quân sự độc tài. Năm ngoái tỷ lệ tăng trưởng của Miến Điện đạt tới 8 % thế nhưng thu nhập tính theo đầu người tại quốc gia này vẫn thuộc vào hạng thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á. Một phần ba dân Miến Điện vẫn sống dưới ngưỡng nghèo khó. Miến Điện đang thiếu đủ mọi thứ từ bệnh viện đến trường học từ nhà máy điện đến các trục lộ giao thông. Một phần lớn các hoạt động kinh tế vẫn được đặt trong tay quân đội.

Thành công hay thất bại của mô hình dân chủ Miến Điện một phần lớn tùy thuộc vào khả năng của bà Aung San Suu Kyi và của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ giải quyết được ngần ấy đòi hỏi cấp bách của người dân.






No comments: