Wednesday, February 11, 2015

Vài suy nghĩ về bài Tốc độ xoay chuyển vận mệnh đất nước (Nguyễn Văn Khoa)





Nguyễn Văn Khoa
Cập nhật lần cuối 10/02/2015

 Đây là bài khai triển một số ý kiến đã được phát biểu tại SALON VĂN HÓA CÀ PHÊ THỨ BẢY Sài Gòn (do giáo sư Nguyễn Văn Trọng chủ toạ), trong buổi Gặp gỡ & Đối thoại với GS Trần Văn Thọ, ngày 10.1.2015. Gs Trần Văn Thọ đã viết lại bài phát biểu của mình cho Diễn Đàn, với tiêu đề được lấy lại như trên, xin đọc tại : Tốc độ... duy tân

*
Trước hết xin cám ơn người “ngoại đạo”(*) trên bục đã cho một bài thuyết trình rất hay, với nhiều chi tiết mà loại người “ngoại đạo cấp hai” như tôi chưa bao giờ được nghe.
Tuy nhiên, bài học lịch sử này lại khiến tôi băn khoăn, vì nó làm đảo lộn một số nếp suy nghĩ đã từng nghe hầu như suốt đời học trò. Đấy là những suy tư về ba mối tương quan qua lại mà chúng ta vẫn quen gọi là “biện chứng”: 1) tương quan giữa chiến thắng và chiến bại trong chính trị; 2) tương quan giữa vai trò của cá nhân và vai trò của quần chúng trong lịch sử; 3) tương quan giữa lịch sử và triết lý lịch sử (hay giữa quá khứ và tương lai) trong hành động.

*
1 – Biện chứng thứ nhất : tương quan giữa thắng và bại trong chiến tranh với chính trị

Chúng ta vẫn có thói quen đánh giá tích cực chiến thắng, và tiêu cực chiến bại. Bài thuyết trình này khiến tôi băn khoăn, vớ vẩn tự hỏi:

– Trong hai trận hải chiến ở thế kỷ 19 giữa phiên Satsuma với chiến thuyền Anh và giữa phiên Choshu với chiến thuyền Mỹ - Pháp - Hà Lan, nếu may mắn mà các phiên này chiến thắng thì sao? Liệu nước Nhật sẽ có thể bước vào những thay đổi tư duy đã dẫn đến cuộc cách mạng của thời Minh Trị Thiên hoàng chăng?

– Trong các trận hải chiến đầu thế kỷ 20 giữa Nhật với Nga và giữa Nhật với Trung Hoa, nếu không may mà Nhật bị đánh bại, thì liệu nước Nhật có rơi vào chủ nghĩa quân phiệt sau đó chăng?
(Ở đây, xin mở một dấu ngoặc. Ta vẫn thường nghe : không ai LÀM lịch sử với chữ “nếu” cả

– xin nhường câu trả lời cho những người làm lịch sử. Chỉ xin phản biện như kẻ học sử: không ai HIỂU hay VIẾT sử được, nếu không lập luận với chữ “nếu” - , bởi vì đấy là cách duy nhất để sử gia nhận thức được tầm quan trọng của một sự kiện, chẳng hạn: nếu quân Pháp thắng trận Điện Biên Phủ, thì sao?)

Trở lại với cái thói quen đánh giá của ta. Nó hoàn toàn hiểu được. Nếu chiến tranh đúng là “sự tiếp nối của chính trị bằng những phương tiện khác”, thì chiến thắng bao giờ cũng mở toác hoác cánh cửa chính trị, bởi vì nó cho phép kẻ thắng trận từ nay thực hiện những mục tiêu của mình, và kẻ chiến bại hầu như chỉ còn hai ngả đường: quy phục hoặc trốn chạy.
Thế nhưng lịch sử cũng đầy những chuyện bên thắng cuộc (chiến tranh) trở thành bên bại cuộc (chính trị), và ngược lại. Bởi vì thắng hay bại trong chiến tranh, nhất là trong nội chiến, chỉ là màn đầu của một bi hài kịch. Vấn đề còn nguyên – và đấy là vấn đề chính trị. Hiểu tình hình cho đúng, và lấy những quyết định nào cho đúng với đòi hỏi của tình hình, để đất nước có thể tiến lên?

Cái vĩ đại của sự kiện “vô huyết khai thành” là nó tránh được hoàn cảnh kẻ thắng người thua trong một cuộc nội chiến vừa bắt đầu. Nó đã giải quyết vấn đề chính trị bằng biện pháp chính trị, không cần đến “những phương tiện khác”.

Không có kẻ thắng người thua, thì không có kiêu đảng hay hận đảng, để rồi cả hai đều trở thành ngu đảng trước tương lai và vận mệnh của đất nước Nhật.

*
2 – Biện chứng thứ hai : tương quan giữa vai trò của cá nhân và vai trò của những nhân tố phi cá nhân khác trong lịch sử

Điều có vẻ như nghịch lý của thời Edo suy tàn là cuộc diễu hành đầy ấn tượng của những con người kiệt xuất trong lịch sử Nhật Bản đương thời vừa được kể lại: Yoshida Shoin, Takasugi Kensaku, Saigo Takamori, Ohkubo Toshimichi, Sakamoto Ryoma, Katsu Kaishu, Saigo Takamori … Cứ theo một quan niệm nào đó về ký sử, từ thế kỷ 19 sang suốt thế kỷ 20, thì đây là những bóng ma.

Cùng với sự mở rộng lịch sử từ địa hạt chính trị sang các lĩnh vực khác, lịch sử nay không còn là tập hợp những tiểu truyện của các vĩ nhân nữa, bởi vì vĩ nhân hay anh hùng thật ra chỉ là những con rối của các lực lượng kinh tế và xã hội. Vĩ nhân (anh hùng) chết rồi! Hắn đã bị thay thế, bởi các lực lượng khách quan to lớn – “Tinh thần Phổ quát” (Hegel), “lực lượng sản xuất” (Marx), “quần chúng” (Lenin), v. v… –, thậm chí bởi những thúc đẩy từ tiềm thức, khi sử gia không muốn hay không thể sổ toẹt vai trò của cá nhân.

Quần chúng là hàng triệu người. Mà chính trị bắt đầu nơi nào có hàng triệu người; chính ở nơi có hàng triệu người, chứ không phải hàng nghìn, mà chính trị trở thành vấn đề nghiêm túc”1. Còn gì nghiêm túc hơn dự tính thay đổi vận mệnh của cả một quốc gia? Thế mà ở Nhật, lúc ấy, nó lại là sự nghiệp của một số người đếm được trên đầu ngón tay!

Thật ra, cá nhân hay quần chúng, mỗi bên đều có vai trò của mình trong tiến trình lịch sử – và tất nhiên chúng phải khác nhau. Cho dù “người ta có thể viết lịch sử của châu Âu bằng quy chiếu về ba người khổng lồ Napoléon, Bismark và Lenin” là một ý kiến tào lao, thì bên ngoài mọi đánh giá nào khác ngoài tầm quan trọng của đương sự trong lịch sử, vĩ nhân hay anh hùng vẫn không chỉ là “những nhãn hiệu dán tên tuổi của họ lên sự kiện” (L. Tolstoi), trừ phi chúng ta thêm vào câu nói trên một ý không phải của tác giả, như một cách nhận nợ. Giống như ta đã nhận nợ với Pasteur, Fleming, hay... Alzheimer, … trong lịch sử y học vậy.

Nếu hiểu vĩ nhân hay anh hùng như một cá nhân xuất sắc, vừa là sản phẩm, vừa là tác nhân của tiến trình lịch sử, vừa là biểu tượng, vừa là kẻ dựng lên các lực lượng xã hội có khả năng thay đổi quan điểm của cả một thế hệ người, thay đổi diện mạo của cả một vùng đất, thì mấy thần dân Nhật kể tên ở trên đúng là anh hùng. Họ khác xa với những con vật hy sinh của loại chuyên gia xách động quần chúng cho một cuộc chiến tranh thần thánh mù mờ, với hy vọng được ghi vào sổ liệt sĩ tuẫn đạo hay được gọi lên thiên đường – loại anh hùng mà người ta có thể bịa ra cả cuộc đời khi cần thiết.

Nhắc lại vai trò của cá nhân trong lịch sử, do đó, không chỉ là một sự công chính theo nghĩa “trả lại cho César cái gì của César”, mà còn là nhắc nhở kẻ lãnh đạo chính trị và thành phần trí thức, bất kỳ ở đâu và vào thời nào, về trách nhiệm to lớn của họ.

*
3 – Biện chứng thứ ba : tương quan giữa lịch sử và triết lý lịch sử trong hành động

Phải chăng những Yoshida Shoin, Takasugi Kensaku, Saigo Takamori, Ohkubo Toshimichi, Sakamoto Ryoma, Katsu Kaishu, Saigo Takamori … đều là kẻ sĩ hay sĩ phu của một nước Nhật chịu ảnh hưởng đáng kể của Nho giáo trong suốt thế kỷ thứ XIX?

Nếu Saigo Takamori, Ohkubo Toshimich, Katsu Kaishu … ủng hộ Mạc Phủ và chỉ chuyển sang khuynh hướng “tôn vương” khi thấy phải đoàn kết quanh Thiên hoàng như biểu tượng cho sự thống nhất dân tộc trước họa ngoại thuộc, thì cái ý thức trung quân của họ – cái chữ trung vô điều kiện của cụ Khổng, chỉ vì vua là vua, kiểu “không quân thần phụ tử đếch ra người” – không được trong sáng cho lắm. Sakamoto Ryoma là kẻ vất kiếm hơn là ném bút chuyển sang đọc sách luật. Yoshida Shoin, Takasugi Kensaku là những nhà tư tưởng, song cái ý tưởng “phải học tập nước ngoài mới có ngày thắng được nước ngoài” thì lại giả định một sự mất tin tưởng vào truyền thống văn hóa nghìn năm của Nho gia, đủ triệt để để quay lưng lại với nó.

Rốt cuộc, nếu người hành động nào cũng bị thúc đẩy bởi một số giá trị – dù những giá trị đó có được ý thức hay không, có đan kết với nhau thành hệ thống hay không – thì những giá trị làm động lực dấn thân của họ là gì?

Nho giáo chăng? Nếu là Nho giáo, e rằng họ dễ rơi vào sự cám dỗ của hệ tư tường “về nguồn” hơn (thứ triết lý cho rằng văn hóa của ta không tồi, nhưng ta đang suy thoái vì không chịu trau dồi cái hay của mình, do đó, muốn phục hưng thì phải tìm lại những giá trị đầu nguồn). Và đây lại là hệ luận của một thứ triết lý lịch sử đặt thời vàng son của mình sau lưng (ở tận thời Nghiêu, Thuấn, Văn Vương, Võ Vương phảng phất huyền thoại xa xôi), và của một thứ siêu hình học xem đời người và lịch sử nhân loại như dòng sông: dòng sông càng chảy, nước càng vẩn đục, cho nên muốn tìm lại nước trong, nước sạch, thì phải trở lui đến tận nơi phát nguồn…2

Nếu không phải là Nho giáo, thì những động lực đó phát xuất từ đâu, ngoài lòng yêu nước hiển nhiên không cần bàn cãi? Nếu xem mạng lưới vận động của các “sĩ phu”, kiếm khách đã nêu tên ở trên như một văn bản mà phân tích, ta sẽ thấy chúng hiện lên khá rõ. Phải có trí tuệ mới biết trọng tri thức và tri thức thực dụng, để cùng phát biểu và nhất trí với nhau: “phải học tập nước ngoài mới có ngày thắng được nước ngoài”. Phải có dũng cảm mới dám gác bỏ sĩ diện hão, để quay lưng lại với một truyền thống đã được tin tưởng từ lâu đời. Nhưng trí và dũng là những giá trị con người cũng có mặt trong nhiều hệ thống (Hy Lạp cổ đại, Phật) và trên nhiều bậc thang giá trị khác (đứng thứ 4 trong hệ thống của Khổng giáo).
Nếu đào sâu hơn nữa mạng lưới hành động của họ, đào sâu hơn nữa những cải cách của Thiên hoàng sau đó, ta sẽ tìm thấy hai giá trị nữa: danh dự ý chí. Chúng không thơm tho như các bộ chữ vàng khè của Nho gia, và có thể chỉ có màu đất sét, nhưng là đất sét thuần túy Nhật Bản. Nó khiến cho người Nhật cảm nhận mấy phát súng đại bác của đô đốc Matthew Calbraith Perry như một cái tát. Cái tát giáng vào đất nước Nhật, vào văn hóa Nhật, vào tầng lớp có trách nhiệm lãnh đạo quốc gia Nhật, vào thành phần có bổn phận bảo vệ lãnh thổ Nhật cho đến lúc đó. Và họ đã đáp trả bằng những giá trị cũng thuộc hàng đầu trên bậc thang giá trị văn hóa của họ.

Động lực của các chí sĩ Nhật, như vậy, có thể chẳng dính dáng gì đến Nho giáo cả. Danh dự và ý chí là những giá trị thuần túy Nhật Bản, không phải của Trung Hoa3, và chính chúng đã giải thích, vừa cái phản ứng quyết liệt trước thách thức chết người của lịch sử, vừa cái vận tốc xoay chuyển vận mệnh của nước Nhật.

Nói cách khác, nước Nhật đã thay da đổi thịt được, và trong thời gian kỷ lục 15 năm, là nhờ họ chỉ chịu ảnh hưởng của Trung Hoa hời hợt hơn chúng ta tưởng, hoặc nhờ họ đã thoát được ảnh hưởng của Trung Hoa sớm hơn một số nước khác.

Nguyễn Văn Khoa

---------------------
Chú thích:

(*) Tác giả nhắc tới câu mở đầu của GS. Trần Văn Thọ trong bài nói chuyện tại "Cà phê thứ bảy", rằng ông không phải chuyên gia về lịch sử Nhật nên "đây chỉ là những suy nghĩ của một người ngoại đạo". (chú thích của Diễn Đàn). 

1. “Les masses se comptent par millions; or, la politique commence là où il y a des millions ; c’est là où l’on compte des millions, et non des milliers, que la politique devient sérieuse” (Lenin, V. I. - Báo cáo tại Đại hội VII Đảng Cộng Sản Nga, 7-3-1918). Văn bản này được in lại trong hầu hết mọi tuyển tập của tác giả, bằng mọi thứ tiếng.

2. Triết lý lịch sử của Tây phương hoàn toàn trái ngược. Dù ở Kitô giáo hoặc trong triết lý của Comte, Hegel hay Marx, thời vàng son hứa hẹn luôn luôn nằm ở phía trước, bởi tất cả đều cùng chia sẻ một niềm tin siêu hình vào sự tiến bộ, nghĩa là vào cái ý tưởng rằng ngày hôm qua không tốt bằng ngày hôm nay, và ngày nay không tốt bằng ngày mai, bất chấp sự thiếu vắng chứng cớ thuyết phục trong nhiều lĩnh vực.

3. Tôi chưa từng nghe một văn quan, võ tướng, hay bộ trưởng nào của Trung Quốc, hoặc của một nước bị Hán hóa nào khác, vì mất danh dự, biết nhục, mà mổ bụng tự sát.






No comments: