Monday, February 16, 2015

Nốt lặng Người Cao Tuổi: Đảng chống lại chính mình! (Phạm Chí Dũng)





Sunday, February 15, 2015 6:40:04 PM

“Bắt - thả” trước Tết Nguyên Đán 2015 là bản phối khí chưa từng có tiền lệ vào các Tết trước ở Việt Nam.

Nốt thăng thuộc về hai Blogger Nguyễn Quang Lập và Hồng Lê Thọ - những người bị coi là “bất đồng chính kiến.” Nhưng nốt lặng, đau đớn thay, lại trở cờ đối với một tờ báo nhà nước.
Chỉ vài tuần sau sự kiện trang Blog Chân Dung Quyền Lực nổ tung về kết quả bỏ phiếu tín nhiệm và danh sách thứ tự từ cao nhất xuống thấp nhất tại Hội Nghị Trung Ương 10, một trang báo chính danh hơn nhiều là Người Cao Tuổi thình lình bị Bộ Thông Tin và Truyền Thông (TTTT) công bố kết luận thanh tra, đòi cách chức và rút thẻ nhà báo Tổng Biên Tập Kim Quốc Hoa.

Một dấu nhấn đáng buồn về quyền tự do báo chí và cả tự do chính kiến ở Việt Nam. Công cuộc được coi là “chống tham nhũng quyết liệt” của đảng cầm quyền cũng vì thế có nguy cơ trình diễn như một màn rối nước trong mục thị báo chí và dân chúng.

Được xếp hạng ưu tiên đầu từ dưới đếm lên trong danh sách các nước tham nhũng trên thế giới, Việt Nam đang quá cần đến một cuộc thay máu tổng thể nếu muốn duy trì chế độ hiện hành thêm một thời gian nữa.

Những gì mà ông Tập Cận Bình đã bộc lộ ở Trung Quốc xứng đáng là bài học bằng vàng cho giới chính trị kim tiền ở Việt Nam. Nhưng có điều, không phải ai cũng đủ bản lĩnh chống tham nhũng để tập quyền trung ương hóa, nhất là khi phải chống lại chính mình.

Tờ báo dũng khí nhất

Với một quyết định tỏ ra rất kiên định, Bộ TTTT còn ra lệnh “chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan an ninh điều tra xem xét, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật đối với những bài viết có dấu hiệu tội phạm.”

Như một vũ điệu đồng nhịp, vào buổi chiều cùng ngày, Bộ Công An đã tiếp bước Bộ TTTT với động tác khởi tố tội danh “lợi dụng quyền tự do dân chủ” đối với báo Người Cao Tuổi, bất chấp việc ban biên tập tờ báo này chưa kịp giải trình với Bộ TTTT.

Sự trớ trêu đã xảy đến một cách cay nghiệt với những nhà báo ngoan ngoãn của nhà nước: Họ bị chính các đồng chí của họ phủ nhận và ghép vào điều 258 đầy tai tiếng - vốn thường được vận dụng để xử giới “phản động,” cũng là điều luật đã bị nhiều quốc gia thành viên trong Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc coi là mơ hồ và không dưới một lần yêu cầu nhà nước Việt Nam phải xóa bỏ.

Trường hợp tinh khôi bị khởi tố Điều 258 là Giáo Sư Hồng Lê Thọ - một Việt kiều Nhật. Thế nhưng oái oăm thay, ông Thọ vừa được “tại ngoại điều tra” thì đến lượt người “thất thập cổ lai hy” Kim Quốc Hoa bị đe dọa xếp vào khung điều luật cấm đoán này.

Nhìn trên bề mặt, sự việc báo Người Cao Tuổi bị “gài” không có gì đáng ngạc nhiên. Chỉ trong năm năm qua, tờ báo này lội ngược dòng thời đại bằng cách đề cập và lôi ra ánh sáng đến 1,500 vụ tiêu cực từ cấp làng xã đến chốn triều đình cao cấp. Và khi bối cảnh chính trị trở nên phân hóa và đặc biệt rối loạn khi thời gian gần đến Đại Hội Đảng 12 cùng các hội nghị trung ương nháo nhác nhân sự, chỉ trong hai năm qua tờ Người Cao Tuổi bất chợt vượt hẳn lên mặt bằng phản biện khép nép của hơn 800 tờ báo nhà nước, thậm chí còn qua mặt cả những tờ có truyền thống chống tiêu cực, nghiệp vụ khá hơn nhiều và dồi dào tài chính như Thanh Niên, Tuổi Trẻ.

Cho đến khi bị khởi tố và bị “điểm danh” hàng loạt bài viết tấn công vào hang ổ quan chức, công luận mới dường như sáng ra rằng Người Cao Tuổi đã trở thành một trong số hiếm hoi tờ báo nhà nước dẫn đầu trên mặt trận đấu tranh chống tiêu cực và tham nhũng. Vào đầu năm 2014, tờ báo này đã phanh phui tài sản nổi của các quan chức ngành thanh tra chính phủ như cựu Ủy Viên Trung Ương Trần Văn Truyền - người từng giữ vị trí tổng thanh tra chính phủ từ 2007-2011, và ông Ngô Văn Khánh, phó tổng thanh tra chính phủ.

Kết quả vào cuối năm 2014, Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương đã phải vào cuộc, sau đó ông Truyền đã phải trả lại một số căn nhà và nhận hình thức “cảnh cáo” về mặt đảng.

Chưa hết, báo Người Cao Tuổi còn tung nhiều bài viết đụng chạm tới nhiều quan chức/cựu quan chức cấp cao, chẳng hạn các loạt bài về dinh thự “khủng” của ông Huỳnh Đức Hòa, bí thư Tỉnh Ủy Lâm Đồng; ông Hà Đức Toại, cựu phó bí thư Tỉnh Ủy, cựu chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn... và nhà cửa của hàng loạt tướng công an mới được sắc phong.

Đề án sắp xếp lại báo chí

Bất kể Người Cao Tuổi có được “chống lưng” hay phe phái như một số dư luận đồn đoán hay không, những gì mà đội ngũ phóng viên, biên tập và đặc biệt là Tổng Biên Tập Kim Quốc Hoa của tờ báo này làm được trong những năm qua đã đưa họ lên bục danh dự, để không những xứng đáng nhận giải cao nhất của “Sự nghiệp báo chí cách mạng,” mà còn có thể vươn tới cả giải thưởng tự do báo chí thế giới.

Tuy thế, có lẽ còn khá lâu nữa báo chí nhà nước mới có được bục danh dự dành riêng cho tư thế “ngoan đạo” của họ. Một nguồn tin bên lề cho biết, sắp tới Ban Tuyên Giáo Trung Ương và Bộ TTTT cùng một số thành phố lớn như Hà Nội và Sài Gòn có thể thực hiện Đề Án Sắp Xếp Báo Chí. Điểm đặc sắc nhất có thể hình dung trong đề án này là những tờ báo thuộc loại “cứng đầu” (như Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Vietnamnet...) sẽ có thể phải chịu số phận “sáp nhập” vào những tờ “chuyên chính” hơn nhiều: báo đảng.

Cách đây tròn 20 năm, đã từng có phương án “xóa sổ” Tuổi Trẻ nhưng chưa thể “mần” được. Còn giờ đây, những loại báo “vô chính phủ” đang lại một lần nữa đối mặt với nguy hiểm bị xóa đi thương hiệu chính và chỉ còn là phụ trương cho những tờ báo “còn đảng còn mình.”

Ai có thể hình dung rằng một lịch sử như Tuổi Trẻ với 300,000 bản phát hành mỗi ngày lại bị biến thành “chư hầu” của tờ báo đảng Sài Gòn Giải Phóng với 1/10 lượng phát hành so với Tuổi Trẻ.

Có khả năng, sự việc Bộ TTTT đòi cách chức tổng biên tập báo Người Cao Tuổi là công đoạn mở đầu cho chiến dịch “thay máu” những ban biên tập nào đang mong ngóng về “quyền lực thứ tư.” Nếu đúng thế, 2015 sẽ là một năm thật đắng lòng dành cho báo giới nhà nước quen nín tiếng ở Việt Nam.

Nhưng sẽ còn đắng lòng hơn nếu “cái chết” dành cho báo giới phản biện sẽ bị chôn vùi vào đống tro tàn lạnh nguội.







No comments: