Saturday, February 7, 2015

Giới thiệu sách mới: Bản dịch tiếng Anh “Giải Khăn Sô Cho Huế” của Nhã Ca (Đoàn Thanh Liêm)





Thứ Bảy, ngày 07 tháng 2 năm 2015

Tác phẩm “Giải Khăn Sô Cho Huế” của nhà văn Nhã Ca đã ra mắt lần đầu tiên vào năm 1969 tại Việt Nam. Năm 1970, tác phẩm này được Giải thưởng Văn học Việt Nam. Và vào năm 2008, nhân dịp kỷ niệm 40 năm vụ Thảm sát Tết Mậu Thân tại Huế (1968 – 2008), tác phẩm cũng lại được tái bản tại hải ngọai.

Vào tháng 8 năm 2014 vừa qua, bản dịch Anh ngữ lần đầu tiên do dịch giả Olga Dror thực hiện đã được ra mắt công chúng. Và vào ngày 25 tháng Hai năm 2015, tác giả Nhã Ca và dịch giả Olga Dror sẽ cùng có mặt trong buổi Giới thiệu bản dịch Anh ngữ này tại Thư viện Doe Library thuộc Đại học Berkeley, California.

---------------------
Xin ghi chi tiết về tác phẩm này như sau:

Mourning Headband For Hue
by Nhã Ca
An Account of the Battle for Hue, Vietnam 1968
Translated and with an Introduction by Olga Dror
Indiana University Press - 2014
Sách dày 378 trang, giấy trắng, khổ chữ 12, bìa cứng.
-----------------------

Đối với phần đông độc giả người Việt, thì tôi nghĩ khỏi cần ghi lại chi tiết cuốn sách này bởi lẽ ai ai thì cũng đều có dịp đọc trực tiếp qua nguyên tác rồi. Do đó, trong bài giới thiệu này, tôi sẽ trình bày một số điểm nổi bật trong ấn bản tiếng Anh – đặc biệt là bài Giới thiệu ở đầu cuốn sách dài đến trên 50 trang với rất nhiều chi tiết độc đáo của dịch giả Olga Dror.

I – Sơ lược về tiểu sử dịch giả Olga Dror.
Olga Dror sinh trưởng tại thành phố Leningrad, Liên Xô trong một gia đình gốc Do Thái. Bà chọn học về Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam, đã có văn bằng Cao Học về Đông phương học tại trường Đại học Quốc gia Leningrad năm 1987. Sau đó theo học chuyên sâu tại Viện Ngôn ngữ thuộc Hàn lâm viện Khoa học tại Moscow. Bà làm việc cho bộ phận phát thanh về Việt Nam của Đài Phát Thanh Moscow.

Năm 1990, Olga di cư về Do Thái. Tại đây bà học thêm về môn Bang giao Quốc tế tại Đại học Hebrew. Sau đó bà làm việc cho Bộ Ngọai giao Do Thái tại sứ quán Do Thái ở thủ đô Riga, nước Latvia.

Qua Mỹ, bà tiếp tục nghiên cứu về Việt Nam và năm 2003 đậu thêm văn bằng Tiến sĩ tại Đại học Cornell. Hiện Olga Dror là Giáo sư Phụ tá giảng dậy về Lịch sử tại Đại học Texas A&M, Texas. Phu quân của bà là Giáo sư Keith Taylor người Mỹ dậy học ở Đại học Cornell và cũng là một học giả nổi tiếng chuyên về Lịch sử và Văn hóa Việt Nam.

Olga Dror còn là tác giả cuốn sách viết về Công chúa Liễu Hạnh có nhan đề “Cult, Culture and Authority : Princess Liễu Hạnh in Vietnamese History” được nhà xuất bản Đại học Hawaii ấn hành năm 2007. Và bà còn là người biên tập cho hai cuốn sách về Tôn giáo ở Việt Nam và Trung Quốc. Hiện bà đang nghiên cứu về vấn đề giáo dục giới trẻ ở cả hai miền Bắc và Nam Việt nam trong giai đoạn chiến tranh 1965 – 1975.

 Nhân tiện cũng xin ghi vài dòng về nhà xuất bản Đại học Indiana, là nơi có một tủ sách chuyên xuất bản những tác phẩm nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam. Và vào năm 2012 cơ sở này cũng đã cho ấn hành cuốn Hồi ký viết trực tiếp bằng Anh ngữ của tác giả Nguyễn Công Luận với nhan đề là : “Nationalist in the  Vietnam Wars : Memoirs of a Victim Turned Soldier”. Olga Dror cũng đã viết bài điểm sách bằng tiếng Anh khá chi tiết về cuốn này và chính tôi người viết bài này cũng đã có dịp giới thiệu sách với bạn đọc người Việt trước đây.

II – Đánh giá của giới nghiên cứu và nhà báo về tác phẩm.

Các giáo sư Trần Huy Bích, Nguyễn Ngọc Bích cũng như nhà báo Phan Tấn Hải đều đánh giá cao công trình chuyển ngữ rất công phu do Olga Dror thực hiện về cuốn Giải Khăn Sô cho Huế từ nguyên tác tiếng Việt qua tiếng Anh.

Gs Trần Huy Bích viết : “Đây là một cuốn sách giá trị, một trong những tác phẩm xuất sắc và đắc ý nhất của nhà văn/nhà thơ Nhã Ca. Dịch giả Olga Dror là một học giả người Nga, rất uyên bác và rất giỏi tiếng Việt ...”

Nha sĩ Cao Minh Hưng viết : “Một cuốn sách mà quý vị phụ huynh nên mua cho các cháu sinh ra và lớn lên ở hải ngọai đọc để hiểu thêm về sự thật của Tết Mậu Thân 1968 ...”

Nhà báo Đinh Từ Bích Thúy trên báo Damau.org và nhà báo Ngọc Lan trên báo Người Việt đều đã viết bài giới thiệu rất đầy đủ về tác phẩm này – kể cả phần phỏng vấn tác giả Nhã Ca và dịch giả Olga Dror.

Nhà báo Phan Tấn Hải thì nói : “Bài giới thiệu của Olga Dror viết rất kỹ, đề cập đến nhiều khía cạnh của vấn đề với sự thận trọng và tinh thần trách nhiệm mà không ai có thể bắt bẻ chê trách vào đâu được...”

 Và Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích : “Chúng ta cần phải cho dịch ra ngọai ngữ thật nhiều cuốn sách và tài liệu quan trọng như thế này - để mà có thể đi sâu vào dòng chính của văn học thế giới...”

Các đại học và nhà xuất bản ngoại quốc đều lên tiếng đánh giá cao và khen ngợi tác giả và dịch giả của tác phẩm này – như mọi người chúng ta đều có thể dễ dàng tìm đọc trên Internet.

III – Tóm lược mấy ý chính trong bài Giới thiệu của dịch giả Olga Dror.

Với tinh thần trách nhiệm và lối làm việc nghiêm túc của một học giả, Olga Dror đã viết bài Giới thiệu nhan đề là : “Translator's Introduction” dài đến 50 trang với nhiều chi tiết thật đáng chú ý. Xin ghi ra mấy điểm chính yếu như sau.

1 – Trong thời gian sinh sống và học tập ở Liên Xô, Olga đã không hề được biết đến văn học của miền Nam Việt nam. Chỉ sau này, khi qua Mỹ bà mới có cơ hội tìm hiểu cặn kẽ hơn về sinh họat văn hóa tại miền Nam. Và bà đã khởi sự công trình dịch thuật tác phẩm Giải Khăn Sô cho Huế trong gần 2 năm với sự trao đổi thường xuyên với tác giả Nhã Ca – tất cả email hay thư từ, điện thọai giữa hai người đều sử dụng tiếng Việt.

Sẵn biết đến những ký ức đau đớn của ông bà cha mẹ và thân nhân phải chịu đựng trong suốt thời kỳ thành phố Leningrad bị quân Đức bao vây phong tỏa hồi thế chiến thứ hai, nên Olga dễ có sự đồng cảm với nỗi đau thương thống khổ của người dân Huế hồi Tết Mậu Thân 1968 – mà tác giả Nhã Ca đã mô tả thật rành mạch cảm động trong tác phẩm. Vì thế mà Olga đã ra công tìm hiểu chi tiết về bối cảnh văn hóa xã hội liên hệ đến cuộc chiến và đặc biệt về biến cố Tết Mậu Thân - mà chính quyền cộng sản Xô Viết không bao giờ đưa ra một thông tin nào cho người dân được biết đến.

2 – Olga đặc biệt nhấn mạnh đến tiếng nói của người dân vốn vừa là nạn nhân vừa là chứng nhân trực tiếp của hận thù bạo lực trong cuộc chiến phức tạp ở Việt Nam. Đây không phải đơn giản là cuộc chiến tranh do người Mỹ hoàn toàn chủ động, mà chủ yếu đó là một cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn. Bà đã tham khảo bao nhiêu sách báo và tài liệu liên quan đến cuộc chiến và còn trưng dẫn lối giải thích của một số tác giả cho là chính mấy trăm cán bộ địa phương của phe cộng sản mới là thủ phạm chính yếu đã ra tay sát hại mấy ngàn người thường dân vô tội của Huế trong mấy ngày đầu họ chiếm giữ được thành phố này.

Trong bài Giới thiệu, Olga đã phân tích rành mạch về nhiều khía cạnh, lối nhìn của hai phía đối nghịch đối với biến cố Tết Mậu Thân ở Huế – kể cả trong công luận ở Mỹ cũng như ở Liên Xô và cả ở nước Nga hiện nay. Để trả lời cho luận điệu thiên vị của một số học giả tại nước Nga hiện nay mà vẫn còn một mực đơn phương kết án sự tàn bạo của Mỹ trong vụ thảm sát Mỹ Lai năm 1968, Olga nói rằng : “Chúng ta cần ghi thêm cả sự tàn ác trong vụ Thảm sát Tết Mậu Thân ở Huế nữa. Như vậy mới là khách quan, không thiên vị đối với một bên nào trong cuộc chiến tranh này...” Và cũng với sự thận trọng của người nghiên cứu lịch sử và văn hóa, bà tránh đưa ra những kết luận vội vã vì nhu cầu chính trị nhất thời hay do thiên kiến phát sinh từ một quan điểm ý thức hệ nào đó.

3 – Olga dành đến 7 trang trong bài Giới thiệu để nói về lập luận của hai người mà dân Huế coi là dính líu nặng nề nhất trong vụ sát hại thường dân - đó là Hoàng Phủ Ngọc Tường và Nguyễn Đắc Xuân mà hiện vẫn còn sống tại Huế. Bà trích dẫn những sách báo do hai người này viết, cũng như phát biểu của họ trong những cuộc phỏng vấn của các đài phát thanh, truyền hình ngọai quốc. Qua những trích dẫn chi tiết này, người đọc dễ dàng nhận ra cái lối chối tội quanh co, tiền hậu bất nhất của hai nhân vật mà nhiều người ở Huế coi là một thứ “đồ tể với bàn tay nhuốm đày máu” trong vụ Tết Mậu Thân vậy. Tuy thế, Olga cũng vẫn thận trọng và tế nhị ghi lại rằng mình không có ý định xác quyết về vai trò của hai người này trong vụ thảm sát đó.

Olga cũng dành đến 2 trang để thuật lại bài nhan đề “Huế Xuân 68” của Đại tá Lê Minh là một vị chỉ huy trong cuộc đánh chiếm Huế năm 1968, bài viết được đăng vào năm 1988 nhân kỷ niệm lần thứ 20 chiến dịch Tết Mậu Thân 1968. Trong phần kết luận, ông Minh kêu gọi : “Cần phải minh oan cho các gia đình và con cháu của những người đã chết trong hòan cảnh đó...”

IV – Tóm lược.

Nói chung bản dịch tiếng Anh do Olga Dror thực hiện với tinh thần trách nhiệm và sự thận trọng của một học giả uyên bác – rõ ràng là một đóng góp quan trọng để giúp cho công chúng trên thế giới hiểu biết thấu đáo hơn về những nỗi thống khổ đày đọa mà người dân Việt Nam phải chịu đựng trong cuộc chiến tranh tàn khốc cách nay đã trên 40 năm.

Nhân dịp kỷ niệm năm thứ 47 vụ Thảm sát Tết Mậu Thân (1968 – 2015) người viết xin trân trọng giới thiệu tác phẩm quý giá này đến với bạn đọc – đặc biệt với các gia đình có người thân là những nạn nhân bị sát hại tức tưởi hồi đó với lời nguyện cầu cho hương linh của người quá cố luôn được an nhiên thanh thản nơi cõi Vĩnh Hằng.

Costa Mesa California, Tháng Hai 2015

--------------------------------

TIN LIÊN QUAN :

Huỳnh Kim Quang dịch     06/02/2015
.
Huỳnh Kim Quang dịch    05/02/2015
.
Huỳnh Kim Quang dịch     05/02/201510:15:00
.
Phỏng vấn Nhã Ca & Olga Dror về bản dịch “Mourning Headband for Hue”
20.08.2014
.
* Tác phẩm được đại học Indiana University Press chuyển ngữ và xuất bản
Ngọc Lan/Người Việt     Thursday, April 24, 2014 7:30:16 PM
.
Mặc Lâm, phóng viên đài RFA        2008-02-03
.





No comments: