Wednesday, February 11, 2015

Dấu hiệu cách mạng văn hoá trong cuộc tranh luận về giáo dục ở Trung Quốc (VOA)





VOA
11.02.2015

Vào một thời điểm mà Trung Quốc đang gắng sức bịt miệng giới chỉ trích một cuộc vận động mới nhắm tăng cường việc nhồi sọ chủ thuyết ở các trường học, và không cho các sách giáo khoa quảng bá giá trị Tây phương xâm nhập vào lớp học, một giáo sư đã cảnh báo trong một cuộc phỏng vấn của giới truyền thông nhà nước rằng cuộc tranh luận ngày càng mở rộng về giáo dục có nguy cơ trở thành quá cực đoan.

Học sinh trường tiểu học Hồng quân Bắc Xuyên, trong tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc mặc đồng phục đến lớp, 21/1/15

Trong một cuộc phỏng vấn với trang web của báo People’s Daily, Hiệu trưởng trường Đại học Nam Khai, ông Cung Khắc nói rằng một phản ứng trước chiến dịch tương tự một cách nguy hiểm với chiến dịch Phản hữu năm 1957 và cuộc Cách mạng Văn hoá. Trong hai thời kỳ đó, giới trí thức đã bị ngược đãi tàn bạo ở Trung Quốc.

Trong cuộc phỏng vấn, ông Cung nói trong khi một số người tin rằng hàng ngũ các cơ sở học thuật cấp cao của Trung Quốc phải được thanh lọc, trong sạch hoá và chỉnh sửa, ông không đồng ý như vậy.

Ông nói, “Đó là tâm trạng của năm 1957 và 1966.”

Cuộc tranh luận mới đây trở nên sôi nổi khi bộ trưởng giáo dục Trung Quốc cảnh báo về sự nguy hiểm của các giá trị Tây phương trong các sách giáo khoa.

Giới hữu trách tuyên truyền của Trung Quốc đã ra lệnh cho giới truyền thông phổ biến các ý kiến của Bộ trưởng Giáo dục Viên Quý Nhân, người đứng đầu chiến dịch, và những ý kiến của học giả Mao-ít Chu Kế Đông, và xoá bỏ mọi chỉ trích, theo một chỉ thị kiểm duyệt dường như bị tiết lộ được đăng trên báo China Digital Times.

Ông Chu, một học giả tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, đã bày tỏ sự ủng hộ cho quan điểm của Bộ trưởng Giáo dục Viên Quý Nhân rằng giới trẻ Trung Quốc có nguy cơ và cần phải có nhiều biện pháp kiểm soát hơn. Ông lập luận rằng các doanh gia, luật sư, nghệ sĩ và giáo sư đã chỉ trích ông bộ trưởng cần phải được xử lý nghiêm khắc.

Ông Cung nói trong khi có những người bên trong hàng ngũ giáo viên mà quan điểm chính trị có vấn đề, hay những người có lối sống, có những thất bại về tài chính hay học thuật, cần phải có sự tin tưởng hơn.

Ông nói: “Ta không thể phổ quát hoá, ta không thể dùng họ để đại diện cho bộ phận chính các giáo viên.”

Ông Cung cũng cảnh báo rằng một đường lối như thế có nguy cơ lập lại những lỗi lầm mà phe tả khuynh đã phạm phải trước đây, và đi từ cực điểm này sang cực điểm khác.

Siết chặt vòng kiểm soát

Trước khi nhậm chức, hy vọng được đặt nhiều vào những cải cách dưới thời của nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông Tập chỉ là một thiếu niên khi thân phụ bị bỏ tù trong thời kỳ Cách mạng Văn hoá và cũng như nhiều người khác thời ấy, các lớp học của ông đã bị ngưng lại để học sinh có thể phê phán và chống lại các giáo viên của mình.

Vì những kinh nghiệm của ông, nhiều người nghĩ rằng ông có thể tránh được những hiện tượng cực đoan như thế, nhưng các mối quan ngại tiếp tục gia tăng khi ông trấn át xã hội dân sự, siết chặt sự tiếp cận Internet và nay lại nhắm mục tiêu vào các cơ sở học thuật cấp cao.

Chiến dịch mới không những tập trung vào việc gạt ra khỏi các trường đại học những lý tưởng tây phương tai hại, mà còn nhắm tái cấu trúc đường lối các cơ sở chủ trương nghiên cứu về lý thuyết Mác xít và chủ thuyết của đảng Cộng sản.

Một số thậm chí còn cảnh báo về hiểm hoạ các học giả đã đi học ở nước ngoài đề ra cho các trường đại học. Nhưng đó là một khái niệm mà báo Global Times của nhà nước vừa bắn hạ trong một bài xã luận có tựa đề “Các Học giả trở về không phải là kẻ thù của các Giá trị Cốt lõi.”

Trong bài này, tờ báo lá cải theo chủ trương dân tộc lập luận rằng Trung Quốc chỉ có thể gặt hái thêm các thành quả bằng cách tiếp tục theo con đường cải cách và mở cửa.

Bài báo nói, “Quảng bá giáo dục chủ thuyết tại các trường đại học có thể coi như một cải cách, với mục tiêu nuôi dưỡng một thế hệ mới những người có tài năng trung thành với tổ quốc và nhân dân.”

Nhưng bài báo cũng nói thêm rằng trong bối cảnh Trung Quốc hoà nhập với thế giới, nền giáo dục của Trung Quốc không thể là một hệ thống khép kín.

Chuẩn bị đối phó

Một số chuyên gia phân tích đã lập luận rằng sự kiện ông Tập Cận Bình chuyển trọng điểm chú ý qua các trường đại học là một kết quả gián tiếp của các cuộc biểu tình sinh viên ở Hong Kong. Trung Quốc lâu nay vẫn lo ngại về các cuộc biểu tình kiểu Mùa Xuân Ả Rập du nhập vào nước họ.

Những người khác lập luận rằng cuối cùng bộ trưởng giáo dục có thể phải đảo ngược đường lối, trong bối cảnh phản ứng bất thường của công chúng tiếp tục.

Ông Russell Moses, trưởng khoa giáo vụ và hiệu trưởng Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc, có một quan điểm khác.

Trong một bài báo ông Moses vừa viết cho blog China RealTime trên tờ Wall Street Journal, ông nói rằng chiến dịch thực sự không phải là về sự lo ngại bất ổn tại các trường đại học ở Trung Quốc hoặc thậm chí cải cách giáo dục.

Ông nói, “Mối lo sợ thực sự là một chiến dịch khác của ông Tập, cuộc trấn át chống tham nhũng rộng lớn và đang tiếp diễn bắt đầu tập trung vào các trường đại học.”

Và theo ông, sự kiện đó đề ra cho giới bảo thủ một mối đe doạ, hay có thể là một cơ hội, nếu họ biết sử dụng lá bài một cách đúng đắn. 





No comments: