Tuesday, February 24, 2015

CÂU CHUYỆN CÂY LẮM SÂU (Nguyễn Văn Thạnh)





Thứ Bảy, ngày 21 tháng 2 năm 2015

Một ngôi làng nọ, ở một vị trí vô cùng khắc nghiệt của thiên nhiên. Làng chỉ có nắng nóng và cát trắng bạt ngàn nên không gì sinh sôi, phát triển được. Dân làng đói khổ, khốn khó vô cùng.

Nhiều, nhiều năm về trước-không ai còn nhớ là bao lâu, một ông Cụ sau nhiều năm xa quê đã mang về một hạt giống của một loài cây lạ, trồng ở làng mình. Dù là một loài cây lạ nhưng có vẻ hợp với thổ nhưỡng cũng như nhờ công sức chăm sóc của dân làng nên cây bắt rễ rất nhanh. Ông Cụ là người có cá tính mạnh, có uy tín trong làng nên ông luôn cho cây mình trồng là tốt nhất, có tương lai nhất, giúp ích được dân làng nhất nên ông thẳng tay nhổ bỏ những giống cây khác do người khác trồng. Cây ông trồng có nét đặc biệt là quá trình bắt rễ rất nhanh nhưng lại sinh trưởng rất chậm. Tốn rất nhiều công chăm sóc cho cây. Chăm cây rất vất vả nhưng vì không còn giống cây nào khác nên dân làng chỉ còn cách tận lực, tận sức hơn nữa. Theo thời gian, với rất nhiều mồ hôi, nước mắt, thậm chí là cả máu thì cây cũng lớn cao với tán lá xum xuê che bóng cho làng. Từ đó dân làng có cuộc sống khá hơn, thoải mái hơn xưa nhờ bóng mát của cây đại thụ mang lại và hoa thơm trái ngọt do nó sinh ra.

Thấm thoát thời gian trôi qua, mùa xuân năm đó cây được 85 năm tuổi. Cây đã trở nên đại thụ nhưng già cõi, tàn tạ. Vì là giống lạ nên cây mang rất nhiều sâu bệnh không chữa được, sâu bệnh đã đục rỗng cây và sinh sôi nảy nở con đàn cháu đống. Sâu ăn gần hết lá, cây chỉ còn trơ lại những cành khô khẳng khiu. Mùa đông, nhìn cây trơ trong cơn gió lạnh, khí trời u ám thật thê lương.

Nhiều người dân trong làng lo lắng cho số phận của cây nên tìm phân bón, thuốc sinh trưởng để kích thích cho cây nhưng kết quả vẫn không được mấy.


Nhiều người cho rằng cây khô chết là do sâu hại nên ra sức bắt sâu. Một chàng thanh niên khỏe mạnh, dũng cảm xung phong trèo lên cây cao mang bình xịt phun thuốc. Một tai nạn thương tâm đã xảy ra, chàng trai té ngã, gẫy cổ và chết tại chỗ. Nhiều người thương tiếc đưa ma chàng trai ra nghĩa địa, rất đông dân làng đã rơi nước mắt cho chàng.

Có người có vẻ hiểu biết, tuy bề mặt rất thương tiếc, cảm phục hành động anh hùng của chàng nhưng lại đưa ra lời nhận xét: làm người mà anh hùng không thì chưa đủ, phải biết qui luật của đất trời. Cây đã già cỗi, không còn đủ sức sống thì để lũ sâu ăn cho nhanh chết để còn có cây mới chứ kéo dài nó làm gì. Sâu từ trong cây chui ra thì phun thuốc giết chết lớp này sẽ ra lớp khác, diệt làm sao hết.

Đưa ma chàng xong là đến ngày tết cổ truyền nhưng dân làng không mấy ai vui. Đi đâu cũng thấy vẻ mặt đầy âu lo cho tương lai.

Một nhóm nhỏ thanh niên có học trong làng cho rằng cây này vì mang xứ khác về, không hợp thổ nhưỡng ở đây nên tốn công chăm sóc quá, mà nay cây cũng đã già. Đám này cho rằng, không có gì tồn tại mãi mãi, theo qui luật sinh lão bệnh tử thì cây cũng phải già cỗi, mục nát, rồi chết đi. Thay vì ra sức cứu chữa cho cây, chi bằng đi trồng một cây mới. Ý kiến của đám thanh niên này nghe có vẻ có hiểu biết, hợp với qui luật của đất trời nhưng lại bị phản đối quyết liệt.

Nhóm phản đối mạnh nhất là nhóm đang lãnh nhiệm vụ chăm sóc cây. Đám này thường ăn bớt, ăn xén phân bón, khai khống công việc để biển thủ tiền dân đóng góp. Ngoài bớt xén quĩ làng thì đám này còn hái trộm quả của cây đem bán. Chúng kéo bè kết cánh, chè chén nhau suốt ngày. Chúng lo sợ có cây mới thì chúng hết lộc. Phần lớn chúng là người nhà của nhau nên rất đoàn kết. Chúng không chỉ phản đối bằng mồm mà con dùng bạo lực đánh đập, phao tin vu khống, ăn cắp, ăn cướp hạt giống của đám thanh niên tiến bộ kia.

Công việc nhùng nhằng mãi không đi đến đâu. Lý do không chỉ vì đám thanh niên muốn trồng cây mới quá ít người, đám muốn giữ cây chết thì đông người, hung hăng, nham hiểm, tham lam mù quáng,…mà bỡi phần đông dân làng còn mãi lo việc nhà mình. Phần đa số họ cho rằng có cái nhà của mình tốt là ổn rồi, lo gì ba cái chuyện cây cối cổ thụ đầu làng cho mệt.

Mới đó mà con người có tính mau quên, họ đâu biết rằng, nếu không có cây cổ thụ che mát cho làng thì làng họ sẽ tiêu điều, xơ xác như năm xưa. Từng mái nhà dù tốt cũng không chống nổi cái nắng khốc liệt của đất trời vùng này. Họ còn quên bén một bài học xa xưa hơn nữa.  Hồi đó, tổ tiên họ mặc kệ việc làng mà dân làng bên đã sang đốn hết cây cối trong làng, để rồi làng bị tai họa khô cằn khủng khiếp.

Trong cái đám thanh niên muốn trồng cây mới đó, có một anh chàng thân hình mảnh dẻ ốm yếu nhưng có trí tuệ khác lạ. Anh thích nghiên cứu, tìm hiểu về mọi thứ xung quanh mình. Do đọc nhiều sách về ngành sinh vật học nên anh có kiến thức về cây cối sâu bọ. Anh biết rằng chỉ có giải pháp là trồng cây mới. Sức khỏe yếu nên anh rất ớn cái đám đang ăn lộc kia vì chúng rất hung hăng, rất tàn bạo. Anh mới mở miệng góp vài ý đã bị chúng đánh cho sưng mặt mày, suýt chết.

Trong khi nhiều người đang tranh cãi là nên phá cây cổ thụ đi hay hồi sinh nó thì anh biết rằng công việc không chỉ đơn giản là phá bỏ hay hồi sinh nó. Việc trồng lại một cây đại thụ cho làng mới là quan trọng và đây là một công việc to lớn. Bí quyết để thành công là phải có cả làng tham gia và cần thời gian. Mục tiêu tối thượng là mang lại bóng mát và dân làng có cuộc sống yên vui hòa thuận dưới tán cây xanh.

Vì có kiến thức về lịch sử nên anh biết cái gì cũng có tính lịch sử của nó. Việc cái cây hiện nay trở nên tàn tạ, đầy sâu bệnh, tốn công chăm sóc nhưng không phải vì thế mà căm thù, rủa xả ông Cụ năm xưa mang giống về trồng. Việc này có vẻ không được phải đạo cho lắm. Thời ông Cụ còn tăm tối, kiến thức hiểu biết về cây cối còn ít, trình độ dân làng còn hạn chế, bản tính con người còn gia trưởng, cộng thêm thời thế khí hậu bỏng rát khi đó nên cái cây đó được trồng độc quyền là có lý do của nó. Tốt nhất là nên xem xét, học hỏi những hạn chế, sai lầm của ông Cụ mà chăm sóc một cây mới tốt hơn thay vì suốt ngày tưới nước căm thù lên nó (cây cổ thụ), chê bai nó hay kêu gào trục gốc nó. Dưới mắt anh, những hành động đó chỉ thỏa mãn cơn bực tức chứ không thể là phương án giải quyết được vấn đề. Tất nhiên anh tôn trọng ý kiến của mọi người và anh thấy việc làm của họ cũng có tác dụng vì nó làm cho dân làng chú ý đến cái cây hơn-điều này rất là quan trọng. Lâu nay, dân làng bị cái đám chăm sóc cây lừa dối nên họ vẫn cứ nghĩ cây còn tốt lắm-cây chỉ tạm thời bị sâu bọ chứ qua xuân sẽ nảy chổi, ra lá sum suê.

Anh xác định việc mình làm không chỉ mang tính từ tâm nhất thời mà còn là một nhiệm vụ nghiêm túc như lý tưởng sống của đời anh. Lý do là anh yêu quí ngôi làng nơi anh sinh ra, anh mang ơn nhiều người trong làng đã giúp đỡ gia đình anh lúc khốn khó. Ngày đêm anh đọc sách để hiểu biết hơn về các loài cây, đặc điểm thổ nhưỡng, trình độ canh tác, tính khí của dân làng. Ngoài ra anh còn tìm hiểu kỹ về cái cây cổ thụ già nua nó như thế nào, cái nhóm chăm sóc nó gồm những ai, họ ăn bớt ăn xén phân bón như thế nào,….quả là một công việc khổng lồ.

Để có thể toàn tâm, toàn ý cho công việc, anh phải nghỉ việc cày cấy, bỏ bê gia đình. Ngoài thời gian đọc sách nghiên cứu vấn đề, thời gian còn lại anh đi nói chuyện với dân làng để biết thêm về lịch sử của làng và cũng để cho dân làng biết về hiện tình cái cây cổ thụ đầu làng. Vì không cày cấy nên anh không có gạo ăn, anh phải đi xin ăn. Kẻ ít người nhiều, những người hảo tâm trong làng đã giúp anh. Cũng vì ăn xin mà anh bị nhóm hưởng lộc cây bêu riếu “là kẻ bất tài, hắn ta làm thế vì miếng cơm manh áo thí chứ lo gì việc cho làng cho nước. Cái nhà lo chưa xong mà bày đặt đi lo chuyện thiên hạ,...”, Anh nghe, rất buồn nhưng bỏ ngoài tai. Anh tin vào chính nghĩa việc mình làm.

Anh thấy rằng, năm xưa việc trồng cây đã gây chia rẽ trầm trọng dân làng, thậm chí có đánh nhau đổ máu và nhiều dân làng đã phiêu tán sau việc trồng cây. Nhìn bên ngoài, dân làng có vẻ hòa thuận bình yên nhưng trong lòng hận thù vẫn âm ỉ. Đây là một vấn đề nan giải để cả làng có thể đoàn kết cho việc chung.

Ngoài ra, quá trình trồng cây, chăm sóc cây tất yêu kéo theo nhiều lợi lộc và quá trình thụ hưởng bóng mát của cây cũng không công bằng nên sinh ra lắm chuyện.

Theo thời gian, lẽ tự nhiên là những kẻ hưởng lộc cây thì yêu quí cây, có tình cảm với cây còn những người bị thiệt thì ghét, muốn phá bỏ cây.

Thực thế còn tồi tệ hơn: nhóm hưởng lộc từ cây đã kết thành phe cánh ăn chia, bọc lót nhau, che chắn cho nhau. Chúng ra sức bảo vệ lợi quyền mình đang có.

Những người thức tỉnh, nhận ra sự vô tích sự, hiệu quả thất, tốn chi phí cũng có ý kiến muốn phá cây đi.

Vấn đề chưa dừng lại ở đó, ngày qua ngày, người ta phải phát hiện những vụ dối trá, những vụ sai trái động trời từ thời ông Cụ trồng cây hay những vụ ăn bớt ăn xén kinh khủng của đám chăm cây,….những vụ việc như vậy cộng với tình hình héo úa của cây là cho nhiều người, nhất là đám trẻ trong làng muốn bạo động để phá cây, treo cổ bọn chăm cây. Bọn chăm cây thì một mặt ra sức ăn bớt xén tiền quĩ chăm cây, một mặt tích trữ gươm dao, chi tiền nuôi bọn côn đồ, bọn du thủ du thực trong làng để bảo vệ mình. Vài cuộc ẩu đả có chết người đã xảy ra.

Vấn đề thật là phức tạp, thật là nhức đầu.

Quan điểm của anh, chuyện diệt sâu, hồi sinh cho cây là vô vọng, chỉ tốn sức vì không ai chống được qui luật của tạo hóa. Vấn đề là làm sao thay thế được cây mới trong trật tự, mọi người đều vui vẻ, đều hưởng bóng mát của nó.

Đầu tiên, anh cho rằng việc trồng cây là việc lớn của làng, nó không chỉ mang lại bóng mát cho hôm nay mà con mang lại lợi lộc cho đời con cháu sau này. Do vậy việc đầu tiên là phải họp dân làng lại để thông báo rõ cho dân làng biết và ý thức được trách nhiệm chung. Anh còn yêu cầu mọi người phải đóng góp vào việc chung tùy theo công sức của mình: kẻ có của góp của, kẻ có công góp công, kẻ có trình độ góp tiếng nói,…

Anh nói tiếp: “cái cây kia vì giống lạ, vì đã già cỗi, vì thân mang bệnh tật, sâu bọ nên không thể cứu chữa và không nên cứu chữa. Tuy nhiên cũng không thể đốn hạ ngay được vì nó tuy già cỗi nhưng còn chắc chắn và vẫn còn mang lại bóng mát cho dân làng.

Chúng ta cần thuyết phục nhóm chăm sóc cây biết hiện tình để họ thấy được vấn đề. Việc họ ra sức bảo vệ lợi lộc mình đang có cũng là điều dễ hiểu. Chúng ta phải nói cho họ biết việc họ làm là chống lại qui luật đất trời và lòng người, không nên để lợi ích mù quáng mà hại đến dân làng.

Trong thời gian có cây mới, chúng ta hãy để họ chăm sóc cây cũ nhưng siết lại chi tiêu phân bón, nhân công để họ không còn lũng đoạn, chè chén như trước. Phải công khai minh bạch mọi chuyện liên quan đến làng. Lợi lộc ít đi, đồng nghĩa với sự hung hăng bảo vệ lợi quyền cũng yếu đi.

Để có thể trồng được cây tốt, phải có giống tốt. Để có thể chọn được giống tốt thì cần phải tránh lặp lại bài học năm xưa.Việc chọn giống phải được công khai. Mỗi nhóm trồng cây phải lên thuyết trình về hạt giống của mình: tên giống, tính chất, sinh trưởng, công chăm sóc, tán lá,….Và cuối cùng, dân làng ta mới là người quyết định việc nên trồng giống nào.

Giống tốt phải được gieo trên đất tốt mới hiệu quả.  Để có đất tốt phải có thời gian chuẩn bị đất sao cho phù hợp: đầu tiên là đào bồn cho sâu, trộm đất với phân chuồng oai,…

Để hạt giống nảy mầm sinh trưởng tốt phải chọn đúng mùa gieo hạt. Việc này phải có người am hiểu khí trời, thời tiết. Nếu gieo hạt vào mùa đông, trời lạnh, mưa nhiều hạt sẽ thối; nếu gieo vào mùa hạ trời nắng khô hạn, hạt không này mầm và côn trùng ăn mất. Việc này đòi hỏi phải có kiến thức về địa lý, khí hậu, yếu tố thổ nhưỡng.

Sau khi gieo hạt thì phải chăm nom nó, đề phòng những kẻ xấu phá hoại. Khi cây còn non, một cú đạp cũng đủ làm cây ngã gãy, bẹp dí,….”

Anh còn nói với dân làng để tránh tình trạng tha hóa, biển thủ trong nhóm chăm sóc cây thì cần phải có qui trình lựa chọn nghiêm ngặt và theo kỳ hạn cho đội ngũ này. Ai đủ tài, đủ sức, đủ chăm chỉ, yêu mến công việc, làm tốt việc thì sẽ dân được bỏ phiếu bầu. Mọi việc đều phải minh bạch ngay từ đầu từ qui trình tuyển dụng người làm đến tiền công, chi phí phân bón, thuốc trừ sâu,…

Anh còn giảng giải cho dân làng biết: không nên đặt nặng việc căm thù mà bài trừ hết nhóm chăm sóc cây trước đây. Hãy đối xử công bằng, khoan dung với họ. Ai đủ tài năng, đủ phẩm chất cho công việc mới thì cứ làm. Suy cho cùng con người xấu xa không chỉ do bản thân họ xấu mà còn do hệ thống, do thời thế đưa đẩy,….

Chúng ta là người một làng, không có gì có thể ngăn cản chúng ta nói chuyện với nhau để cùng nhau gánh vác việc làng. Xương máu dân làng đã đổ quá nhiều, chúng ta không nên để chuyện buồn về lòng hận thù, chia rẽ lại quay trở lại một lần nữa.

Dân làng hoan nghênh anh và thực hiện theo ý kiến anh đưa ra.

Theo thời gian, cây mới ngày càng lớn nhanh, cành lá xum xuê. Cây đại thụ mục nát dần, mục nát dần và nó được đốn hạ từng phần mang đi trong an toàn trật tự. Cây đại thụ đã làm hết vai trò lịch sử của mình. Trên gốc cây này, dân làng lập một bia đá ghi lại dấu tích cái cây để đời con cháu biết.

Phần lớn nhân viên chăm cây cũ cũng có việc làm ở cây mới hoặc họ có việc làm khác trong an vui. Lộc cây mới, họ vẫn được hưởng chứ không phải bị cắt đi, bị cô lập, bị trả thù như họ từng lo sợ.

Một mùa xuân mới nữa lại về trên ngôi làng. Lớp già chết dần đi, lớp trẻ sinh ra ngày càng đông. Chúng sống với nhau chan hòa tình thường. Đâu đó trong làng, chúng lại kể cho nhau nghe những ngày gian khó của ngôi làng: những ngày tranh cãi nảy lửa cho việc trồng lại cây đại thụ của làng.

Ơn trời, ngày đó cha ông họ đã sáng suốt, đã biết bao dung, đã dùng trí tuệ và tình thương để nói chuyện với nhau, để giải quyết những khó khăn, bế tắt thay vì gươm đao.

Người chủ trì sự việc năm xưa rồi cũng chết đi, theo thời gian người ta cũng không biết ngôi mộ của ông ở đâu.

Chỉ có câu chuyện kể về ông là còn tồn tại trong làng.

Và cuối cùng, ngôi làng đó, cái cây đó có thực hay là hư ảo nó tùy thuộc vào hành động của bạn ngay từ hôm nay.

Từ cát bụi sẽ trở về các bụi, chỉ có tình thương, lòng nghĩa hiệp, lối sống cao thượng và trách nhiệm là còn lại mãi với thời gian.

Chỉ có con người mới có những câu chuyện hay để kể cho nhau nghe và chỉ có con người mới biến những câu chuyện cổ tích thành hiện thực.

Nguyễn Văn Thạnh

Được đăng bởi Nguyễn Văn Thạnh vào lúc 20:55







No comments: