01:13:am
12/02/15 |
Bản Tuyên Ngôn Độc Lập
của Đế Quốc Việt Nam được soạn thảo bởi 6 vị Thương Thư gồm có: Phạm Quỳnh, Hồ
Đắc Khải, Ưng Úy, Bùi Bằng Đoàn, Trần Thanh Đạt, và Trương Như Đính. Nguồn tư
liệu: MSS.
Vào
nửa đầu thế kỷ 20, trên thế giới, Đức xâm lăng Ba Lan ngày 1-9-1939. Anh
và Pháp quyết định tuyên chiến với Đức ngày 3-9-1939, khởi đầu thế chiến thứ
hai (1939-1945). Đức tấn công Pháp, chiếm Paris ngày 14-6-1940. Yếu
thế, Pháp ký hiệp ước đình chiến với Đức ngày 22-6-1940, theo đó Đức chiếm đóng
miền tây bắc, khoảng 3/5 nước Pháp. Chính phủ Pháp do thống chế Pétain
lãnh đạo chỉ còn khoảng 2/5 nước Pháp về phía nam.
Cũng
trong năm nầy, các nước Đức, Nhật, Ý ký kết Hiệp ước Liên minh tay ba tại
Berlin (thủ đô Đức) ngày 27-9-1940, thường được gọi là khối Trục Bá Linh-La
Mã-Đông Kinh (Berlin-Roma-Tokyo Axis). Trong khi Đức và Ý tung hoành tại
Âu Châu, thì Nhật bành trướng ở Á Châu, tấn công Trung Hoa và gây ra cuộc
thảm sát kinh hoàng khi đánh chiếm Nam Kinh năm 1937.
Sau
khi Đức xâm lăng Pháp năm 1939, quân đội Nhật đến Hà Nội năm 1940, áp lực Pháp
để cho Nhật đóng quân ở Đông Dương, ký kết nhiều hiệp định kinh tế có lợi cho
Nhật. Từ đó, trên danh nghĩa, Nhật vẫn để Pháp cai trị Đông Dương cho đến
năm 1945 để khỏi lo việc hành chánh và an ninh Đông Dương, nhưng Nhật hoàn toàn
thao túng công việc ở Đông Dương trong đó có Việt Nam.
NHẬT ĐẢO CHÁNH PHÁP TẠI
ĐÔNG DƯƠNG NGÀY 9-3-1945
Vào
năm 1941, hai biến cố quan trọng làm thay đổi cục diện chiến tranh thế giới và
sẽ ảnh hưởng đến Đông Dương: 1) Tuy đã ký hiệp ước bất tương xâm với
Liên Xô ngày 23-8-1939 (hiệu lực trong vòng 10 năm), Đức bất ngờ tấn công Liên
Xô ngày 22-6-1941. Liên Xô vốn thân thiện với Đức, chống lại Anh, Hoa Kỳ.
Nay bị Đức tấn công, Liên Xô ở thế phải chống Đức, quay qua thân thiện với các
nước Tây phương. (Vì vậy, ở Á Châu, cộng sản Việt Nam cộng tác với quân Mỹ.)
2) Ngày 6-12-1941, tổng thống Hoa Kỳ là Franklin Roosevelt viết thư đề nghị với
Nhật hoàng Hirihito (trị vì 1926-1989) ký hiệp ước bất tương xâm giữa Hoa Kỳ và
Nhật, và đề nghị Nhật rút ra khỏi Đông Dương. (Chính Đạo, Việt Nam niên biểu1939-1975,
tập A: 1939-1946, Nxb. Văn Hóa, Houston, Texas, 1996, tr. 125.) Đáp lại,
quân đội Nhật bất ngờ tấn công Pearl Harbor (Trân Châu Cảng) ở Hawaii ngày
7-12-1941, tàn phá hạm đội Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương và giết hơn 2,400 người Hoa
Kỳ. Ngày 8-12-1941, Hoa Kỳ và Anh tuyên chiến với Nhật. Ngày
11-12-1941, Hoa Kỳ tuyên chiến với Đức và Ý.
Quân
đội Nhật ào ạt đổ bộ lên miền nam Thái Lan (8-12-1941), bắc Mã Lai (8-12), tấn
công Manila (8-12), đến quần đảo Luzon (10-12-1941), chiếm Bataan (9-4-1942) và
toàn bộ Phi Luật Tân (5-1942). Tuy nhiên, tình hình thay đổi từ năm
1944. Tướng Charles de Gaulle (Pháp) trở về Paris ngày 25-8-1944, lập
chính phủ Pháp lâm thời ngày 10-9-1944. Chính phủ nầy chống Đức, tức cũng
chống đồng minh của Đức là Nhật. Về hành chính, sau khi chính phủ Pétain
thân Đức sụp đổ, nhà cầm quyền Pháp tại Đông Dương nằm dưới quyền của chính phủ
mới ở Paris do De Gaulle (chống Đức) lãnh đạo.
Cũng
từ năm 1944, tại Đông Nam Á, Nhật bắt đầu thất thế trước sự phản công của quân
đội Đồng minh. Ngày 20-10-1944, quân Hoa Kỳ đổ bộ tại Leyte, ở
Philippines. Nhật dự tính rút quân về Nhật. Có thể vì Nhật lo ngại
nhà cầm quyền Pháp tại Đông Dương sẽ theo lệnh tân chính phủ Pháp ở Paris, mở cửa
ở Đông Dương cho quân đội Đồng minh đổ bộ vào Đông Dương, hoặc mật báo cho phi
cơ Đồng minh tấn công những vị trí quân sự của Nhật, nên Nhật ra tay trước, tổ
chức cuộc hành quân Meigo, xóa bỏ nhà cầm quyền Pháp tại Đông Dương.
Ngày
9-3-1945, đại sứ Nhật tại Đông Dương là Matsumoto Shunichi gặp toàn quyền Jean
Decoux tại Sài Gòn lúc 8 giờ tối, đưa tối hậu thư buộc nhà cầm quyền Pháp phải
đặt lực lượng quân sự Pháp trên toàn cõi Đông Dương dưới sự điều khiển của người
Nhật ngay tức khắc. Decoux kiếm cách trì hoãn, liền bị quân Nhật bắt và
đưa đi giam ở Lộc Ninh. Cuộc đảo chánh diễn ra không mấy khó khăn trên
toàn cõi Đông Dương. Trong vòng hai ngày, quân Nhật làm chủ toàn cõi Đông
Dương.
TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP ĐẦU
TIÊN CỦA VIỆT NAM
Đại
sứ Nhật tại thủ đô Huế là Massayuki Yokoyama yết kiến vua Bảo Đại tại điện Thái
Hòa (trong hoàng thành Huế) sáng ngày 11-3-1945, giải thích những hành động mới
nhất của Nhật tại Việt Nam, và tuyên bố muốn đem “châu Á trả về cho
người châu Á“. Ông ta còn nói rằng ông ta có “nhiệm vụ dâng nền độc
lập ” lên vua Bảo Đại, đồng thời kêu gọi Việt Nam cùng các nước Đông Dương
gia nhập khối Đại Đông Á do Nhật đứng đầu. (Bảo Đại, Con rồng Việt Nam,
California: Xuân Thu, 1990, tr. 159.) Khối nầy đã được chính phủ Nhật
công bố thành lập ngày 1-8-1940, cách đó 5 năm.
Chiều
ngày 11-3-1945, vua Bảo Đại triệu tập Cơ mật viện, các thượng thư và các hoàng
thân hội họp và đưa đến kết quả là nhà vua cùng các thượng thư Phạm Quỳnh (bộ Lại),
Hồ Đắc Khải (bộ Hộ), Ưng Hy (bộ Lễ), Bùi Bằng Đoàn (bộ Hình), Trần Thanh Đạt (bộ
Học), và Trương Như Đính (bộ Công), đồng ký bản TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP do Phạm Quỳnh
soạn như sau:
“Chiếu
tình hình thế giới nói chung, và tình hình Á châu nói riêng, chính phủ Việt Nam
long trọng công khai tuyên bố, kể từ ngày hôm nay, hiệp ước bảo hộ ký với nước
Pháp [năm 1884] được bãi bỏ, và đất nước thu hồi chủ quyền độc lập quốc gia.
Nước
Việt Nam cố gắng tự lực, tự cường, để xứng đáng là một quốc gia độc lập, và sẽ
theo đường hướng của bản tuyên ngôn chung của khối Đại Đông Á, hầu giúp đỡ nhau
tài nguyên cho nền thịnh vượng chung.
Vì
vậy, chính phủ nước Việt Nam đã đặt tin tưởng vào sự thành tín của nước Nhật,
và đã có quyết định cộng tác với nước nầy, hầu đạt mục đích nói trên.
Khâm
thử
Huế,
ngày 27 tháng giêng năm thứ 20 triều Bảo Đại.” [Bảo Đại, sđd. tr. 162)
Do
tình hình thế giới biến chuyển và do sự can thiệp của Nhật Bản, vua Bảo Đại đã
lợi dụng thời cơ, tuyên bố từ nay nước Việt Nam chính thức độc lập. Đây
là BẢN TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP ĐẦU TIÊN của Việt Nam, chấm dứt nền bảo hộ của Pháp
đã được thiết lập hơn 60 năm.
Khi
đảo chánh lật đổ Pháp, mục đích chính của người Nhật nhắm chống lại Đồng minh
và bảo toàn lực lượng Nhật trên đường lui quân về nước. Lúc nầy Nhật
không còn tham vọng bành trướng. Vì vậy, khác với người Pháp trước đây ở
Đông Dương, người Nhật chỉ kiểm soát về quân sự, để cho vua Bảo Đại tự trị,
không can thiệp sâu vào công việc nội bộ của Việt Nam. Tuy nhiên nền độc
lập Việt Nam lúc đó khá bấp bênh vì Nhật Bản sắp thua trận, trong khi Pháp vẫn
không từ bỏ tham vọng đế quốc, sẽ kiếm cách trở lui Đông Dương.
PHẢN ỨNG CỦA PHÁP
Tháng
9-1943, từ Alger Uỷ ban Giải Phóng Dân tộc Pháp (UBGPDT) (Comité Française de
Libération Nationale, lập ngày 3-6-1943 đến ngày 3-6-1944) quyết định cử tướng
Charles A. H. Blaizot phụ trách Đạo quân Viễn chinh Viễn đông, nhắm đến Đông
Dương. Ngày 8-12-1943, cũng từ Alger, UBGPDT Pháp ra thông báo về chính
sách đối với Đông Dương, có đoạn như sau:
“…
Với các dân tộc đã biết xác định cùng một lúc tình cảm yêu nước và ý
thức trách nhiệm chính trị của mình, nước Pháp đồng ý ban hành, trong lòng cộng
đồng Pháp, một quy chế chính trị mới mà, trong khuôn khổ của tổ chức liên bang,
những quyền tự do của các nước khác nhau trong Liên hiệp sẽ được nới rộng và
xác lập; tính chất tự do rộng rãi của các chế độ sẽ được nhấn mạnh mà không mất
dấu hiệu của nền văn minh và truyền thống Đông Dương; những người Đông Dương,
cuối cùng, có thể nhận làm bất cứ công việc gì và chức vụ nào của Nhà nước.
Cùng
với sự cải cách quy chế chính trị nầy, sẽ có một cuộc cải cách quy chế kinh tế
của cả Liên hiệp mà, trên căn bản tự trị về quan thuế và thuế khóa, sẽ bảo đảm
sự phồn thịnh của Liên hiệp và góp phần vào sự phồn thịnh các lân bang…” (Philippe
Devillers, Paris Saigon Hanoi, Paris: Gallimard- Julliard, 1988, tr.
23.)
Tuy
hứa hẹn như trên, nhưng sau đó, khi Đức bắt đầu thua trận, và Đồng minh càng
ngày càng thắng thế, thì UBGPDT Pháp thay đổi thái độ. Ngày 1-2-1944, để
chuẩn bị tái chiếm Đông Dương, tướng Charles de Gaulle ra lệnh cho tướng
Charles André Henri Blaizot thành lập Lực lượng Viễn chinh Pháp tại Viễn đông
(F.E.F.E.O = Forces Expéditionnaires Françaises d’Extrême-Orient), gồm 2 lữ
đoàn thuộc địa là Madagascar và Cameroun, và một đơn vị khinh binh ứng chiến
(Corps léger d’intervention). Đạo quân F.E.F.E.O của Pháp được đặt dưới Bộ
Chỉ huy Đông Nam Á (South East Asia Command = SEAC) do đô đốc người Anh là bá
tước Louis Mounbatten điều khiển. (Philippe Devillers, Histoire du Viêt-Nam
de 1940 à 1952, Paris: Editions Du Seuil, 1952, tr. 145.)
Trong
cuộc họp của UBGPDT Pháp do De Gaulle chủ trì tại Brazzaville ở Congo, được
xem là thủ phủ của Pháp tại Phi Châu, từ 30-1 đến 8-2-1944, để thảo luận về các
vấn đề thuộc địa sau thế chiến thứ hai, bản tuyên bố vào cuối Hội nghị có đoạn
viết như sau:
“Các
mục đích của sự nghiệp thực dân mà nước Pháp thực hiện tại các thuộc địa
đã loại bỏ ý định tự trị, mọi khả năng tiến hóa ngoài khuôn khổ đế quốc Pháp:
cơ cấu một chính phủ tự trị có thể có tại các thuộc địa dù cho còn lâu mới được
thực hiện, phải bị loại trừ.” (Hoàng Hiển, Vua Duy Tân, Nxb. Thuận
Hóa, Huế, 1996, tr. 90.)
Tiếp
đó, khi Nhật lật đổ Pháp ở Đông Dương ngày 9-3-1945, vua Bảo Đại đưa ra bản
Tuyên ngôn độc lập ngày 11-3, làm cho De Gaulle rất tức giận. Gần nửa
tháng sau, De Gaulle đưa ra bản tuyên bố ngày 24-3-1945 về vấn đề Đông Dương
như sau:
“Liên
bang Đông Dương sẽ hợp cùng với nước Pháp và các thành phần khác trong cộng đồng
thành Liên Hiệp Pháp, mà nước Pháp sẽ đại diện để đảm trách những quyền lợi ở
bên ngoài. Đông Dương sẽ được hưởng nền tự do riêng trong Liên Hiệp nầy.
Những
người thuộc quốc tịch liên bang Đông Dương sẽ là công dân Đông Dương và công
dân Liên Hiệp Pháp. Với tư cách nầy, họ sẽ được giữ một cách công bằng
theo khả năng mọi chức vụ và công việc liên bang ở Đông Dương cũng như trong
Liên Hiệp Pháp, không phân biệt sắc tộc, tôn giáo, nguồn gốc.
Những
điều kiện theo đó Liên bang Đông Dương sẽ tham gia vào các cơ chế Liên Hiệp
Pháp, cũng như quy chế công dân Liên Hiệp Pháp, sẽ được ấn định bởi Hội đồng lập
hiến.”
(Charles de Gaulle, Mémoires de guerre, Le salut: 1944-1946, Paris:
Plon, 1959, tr. 439.)
Tuyên
bố của Hội nghị Brazzaville năm 1944 cùng tuyên bố của De Gaulle ngày 24-3-1945
cho thấy tham vọng của Pháp là muốn tái lập nền thống trị tại Đông Dương, về
sau sẽ giải thích thái độ im lặng của chính phủ lâm thời Pháp do De Gaulle lãnh
đạo, trước thông điệp kêu gọi giúp đỡ của vua Bảo Đại gởi các cường quốc, sau
khi Nhật Bản đầu hàng 14-8-1945 và trước khi Việt Minh cộng sản cướp chính quyền.
Tuyên
ngôn độc lập ngày 11-3-1945 của vua Bảo Đại chẳng những bị chính quyền Pháp bất
bình, mà còn bị báo chí Pháp chỉ trích là ông đã phản bội nước Pháp khi tuyên bố
độc lập. Về sau, trong một cuộc họp báo tại khách sạn Ritz ở Paris vào đầu
năm 1948, Bảo Đại lúc đó là cựu hoàng, giải thích:
“Ngày
6 tháng 6 năm 1884, khi ông bác Kiến Phúc tôi còn là ấu quân, quan phụ chánh
Vương quốc An Nam đã ký với nước Pháp, một hiệp ước bảo hộ. Theo điều 16
của hiệp ước nầy, để đổi lại những ưu quyền dành cho nước Pháp, nước Pháp long
trọng cam kết che chở cho Vương quốc An Nam, bảo đảm an ninh cho Quân vương,
Hoàng đế An Nam chống lại bất cứ nội loạn hay ngoại xâm nào. Thế mà năm
1945, trước sự xâm lăng của Nhật Bản, và trước cuộc nổi dậy của cách mạng Việt
Minh, thì đâu là những lời cam kết của Pháp?… Vậy thì ai là người đầu tiên đã
không làm tròn bổn phận đối với lời cam kết? Ai làm cho nó lỗi thời, mất
hết hiệu lực? Ai đã vi phạm hiệp ước?” (Bảo Đại, sđd. tr.
307.)
Như
thế, trong khi Pháp gặp nhiều khó khăn ở Âu Châu, bị Đức xâm lăng và chiếm đóng
một nửa phía bắc nước Pháp, thì Nhật Bản xuất hiện ở Đông Dương, đảo chánh lật
đổ Pháp ngày 9-3-1945.
Chính
trong hoàn cảnh nầy, dựa vào sự ủng hộ của người Nhật, ngày 11-3-19-1945 vua Bảo
Đại tuyên bố hủy bỏ hiệp ước bảo hộ Pháp tại Việt Nam ký kết ngày 6-6-1884 dưới
thời vua Kiến Phúc (trị vì 1883-1884), và thu hồi chủ quyền quốc gia Việt Nam.
Đây
là BẢN TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP ĐẦU TIÊN của Việt Nam, rất hợp với lòng dân, do
chính quyền hợp pháp chính thống của người Việt Nam lúc đó công bố, chứ không
phải do một đảng phái nào đơn phương quyết định. Bản tuyên ngôn nầy hoàn
toàn do người Việt soạn thảo, không nhờ người ngoại quốc soạn giùm và không vay
mượn ý tưởng ngoại lai. (Trích: Bảo Đại (1913-1997), Toronto: Nxb.
Non Nước, 2014.)
©
Trần Gia Phụng
(Toronto,
01-02-2015)
No comments:
Post a Comment