Wed,
12/24/2014 - 04:40 — Kami
Cánh
cửa của năm 2014, năm của nhiều sự kiện chính trị đang từ từ khép lại để nhường
chỗ cho năm 2015, một năm bản lề của Đại hội Đảng lần thứ XII. Đây là một năm với
nhiều dấu hiệu báo trước cho thấy sẽ có sự đấu đá quyền lực khốc liệt giữa các
phe phái trong đảng trong cuộc chạy đua nước rút để các bên kéo bè kéo cánh, nhằm
củng cố và chia chác quyền lực giữa các phe nhóm trong kỳ Đại hội Đảng CSVN lần
thứ XII.
Theo
thường lệ, các Hội nghị Ban Chấp hành trung ương Đảng CSVN thường diễn ra trước
các kỳ họp Quốc hội để thảo luận và cho ý kiến về các vấn đề Quốc hội sắp tới
đem ra bàn, nhằm hợp thức hóa các chủ trương của Đảng. Tuy nhiên, đến Hội nghị
Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 10 - Khóa XI lần này đã trái với thông lệ,
nghĩa là ở kỳ họp Quốc hội lần thứ 8 (vừa bế mạc) thì trình tự này bị đảo lộn.
Trong lần họp này của Quốc hội Ban Chấp hành trung ương Đảng đã chỉ cho ý kiến
chỉ đạo Quốc hội bằng văn bản chứ không họp để ra nghị quyết. Dư luận cho rằng,
kể cả việc Ban Chấp hành TW đồng ý để cho Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với
các chức vụ lãnh đạo do Quốc hội bầu hoặc chỉ định cũng là điều khá lạ.
Việc
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 10 - Khóa XI, một hội nghị thường
niên diễn ra 6 tháng một lần, cho đến nay vẫn chưa khai mạc được vì các bên
chưa thống nhất được các nội dung cơ bản là một biểu hiện rõ nhất chứng tỏ điều
đó. Cần phải thấy rõ Hội nghị TW 10 có một tầm quan trọng đặc biệt, đó là Hội
nghị này không chỉ thảo luận các văn kiện và chuẩn bị vấn đề nhân sự lãnh đạo
cao cấp để trình ra Đại hội Đảng lần thứ XII thông qua để qua năm 2015 các cấp
đảng bộ bắt đầu thảo luận và đóng góp ý kiến. Đồng thời kỳ họp này còn sẽ tiến
hành việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với nhân sự lãnh đạo của Đảng, đây là chuyện
đặc biệt quan trọng đối với các ứng viên chạy đua vào các chức vụ cao cấp trong
Đảng trong khóa tới. Đây một điều chưa từng có tiền lệ. Chính vì thế dư luận
cho rằng Hội nghị TW 10 sẽ là cuộc chạy đua quyền lực khốc liệt giữa các đối thủ
chính trị, là thời kỳ vận động và chuẩn bị cho một cuộc chiến của các phe phái
trong Đảng. Và vấn đề nhân sự cao cấp của Đại hội XII sẽ dựa trên cơ sở kết quả
bỏ phiếu tín nhiệm trong Hội nghị Trung ương 10 lần này.
Điều
đó cho thấy, không phải là vô tình, mà ngày 21.12.2014 Thượng tướng Nguyễn Chí
Vịnh – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã chia sẻ với VietNamNet rằng: “Chúng ta
đang có những tranh chấp trên biển Đông, và chúng ta kiên trì giải quyết tranh
chấp bằng phương pháp hoà bình. Muốn giải quyết được những vấn đề đó thì nội bộ
đất nước phải ổn định, Nhân dân phải tin vào Đảng, Chính phủ”. Qua phát biểu
trên của Tướng Nguyễn Chí Vịnh, một cán bộ cao cấp, nếu hiểu phát biểu đó cho rằng
"nội bộ đất nước không ổn định, Nhân dân không tin vào Đảng, Chính phủ”
thì có lẽ là điều vô lý. Vì giả dụ trên thực tế nếu có thực như thế thì
thách kẹo Tướng Vịnh cũng không dám nói ra điểm yếu chết người của Đảng. Mà có
chăng trong trường hợp này thì đây cần hiểu chữ nội bộ trong phát biểu đó muốn
ám chỉ nội bộ ban lãnh đạo Đảng CSVN, nơi đang diễn ra sự bất đồng mà người ta
cho rằng đã tới hết sức mức sâu sắc.
Việc
trì hoãn việc khai mạc HN TW 10 cộng với phát biểu của Thượng tướng Nguyễn Chí
Vịnh – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng có lẽ cũng là lý do giải thích cho các hiện tượng
một số nhân vật lãnh đạo cao cấp Đảng và Nhà nước Việt nam có các phát biểu
mang tính nhắc đi nhắc lại hay lặp lại những vấn đề đã được nói nhiều lần và
người ta coi là vấn đề cũ không cần thiết phải nhắc lại. Đó là, việc Tổng bí
thư Nguyễn Phú Trọng ngày 18.12.2014 trong một bài viết quan trọng đăng trên
báo Quân đội Nhân dân cũng khẳng định lại rằng: “Chỉ có Đảng Cộng sản Việt
Nam là tổ chức duy nhất lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam. Sự lãnh đạo quân đội
không thể phân chia cho bất kỳ một cá nhân nào, một lực lượng chính trị
nào khác." Và lập tức ngày 21.12.2014, phát biểu tại buổi làm việc với
Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an về kết quả công tác năm 2014,
phương hướng, nhiệm vụ 2015, người ta thấy Thủ tướng nguyễn Tấn Dũng cũng tỏ ra
không kém cạnh khi chỉ thị cho ngành Công an (cũng là lặp lại) phải: "nắm
chắc tình hình, không để xảy ra bạo loạn, khủng bố, hình thành tổ chức chính trị
đối lập trong nước".
Thực
ra các phát biểu trên của Tổng BT Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
không có gì là xa lạ, vì các phát biểu này đã lặp đi lặp lại rất nhiều lần, ở
nhiều nơi. Hơn nữa, vấn đề "Quân đội phải trung thành với ai?" đến
lúc này thì đã quá rõ ràng, không cần phải bàn cãi. Vì chiểu theo Hiến pháp Việt
nam 1992 Sửa đổi năm 2013, Điều 65 có ghi rõ "Lực lượng vũ trang
nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, với Đảng và Nhà nước, có
nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc,
an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Nhân dân, Đảng, Nhà nước và
chế độ xã hội chủ nghĩa, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ
quốc tế". Từ trước đến nay chúng ta đã tốn quá nhiều giấy mực để bàn
luận về vấn đề này, song cơ bản nhất là hầu hết mọi người đều quên rằng nhiệm vụ
của Quân đội của bất kỳ quốc gia nào cũng là trung thành và bảo vệ Hiến pháp.
Đó là điều bất di bất dịch, cho dù quốc gia đó có thể chế chính trị như thế
nào. Điều đó cho thấy việc Quân đội Nhân dân Việt nam trung thành với Tổ quốc,
Nhân dân, với Đảng và Nhà nước, với nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống
nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội;
bảo vệ Nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa là điều không phải
bàn cãi. Muốn thay đổi điều đó thì dứt khoát phải thay đổi Hiến pháp.
Tuy
nhiên, trong phát biểu Tổng BT Nguyễn Phú Trọng nếu để ý kỹ sẽ thấy xuất hiện nội
dung cho rằng: "Sự lãnh đạo quân đội không thể phân chia cho bất
kỳ một cá nhân nào" , đặc biệt là cụm từ "một
cá nhân nào" được để lên hàng đầu, để trên cả một lực lượng chính
trị khác, điều mà chưa bao giờ chúng ta nghe tới. Đây là điều hết sức không
bình thường, theo đó nghĩa là đang có một cá nhân nào đó đang muốn tiếm quyền để
nắm lấy sự lãnh đạo quân đội. Có lẽ không cần nói rõ cá nhân đang muốn tiếm quyền
để nắm lấy sự lãnh đạo quân đội là ai thì mọi người cũng đã rõ. Có lẽ chỉ có cá
nhân nào đã từng tuyên bố trong thông điệp đầu năm 2014 dám nhắc đến vấn đề cần
thiết phải cải cách thể chế ở Việt nam mới dám có mong muốn ấy và cũng chính
người đó là người có đủ quyền lực để thay đổi, kể cả việc thay đổi Hiến pháp.
Thực
ra nỗi ám ảnh của ông Tổng BT Nguyễn Phú Trọng về một cá nhân sẽ nắm quyền
lãnh đạo quân đội ở Việt nam không phải là không có cơ sở. Bởi vì trong thời
gian khoảng 02 năm trở lại đây, thanh thế của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và phe
nhóm đã phát triển rất nhanh và họ đang nắm một thế lực không nhỏ trong chính
trường Việt nam hiện nay. Được biết trong kỳ Đại hội Đảng khóa XII, Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng sẽ ở lại nhưng sẽ thôi đảm trách chức vụ Thủ tướng vì đã đủ 2
nhiệm kỳ theo quy định. Do vậy, khả năng ông Dũng sẽ đảm trách chức vụ Tổng Bí
thư hay Chủ tịch nước. Thực ra chức Chủ tịch nước là một chức "hữu danh vô
thực", chỉ có tiếng mà không có quyền bính đây là điều ông Dũng không màng
tới, mà cái đích của ông là chức vụ cao nhất, đó là chức Tổng Bí thư. Nếu giữ
chức Tổng Bí thư thì đây là cơ hội cho ông Dũng sử dụng hệ thống chân rết quyền
lực của mình xây dựng trong 02 nhiệm kỳ là Thủ tướng từ trung ương đến địa
phương để thực hiện những gì ông ta đã tuyên bố. Kể cả việc cải cách thể chế.
Đó chính là điều mà lâu nay, dư luận đã từng hy vọng và đặt niềm tin vào ông
Nguyễn Tấn Dũng và mong mỏi rằng ông sẽ là một nhà cải cách, được ví như một
Gorbachev của Việt nam. Thậm chí người ta còn không dấu diếm hy vọng ông Dũng sẽ
trở thành một Tổng thống đầu tiên của Việt nam sau năm 1975. Và đây là một xu
hướng dư luận được đánh giá cao, song nhiều người cho rằng đây chỉ là dư luận,
còn việc điều đó có trở thành thực tế hay không thì câu trả lời còn bị bỏ ngỏ,
vì nó còn dựa vào nhiều yếu tố khác có liên quan.
Tuy
nhiên, một nguồn thạo tin cho hay việc trì hoãn ngày khai mạc Hội nghị TW 10
cũng có liên quan đến vấn đề này, vì phe thân Trung quốc của Tổng BT Nguyễn Phú
Trọng có quan điểm cho rằng một khi không kiểm soát chặt chẽ trong khâu bố trí
nhân sự cao cấp và nếu để chức Tổng BT Đảng CSVN lọt vào tay Thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng trong Đại hội Đảng CSVN khóa XII thì là điều tai họa. Vì theo họ, bất cứ
chuyện gì cũng có thể xảy ra đối với một con người rành chính trị và nhiều mưu
ma chước quỷ như ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Đặc biệt, trong điều kiện ông
Dũng đang nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của cựu Chủ tịch nước Đại tướng Lê Đức
Anh - Cố vấn Ban chấp hành TW vốn là người đứng sau hậu trường chính trị của Đảng.
Đồng thời cũng là người vừa khen ngợi những phát biểu của Thủ tướng Nguyễn
Tấn Dũng về lập trường trong vấn đề Biển Đông là "những phát biểu
này hợp lòng dân, có thái độ rõ ràng, đúng đắn và rất đáng quý và nâng cao uy
tín của Việt Nam trên trường quốc tế trong vấn đề chủ quyền tại Biển
Đông.".
Cũng
cần phải nhắc lại, chỉ trước đây không lâu, ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã
không ngần ngại và huỵch toẹt về quan hệ Việt Trung khi cho rằng: "Không
thể có bạn kiểu nhà tôi là nhà anh, của tôi là của anh được". Và đây rất
có thể là tư tưởng chủ đạo của Hội nghị TW 10 trong vấn đề quan hệ Việt -
Trung. Đây có lẽ cũng là lý do của chuyến thăm Việt nam rốt ráo trước Hội nghị
TW 10 tới đây của ông Du Chính Thanh, chủ tịch Hội nghị Chính trị Hiệp thương
Nhân dân Trung Quốc vào những ngày sắp tới. Được biết trong chuyến thăm này, một
trong những nội dung trọng tâm là thảo luận về vấn đề liên quan tới quan hệ Việt
- Trung, đặc biệt là về quan điểm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong vấn đề
này. Được biết là thái độ chống Trung quốc của ông Dũng đã làm cho phía "bạn"
rất không hài lòng và đó cũng chính là lý do vì sao phe thân Trung quốc của ông
Nguyễn Phú Trọng lại muốn bằng mọi cách hạ "đo ván" Thủ tướng Dũng
trong kỳ bỏ phiếu tín nhiệm trong Hội nghị TW 10 để chặn đướng tiến tới chức vị
Tổng Bí thư. Dù rằng kết quả lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội của Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng rất khả quan.
Gần
sát những ngày trước lúc khai mạc Hội nghị TW 10, người ta thấy xuất hiện nhiều
trang thông tin đăng các tin tức, bài viết nhằm bôi nhọ lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Cụ thể như các trang: Ai đang làm khánh kiệt đất nước, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh
Hùng, Chân dung quyền lực v.v... Với các thông tin mang dáng dấp và kiểu cách của
trang Quan Làm Báo cách đây hơn 2 năm. Thậm chí tới mức người ta còn sử dụng cả
dịch vụ trả tiền cho facebook để quảng cáo cho các trang này, tất cả đều với mục
đích nhằm bôi nhọ và hạ uy tín lẫn nhau. Dư luận cho rằng những trang website kể
trên nếu không là của tay chân các vị lãnh đạo thì còn của ai? Và vì chỉ cần trả
lời câu hỏi "Ai được lợi từ các thông tin đó?" thì cũng biết người đứng
đằng sau các trang website đó là ai? Không chỉ có thế, các thông tin liên quan
đến việc đấu đá nội bộ, phe nọ bắt các "đại gia" sân sau của phe kia
vẫn đang tiếp diễn mà hầu như không có biểu hiện chấm dứt. Điều mà dư luận cho
rằng đó là các hành động mang tính "đá nguội", điều hết sức cần thiết
trước kỳ bỏ phiếu tín nhiệm đối với các nhân sự lãnh đạo của Đảng trong lúc
còn chưa ngã ngũ.
Những
vấn đề phân tích ở trên đã cho thấy, tình hình nội bộ ban lãnh đạo Đảng CSVN
đang hết sức phức tạp xung quanh vấn đề tranh chấp quyền lực. Nhiều khả năng Hội
nghị TW 10 - Khóa XI sẽ dời ngày khai mạc sang đầu năm 2015, nghĩa là chậm trễ
hơn bình thường khoảng hai tháng. Tuy vậy đến lúc này, chưa có dấu hiệu nào cho
thấy các phe nhóm trong Đảng sẽ đi đến thống nhất thời gian cụ thể cho ngày
khai mạc. Do tầm hết sức quan trọng của Hội nghị TW 10 nên cái gì cũng có thể xảy
ra, đặc biệt là sự nghiệp chính trị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - một ngôi
sao đang lên.
Ngày
24 tháng 12 năm 2014
©
Kami
*
Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á
châu Tự do RFA
No comments:
Post a Comment