Wednesday, December 31, 2014

BẢN CHẤT VÀ HIỆN TƯỢNG CỦA VIỆC BẮT CÁC BLOGGERS ÔN HÒA (BS Hồ Hải)





Tuesday, December 30, 2014

Bài đọc liên quan:

Năm 2014 không có gì đặc biệt về kinh tế chính trị như những năm trước. Vì tình hình ngày càng bi đát hơn trong cái hướng đi bắt buộc phải có như đã tiên tượng trong nhiều bài viết của tôi trước đây: Nhìn đến 2013Nước Việt đến 2016 mà tôi đã viết rồi. Hôm nay đọc bài báo Ngăn chặn phát tán tài liệu chia rẽ nội bộ. Nên thay vì trong tổng kết năm 2014, tôi chỉ nhìn sự việc các bloggers ôn hòa bị bắt gần đây 

Sau gần một tháng theo dõi, nghiên cứu và liệt kê các sự kiện về việc bắt người mỗi lần đại hội đảng cầm quyền ở Việt Nam chuẩn bị nhân sự tôi thấy vấn đề giải mã 3 bloggers - Nguyễn Quang Lập, Hồng Thọ Lê và Nguyễn Đình Ngọc - mới vừa bị bắt theo cái nhìn khách quan theo sự kiện.

Cứ gần đến đại hội đảng là nhiều vụ bắt giam xảy ra. Nó là hậu quả của việc đấu đá hậu trường chuẩn bị nhân sự cho các phe cánh chính trị trong đảng cầm quyền tại Việt Nam. Sự biến tướng về mặt hiện tượng của 3 kỳ đại hội đảng gần đây về việc bắt bớ giam cầm có thay đổi. Nhưng về mặt bản chất vẫn là sự rò rỉ thông tin xấu cho đảng cầm quyền từ các phe cánh đấu nhau.

Nhớ đại hội X, 2 nhà báo Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Việt Chiến bị bắt, cùng với tướng Quắt bị kỷ luật cũng vì rò rỉ thông tin dự án Bờ Mu 18. Thời ấy blogger chỉ mới ra đời, Yahoo 360 không làm nhiệm vụ đưa tin, mà chỉ làm công việc của những blogger phả ảnh tâm tư nguyện vọng cá nhân, hoặc của những nhóm bất đồng chính kiến ôn hòa.

Lại nhớ, sau vụ án Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, Lê Thăng Long và Nguyễn Tiến Trung, Yahoo không còn được tin tưởng về bảo mật. Thế giới blogger bỏ chạy sang nhiều nơi khác nhau. Đến giờ này, nơi đáng tin cậy chỉ còn Google thông qua bolgspot.com. Nhưng những nhóm hay cá nhân như Nguyễn Văn Hải, Bùi Thị Minh Hằng, Tạ Phong Tần, Trần Huỳnh Duy Thức, etc hầu hết là những người có tính tập thể đấu tranh, hành động mà chính quyền cho rằng nguy hiểm đến đảng cầm quyền và chế độ - phạm và điều 4 hiến pháp của đảng cầm quyền. Ở đây tôi chỉ xin phân tích và nhìn ra vấn đề các bloggers ôn hòa bị bắt gần đây như, Nguyễn Quang Lập, Hồng Thọ Lê và Nguyễn Đình Ngọc - tức Nguyễn Ngọc Già.

Từ những nhóm và cá nhân bày tỏ ôn hòa, thế giới blogger lại xuất hiện những blogger có tính phe nhóm chính khách đối lập, chạy đua vào ghế nghị trường, đấu đá bôi nhọ nhau.
Blog nặc danh "Chân dung quyền lực" đặt ở nước ngoài viết bài bôi nhọ mà còn bỏ tiền ra quảng cáo trên facebook.

Có thể có những bloggers nặc danh đặt ở nước ngoài tung tin là có sự chỉ đạo từ hậu trường chính khách vì mưu sinh, nhưng đó là một chuyện khác. Họ có ăn có chịu làm nhiệm vụ được giao.

Nay thì thông tin ấy đã được các nhà báo và công an điều tra rút kinh nghiệm, không dám xì ra để bị họa. Nhưng ở họ có những bloggers thân tín có ảnh hưởng với cộng đồng. Đó là những nơi bắn tin đi xa và nhanh nhất. Vô tình hay hữu ý, các bloggers dù không viết vì tiền bị sập bẫy vào điều luật 258 và điều 88, tùy theo quan điểm của nhà cầm quyền.

Lại có những bloggers vô tình lấy câu chuyện hậu trường để làm quà, và câu khách viếng thăm blog của mình. Và từ đó, trong giới blogger có những bloggers vi phạm lằn ranh đỏ mà lâu nay chỉ có nhà báo và công an điều tra mới có thông tin. Kết quả của nó là gần đây, thay vì các nhà báo và các sĩ quan công an điều tra xét hỏi bị kỷ luật hoặc bị bắt, thì hôm nay là những bloggers. Đầu và giữa năm có blogger Trương Duy Nhất và Phạm Viết Đào. Cuối năm có Nguyễn Quang Lập, Hồng Lê Thọ và Nguyễn Đình Ngọc. Những thông tin xấu của cá nhân lãnh đạo, và đảng cầm quyền được các ông chủ chính khách xì cho các bloggers quen biết, hoặc phe cánh của mình có ảnh hưởng đến cộng đồng, tung tin bôi nhọ nhau, mà không có chứng cứ.

Với những diễn biến và đánh giá trên của tôi, thì tôi cho rằng cũng giống như 2 nhà báo và tướng Quắt thời đại hội X. Sau việc chuẩn bị nhân sự đại hội đảng lần thứ XII, ắt các bloggers sẽ được trở về nhà, và dĩ nhiên trước kỳ đại hội đảng diễn ra vào năm 2016. Trật tự mới lại bắt đầu nhưng bổn cũ cứ soạn lại, bản chất vấn đề không thay đổi, chỉ hiện tượng bên ngoài là thay đổi. Nhưng một mũi tên bắn ra lại trúng nhiều đích, vừa được việc như xưa, mà vừa răn đe được thế giới thông tin mạng đã và đang lấn át truyền thông chính thống của đảng cầm quyền. Người dân lâu nay đã sợ chính quyền, nay càng lo sợ hơn, không biết mình sẽ bị bắt lúc nào, nhìn đâu cũng là kẻ thù, nghi ngờ và tan rã sức mạnh dân sự.

Với giải thích này, không biết đúng sai thế nào, nhưng qua đó thấy được hai việc: nhân dân lúc nào cũng ngây thơ và hy vọng một ngày mai tươi đẹp để sống với những gì mình cho là lương thiện, thể hiện cái sỹ của mình. Nhà cầm quyền thì luôn nghĩ ra chiêu để trị dân ở một chế độ đơn nguyên tập quyền. Khi nào nhà tù và súng đạn vẫn còn nằm trong tay nhà cầm quyền lúc ấy người dân còn ngây thơ và tù tội. Đó là những bài học xương máu cần rút ra.

Posted by Hồ Hải at 4:15 PM




No comments: