30.12.2014
1.
Sóng gió Biển Đông
Nhìn
về quê hương Việt Nam, đầu năm 2014 là dịp kỉ niệm 40 năm trận chiến giữa hải
quân Trung Quốc và Việt Nam Cộng hòa tại Hoàng Sa để rồi Trung Quốc chiếm vùng
đảo này từ đó đến nay.
Trong
nước có sinh hoạt tưởng niệm, tuy không chính thức và ở Đà Nẵng phải huỷ bỏ vào
giờ chót. Riêng tại Sài Gòn có buổi lễ mang đầy đủ ý nghĩa dành cho 74 chiến sĩ
Việt Nam Cộng hòa đã hi sinh trong trận chiến ngày 17-1-1974.
Dịp
này chương trình Nhịp cầu Hoàng Sa được phát động với mục đích giúp những gia
đình có thân nhân hi sinh. Chương trình đã nhận được sự đóng góp tài chính của
nhiều người trong và ngoài nước.
Đúng
vào ngày kỉ niệm 40 năm Hoàng Sa, trưa thứ Sáu 17-1-2014 hàng trăm người Việt
vùng Vịnh San Francisco đã biểu tình trước Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc để phản
đối Bắc Kinh xâm lăng. Sau đó đoàn biểu tình kéo đến cơ sở ngoại giao của Việt
Nam để phản đối Hà Nội “hèn với giặc, ác với dân” khi ngăn chặn, đàn áp không
cho dân lên tiếng phản đối Trung Quốc.
Biểu tình trước Tổng
Lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco dịp kỉ niệm 40 trận hải chiến Hoàng Sa
(ảnh Bùi Văn Phú)
Trong
suốt năm qua nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra tại cơ sở ngoại giao Trung Quốc vì
sóng gió Biển Đông. Đặc biệt lần đầu tiên tại San Francisco có biểu tình của những
người mang cờ đỏ sao vàng phản đối Trung Quốc hôm 2-5 đem giàn khoan HD-981 vào
vùng biển còn đang tranh chấp với Việt Nam.
Sự
kiện giàn khoan HD-981 khiến quan hệ Việt-Trung trở nên cực kì căng thẳng, đưa
tới biểu tình phản đối Trung Quốc từ Hà Nội vào Sài Gòn và những vụ công nhân ở
Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh xuống đường đốt phá hãng xưởng của người Hoa, gây
thiệt hại nặng.
Tuy
nhiên lãnh đạo Việt Nam lại không có những động thái phản đối mãnh liệt. Bộ trưởng
Quốc phòng Phùng Quang Thanh coi sự kiện HD-981 như mâu thuẫn trong gia đình.
Quốc hội Việt Nam không ra nghị quyết phản đối Trung Quốc. Còn Thủ tướng Nguyễn
Tấn Dũng cho biết sẽ đưa vụ việc ra một tòa án quốc tế vào thời điểm thích hợp
dù có nhiều khuyến cáo từ các chuyên gia luật pháp. Một thăm dò trên báo điện tử
VNExpress với gần 200 nghìn ý kiến thì 96% ủng hộ việc kiện Trung Quốc trước một
tòa án quốc tế.
Hoa
Kỳ tuyên bố không đứng về phía nào trong các tranh chấp ở biển Đông, chỉ khuyến
cáo các bên liên quan giải quyết tranh chấp trong tinh thần hòa bình, theo luật
pháp quốc tế, tôn trọng tự do hàng hải.
Ngày
10-7 Thượng Viện Mỹ ra một nghị quyết yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan HD-981
và trả lại nguyên trạng trước đó cho khu vực đang tranh chấp.
Đến
ngày 15-7 Trung Quốc rút giàn khoan, một tháng sớm hơn dự định, và Bắc Kinh đưa
ra lí do là để tránh bão. Nhưng nhiều động thái khác cho thấy Bắc Kinh tiếp tục
muốn kiểm soát Biển Đông theo đường lưỡi bò qua việc xây dựng sân bay ở Hoàng
Sa và Trường Sa.
Đến
nay Việt Nam cũng chưa kiện Trung Quốc mà chỉ đề nghị Tòa án Trọng tài Quốc tế
xét đến quyền lợi của Việt Nam trong vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến
chủ quyền Biển Đông.
Hôm
23-12 Tòa Bạch Ốc đã trả lời một thỉnh nguyện thư được đưa lên trang “We the
People” từ ngày 13-5 yêu cầu Tổng thống Barack Obama có những biện pháp trừng
phạt Trung Quốc về hành vi công khai vi phạm luật pháp quốc tế khi đem giàn
khoan HD-981 vào vùng biển còn đang tranh chấp với Việt Nam. Bản thỉnh nguyện
thư đã có gần 140 nghìn người ký tên.
Trong
thư trả lời, giới chức Tòa Bạch Ốc xác nhận Hoa Kỳ không nghiêng về phía nào,
tuy nhiên Mỹ có những lợi ích quốc gia trong vùng Biển Đông và kêu gọi các bên
giải quyết tranh chấp trong tinh thần ôn hoà, tôn trọng luật pháp quốc tế.
Phản
ứng của Việt Nam sau sự kiện giàn khoan HD-981 cho thấy Hà Nội dù muốn tiến gần
hơn trong quan hệ với Hoa Kỳ, nhưng cũng chỉ ở chừng mực nào đó vì lãnh đạo Hà
Nội chịu ảnh hưởng sâu đậm của Trung Quốc trong kinh tế và chính trị. Chủ
trương thân Mỹ hơn lúc này vẫn chưa có thế đứng vững mạnh tại Việt Nam.
Trong
một cuộc phỏng vấn trên truyền hình Trung Quốc CCTV hôm 22-11, Tướng He Lei của
Học viện Khoa học Quân sự đưa ra nhận định rằng chủ trương xoay trục của Mỹ
chính là nguyên do cho những căng thẳng trên Biển Đông gần đây.
Hà
Nội vẫn e dè trước phản ứng của Bắc Kinh. Những sinh hoạt như việc kỉ niệm 35
năm chiến tranh biên giới phía Bắc 17-2-1979 cũng không được nhà nước tổ chức.
An ninh Việt Nam tiếp tục thẳng tay đàn áp, bắt giam những người bày tỏ tình thần
yêu nước, chống Trung Quốc xâm lấn.
Với
ý định chiếm toàn Biển Đông và chủ trương của Tập Cận Bình là “châu Á của người
Á châu”, năm 2015 chắc chắn sẽ còn nhiều căng thẳng trong vùng biển này.
2.
Người Mỹ gốc Việt và chính trị
Vận
động tranh cử của Janet Nguyễn ở Quận Cam (ảnh Bùi Văn Phú)
Năm
2014 người Việt tại Mỹ đạt nhiều thắng lợi trong chính trị dòng chính với khoảng
30 dân cử từ cấp tiểu bang xuống địa phương.
Janet
Nguyễn là thượng nghị sĩ tiểu bang gốc Việt đầu tiên tại California. Quận Cam
có thêm thị trưởng Garden Grove Bảo Nguyễn, cùng thị trưởng Westminster Trí Tạ
tái đắc cử.
Thung
lũng Hoa vàng vẫn có một nghị viên gốc Việt, luật sư Tâm Nguyễn, trong hội đồng
thành phố San Jose, thay Nghị viên Madison Nguyễn hết nhiệm kỳ phục vụ.
Ở
Houston, Dân biểu Tiểu bang Hubert Võ tiếp tục được cử tri tín nhiệm. Ông đánh
bại ứng cử viên Al Hoàng (Hoàng Duy Hùng), một người chủ trương tiếp cận với Hà
Nội với hy vọng đem lại thay đổi cho Việt Nam. Với chủ trương đó, Nghị viên Al
Hoàng cũng đã thua ứng cử viên gốc Việt Richard Nguyễn khi ông tái tranh cử chức
nghị viên Houston hồi đầu năm.
Luật
sư Nguyễn Tâm và ban vận động tranh cử nghị viên San Jose (ảnh Bùi Văn Phú)
Tại
Quận Cam, đầu tháng Năm có Nghị viên Larry Agran của thành phố Irvine đưa đề
nghị kết nghĩa giữa Irvine và Nha Trang. Nhiều người Việt kéo đến biểu tình phản
đối và nghị quyết đã không được thông qua. Tháng 11 vừa qua ông Agran tái tranh
cử và thất bại.
Trên
San Jose, để tìm sự hậu thuẫn của cử tri gốc Việt trong kỳ bầu cử thị trưởng
gay go, Nghị viên Sam Liccardo, cùng với những người ủng hộ ông là Thị trưởng
Chuck Reed và Phó Thị trưởng Madison Nguyễn đã đưa ra một nghị quyết không hoan
nghênh việc tiếp đón các phái đoàn cộng sản Việt Nam đến San Jose. Kết quả ông
Liccardo thắng Giám sát viên Dave Cortese với số phiếu sít sao, tuy các thăm dò
trước đó cho thấy ông thua đối thủ hơn chục điểm.
Cử
tri gốc Việt tại Hoa Kỳ xem ra rất dị ứng với những ứng viên có chủ trương giao
tiếp với Hà Nội. Họ ủng hộ những ai quan tâm đến tình hình nhân quyền tồi tệ tại
Việt Nam.
3. Văn
nghệ và tác quyền
Chương
trình “Đêm Nhớ về Saigon” ở San Jose dịp 30/4/2014 dự kiến có Khánh Ly và Lệ
Thu tâm tình cùng khán giả nhưng hai ca sĩ đã rút khỏi chương trình (ảnh Bùi
Văn Phú)
Sự
kiện gây chú ý nhất trong năm qua là lần đầu tiên Khánh Ly được phép hát trên
sân khấu ở quê nhà. Tháng 5 cô có sô ở Hà Nội, tháng 8 ở Đà Nẵng.
Khánh
Ly đã không thể hát “Gia tài của Mẹ” trên quê hương cũ vì nội dung chương trình
đều do Cục Biểu diễn Nghệ thuật duyệt xét.
Dịp
30-4, Khánh Ly đã gây xôn xao dư luận San Jose khi rút lui khỏi chương trình
“Đêm Nhớ về Saigon”. Sau Khánh Ly, Lệ Thu giờ chót cũng không đến hát được. Sự
kiện hai ca sĩ vang danh của Sài Gòn xưa đã đồng ý hát rồi lại rút lui khiến nhạc
sĩ Nam Lộc phải lên tiếng than thở. Vì áp lực trong nước hai cô đã không thể tưởng
nhớ 30-4 ở San Jose.
Sau
sô hát thứ hai vào tháng 8 ở Việt Nam thì nổ ra vụ đòi tiền bản quyền những bài
hát của Trịnh Công Sơn mà Khánh Ly đã biểu diễn. Tuy không có trách nhiệm gì về
việc này, những tranh cãi trong nước đã khiến cô phải công bố một thủ bút của
nhạc sĩ họ Trịnh cho phép Khánh Ly hát nhạc của ông, vô thời hạn, với giá 5
nghìn đô-la.
Tháng
11 vừa qua Khánh Ly dự định có một sô hát nữa, lần này ở Bình Dương, nhưng cô
đã không thực hiện được.
Cũng
liên quan đến bản quyền, những ngày cuối năm ở San Jose ồn ào việc gia đình Phạm
Duy kiện ban tổ chức “Đêm Nhớ về Saigon” tại trung tâm Phoenix Art Center gồm
ông Phạm Phúc, nhạc sĩ Lê Huy và ca sĩ Ngọc Diệp.
Vụ
kiện đang được thụ lý tại một tòa tranh tụng thiệt hại nhẹ (small claim court),
là nơi hai bên tự thân tranh cãi trước một vị chánh án mà không cần luật sư.
Đại
diện cho gia đình là nhạc sĩ Phạm Duy Hùng đòi số tiền 1,600 đô-la cho 8 bài
hát của Phạm Duy được trình diễn trong “Đêm Nhớ về Saigon” và một chương trình
khác.
Hai
bên đã ra toà một lần vào tháng trước nhưng vụ tranh tụng chưa được giải quyết
vì việc thông dịch không được chuẩn. Ngày 30/1/2015 sẽ có phiên xử kế tiếp.
Sau
khi nhạc sĩ Phạm Duy mất vào tháng 1/2013, đến tháng 3 thì đại diện các con của
nhạc sĩ tại Hoa Kỳ là luật sư Trương Phú Hòa đã đăng trên các báo Việt ngữ một
thông báo về việc sử dụng tác phẩm của Phạm Duy nếu không có phép sẽ phải chịu
trách nhiệm trước pháp luật.
Tháng
4/2013 khi công ti ca nhạc D&D của ông Dũng Taylor loan báo tổ chức ba
chương trình hát nhạc Trịnh và nhạc Phạm Duy, gia đình Phạm Duy đã liên lạc đòi
tiền bản quyền. Theo ông Dũng trình bày với khán giả trong đêm văn nghệ tại
Santa Clara Convention Center vùng San Jose thì số tiền bản quyền quá cao, mấy
nghìn đô. Nếu phải trả số tiền như đòi hỏi từ gia đình Phạm Duy thì giá vé cho
chương trình sẽ cao ngất. Gia đình Phạm Duy khi đó có dự định đưa ông Dũng ra
tòa, nhưng rồi không thực hiện.
Giới
bầu sô và ca sĩ đang chú ý đến vụ kiện lần này. Kết quả chắc chắn sẽ có nhiều ảnh
hưởng đến nội dung các chương trình ca nhạc tương lai tại hải ngoại, đặc biệt
là tại Hoa Kỳ.
Chúc
bạn đọc Năm Mới 2015 an khang, thịnh vượng.
Các
bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm
hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment