Sunday, December 21, 2014

Taliban, hiểm họa của vùng Nam Á (Hà Tường Cát/Người Việt)





Hà Tường Cát/Người Việt
Thứ Bảy, ngày 20 tháng 12 năm 2014

Vụ tấn công thảm sát 148 học sinh và giáo viên tại trường thiếu sinh quân ở Peshawar, Pakistan, là một hành động man rợ ngoài sức mường tượng của mọi người trên thế giới.

Ba câu hỏi được đặt ra: Ai là chủ mưu? Vì sao có hành động như thế? Họ hy vọng đạt được kết quả gì?

Trả lời cho câu hỏi thứ nhất không khó khăn. Nhóm Taliban ở Pakistan ngay lập tức đã đứng ra tự nhận trách nhiệm.

Và cũng không có gì bí mật ở câu hỏi thứ nhì vì theo giải thích của họ thì đây là hành động trả thù cho việc hàng trăm dân bộ tộc vô can và con em bị giết trong một chiến dịch mới đây của quân đội Pakistan.

Nhưng giải đáp thắc mắc thứ ba không đơn giản bởi vì  những người có lương tri bình thường không thể nào chia sẻ được với quan điểm của những phần tử khủng bố và ngược lại.

Có rất nhiều nhóm Taliban khác nhau, với những danh xưng phức tạp. Từng giai đoạn những nhóm này cùng những nhóm Hồi Giáo quá khích khác như Al-Qaeda, Haqqani, Lashkar-e-Jhangvi có thể là đồng minh hay đối nghịch, rất khó phân định rõ ràng.

Hai nhóm Taliban chính là Peshawar Shura Taliban (Pakistan Taliban) và Quetta Shura Taliban (Afghanistan Taliban) từ Afghanistan chạy sang lánh nạn sau khi bị quân đội Mỹ đánh đuổi khỏi bản doanh ở Kandagar cuối năm 2001 trong cuộc chiến tranh đánh khủng bố al-Qaeda.

Peshawar Shura Taliban, đặt căn cứ tại tình North Warizistan, gần thành phố Peshawar, miền Tây-Bắc Pakistan, địa bàn hoạt động là lãnh thổ tự trị vô chính phủ của các bộ tộc (FATA), tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, và miền Đông Afghanistan – tất cả đều là những vùng địa thế hiểm trở, núi cao rừng rậm hoặc đất đá khô khan như sa mạc.

Quetta Shura Taliban đặt căn cứ ở Quetta, tỉnh Baluchistan miền Tây-Nam Pakistan.

Cho tới gần đây, Tây Phương vẩn chê trách Pakistan – đặc biệt là cơ quan tình báo Pakistan -  có thái độ “hai mặt”: chống Peshawar Shura Taliban nhưng lại ngầm ủng hộ Quetta Shura Taliban bằng việc để nhóm này trú ngụ và trợ giúp cho gây loạn ở Afghanistan.

Peshawar Shura Taliban  khi thành lập được gọi là Tehreek-i-Taliban Pakistan nhưng danh xưng này đã bị họ bỏ sau hai vụ tấn công vô duyên cớ vào phi cảng quốc tế Karachi hồi tháng 6 và nay chỉ gọi là Pakistan Taliban.

Pakistan Taliban bắt đầu hoạt động mạnh từ tháng 12 năm 2007,  có mục tiêu nổi loạn chống chính quyền Công Hòa Hồi Giáo Pakistan để đi tới sự thi hành luật Hồi Giáo Sharia.

Sau vụ đột kích phi cảng Karachi, quân đội chính phủ dứt khoát tìm cách tiêu diệt Pakistan Taliban, mở chiến dịch tấn công vào khu vực tự  trị vô pháp luật của các bộ tộc làm hàng  chục ngàn dân cư phải di tản. Vụ tàn sát ở trường thiếu sinh quân Peshawar là hành động trả thù như lời giải thích của Pakistan Taliban.

Pakistan Taliban cũng chống giáo dục trẻ em kiểu Tây Phương và chống phụ nữ làm việc ngoài xã hội. Cô thiếu nữ Malala Yousafzai vừa lãnh giải hòa bình Nobel đã bị các thành viên Pakistan Taliban bắn trọng thương năm 2012 khi đi xe bus đến trường học. Vụ tàn sát ở trường thiếu sinh quân Peshawar, trường có cả nam nữ học sinh và nam nữ giáo viên là mục tiêu thích hợp để khủng bố theo tín ngưỡng Taliban.

Giống như các nhóm Hồi Giáo quá khích khác, Pakistan Taliban kịch liệt chống sự hiện diện của quân đội Mỹ ở vùng Nam Á. Họ cam kết chiến đấu để  buộc Hoa Kỳ phải rút quân khỏi Afghanistan và thề nguyện trả thù cho thủ lãnh Hakimullah Mehsud của họ bị giết trong một cuộc oanh kích của máy bay không người lái cũng như việc tiêu diệt Osama bin Laden.

Từ 2012, các lãnh tụ Pakistan Taliban công bố chủ trương mở rộng hoạt động ở nước ngoài, nhắm tấn công các mục tiêu Anh và Mỹ. Tuy nhiên nhóm này không có khả năng phối hợp tổ chức những hành động khủng bố quy mô như mạng lưới Al-Qaeda. Năm 2010, Pakistan Taliban đã từng nhận là chủ mưu vụ đặt bom bất thành tại công trường Times Square thành phố New York.

Tham vọng của Pakistan Taliban lớn nhưng trước hết mục đích của họ là muốn quân đội chính quyền đừng xen vào khu tự trị của các bộ tộc, để họ nắm quyền kiểm soát vùng đất vô chính phủ vô luật pháp này. Nhưng gây nên thảm kịch tại trường học ở Peshawar là sự tàn ác vượt quá giới hạn của cuộc võ trang tranh đấu, hậu quả là gây phản ứng phẫn nộ cho toàn thể nhân dân Pakistan kể cả thành phần trước đây không ủng hộ nhưng cũng chưa hoàn toàn chống họ. Thể hiện sự đồng  tâm ít thấy, các chính trị gia thuộc những phe phái đối lập đã nhau cùng chấp thuận một kế hoạch chung đề tiêu diệt khủng bố.

Thủ Tướng Nawaz Sharif  tuyên bố từ nay tất cả các chiến binh Hồi Giáo quá khích đều là mục tiêu phải diệt trừ. Điều này hàm ý là nhóm  Afghanistan Taliban (Quetta Shura Taliban) cũng không còn được ngấm ngầm tán trợ nữa, Theo lời Thủ Tướng Sharif trong buổi họp báo sau cuộc hội nghị ở Peshawar  với lãnh tụ các phe phái chính trị đối nghịch: “Không có sự phân biệt giữa Taliban tốt và Taliban xấu”.

Trong hội nghị,  các lãnh tụ đối lập ngồi cùng bàn với thủ tướng và trao đổi ý kiến lẫn nhau bằng lời lẽ hòa nhã khác hẳn những phê phán công kích quyết liệt bình thướng. Imran Khan, một chính trị gia đối lập trong suốt 6 tháng vừa qua đã cầm đầu những cuộc biểu tình chống chính phủ đòi Thủ Tướng Sharif  từ chức,  có mặt ở hội nghị và loan báo hủy bỏ dự án phát động biểu tính phản đối trên toàn quốc.

Hơn một năm qua, nhằm củng cố thế lực cho cá nhân mình. cả Sharif và Khan đều cố gắng khuyến dụ Talban ký một thỏa hiệp hòa bình nhưng không đạt kết quả và bây giờ cả hai đều dứt khoát chống Taliban. Theo kinh nghiệm thì quyết tâm ấy sẽ không lâu dài nếu không có chuyển biến gì đặc biệt. Taliban cũng như những nhóm Hồi Giáo quá khích khác là những thành phần rất khó có thể thương lượng. Với sự thúc đẩy của Hoa Kỳ cuộc thương thuyết của chính quyền Afghanistan với Taliban tại Qatar đã kéo dài hàng năm chưa có một bước tiến gì.

Theo nhận định của các chuyên gia về các tổ chức Hồi Giáo, giữa Quetta Shura Taliban và Peshawar Shura Taliban vẫn thường có những tranh chấp nhưng cả hai có những điểm đồng nhất căn bản, cùng là chủng tộc Pashtun và cùng áp dụng một giáo lý rất khắt khe không khoan nhượng. Từ sau cuộc kháng chiến chống quân đội Liên Xô ở Afghanistan cuối thập niên 1980 đến nay, Taliban là lực lương đáng ngại nhất đối với những người không có cùng lập trường với họ.

Người ta tin rằng hiện nay Taliban ở Afghanistan cũng như ở Pakistan chỉ chờ đợi đến khi quân đội Mỹ triệt thoái hết để hoành hành trở lại và như vậy vùng Nam Á khó hy vọng bao giờ có an ninh.



No comments: