Trọng Thành - RFI
Đăng
ngày 23-12-2014 Sửa đổi ngày 23-12-2014 13:34
Bản báo cáo dày 372
trang do ông Michael Kirby, trưởng ban điều tra về nhân quyền tại Bắc Triều
Tiên công bố trong cuộc họp báo tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Genève ngày
17/02/2014. REUTERS/Denis Balibouse
Hôm
qua 22/12/2014, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã thảo luận về các tội ác trầm
trọng chống lại người dân của chính quyền Bình Nhưỡng, đặc biệt trong các trại
lao cải.
Theo
Hoa Kỳ, lời chứng của các cựu tù nhân cho thấy chế độ độc tài cộng sản Bắc Triều
Tiên khiến dân chúng nước này phải sống trong « cơn ác mộng ».
Từ Washington, thông
tín viên Jean-Louis Pourtet cho biết cụ thể:
Hội
đồng Bảo an nhóm họp hôm qua để thảo luận lần đầu tiên về toàn bộ các vi phạm
nhân quyền của chính quyền Bắc Triều Tiên. Cuộc họp có nguy cơ không diễn ra,
do Trung Quốc cho rằng Hội đồng Bảo an không có nhiệm vụ thảo luận về vấn đề
nhân quyền. Ý kiến này cũng được Nga chia sẻ.
Tuy
nhiên, với 11 phiếu ủng hộ, hai phiếu chống và sự vắng mặt của đại diện hai nước
Tchad và Nigeria, đề nghị của Trung Quốc đã bị bác.
Cuộc
tranh luận tại Hội đồng Bảo an, mà đại diện Bắc Triều Tiên từ chối không tham dự,
là một cáo buộc nghiêm khắc đối với Bình Nhưỡng. Đại sứ Mỹ Samantha Power đã chỉ
ra “những tội ác man rợ” trong các trại cải tạo lao động, một mối đe dọa đối với
hòa bình và an ninh quốc tế. Quan điểm của Hoa Kỳ là cần đưa Bắc Triều Tiên ra
trước Tòa án hình sự quốc tế để xét xử về các tội ác chống nhân loại, giống như
điều mà Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã khuyến nghị.
Thay
mặt cho nước Pháp, đại sứ François Delattre lên án “một cỗ máy kinh hoàng… của
một chế độ khát máu nhằm nô dịch dân chúng nước mình”. Ông nhấn mạnh “chính quyền
Bắc Triều Tiên sẽ phải trả lời cho các hành động của mình trước công lý”.
Các
thảo luận về tình trạng nhân quyền tại Bắc Triều Tiên được tiến hành dựa trên một
báo cáo của ủy ban điều tra Liên Hiệp Quốc. Theo báo cáo này, hiện có từ 80
nghìn đến 120 nghìn người bị giam giữ tại các trại lao cải Bắc Triều
Tiên.
Trong
phát biểu hôm qua, đại sứ Hoa Kỳ Samatha Power chỉ nhắc qua vụ công ty điện ảnh
Sony Picture bị tấn công tin học hồi tuần trước, mà Washington cho rằng có bàn
tay của Bình Nhưỡng. Đại sứ Mỹ lên án Bắc Triều Tiên không chỉ bịt miệng dân
chúng của nước mình, mà “dường như còn kiên quyết cản trở” quyền tự do
ngôn luận của chính nước Mỹ.
Cho
dù Hội đồng Bảo an không đưa ra một quyết định nào, các hiệp hội bảo vệ nhân
quyền cho rằng việc thảo luận tại Hội đồng Bảo an về Bắc Triều Tiên đã tạo ra một
bước ngoặt.
Giám
đốc điều hành của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch giải thích : “Hội đồng
Bảo an đã cảnh báo Bình Nhưỡng rằng những thập niên tàn bạo chống lại người dân
Bắc Triều Tiên cuối cùng sẽ phải chấm dứt”.
Đối
với đại sứ Hàn Quốc Oh Joon, cuộc thảo luận có một ý nghĩa đặc biệt, bởi “hàng
triệu người dân Hàn Quốc có người thân sống ở miền Bắc”, “Lòng chúng tôi
đau đớn khi đọc các lời chứng” do Liên Hiệp Quốc thu thập. Mặt khác, theo
ông, việc đưa chính quyền Bình Nhưỡng ra tòa “không phải là con đường duy nhất”
có thể, mà còn cần phải “hợp tác trong vấn đề nhân quyền với Bắc Triều
Tiên”.
No comments:
Post a Comment