Thursday, December 4, 2014

Nan đề lớn trong việc nhận thức tình hình châu Á: phải chăng Trung Quốc đang trỗi dậy, còn Mỹ hoàn toàn bị tê liệt? (Ralph A. Cossa và Brad Glosserman)



Ralph A. Cossa và Brad Glosserman,
Trần Ngọc Cư dịch  
5/12/2014

Quí vị còn nhớ chăng, có lần Mỹ đã lên tiếng kêu gọi Trung Quốc phải nhanh chóng trở thành “một cường quốc có trách nhiệm”? Thế nhưng, ta cũng nên coi chừng những điều ta mong ước. Tập Cận Bình đã sử dụng một tư thế tuyệt vời do việc Trung Quốc đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 2014 vào tháng trước để giới thiệu Trung Quốc (và chính bản thân mình) như một quyền lực mới tại châu Á, quảng cáo sáng kiến mới của ông về Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) đồng thời kêu gọi ký kết Hiệp ước Thương mại Tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP), một sáng kiến do Mỹ đề xuất trước đây. “Chúng tôi đang chết điếng tại đây,” một viên chức Mỹ có nhiệm sở tại châu Á thú nhận; ông nêu ra hai tít lớn được đăng trên nhật báo hôm đó: một ca ngợi tiến bộ trong các cuộc đàm phán mậu dịch Hàn-Trung [ROK-China]; một nhắc đến các nỗ lực của Mỹ nhằm chặn đứng AIIB đồng thời bác bỏ các nỗ lực của Trung Quốc nhằm thúc đẩy FTAAP.

Các dư âm về sự hốt hoảng này đang vang vọng khắp khu vực. Mặc dù cuộc công du châu Á của Obama được quảng cáo là một thành công cho chính quyền của ông – và đã có một số thành tích rõ rệt – nhưng sự tương phản với chính sách ngoại giao của Trung Quốc là nổi bật. Bắc Kinh ngày càng được xem là một chủ thể vừa xông xáo vừa tế nhị, đáp ứng các nhu cầu của khu vực (và của chính mình), trong khi Washington chỉ chơi trò phòng thủ, ra sức chặn đứng các sáng kiến mới và tỏ ra vất vả để bắt kịp Trung Quốc trong lãnh vực ngoại giao. Trong khi đó, những người tin tưởng (một cách sai lầm theo quan điểm của chúng tôi) rằng chiến lược tái quân bình lực lượng của Mỹ trong một cách nào đó thực sự có mục đích ngăn chặn sự bành tướng của Trung Quốc lại dẫn chứng những nỗ lực cản trở này của Mỹ như một cách khẳng định những hoài nghi tệ hại nhất của họ.

Công bình mà nói, Trung Quốc có vẻ sáng giá trong tháng vừa qua. Cũng như trong Thế vận hội 2008, Bắc Kinh đã khai thác APEC đến mức tối đa. Mọi ban ngành của bộ máy quan liêu cấp quốc gia đều dồn nỗ lực vào việc điều hành sân khấu cho diễn đàn APEC và các lễ hội liên quan. Tập Cận Bình thậm chí còn tìm cách vá víu các bất đồng với Nhật Bản (chí ít một cách tạm thời và miễn cưỡng) để cho phép mình gặp Thủ tướng Abe Shinzo khi ông này đến dự hội nghị. Trong phiên họp với Obama tại Bắc Kinh, hai nhà lãnh đạo đã ký kết một loạt thỏa ước nhằm thổi một luồng sinh khí vào khái niệm của Tập về “một loại quan hệ mới giữa các cường quốc,” trong đó có một cam kết có thể mang ý nghĩa lịch sử về vấn đề thay đổi khí hậu. Ngay khi Obama chưa chấm dứt bài diễn văn, thì Quốc hội Mỹ đã bắt đầu lên tiếng phủ nhận và chỉ trích bản thỏa ước, nêu bật hình ảnh của một tổng thống (và một quốc gia) đang xuống dốc.

Nhưng APEC và AIIB [Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng sơ sở châu Á] chỉ là một phần của một cuộc biểu dương quyền lực và sự hào phóng của Trung Quốc. Tập Cận Bình  liên tục quảng cáo hết sáng kiến này đến sáng kiến khác, nào là khái niệm an ninh “châu Á của người Á châu” được đưa ra tại Hội nghị về các Biện pháp Xây dựng Niềm tin và Tương tác (CICA), nào là Vòng đai Tơ lụa Mới, nào là Con đường Tơ lụa trên Biển của Thế kỷ 21, nào là Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) của nhóm BRICS (gồm Brasil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi), nào là các hiệp ước với Hàn Quốc và Australia. Và đây không phải chỉ là những lời nói suông. Trung Quốc cam kết đóng góp một nửa vốn cho AIIB [Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á], ít ra 20 phần trăm (và có thể hơn) cho ngân quĩ NDB [Ngân hàng Phát triển Mới], 20 tỉ USD cho các đầu tư tại Ấn Độ, và 40 tỉ USD cho Con đường Tơ lụa trên Biển.

Trong khi đó, Mỹ đang tham dự trận đấu trong thế thủ. Con đường dẫn tới Hội nghị APEC tràn ngập tin tức về những nỗ lực ở hậu trường của Washington nhằm phá hoại AIIB [Ngân hàng Đâu tư Cơ sở hạ tầng châu Á], nhằm thúc đẩy các nước đồng minh và đối tác của Mỹ tránh xa ngân hàng mới này. Nhiều người còn cho rằng Mỹ đang cản trở các nỗ lực của Trung Quốc nhằm đẩy mạnh FTAAP [Hiệp ước Thương mại Tự do châu Á-Thái Bình Dương], một hành vi vừa đúng vừa sai: đúng vì cần phải tránh tình trạng sao nhãng đối với tiến trình đi tới Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương [TPP] và sai vì nó gợi lên hình ảnh một chính phủ quyết tâm cản trở tiến bộ, không chịu kiến tạo tương lai.

Tất cả những điều này tô vẻ lên quan điểm cho rằng hệ thống chính trị Mỹ lâm vào tình trạng xơ cứng [sclerotic], với một tổng thống gần hết nhiệm kỳ và bị tổn thương nặng nề do kết quả của cuộc bầu cử giữa khóa. Hầu hết mọi người không còn nuôi hi vọng Obama sẽ vận dụng hết đảm lược chính trị, lại càng không hội đủ hậu thuẫn, để thông qua dự luật Thẩm quyền Thúc đẩy Mậu dịch (TPA hay “đường cấp tốc”) được xem là thiết yếu cho triển vọng TPP đi đến kết cuộc thành công. Theo quan điểm này, Obama ngày càng bị dân chúng coi là yếu ớt, quá trí thức, thiếu quyết đoán, thậm chí có lẽ là vô trách nhiệm. Dân chúng Mỹ bị phân hóa nặng nề vì mối bất hòa ý thức hệ [ideological discord], nhu nhược, và có xu thế muốn rút khỏi các vấn đề quốc tế. Thậm chí quân đội Mỹ đang bị dàn trải quá mỏng và đang vất vả chống lại các cắt giảm ngân sách gây ra do một đấu trường chính trị nội bộ thiếu khoan nhượng và do hậu quả của hàng chục năm phung phí; hình ảnh của Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel (nhân vật Cộng hoà duy nhất trong Nội các Obama) bị buộc từ chức chỉ làm sâu sắc thêm hình ảnh này, một hình ảnh rất phù hợp với cách mô tả một nước Mỹ nhu nhược và đang xuống dốc, đang tranh đấu nhằm duy trì địa vị bá quyền của mình trước một cường quốc khác đang trỗi dậy.

Tình trạng đáng tiếc này hoàn toàn tương phản với hình ảnh của Tập Cận Bình, một lãnh đạo mạnh và có quyền lực của Trung Quốc, thậm chí có khả năng uốn nắn một Quân đội Giải phóng Nhân dân đang hiện đại hóa nhanh chóng đi theo ý mình, quyết tâm bài trừ tham nhũng, tăng cường tính chính đáng của Đảng Cộng sản và thực hiện giấc mơ Trung Hoa mà nhiên hậu đưa đến sự trỗi dậy của Vương quốc Trung tâm [the Middle Kingdom]. Ông đã tập hợp Đảng và Nhân dân đằng sau lưng mình và hậu thuẫn cho viễn kiến này của ông. Tập Cận Bình thậm chí đã tỏ ra có khả năng sửa sai, nhận ra những thiệt hại do bốn năm dùng chính sách ngoại giao hiếu chiến và bắt đầu tỏ ra tế nhị hơn trong mấy tuần gần đây qua các phát biểu và hành vi đối với các nước láng giềng.

Nhưng những nhận thức nói trên là rất khập khễnh. Chúng cường điệu những vấn đề của Mỹ và giải thích sai lạc các biến chuyển bên trong nước này. Trên thực tế, kinh tế Mỹ đang phục hồi, phản ánh mức tăng trưởng trên 3 phần trăm một năm, với tỉ lệ thất nghiệp lần đầu tiên rơi xuống dưới 6 phần trăm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nạn thâm thủng ngân sách đang giảm bớt, và kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng nhanh. Obama có thể bị tổn thương nhưng ông không bị làm cho suy yếu, như các hoạt động hành pháp gần đây của ông đã chứng minh. Cam kết của Mỹ đối với châu Á vẫn còn mạnh; chiến lược tái quân bình lực lượng vẫn đang tiếp tục. Và mặc dù dân chúng Mỹ cảnh giác về chủ nghĩa phiêu lưu ở nước ngoài [foreign adventurism], các cuộc thăm dò cho thấy đòi hỏi của người dân đối với vai trò lãnh đạo của Mỹ trên thế giới vẫn không bị lu mờ. Khi các vấn đề quốc tế đòi hỏi phải hành động, dân chúng Mỹ sẽ hậu thuẫn các đáp ứng khôn ngoan của chính phủ.

Tỉ lệ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc tiếp tục vượt qua tỉ lệ tăng trưởng của Mỹ, nhưng đây là lẽ đương nhiên vì Trung Quốc có một nền kinh tế ít phát triển hơn. Tuy vậy, tỉ lệ tăng trưởng của nước này đã giảm bớt một phần ba [1/3], và các căng thẳng kinh tế ở bên trong ngày một gia tăng: hệ thống ngân hàng chịu nhiều sức ép, giá bất động sản có nhiều bong bóng [frothy], nạn tham nhũng có thể đang được bài trừ nhưng nó đã bám rễ rất sâu và việc loại bỏ bệnh ung thư này đến tận gốc có nguy cơ gây tổn thất lớn cho bản thân của Đảng. Người dân Bắc Kinh mỉa mai bàn tán về “Màu xanh APEC,” tức bầu trời (tạm thời) quang đãng mà Bắc Kinh đã cố tình tạo ra trong thời gian tổ chức APEC nhưng nay đã u ám trở lại với những chỉ số ô nhiễm hiểm nghèo như trước sau khi Diễn đàn bế mạc. Các nước láng giềng vui vẻ chấp nhận sự tài trợ hào phóng của Trung Quốc nhưng việc này không ngăn chặn họ tìm kiếm những quan hệ an ninh vững mạnh hơn với Mỹ nhằm chống lại thái độ quyết đoán của Trung Quốc khi Bắc Kinh vi phạm cam kết của mình là sẽ không thay đổi nguyên trạng tại Biển Đông, chẳng hạn.

Chính sách đối ngoại Mỹ tại châu Á có thể tỏ ra vị kỷ, đặc biệt khi đối chiếu với các tài trợ hào phóng của Trung Quốc, nhưng thực tế cho thấy rằng đa số các nước ở đây vẫn đòi hỏi sự hiện diện và hình bóng của Mỹ ở trong khu vực. Nếu các đối tác và đồng minh của Mỹ có lo ngại về lối ứng xử của Mỹ đi nữa, đấy là vì họ vẫn đặt nhiều kỳ vọng vào Washington. Và Washington có lý khi nêu lên những câu hỏi nghiêm khắc về các chuẩn mực mà NDB [Ngân hàng Phát triển Mới] và AIIB [Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á] sẽ tuân theo và về đường lối mà những ngân hàng này sẽ bổ túc chứ không phải cạnh tranh với các tổ chức hiện hữu như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, và Quĩ Tiền tệ Quốc tế.

Tuy nhiên, hai lối nhận định trái chiều nói trên chắc hẳn gây lo ngại cho các nhà làm chính sách Mỹ. Washington đang thua trên mặt trận PR [quan hệ với báo chí], và mặc dù nhận thức [perception] không luôn luôn trùng hợp với thực tế, nhưng trong nhiều trường hợp nhận thức ảnh hưởng lên thực tế. Mặc dù Mỹ không nên đem quan hệ với báo chí để thay thế cho chính sách, nhưng Mỹ phải nỗ lực hơn nữa để quản lý thông điệp của mình và giúp báo chí viết lại các tít lớn. Chẳng hạn, đẩy mạnh việc cải tổ IMF (một nỗ lực đang thoi thóp, như nhiều nỗ lực khác, trong Quốc hội) sẽ gửi một tín hiệu cho thấy rằng Mỹ có quyết tâm điều chỉnh các định chế hiện hữu để cho phép Trung Quốc và các nước khác trong nhóm BRICS đóng một vai trò to lớn hơn, phù hợp với ảnh hưởng kinh tế ngày một gia tăng của họ, hơn là để cho họ phải tạo ra các cơ chế khác để thay thế.

Điều thiết yếu đối với nỗ lực của Mỹ hiện nay là làm thế nào để thích ứng và vận dụng các nỗ lực của Trung Quốc để ảnh hưởng lên môi trường quốc tế. Washington không thể để cho thế giới coi là chống lại các sáng kiến của chính phủ Trung Quốc hay của một chính phủ nào khác nhằm đối phó các vấn đề khu vực; Washington không thể để cho các nước khác coi là có thái độ nhỏ nhen hoặc nóng nảy, quá bận tâm về xuất xứ của một sáng kiến hơn là khả năng giải quyết các vấn đề. Washington cần phải khuyến khích sự tham gia của tất cả các nước nhằm đối phó với vô vàn thử thách của Thế kỷ 21. Nếu không làm thế, càng ngày Mỹ càng tỏ ra có chủ trương cản trở và yếu hèn, chứ không phải là một lãnh đạo thế giới như Mỹ vẫn còn tự xưng về địa vị của mình.

R.A.C. – B.G.

Ralph Cossa là Chủ tịch Diễn đàn CSIS Thái Bình Dương, Brad Glosserman là Giám đốc Điều hành Diễn đàn CSIS Thái Bình Dương và là đồng tác giả với Scott Snyder của cuốn The Japan-Korea Indentity Clash [Xung đột Bản sắc Nhật-Hàn] (Columbia University Press sắp xuất bản, 2015). 


Dịch giả gửi BVN





No comments: