Nam Giang
(VNTB)
- Bình thường hóa quan hệ giữa Hoa Kỳ - Cuba
không chỉ khiến người dân hai nước đó “sởn gai ốc” và hét lên sung sướng, mà
còn đem lại nỗi “tâm tư” không hề nhỏ với dàn lãnh đạo tại Việt Nam tương lai.
Bởi Cuba có thể vượt lên trên Việt Nam, trong cuộc chạy đua làm bạn với Hoa Kỳ.
Sức mạnh mềm Hoa Kỳ
Cuba và Hoa Kỳ chính thức bình thường hóa quan hệ
ngoại giao, một mốc lịch sử dành cho cả hai nước.
Cũng giống như Việt Nam trước đây, đó là một quyết định
không dễ dàng nhưng đáng giá, theo như Ngoại trưởng John Kerry nhận xét trong
thông cáo báo chí.
Và một lần nữa, Việt Nam trở thành một ví dụ điển
hình để nhấn mạnh rằng, nỗ lực thay đổi mối quan hệ sau chiến tranh dù vẫn chưa
hoàn thành, “nhưng phải bắt đầu thì mới đi tiếp được”.
Bình thường mối quan hệ giữa hai cựu thù cũng đòi hỏi
sự đầu tư phá bỏ “tư tưởng cứng nhắc” và chấp nhận rủi ro để lội ngược dòng.
Ai chủ động trong việc bình thường hóa, nhân tố đó xứng
đáng được tôn vinh.
“Chính sách cô lập kéo dài hàng thập kỷ của chúng ta
chỉ củng cố sức mạnh của chính quyền Castro mà thôi” và “cách tốt nhất để mang
lại sự thay đổi cho Cuba là cho nhân dân của họ được tiếp xúc với những giá trị,
thông tin và những điều kiện vật chất của thế giới bên ngoài” bà cựu ngoại trưởng
Hillary Clinton chia sẻ với báo giới.
Việt Nam - Cuba: “lật đổ” hay chuyển hóa?
Tuy nhiên, không ai cũng hiểu được giá trị của việc
xuyên thủng một chế độ bưng bít chính là hé mở làn cửa cho sức mạnh mềm của Hoa
Kỳ đi vào.
Một chiến lược dài hơi! Bởi thông giao dù là cụm từ
hòa bình, nhưng nó cũng mang một thông điệp tốt lành cho sự hội nhập của chính
hai quốc gia. Và sự tiếp cận thông tin của người dân Cuba, đến một lúc nào đó,
sẽ trở thành vũ khí và tạo ra một không gian huấn luyện bên trong quốc gia đó.
Và chính người dân sẽ tìm kiếm sự thay đổi đó (người dân sở tại làm chủ chính
cuộc chơi), chứ không phải là Hoa Kỳ hay ai khác.
Nhiều thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đã lên án thỏa thuận đó
của ông Obama và cả những người dân Cuba lưu vong tại khu vực Little Havana
(Miami – Florida). Họ coi đó là sự phản bội, và cho việc bình thường hóa quan hệ
chỉ có lợi cho Cuba”, AFP đưa tin.
Nhưng rõ ràng, chính sách can thiệp bằng cấm vận đã
trở nên lỗi thời, nhất là ở các quốc gia Cộng sản. Vì bằng cách nào đó, sự bưng
bít về mặt thông tin đã khiến bản thân quốc gia đó trở thành một pháo đài không
thể công phá. Triều Tiên là một điển hình.
Little Havana và Little Sai Gon cơ bản giống nhau ở
chỗ, vẫn còn tồn tại một sự căm thù đến mãnh liệt chế độ Cộng sản của một nhóm
người. Đặt trong quy chiếu cực đoan, họ chỉ thấy mọi yếu tố liên quan đến bình
thường giữa Hoa Kỳ và đất nước họ là một sự “phản bội” từ bên trong.
Chửi bới, la hét và thậm chí có một thời điểm, nổi
lên phong trào vận động người Việt nước ngoài không gửi kiều hối về nước đã được
một số tổ chức và cá nhân trong ngoài nước lựa chọn như một phương cách phản đối
sự “phản bội” đó của Hoa Kỳ. Với cách nghĩ đó, không chỉ đem lại số 0 tròn
trĩnh, mà càng khiến cho họ đánh mất cái nhìn thiện cảm của người Việt trong nước,
lẫn tại Little, bởi tính vô vọng, cực đoan của nó. 80,4 tỷ USD kiều hối về Việt
Nam, chủ yếu từ Hoa Kỳ (chiếm 50%) được công bố trong sự kiện của Western Union
vào ngày 17/12 vừa qua, đã cho sự thất bại trong cách nhìn ích kỷ đó.
Ngược lại, thúc đẩy đời sống người dân trong nước được
nâng cao, đồng nghĩa với sự đi lên của dân trí, giá trị tự do, dân chủ vì thế
càng trở nên gần gũi hơn trong đời sống. Và bằng nhiều cách khác nhau, dưới sự
hỗ trợ của dòng chảy internet, nó sẽ khơi dậy, khuyến khích, tạo điều kiện để
người dân tìm đến, tự lực sắp xếp chữ dân chủ, tự do cho chính mình.
Bởi, “phương cách để loại bỏ một chính quyền tồi dở
không cần đổ máu, chẳng hạn như thông qua bầu cử; điều đó có nghĩa là các định
chế xã hội cung cấp các phương tiện để người dân có thể loại bỏ những người cầm
quyền”.
34 triệu người Việt Nam tiếp xúc với internet hiện
nay (trong đó 2/3 là người trẻ tuổi), mặc dù gặp tường lửa, nhưng không làm giảm
số lượng người tiếp cận với các “giá trị Hoa Kỳ”, tìm hiểu sâu về các vấn đề
chính trị, xã hội, tổ chức hội thảo luận bàn về các giá trị dân chủ - tự do,
khuyến khích đọc các sách về thể chế dân trị, triết học nhà nước, tam quyền
phân lập… Đấy chính là kết quả của cái lần mở cửa “không dễ dàng” trước đó và
nó chính là phương tiện cho định chế tương lai.
Ngay cả việc bắt bớ rồi thực hiện chiêu trò đổi tù
nhân chính trị lấy kinh tế/quân sự như hiện nay, Hoa Kỳ cũng có phần nhún nhường,
có lẽ nằm ở điều đó. Một sức mạnh mềm mà không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận.
Nhiều người cho rằng, chính quyền Cộng sản sẽ nuôi
dân lấy lông. Nhưng cái giá đắt đó buộc ta phải chấp nhận, như một sự mạo hiểm
phải đánh đổi, để có thể tìm lấy “màu sắc và biểu tượng chung”, và cùng nở hoa
vào một thời điểm tốt nhất.
Việt Nam đi trước về sau?
Giống như Việt Nam, Cuba từng cựu thù nước Hoa Kỳ,
và khác Việt Nam, nước này có thời gian cấm vận dài hơn.
Nhưng một điều bất ngờ là theo thống kê có liên quan
giữa độ tuổi trung bình và GDP (tính theo sức mua tương đương) thì hai nước lại
lệch số liệu. Cụ thể, Cuba tuổi thọ trung bình 79,07 tuổi (2012), lớn hơn so với
Việt Nam 75,61 tuổi (2012); trong khi đó GDP của Cuba trong thời kỳ cấm vận lên
đến 9.900 USD (PPP – 2012), trong khi Việt Nam chỉ đạt 4.001 USD (PPP – 2013).
Việt Nam bình thường hóa quan hệ, tự do buôn bán trước
Cuba 20 năm nhưng thu nhập lại chỉ bằng 1/3 so với người dân Cuba.
Do đó, bình thường hóa quan hệ giữa Hoa Kỳ - Cuba
không chỉ khiến người dân hai nước đó “sởn gai ốc” và hét lên sung sướng, mà cạnh
đó, còn đem lại nỗi “tâm tư” không hề nhỏ đến với người Cuba lưu vong ở Little
Havana lẫn dàn lãnh đạo tại Việt Nam tương lai. Bởi Cuba có thể vượt lên trên
Việt Nam, trong cuộc chạy đua làm bạn với Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment