Tuesday, December 16, 2014

Lý thuyết Trò chơi và Chuyển đổi sang Nền dân chủ – Mô hình Tây Ban Nha (Ts Nguyễn Quang A)



Nguyễn Quang A
Posted on Dec 16, 2014

Bạn đọc cầm trên tay cuốn thứ hai mươi tám* của tủ sách SOS2, cuốn Lý thuyết Trò chơi và Chuyển đổi sang Nền dân chủ – Mô hình Tây Ban Nha (Game Theory and the Transition to Democracy – The Spanish Model) của Josep M. Colomer. Đây là cuốn thứ 6 về kinh nghiệm chuyển đổi từ chế độ độc tài sang các chế độ dân chủ của các nước Đông Âu, Nam Phi và Tây Ban Nha: Hungary (cuốn số 14), Ba Lan và Nam Phi (các cuốn số 24, 25, 26 và 27) và Tây Ban Nha trong cuốn này.


Tây Ban Nha là một nước quân chủ, năm 1873 nền cộng hòa thứ nhất được lập ra nhưng bị lật đổ năm 1874; nền cộng hòa thứ hai được lập ra năm 1931 nhưng đã bị lật đổ bởi cuộc nội chiến đẫm máu 1936-39 và sau đó trên danh được khôi phục nhưng thực chất đã là chế độ độc tài hoàn toàn của một người, Tướng Franciso Franco. Franco chết năm 1975 và sau cái chết của ông đã là một quá trình chuyển đổi từ 1976 đến 1981 khi nền dân chủ được thiết lập hoàn toàn; và quá trình chuyển đổi này là nội dung của cuốn sách mà bạn sắp đọc.

Chuyển đổi Tây Ban Nha là một cuộc chuyển đổi hòa bình được coi là tấm gương cho nhiều sự chuyển đổi sau này ở các nơi khác ở Nam Âu, Mỹ Latin và Đông Âu.

Colomer đã sử dụng cách tiếp cận lựa chọn duy lý (rational choice), sử dụng các công cụ của lý thuyết lựa chọn xã hội (social choice theory) và lý thuyết trò chơi, để làm sáng tỏ quá trình chuyển đổi Tây Ban Nha và để rút ra những kết luận đáng giá cho tất cả những người quan tâm đến sự chuyển đổi từ chế độ độc tài sang chế độ dân chủ, trong đó có chúng ta, những người Việt Nam.

Các bạn ngại toán hay các lý thuyết này hãy yên tâm vì cuốn sách được tác giả viết rất đơn giản và sáng sủa, không đòi hỏi những kiến thức cao siêu nào cả trừ việc biết sắp xếp thứ tự (thí dụ trong quan hệ lớn hay bé hơn như sắp thứ tự 1, 2, 3,… ; hay thứ tự trước sau abc…; hay thứ tự khác [thắng nhau] như kéo cắt được giấy, giấy bọc được đá, đá đập hỏng được kéo… mà chắc ai cũng nhớ qua trò chơi con trẻ) và khả năng suy luận bình thường. Những khái niệm của hai lý thuyết này được tác giả trình bày ngắn gọn, sáng sủa và dễ hiểu trong cuốn sách nên ai cũng thể đọc nó chẳng mấy khó khăn. Có thể chính qua cuốn sách này mà nhiều bạn sẽ học được những điều cơ bản của lý thuyết lựa chọn xã hội và lý thuyết trò chơi và có hứng thú để tìm hiểu sâu hơn. Các bạn đọc quen biết các lý thuyết này cũng sẽ thấy những ứng dụng vô cùng lý thú về việc áp dụng chúng trong hoạt động xã hội và chính trị.

Mỗi quá trình chuyển đổi là khác với quá trình dân chủ khác do hoàn cảnh khác nhau về lịch sử, xã hội, kinh tế, văn hóa nhưng vẫn có những đặc trưng chung cho tất cả những cuộc chuyển đổi hòa bình như vậy từ chế độ độc tài sang chế độ dân chủ. Đấy là điểm đáng quan tâm nhất ngoài việc hiểu diễn biến chính trị muôn màu muôn vẻ ở mỗi nước.

Thay cho việc giới thiệu những bài học chung đó chỉ xin nhắc đến vài khẳng định và vài cụm từ đặc trưng: chủ nghĩa tất định lịch sử không tồn tại, tất cả phụ thuộc vào chính sự chủ động của chúng ta và một chút may mắn; thương lượng, thỏa hiệp, hợp tác là những đặc trưng quan trọng; sự yếu của các bên là một điều kiện cần cho sự thương lượng; sự thiếu hay yếu của các nhóm tối đa chủ nghĩa là một điều kiện cần, hay nói cách khác là sự điều độ, cẩn trọng, ngại rủi ro, không làm liều từ phía những người đóng vai chính; tuy vậy sự răn đe, đe dọa cũng là cần trong thương lượng, nhất là để buộc đối tác tôn trọng những cam kết; điều kiện cần để có thể thương lượng hay để thương lượng thành công là các bên đừng đứng kề nhau trong một thang sắp thứ tự sở thích;… là những bài học chung của tất cả các cuộc chuyển đổi hòa bình. Và đó không phải chỉ là những nét chung được khái quát hóa qua những kinh nghiệm lịch sử mà còn được trụ đỡ bởi một khung khổ lý thuyết vững vàng.

Cuốn sách khá ngắn, được viết sáng sủa, dễ đọc và tất cả những ai quan tâm đến sự chuyển đổi ôn hòa từ chế độ độc tài toàn trị sang chế độ dân chủ thực sự nên bỏ công đọc cuốn sách này, nhất là các bạn trẻ.

Các chú thích đánh dấu sao (*) là chú thích của người dịch và các chú thích khác là của tác giả. Tôi cũng chuyển các chú thích cuối chương (trừ ở Chương 4) thành chú thích cuối trang để tiện theo dõi. Tuy đã cố gắng hết sức nhưng chắc chắn bản dịch còn nhiều thiếu sót mong được bạn đọc chỉ bảo và góp ý.

Bắc Ninh 12-10- 2014

-----------------------------

LINK DOWNLOAD SÁCH 

--------------------------

* Các quyển trước cùng tác giả gồm:

  1. Kornai: Con đường dẫn tới nền kinh tế thị trường, Hội Tin học Việt Nam 2001, Nhà Xuất bản Văn hoá Thông tin (NXB VHTT) 2002; Con đường dẫn tới nền kinh tế tự do (NXB Tri thức. 2007)
  2. Kornai: Hệ thống Xã hội chủ nghĩa, NXB Văn hoá Thông tin 2002
  3. Kornai- K. Eggleston: Chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, NXB VHTT 2002
  4. Soros: Giả kim thuật tài chính
  5. de Soto: Sự bí ẩn của tư bản, NXB Chính trị Quốc gia, 2006 [Sự bí  ẩn của Vốn]
  6. E. Stiglitz: Chủ nghĩa xã hội đi về đâu?
  7. A. Hayek: Con đường dẫn tới chế độ nông nô
  8. Soros: Xã hội Mở
  9. Popper: Sự Khốn cùng của Chủ nghĩa lịch sử
  10. Popper: Xã hội mở và những kẻ thù của nó, I, Plato
  11. Popper: Xã hội mở và những kẻ thù của nó, II, Hegel và Marx
  12. Thomas S. Kuhn: Cấu trúc của các cuộc Cách mạng Khoa học
  13. Thomas L. Friedman: Thế giới phẳng, Nhà xuất bản Trẻ, 2006
  14. Một năm Hội nghị Diên Hồng Hungary do Nguyễn Quang A tuyển, dịch, biên soạn
  15. Kornai János: Bằng Sức mạnh Tư duy, tiểu sử tự thuật đặc biệt, NXB Thanh Hóa, 2008
  16. Kornai János: Lịch sử và những bài học, NXB Tri thức, 2007
  17. Peter Drucker: Xã hội tri thức, Quản lý, Kinh doanh, Xã hội và Nhà nước, tập tiểu luận
  18. Murray Rothabrd: Luân lý của tự do
  19. Amartya Sen: Tư tưởng về công bằng
  20. Kornai János: Chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa tư bản, dân chủ và thay đổi hệ thống
  21. Kornai János: Các ý tưởng về chủ nghĩa tư bản, NXB Thời Đại, 2012.
  22. Robert Kagan: Thế giới mà Mỹ tạo ra, 2012
  23. Daron Acemoglu, James A. Robinson: Vì sao các Quốc gia Thất bại, 2012 (NXB Trẻ có bản dịch khác được xuất bản năm 2013)
  24. Kỷ yếu hội thảo Đại học Michigan: Bàn tròn Ba Lan-Những bài học, 2013
  25. Thương lượng những thay đổi cơ bản: Hiểu và mở rộng các bài học của các cuộc đàm phán Tròn Ba Lan, 2013
  26. Adam Michnik: Những lá Thư từ Nhà tù và các Tiểu luận khác, 2013
  27. Elzbieta Matynia: Dân chủ ngôn hành, 2014


-------------------------



Dịch giả Nguyễn Quang A muốn giới thiệu các tác phẩm chọn lọc, có thể được coi là phần linh hồn quan trọng nhất để vận hành xã hội. Đó là "phần mềm của hệ thống xã hội" - là luật, chính sách, qui chế, qui tắc, phong tục, tập quán, văn hoá v.v., tức là những cái không thể sờ mó được mà chỉ có thể biểu diễn được dưới dạng thông tin; chúng qui định, điều khiển, hướng dẫn ứng xử của các thành viên xã hội (con người và các tổ chức). Phần mềm hệ điều hành xã hội (Social OS Software) là cái quan trọng nhất trong các phần mềm xã hội. Tên tủ sách còn làm một số người nghĩ là khẩn cấp bình phương, tức là rất khẩn cấp.

  1. "Hệ thống Xã hội chủ nghĩa" của János Kornai
  2. "Giả kim thuật tài chính" của George Soros
  3. "CNXH đi về đâu" của Joseph Stiglitz
  4. "Con đường tới chế độ nông nô" của Friedrich August von Hayek
  5. "Bằng sức manh tư duy" - Kornai tự thuật
  6. "Thế giới phẳng" - Thomas L. Friedman


------------------------------------


RadioCTM sẽ lần lượt đưa 18 tác phẩm biên khảo và dịch thuật của Tiến sĩ Nguyễn Quang A sang dạng Ebook và đăng tải tại trang nhà của đài (http://www.radiochantroimoi.com/tu-sach-nguyen-quang-a). Đây là những nỗ lực nhiều công phu mà chúng tôi nghĩ rằng sẽ góp phần vào khối kiến thức và kinh nghiệm chung cho tương lai đất nước.

Vài nét về Tiến sĩ Nguyễn Quang A

Ts. Nguyễn Quang A sinh năm 1946 tại Bắc Ninh. Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành điện tử viễn thông tại Hungary, ông giảng dạy tại Đại học Bách khoa Budapest. Năm 1987, ông về nước làm việc trong ngành điện tử – tin học. Ông từng là chủ tịch Hội Tin học Việt Nam. Năm 2008 – kỷ niệm 10 năm Internet vào Việt Nam – Ts. Nguyễn Quang A được xếp vào danh sách mười người có ảnh hưởng lớn nhất đến sự hình thành của Internet Việt Nam.
Ngoài lãnh vực tin học, ông cũng là một chuyên gia kinh tế và là một trong những người đi đầu trong ngành ngân hàng tư nhân tại Việt Nam.

Năm 2007, ông cùng 8 nhà nghiên cứu — Hoàng Tụy, Phạm Chi Lan, Lê Đăng Doanh, Chu Hảo, Tương Lai, Phan Huy Lê, Trần Đức Nguyên, Trần Việt Phương — thành lập Viện Nghiên cứu Phát triển (Institute of Development Studies – IDS). Đây là viện nghiên cứu độc lập đầu tiên của Việt Nam kể từ 1975. Nhưng chỉ 2 năm sau, Viện đã quyết định tự giải thể để phản đối chính sách ngăn cấm của nhà nước Việt Nam đối với các hình thức phản biện tập thể.

Ts. Nguyễn Quang A cũng là người thiết tha với nhiều mặt xã hội. Về môi sinh, ông lên tiếng về dự án khai thác bô-xít tại Tây Nguyên, dự án xây dựng nhà máy điện nguyên tử tại Ninh Thuận,… Về luật pháp, ông vạch rõ các vi phạm pháp luật trong việc bắt bớ và xử án các nhà dân chủ. Đặc biệt, ông là một trong 72 nhà trí thức ký tên trong bản Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp 1992, được nhiều người ưu ái đặt tên là Kiến Nghị 72.

Ts. Nguyễn Quang A còn là một khuôn mặt quen thuộc trong các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lược và tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh bảo vệ tổ quốc trong những năm qua.

Các dạng sách Ebook

Chúng tôi sẽ thực hiện 3 dạng phổ thông nhất hiện nay là PDF, EPUB, và MOBI
  • Dạng PDF: thích hợp để đọc trên các loại máy vi tính. Hiện có nhiều phần mềm ứng dụng miễn phí để đọc loại hồ sơ này (PDF reader).
  • Dạng EPUB: dạng chuẩn của ebook  trên các máy vi tính, các thiết bị di động smartphone và tablet (như iPhone, iPad, các loại Android smartphone & tablet). Phần mềm ứng dụng “Adobe Digital Editions” miễn phí tại địa chỉ http://adobe-digital-editions.en.softonic.com/ rất phổ thông để đọc dạng epub trên các máy vi tính.
  • Dạng MOBI: dùng cho các thiết bị hay ứng dụng Kindle của công ty Amazon.

Một lần nữa, xin trân trọng giới thiệu đến quí độc giả: Tủ sách Ebook Nguyễn Quang A.







No comments: