Saturday, December 27, 2014

Cuộc cách mạng của những đứa trẻ (Gordon Brown, Project Syndicate)





Gordon Brown, Project Syndicate
Dịch bởi Lê Duy Nam, Phía Trước
Posted on Dec 27, 2014

Hai hình ảnh đau buồn và ám ảnh nổi cộm lên trong năm vừa qua: những kẻ hành quyết đeo mặt nạ IS cầm dao kề vào cổ những nạn nhân vô tội, và những y sĩ đeo khẩu trang, dũng cảm chiến đấu với đại dịch Ebola, một đại dịch mà cả thế giới vẫn chưa sẵn sàng đối phó. Nhưng hậu quả của nó thì còn kinh hoàng hơn và cần đến nhiều năm, thậm chí hàng chục năm để phục hồi: gần hai triệu đứa trẻ bị nhốt trong những khu vực tranh chấp xuyên suốt Iraq, Syria, Gaza, Cộng hòa Trung Phi và một vài nơi khác.

Hiện nay trên thế giới có khoảng 25 triệu trẻ em bị tù đày – một con số tương đương với dân số của một quốc gia cỡ trung ở châu Âu và cao nhất trong 70 năm qua kể từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc. Hình ảnh những đứa trẻ ngây thơ, vô tội và lẻ loi bị đưa lên những chiếc xe tải chuyển tới những trại tị nạn để sống ít nhất hàng chục năm, đã trở nên quá quen thuộc tới nỗi cả thế giới dường như không thể tin vào mắt mình nữa.

Tuy nhiên, cám cảnh trẻ em tị nạn chỉ là một trong số nhiều nguyên nhân tại chúng ta cần đến cách tiếp cận mới với quyền của trẻ em. Trong năm 2014, khoảng 15 triệu bé gái ở độ tuổi đi học bị ép “tảo hôn”. Khoảng 14 triệu bé trai và bé gái dưới 14 tuổi bị bóc lột sức lao động, nhiều trẻ phải làm việc trong những điều kiện nguy hiểm và khắc nghiệt nhất. Và khoảng 32 triệu bé gái bị từ chối quyền được đi học, chỉ đơn giản vì nhiều nơi vẫn còn sự phân biệt đối xử về giới tính; trong số này có khoảng 500.000 bé trở thành nạn nhân của nạn buôn người mỗi năm.

Trong những năm 1950, cuộc chiến chống lại thuộc địa đã bao trùm lên chính trị thế giới. Trong những năm 60, 70 và 80, chúng ta được chứng kiến những trận chiến vĩ đại về quyền công dân chống lại sự phân biệt chủng tộc và diệt chủng, theo sau đó là những nỗ lực nhằm đòi quyền về cho các nhóm thiểu số: người tàn tật và LGBT. Thế hệ của chúng ta có nhiệm vụ tiếp nối cuộc chiến đòi quyền công dân còn dang dở này bằng việc chấm dứt nạn lạm dụng trẻ em, đặc biệt là trẻ nữ, và đảm bảo phổ cập giáo dục phổ thông bắt buộc.

Để đánh dấu kỷ niệm 25 năm Hội nghị Quyền trẻ em của Liên Hợp Quốc (CRC), cùng với chủ nhân của giải Nobel vì Hòa bình năm nay, Kailash Satyarthi, và giám đốc Viện phát triển nước ngoài của Anh Quốc, Kevin Watkins, chúng tôi xin kêu gọi toàn thể cộng đồng trên thế giới hãy hỗ trợ cuộc chiến đòi nhân quyền, đặc biệt là cho giới trẻ. Chúng ta có thể hành động nhiều hơn nữa để chấm dứt nạn bóc lột sức lao động trẻ em, tảo hôn, buôn lậu trẻ em và phân biệt đối xử giới tính, bằng cách đòi hỏi các chính phủ phải đưa ra luật lệ hợp lý và thành lập Tòa án Trẻ em Quốc tế, do một hệ thống báo cáo tin cậy và có thẩm quyền hỗ trợ.

Những vi phạm quyền trẻ em hiện nay quá nghiêm trọng, vì vậy, không thể có phương án thay thế nào khác. Thực tế, tuy rằng Hiệp ước nhân quyền đã được CRC thông qua và áp dụng rộng rãi, nghĩa là cứ 5 năm một lần, các chính phủ phải báo cáo vấn đề này lên Liên Hợp Quốc, nhưng Hiệp ước Nhân quyền hoạt động rất kém hiệu quả do thiếu nguồn lực cũng như cơ chế thực thi. Cứ 7 nước thì chỉ có một nước nộp báo cáo đúng thời hạn và khoảng 1/3 không nộp cho dù được gia hạn cho thêm một năm sau đó.

Trong khi đó, báo cáo của CRC hiện đã bị tồn đọng hai năm tại các văn phòng quản lý chưa xử lý hết vì còn chưa được hỗ trợ đúng mực.

Một phương án khả thi khác nữa – là “cơ chế xử lý trực tiếp”, lần đầu tiên cho phép trẻ em và những người hỗ trợ trẻ em được đệ trình các vụ án lên trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc  – cũng đã chẳng mang được hiệu quả lớn vì thiếu hỗ trợ, thẩm quyền và nguồn lực. Thực tế, chỉ có 14 quốc gia đã phê chuẩn cơ chế này kể từ khi được thông qua tại Liên Hợp Quốc năm 2011.

Thêm vào đó, các chính phủ không bị ép buộc phải thay đổi những chính sách hoặc những điều luật có khả năng vi phạm trách nhiệm bảo vệ nhân quyền quốc tế của họ. Và việc thiếu sót nguồn lực điều tra đã dẫn tới sự tập trung vào vấn đề pháp lý thay vì vấn đề lớn hơn – đó là sự yếu kém trong thực thi các điều luật thiên về ủng hộ các quy tắc của CRC.

Do đó, không chỉ Toà án Trẻ em Quốc tế mà cả trẻ em và những người đại diện cho trẻ em cũng cần phải có quyền kiến nghị. Loại hình tòa án này cần được trang bị năng lực tiếp nhận và điều tra các khiếu nại riêng lẻ, cũng như cần có đủ quyền lực để kiểm soát một cách độc lập cơ chế thực thi các điều luật cũng như nguồn lực dành cho điều tra trong các vấn đề liên quan như bóc lột sức lao động trẻ em, tảo hôn, nô lệ trẻ em, cắt bỏ bộ phận sinh dục và hiếp dâm trẻ em.

Theo thời gian, một hệ thống báo cáo có thể được thiết lập nhằm hỗ trợ việc kiểm tra tác động của các chính sách sức khỏe và giáo dục đối với những đứa trẻ không có tiếng nói nhất trên thế giới. Những nghiên cứu như vậy có thể cung cấp các bằng chứng xác đáng đưa đến một hệ thống giáo dục toàn cầu bắt buộc, và từ đây chấm dứt bất bình đẳng giáo dục cũng như tiêu diệt hoàn toàn nạn bóc lột, buôn bán trẻ em, tảo hôn và phân biệt giới tính.

Cách đây một thập kỷ, Graca Machel đã thuyết phục được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thiết lập một hệ thống nhằm báo cáo tình trạng bạo lực đối với trẻ em sống trong các khu vực giao tranh. Lúc đó, một Ủy ban đặc biệt về Trẻ em và Giao tranh Vũ trang cũng đã được thiết lập với sự hỗ trợ tuyệt đối từ chính quyền. Ngày nay, một hệ thống mới cũng nên được thiết lập nhằm giải quyết các quyền lợi khác của trẻ em.

Trong tháng tới, Satyarthi và lãnh đạo phong trào đòi bình quyền cho trẻ em nữ, cô bé Malala Yousafzai sẽ lên nhận giải Nobel vì Hòa Bình. Đây là một khích lệ to lớn đối với những người đấu tranh đòi quyền cho trẻ em, và đặc biệt là có rất nhiều người trẻ tuổi. Thực tế, khi người lớn đã nỗ lực hết mình nhưng vẫn thất bại và không làm tròn trách nhiệm đối với con cháu, thì chính những người trẻ lại đang đứng dậy tự mình lập nên những khu vực không có tảo hôn, thành lập những nhóm đấu tranh lại nạn nô lệ trẻ em và tổ chức những chiến dịch đòi quyền được đi học. Có thể kể đến 20 khu vực không có tảo hôn ở Bangladesh, diễn đàn Kamlari của Nepal và Phong trào Vàng của Ethiopia. Tuy các phong trào, sự kiện trên đây không phải là những tin tức được chú ý nhiều trên Twitter hay Facebook, nhưng ở đó vẫn có hàng triệu người trẻ đang miệt mài tham gia hoạt vì lợi ích con người.

Lúc này đây, chiến dịch có tên Global March Against Child Labor  (Cuộc Diễu hành Toàn cầu Chống lại Bóc lột Lao động Trẻ em) và A World at School (Thế giới nơi Trường học) đã cùng nhau hỗ trợ Kiến nghị #UpForSchool – với mục đích mang tới giáo dục phổ thông toàn cầu và chấm dứt bóc lột trẻ em. Trong vài tháng tới, các nhóm người trẻ tại 190 quốc gia được kỳ vọng sẽ thu thập được kỷ lục số chữ ký ủng hộ đấu tranh vì quyền trẻ em.

Nhưng chúng ta cần phải bắt tay vào làm nhiều hơn là chỉ đọc hay ký vào bản kiến nghị. Chúng ta cần phải nhận ra rằng các phong trào hiện nay nhằm bảo đảm quyền của trẻ em là một cuộc đấu tranh vì quyền dân sự của thế hệ của chúng ta và chúng ta phải làm tất cả những gì có thể để hỗ trợ nó.
__________

Gordon Brown là cựu Thủ tướng Anh Quốc, đồng thời là Bộ trưởng Tài chính của Anh, hiện đang là Đặc phái viên Giáo dục quốc tế của Liên Hiệp Quốc.

© 2007-2014 Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC – www.phiatruoc.info



No comments: