Thursday, February 23, 2012

TỪ CHỨC - BẢN LĨNH, NHÂN CÁCH CẦN CÓ CỦA CHÍNH KHÁCH (TS Nguyễn Sỹ Phương)



TS Nguyễn Sỹ Phương, CHLB Đức
23/02/2012

Sau 598 ngày tại vị, tới ngày 17.2.2012, Tổng thống Đức, Christian Wulff, 52 tuổi, tuyên bố từ chức, kết thúc 10 tuần kéo dài từ giữa tháng 12.2011 đối phó với bao cáo buộc của công luận, chính trường, về mưu lợi chức vụ từ thời ông làm Thủ hiến Tiểu bang Niedersachsen 2003-2010. Đầu tiên là vụ vay tín dụng cá nhân vợ doanh nhân Egon Geerkens, bạn của ông, hơn 500.000 euro để mua nhà riêng, với lãi suất ưu đãi 4% so với mức bình quân 5%, không cần thế chấp; tiếp theo vay tín dụng nhà băng BW ưu đãi hơn nữa chỉ 0,9-2,1%, để hoàn trả lại tín dụng cá nhân; bị công luận chính trường đặt nghi vấn liên quan đến hai sự kiện, Egon Geerkens ba lần nằm trong phái đoàn kinh tế du ngoại do Wulff đứng đầu, và Wulff cứu hãng ô tô Porsche khỏi phá sản, giúp ngân hàng BW chủ nợ lớn của Posche tránh được mất vốn. Vụ thứ ba liên quan tới Wulff tranh cử cấp Tiểu bang năm 2007, cuốn sách của Wulff Sự thật tốt hơn được doanh nhân Carten Maschmeyer, bạn của Wulff, chi tiền quảng cáo tới 42.000 euro. Vụ thứ tư, Wulff bị cáo buộc vi phạm quyền hiến định tự do báo chí khi đòi toà soạn báo Bild ngừng đăng các cáo buộc về ông. Bốn cáo buộc tới dồn dập, nước Đức rúng động, sôi sục lên tiếng, từ các cá nhân, quan chức liên quan, Egon Geerkens, Carten Maschmeyer, ngân hàng BW, Hãng xe VW, đến các nghị sĩ, đảng phái, cơ quan công quyền, chính khách, cùng bao tin tức, bình luận nóng bỏng truyền thông, căng thẳng chính trường. Kết quả điều tra dư luận tiếp đó cho thấy, nước Đức chỉ còn 1/3 tin tưởng Tổng thống và 2/3 bất tín, mặc dù Wulff đã ra sức giải trình mình ngay thẳng, hưá công khai mọi khoản thu nhập, công bố các lần nghỉ phép với các doanh nhân kết bạn, lên truyền hình thừa nhận sai lầm nặng nề khi can thiệp vào báo Bild, trả lời công khai hơn 400 câu hỏi về vụ bê bối được chuyển tới… Tình thế trở nên hết cơ cứu vãn, chuyển từ tính chất công luận niềm tin sang pháp lý, khi Viện Kiểm sát Hannover đệ đơn trình Quốc hội yêu cầu tước bỏ quyền miễn trừ của Tổng thống, để điều tra cáo buộc thứ năm về mối quan hệ công tư với chủ hãng sản xuất phim, bạn ông, David Groenewold, khi ông thời Thủ hiến đã duyệt bảo lãnh 4 triệu euro tín dụng cho David Groenewold. Một năm sau, David Froenewold mời vợ chồng Wulff cùng đi du lịch tại Sylt, trả thay tiền khách sạn.

Tuyên bố từ chức của ông phát đi kéo dài chỉ ba phút, nhưng đã cho thấy bản lĩnh, nhân cách cần có của một chính khách, bước lên vũ đài chính trị hay rời bỏ nó, đều vì và do lợi ích đất nước họ, dân tộc họ, nhân dân họ quyết định: “Đất nước chúng ta, Cộng hoà Liên bang Đức cần một tổng thống có thể phụng sự cho chức vụ đó không giới hạn, đáp ứng những đòi hỏi của cả các dân tộc khác và quốc tế rộng lớn. Một tổng thống không chỉ phải giành được tín nhiệm từ đa số mà từ đông đảo mọi thành phần tầng lớp nhân dân. Tình hình trong những tháng ngày qua đã cho thấy, sự tín nhiệm đó đối với tôi đã bị ảnh hưởng rõ rệt kèm theo hệ lụy. Từ lý do trên, tôi không thể tiếp tục thực hiện trọng trách đặt ra cho mình. Vì vậy hôm nay tôi quyết định từ chức để nhanh chóng tìm người kế nhiệm”.
Chính khách là nhà hoạt động chính trị chuyên nghiệp, dấn thân cho sự nghiệp, không vì bản thân họ, được Wulff dùng mở đầu bản tuyên bố của mình: “Được bầu làm Tổng thống, tôi rất vui mừng tiếp nhận và cống hiến toàn bộ sức lực của mình cho trọng trách cao cả đó. Tâm niệm của tôi là tăng cường mối liên kết chặt chẽ xã hội chúng ta. Dù họ là ai, từ nguồn gốc nào, sống, học tập, đào tạo ở nước Đức cũng sẽ cảm thấy như trong một gia đình – chúng ta sẽ chung sức xây dựng tương lai chúng ta”.

Chính khách, lãnh tụ, không phải thần thánh, trước sau cũng chỉ là một con người đời thường, nên trước hết phải có phẩm chất tốt đẹp tự nhiên của con người đời thường, biết ơn công sức đóng góp của người khác, không cố chấp, biết ân hận với những lỗi của mình, và điều cốt lõi, không thể thiếu lòng tự trọng cá nhân khi bị xúc phạm (tính liêm sỉ), thể hiện bằng hành động từ chức, được ông khẳng định khi kết thúc bản tuyên bố: “Những gì liên quan đến pháp lý đặt ra với tôi, tôi tin tưởng rằng, sẽ được giải quyết hoàn toàn. Tôi luôn luôn hành xử rõ ràng về mặt pháp lý trong các chức năng của mình. Tôi đã gây ra lỗi, nhưng luôn chân thành thẳng thắn. Những tin tức chúng ta đã trải qua trong hai tháng qua đã xúc phạm vợ tôi và bản thân tôi. Tôi xin cảm ơn các công dân nam nữ đã phấn đấu cho tổ quốc chúng ta. Tôi cảm ơn tất cả cộng sự, nhân viên Phủ Tổng thống và tất cả cơ quan nhà nước mà tôi đã cùng làm việc. Tôi cảm ơn gia đình tôi, trước hết là vợ tôi được tôi trao sứ mạng thể hiện hình ảnh một nước Đức hiện đại và nhân văn, luôn làm chỗ tựa cho tôi và các con tôi, cả trong những ngày tháng qua. Từ trong trái tim mình, tôi chúc cho tổ quốc chúng ta một nền chính trị văn minh, trong đó mọi người thưà nhận dân chủ có giá trị không giới hạn, và phấn đấu cho nền dân chủ đó, cũng là điều quan trọng nhất của tôi. Tôi xin chúc tất cả công dân nam nữ không trừ một ai, đã luôn cho tôi cảm thấy mình phải có trách nhiệm với họ trên hết, một tương lai huy hoàng rực rỡ!”.

Có thể nhận thấy bản lĩnh sẵn sàng từ chức của chính khách quyết định vận mệnh tiền đồ của một quốc gia tới cỡ nào. Trong khi ở Trung Quốc, “chỉ dịch chuyển một chiếc bàn thôi, cũng phải đổ máu” ­ Lỗ Tấn, thì ở Đức dư luận lập tức nhẹ nhõm; chưa đầy 30 phút sau, Thủ tướng Merkel đã nhanh chóng ra tuyên bố, nguyên văn: “Tôi đã nhận được tuyên bố của Tổng thống với sự trọng thị lớn và về mặt cá nhân với một lòng thông cảm sâu sắc. Trong thời gian đương chức, Wulff đã cống hiến toàn bộ sức lực cho một nước Đức hiện đại và cởi mở. Ông đã mang lại cho chúng ta nguồn động viên quan trọng, chứng minh được sức mạnh của tổ quốc chúng ta nằm trong sự phát triển muôn vẻ của nó. Nguyên lý này sẽ luôn gắn liền với tên tuổi của ông. Ông cùng vợ ông đã đại diện xứng đáng cho đất nước này, cho Cộng hoà Liên bang Đức, cả trong và ngoài nước. Tôi xin cảm ơn hai ông bà về những cống hiến đó với tất cả lòng kính trọng. Tổng thống đã tuyên bố không thể tiếp tục chức vụ được trao. Thực tế ông đã luôn sẵn sàng tiếp và xử sự bình đẳng với tất cả mỗi người, bất kể họ là ai, vị trí nào, chính là sức mạnh của nhà nước pháp quyền chúng ta. Với quyết định từ chức, Tổng thống Wulff đã chứng minh mình xử sự rõ ràng về mặt pháp lý khi thực hiện vai trò của mình, khi phục vụ nhân dân mình. Tôi nhấn mạnh lòng kính trọng của tôi về điều đó”.

Chính bản lĩnh sẵn sàng từ chức đã giúp ông giữ được sự kính trọng về nhân cách của mình trong lòng người dân, cả khi tại chức lẫn từ chức, được Thủ tướng nhắc tới ba lần, tương phản với Tổng thống Tunisia, Ai Cập, Lybia, bị lịch sử đất nước họ đào thải, kèm hệ lụy đất nước bất ổn, chiến tranh tương tàn, mà họ đành phải đánh đổi.
Lần đầu tiên trong lịch sử Đức, chưa đầy hai năm, hai Tổng thống Đức kế nhiệm nhau từ chức. Ngày 31.5.2010, Tổng thống tiền nhiệm, Horst Köhler tuyên bố từ chức, sau khi phát biểu trước quân đội đồn trú Đức tại Afghanistan: “Trường hợp khẩn cấp, can thiệp quân sự là cần thiết để bảo vệ lợi ích của nước Đức như tự do thương mại chẳng hạn”, bị chính trường Đức chỉ trích kịch liệt. Bản tuyên bố ngắn gọn: “Phát biểu của tôi về sử dụng quân đội Đức ở nước ngoài ngày 22.5 đã bị chỉ trích dữ dội. Tôi rất lấy làm tiếc, phát biểu của tôi về những vấn đề nhạy cảm và quan trọng của dân tộc lại dẫn tới những cách hiểu khác đi. Thậm chí cho rằng tôi đã ủng hộ tư tưởng sử dụng quân đội không đúng với Hiến pháp. Những chỉ trích này thiếu mọi căn cứ pháp lý, làm mất đi hình ảnh cần thiết cho cương vị tổng thống của tôi. Tôi xin tuyên bố từ chức Tổng thống, có hiệu lực ngay. Xin cảm ơn nhân dân Đức đã đặt niềm tin vào tôi, ủng hộ tôi, và mong cảm thông cho quyết định này”.

“Con người là tổng hoà các mối quan hệ xã hội” – Karl Marx, nhân cách bản lĩnh sẵn sàng từ chức của chính khách Đức không bỗng dưng có, mà buộc phải có, nếu không sẽ bị đào thải, bắt nguồn từ thể chế. Có thể nhận ra nguyên lý đó trong cả hai bản tuyên bố từ chức của Tổng thống Đức đều nhắc tới lỗi cá nhân họ, cùng đòi hỏi họ phải có được tín nhiệm, bị chi phối bởi một nền dân chủ pháp quyền. Theo đó, tổng thống không phải vua chuá nằm trên hiến pháp, hay thống soái chỉ huy chiến trận, mà được đặt dưới sự giám sát của công luận không hạn chế. Không tổng thống lỗi lạc nào có thể thay được người dân, mang lại hạnh phúc cho họ, mà chỉ có thể biểu tượng, ngọn cờ tập hợp họ, vậy thì cuộc sống cá nhân tổng thống phải trong sáng như pha lê, trước mọi con mắt của công chúng. Thước đo để giám sát, cũng bình đẳng như đối với bất cứ công dân nào, chính là Hiến pháp và pháp luật. Các cáo buộc Wulff đều dựa trên Luật Bộ trưởng Liên bang, Luật Bộ trưởng Tiểu bang, Luật quan công chức Đức, đều có điều khoản cấm nhận quà. Thiếu công cụ pháp luật trên, chắc chắn không thể có bất cứ tiếng nói phản kháng nào trước uy quyền của Tổng thống, nói gì tới đòi từ chức.

Quyền lực thể chế nào cũng liên quan tới lợi ích cá nhân. Một khi động cơ lợi ích cá nhân lớn đến mức, nhà tư sản “sẵn sàng treo cổ khi lợi nhuận tới 300%” Karl Marx, thì người cầm quyền càng không thể từ bỏ nó, nếu quyền lực chính là phương tiện có thể “vinh thân, phì gia“, giàu hơn cả nhà tư bản, đạt tới siêu lợi nhuận, bởi không hề mất vốn tốn lãi như nhà tư bản. Chính vì vậy, Hiến pháp các nước hiện đại đều tách quyền lực nhà nước ra khỏi hoạt động kinh doanh, nhằm bảo đảm nguyên tắc bất di bất dịch, ai muốn làm giàu thì phải kinh doanh, còn đã là chính khách quan chức thì nhất thiết phải sống bằng tiền lương và tiền lương đó phải bảo đảm được cuộc sống cho họ. Điều đó giải thích tại sao lương thủ tướng, tổng thống họ có khi không bằng phần mười lương Chủ tịch, Tổng Giám đốc tập đoàn lớn (mời những người này làm tổng thống thủ tướng “hơi khó”!). Luật Đức còn “khuyến khích từ chức” bằng cách bảo đảm quyền lợi cho Tổng thống, thủ tướng từ chức, lúc về hưu vẫn được hưởng nguyên tiêu chuẩn, đối với Wulff ước chừng 200.000 euro/năm.

Liệu nước ta có thể tham khảo được những gì, chắt lọc từ thể chế họ?

N. S. P.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

(*) Bài đã đăng trên Sài Gòn tiếp thị với nhan đề “Chính khách và chuyện từ chức”. Đây là bản gốc – BVN.
.
.
.

No comments: