Thursday, February 16, 2012

TÒA TỔNG LÃNH SỰ = NGÀI TỔNG LÃNH SỰ (Đỉnh -Tuyết- Ba)



Đỉnh-Tuyết-Ba

Ngày 19 tháng Giêng, 2012, lúc 11 giờ 30 sáng, tôi vào trang nhà của Tòa Đại Sứ Việt Nam tại San Francisco để tìm một số thông tin cần thiết. Xem rồi, mới biết tin thì chả dám tin, mà thông thì lại càng chả thông!

Chỉ cần vài phút là tôi đã đi hết cái website của “Tòa Tổng Lãnh Sự” (Tòa TLS), cho dù tôi đã vòng đi vòng lại đến mấy lần. Điều kinh ngạc nhất là chẳng có thông tin gì nhiều về các dịch vụ của Tòa TLS, mà ngay trang chủ, là lịch sử cá nhân và chân dung của Ngài Tổng Lãnh Sự (Ngài TLS). Tôi tưởng rằng mình hoa mắt. Bấm đi bấm lại, trang chủ chỉ trưng mỗi Ngài TLS tối cao, và ảnh của Ngài. Cả trang tiếng Anh cũng vậy: trang chủ là tiểu sử và chân dung của Tổng Lãnh Sự tối cao.

Nhân trị, không nhân chủ

Chỉ cần một so sánh rất nhỏ sẽ khiến chúng ta giật mình vì sự khác biệt giữa cái ngai-thượng-thượng của Ngài TLS và cái ý-thức-trách-nhiệm của quan chức chính quyền tại Hoa Kỳ. Vào trang whitehouse.gov thì quý vị sẽ thấy trong trang chủ, bên những cập nhật ở đầu trang, cả trang đều đầy kín những vấn đề nóng hổi nhất và những tin tức quan trọng nhất. Không phải là bảng rao công trạng và khoe bằng cấp của Tổng thống Obama. Vào trang ca.gov của tiểu bang California, thì không có hình Thống đốc chễm chệ ngồi ở trang chủ, mà chỉ có thông tin cho dân cư tiểu bang về nơi ăn chốn ở, các chương trình công ích xã hội, luật pháp, sức khỏe và an toàn, gia đình, giải trí… Nghĩa là đúng nghĩa của một trang chủ cho một trang nhà của một văn phòng công lập, trong tinh thần dân chủ: đặt người dân làm đầu, đưa nhu cầu của họ lên trước, lập các chương trình nhằm vào mục đích phục vụ người dân một cách hữu hiệu. Nếu bạn muốn chiêm ngắm dung nhan Thống Đốc Edmund G. Brown Jr., xin vui lòng nhấn chuột vài chục cái để vào mục “Office of Governor,” nhưng hình ông cũng bé xíu thôi.

Thật tình, xem xong trang nhà của Tòa TLS, tôi thấy thương quá! Ngài TLS đã nhận nhiệm sở từ tháng 7 năm trước, nghĩa là cho đến ngày tôi truy cập trang nhà, thì Ngài đã chễm chệ lên bệ được những nửa năm. Vậy mà! Ôi nhìn cái trang nhà, mới thương làm sao. Nó nghèo hơn cả một cái blog nửa vời của trẻ con lên năm ! Hình ảnh thì đếm trên đầu ngón tay. Các trang phụ thì… trống hoắc. Thông tin thì… tối thượng, nghĩa là chỉ có thông tin về Ngài TLS. Chỉ cần 5 cái screenshots thì đã tóm đủ nội dung và hình ảnh của trang nhà Tòa TLS. Cuối trang chính chỉ có 3 dòng chữ với 3 tấm hình nhặt được đâu đó để nói về dịch vụ của Tòa TLS, như thể cái điều quan trọng nhất ở đây là Ngài tổng lãnh sự. Đúng là từ Đảng trị đến Nhân trị, còn dân chủ và nhân chủ thì… chả cần!

Ngoài các mẫu đơn cho những thủ tục liên quan đến chính quyền Việt Nam, những phần hướng dẫn cũng không rõ ràng. Như phần hướng dẫn xin thị thực về Việt Nam, không nói rõ lệ phí là bao nhiêu, tuy có dặn rõ là “Lệ phí trả bằng Money Order hoặc Cashier’s Check cho Consulate General of Vietnam.” Ngay cả những thông tin căn bản cũng không cung cấp được, thì họ làm được việc gì? Tôi tự hỏi về phong cách làm việc của họ: làm việc ở Mỹ, nhưng theo tiêu chuẩn… của ai? Của Tòa TLS? Hay của Ngài TLS? Tiền thuế của người dân Mỹ có bị dùng để trang trải kinh phí cho họ không? Nếu có, chúng ta nên bắt đầu một cuộc vận động đòi tiền lại (refund), vì họ nên được hưởng đồng lương theo chế độ Việt Nam Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa – nếu cách làm việc của họ phản ảnh tiêu chuẩn quan liêu, nhếch nhác của chế độ này.

Có 28 người đã để lại nhận xét trên Yelp về Tòa TLS. Đa số đều phàn nàn về nạn thất trách của cơ quan này, về giá cả chênh lệch, về nạn làm tiền (vâng, ở Hoa Kỳ, nhưng giá cả vẫn ‘trôi nổi’ theo thị trường Việt Nam), về giờ giấc không ổn định, vv. Nghĩa là một cơ quan dưới mức trung bình, và không chuyên nghiệp. Và không chừng có một sự khác biệt trong việc đối xử tùy theo màu da của khách, theo như sự phàn nàn của những người đến xin thị thực. Và có nhiều người khó chịu nhất về việc giá biểu không rõ ràng. Tuy nhiên, trong số 28 này, cũng có vài người da trắng đã nhận xét rằng dịch vụ tại Tòa TLS rất dễ dàng, hiếu khách, và mau mắn. Tôi không biết đây có phải là trường hợp mà nhiều người vẫn hay phản ánh và phản đối không: nhân viên bợ đỡ khách da trắng, khúm núm và ưu đãi họ, trong khi lơ là hay ra uy đối với chính người cùng sắc tộc, nếu không gặp trường hợp tệ hơn là bị làm khó dễ.

Về Tòa/Ngài TLS

Chúng ta hãy trở lại trang chủ, vì đây là trang chính của bất cứ trang nhà nào. Bên cạnh hình chân dung của Ngài TLS, trang chủ chỉ trình bày tiểu sử huy hoàng của Ngài mà thôi. Không có gì đả động đến vai trò của một Tòa TLS tại nước ngoài, về sự bảo lãnh về tinh thần đối các công dân Việt Nam đang sống ngắn hạn tại Mỹ, hay đang làm ăn học hành tại đây. Cũng không nói gì về vai trò của Tòa TLS trong vai trò ‘đại diện’ cho quốc gia và chính quyền của họ tại Hoa Kỳ.







Có lẽ tôi không nên ngạc nhiên khi thấy Ngài TLS trở thành ‘Tòa TLS,’ hay ngược lại. Nhưng có lẽ đây là một sự trình bày rất thỏa đáng và thích hợp. Trang chủ, vậy phải trương hình của ông Chủ và lý lịch trích-trên (không phải trích-ngang, vì ông tót lên cái bệ cao quá) của ông. Đã làm chủ, thì tới cái trang nhà cũng phải chủ nốt! Ôi, trách nhiệm của Ngài TLS thật nặng nề biết bao! Nghe này:

(Bắt đầu trích)

“Ngài Nguyễn Bá Hùng,
Tổng lãnh Sự Việt Nam tại San Francisco

Tổng lãnh sự Nguyễn Bá Hùng sinh năm 1961. Ông được bổ nhiệm làm Tổng lãnh sự Việt Nam tại San Francisco vào tháng 7 năm 2011.

Trước khi được bổ nhiệm tới San Francisco, ông Hùng là Vụ Trưởng Vụ Châu Mỹ, Bộ Ngoại Giao Việt Nam.

Năm 2000, ông Hùng được cử làm cố vấn cho chính trị và các vấn đề kinh tế tại Đại sứ quán Việt Nam tại Washington, DC, và kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2003.

Ông Hùng gia nhập dịch vụ nước ngoài vào năm 1987. Kể từ đó ông đã được cử vào làm việc tại Vụ Châu Mỹ. Ông được đề bạt làm Vụ Phó vào năm 1998, và sau đó vào năm 2007, ông được thăng chức Vụ Trưởng Vụ Châu Mỹ.

Trong thời gian lãnh đạo Vụ Châu Mỹ, ông còn được bổ nhiệm Trưởng văn phòng của Việt Nam cho Hoạt động Tìm Kiếm Người Mất Tích ba lần trong năm 1998, năm 2006 và 2010.

Ông Hùng lấy bằng Thạc sĩ về Chính sách công cộng quốc tế tại trường đại học John Hopkins năm 1996. Ông là một nghiên cứu sinh tại Đại học Georgetown năm 1995. Ông học luật pháp quốc tế công cộng tại Viện nghiên cứu xã hội, Hà Lan, năm 1990-1991.

Ông Hùng nói tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp. Ông đã kết hôn, có một con trai và một con gái.” (Hết trích)

Quân quản, nhân quản

Tôi sinh sau ngày ‘giải phóng.’ Cái bản sao khai sanh Mẹ tôi còn giữ được trong tập hồ sơ gia đình chỉ là một miếng giấy mà thời đó người ta gọi là giấy cứt chó, rơm sồi rạ sụt. Giấy khai sanh lập hai năm sau khi tôi ra đời.

Khi cần xin giấy khai sanh có thị thực của chính quyền địa phương ở Việt Nam, tôi mới biết, mình được sinh vào thời ‘quân quản,’ nên mọi việc đều bị ‘quản’ hết. Vì không thể (và cũng không muốn, trong lúc này) về Việt Nam, tôi đành nhờ người thân đi xin giấy khai sanh có thị thực ở bên đó. Nhiêu khê hơn cả đi tìm cổng lên trời.

Lần đầu lên, người thân của tôi mang theo bản sao khai sanh của tôi, thì nhân viên trực bảo chỉ cần làm thị thực giấy ủy quyền để người thân của tôi đi xin giấy khai sinh ở bên đó. Chắc người nhà của tôi đã không ‘bồi dưỡng’ kẻ nắm quyền đến nơi đến chốn, nên khi trở lại với giấy tờ như đã dặn, thì được bảo là phải đi thị thực với Tòa TLS tại Hoa Kỳ. Lạ chưa? Trước sao, sau không vậy. Nhưng hà cớ gì lại phải có mộc của Tòa TLS tại Hoa Kỳ, trong khi lúc tôi chào đời ở Việt Nam, có ai biết là hai thập niên sau tôi sẽ đi Mỹ? Họ không cần lý do gì cả. Họ bảo phải có mộc, thì họ mới cấp giấy. Rõ chưa? Chưa rõ thì tự mà về tìm hiểu. Vì chính họ cũng không có giải thích thỏa đáng để cung cấp cho người đến xin trích lục khai sinh.

Giữa một thế giới có luật lệ thành văn, có công ước quốc tế, có sự đồng thuận về những luật căn bản giữa các nước, thì ở tại quê tôi, nước tôi, luật pháp vẫn còn nằm trong cái miệng (và cái lòng tham) của bất cứ ông nào đang nhiếp chính và điều hành (và lộng hành). Ông ra luật gì, thì cứ thế mà theo. Nếu người nhà của tôi đến vào một hôm đẹp trời, biết đâu ông hứng chí, ký cái rụp, đâu vào đấy, không phải đi vòng qua tận San Francisco để xin cái mộc của “Ngài Nguyễn Bá Hùng!” Đi hầu cửa quan là vậy. Phải kiên nhẫn, phải khép nép, phải chịu đựng. Đừng có quen cái thói dân chủ, nhân chủ mà muốn được đối xử bình đẳng, được giải quyết theo luật pháp, được tôn trọng quyền cá nhân, được vớ va vớ vẩn này nọ. Luật của ông sao thì theo vậy. Hôm nào ông vui, thì cố mà hưởng. Hôm nào ông buồn, thì cố mà gánh.

Có nhiều nông dân ở những miền quê, tuy đã được trả lại ruộng đất do tổ tiên họ khai khẩn, vẫn phải nằm trong cái tròng của Ủy Ban Xã, của một hình thức Hợp Tác Xã ẩn danh. Một năm mấy mùa thuế. Thuế lúa, thuế đất. Không biết mưa nhiều, nắng tốt thì người dân có cần đóng thêm thuế ‘mưa thuận, gió hòa’ không? Rồi không chỉ đơn giản là đóng thuế theo thủ tục. Thuế thì theo đúng ngày đúng giờ mới được đóng. Mà không phải đi đến phòng thuế là đóng được ngay. Phải xin hẹn với anh Chủ tịch, ông Phó phòng. Rồi có đến đúng giờ, mà các Ngài không có mặt ở văn phòng, thì chớ có gàn dở mà hỏi lý do. Cố mà chờ đấy. Chúng mày là dân đen, nhàn công rỗi việc. Các Ngài là thượng quan, biết bao việc phải nhúng vào. Chờ đến hết giờ, văn phòng đóng cửa, thì liệu mà ôm tiền về. Rồi thì cố mà xin hẹn. Các Ngài sẽ lại làm khó làm dễ, bảo ngày này bận, ngày kia rộn.

Rồi lại chờ tại chỗ. Khi được hẹn, gặp được các Ngài, thì đã trễ mẹ nó mùa thuế rồi. Thế rồi đóng tiền phạt. Mà sao tiền phạt… cao thế? Gần gấp đôi tiền thuế! Đi vay chỗ nào cho kịp! Lấy cái gì lấp cho đủ? Rồi lại thập thò cửa quan, lại đi vay, lại xin hẹn, lại đóng thuế. Một năm mấy mùa thuế, đủ mấy mùa đau tim, mấy mùa lủng ruột. Sức đâu mà cày cấy? Cấy cày rồi thì cũng chả có cái đếch gì để ăn! Có lúa thì lo đem bán mà trả tiền vay ngân hàng – không đủ để mua một giạ giống cho mùa sau. Thương dân quá! Các Ngài càng bận rộn, dân đen càng khốn nạn. Mỗi năm nợ càng chồng chất. Mỗi mùa lúa đều úa ruột gan. Ở Mỹ, giấy thuế về đến nhà, chính quyền thiết lập nhiều phương cách thuận tiện để người dân đóng thuế. Còn biết bao chương trình giảm thuế cho người mua nhà lần đầu, cho người sử dụng nhiệt lượng xanh, cho người gắn cửa sổ có chức năng điều nhiệt cao, vân vân. Nếu cần thêm thời gian thì có khối người vẫn xin gia hạn, khai thuế đợt hai, gần cuối năm sau. Nếu hệ thống thuế của Mỹ ‘học’ theo cách làm việc của phòng thuế quê tôi, chính phủ Mỹ đã thừa tiền để trả hết nợ quốc gia từ đời tám hoánh rồi!

Nếu đang sống ở Việt Nam, tôi có lẽ đã trở thành một tên du đãng, chưởi thề thay cơm bữa, không chóng thì chày sẽ thành Trại tâm thần di động.

.
.
.

No comments: