Tuesday, February 21, 2012

THEO MỘT TÀI LIỆU BỊ RÒ RỈ : KHỐI ASEAN GIẢM THIỂU NHÂN QUYỀN TRONG BẢN DỰ THẢO (Mizzima)



Mizzima   17.02.2012

Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ

Một bản thảo của Tuyên bố Nhân quyền bị rò rỉ mà Mizzima nhận được đã hé lộ bức màn bí mật chung quanh trọng tâm của nghị trình nhân quyền trong khối ASEAN.

Một bản nháp đang soạn thảo được viết vào tháng Giêng trong hội nghị đầu tiên của Uỷ ban Liên Chính phủ ASEAN về vấn đề Nhân quyền trong Tuyên bố Nhân quyền của ASEAN tổ chức tại Siem Reap, Cambodia, bao gồm những góp ý chi tiết từ các quan chức của Lào, Malaysia, Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Philippines và Singapore.

Bản thảo này cho thấy một số những thành viên khối ASEAN, đặc biệt là Lào - đang tìm cách bác bỏ bản tuyên bố bằng cách đề xuất những từ ngữ làm giới hạn tầm mức và hình thức triển khai của nó, trong khi các quan chức từ Thái Lan, Indonesia và Philippines đóng góp ý kiến chung cho một khối quốc gia, đề nghị những từ ngữ cấp tiến hơn.

Lào rõ ràng là đã giữ vị thế cứng rắn nhất, đưa ra những điều kiện trong một số các lĩnh vực trong bản thảo tuyên bố.

Nhận định về nhiệm vụ và trách nhiệm của các quốc gia thành viên khối ASEAN, Lào nói rằng “việc thừa nhận nhân quyền quốc tế” phải nằm trong ngữ cảnh của “đặc tính của từng quốc gia và khu vực” như chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá, hoàn cảnh lịch sử và tôn giáo.

Vị trí của Lào đi ngược lại ngôn ngữ mở rộng hơn được soạn thảo bởi Ban Bí thư ASEAN rằng “... nhiệm vụ của các quốc gia thành viên, bất kể hệ thống chính trị, kinh tế và văn hoá của mình, là khuyến khích và bảo vệ quyền con người và những quyền tự do cơ bản.”

Lào cũng đã đề xuất việc bao gồm một điều kiện “an ninh quốc gia” và “đạo lý xã hội” nhằm bác bỏ những đòi hỏi về nhân quyền và quyền tự do quốc tế, có lẽ là vì lo sợ tình trạng suy giảm an ninh quốc gia và những nguyên tắc đạo đức.

“Việc nhấn mạnh một cách riêng rẽ về những quyền tự do có thể tạo ra những mâu thuẫn, chia rẽ và tranh chấp vô tận và có thể dẫn đến tình trạng vô pháp luật và hỗn loạn,” Lào nói.

Trong khi ngôn ngữ gốc của ban bí thư thừa nhận những quyền tự do được thực hành với “sự phù hợp chính đáng” với an ninh quốc gia và không đề cập gì đến “đạo lý xã hội”, việc Lào sửa đổi ngôn ngữ sẽ tăng cường sự giới hạn, tạo tiềm năng cho phép một nước thành viên đòi hỏi việc đặc cách khỏi Tuyên ngôn khi an ninh quốc gia, đạo đức xã hội và những vấn đề khác được viện dẫn trong sự cho phép của luật pháp quốc gia.

“Việc thực hành nhân quyền và những tự do cơ bản cần phải nằm trong những giới hạn được định rõ bởi điều luật dành riêng cho mục đích này... nhằm đáp ứng những yêu cầu về an ninh quốc gia, trật tự xã hội, y tế công cộng và đạo lý xã hội cũng như sự an sinh chung của người dân trong một xã hội dân chủ,” Lào nói.

Một số nước thành viên có vẻ như đã chấp nhận việc bao gồm “đạo lý xã hội” như là một giới hạn.

Trong những nhận định khác, Lào đã đề xuất việc giới hạn “quyền hoạt động tôn giáo của người dân” với điều kiện là “việc khuyến khích và phổ biến tôn giáo hoặc tín ngưỡng cần phải tuân theo luật pháp quốc gia của mỗi nước thành viên.”

Cả Lào và Việt Nam đã dè dặt về quyền tự do ngôn luận và quyền tự do truy cập thông tin. Lào đã đưa thêm điều khoản rằng “Tự do ngôn luận phải kèm theo nghĩa vụ đặc biệt là không bôi xấu danh dự của người khác và kích động việc căm thù, kỳ thị, chiến tranh, chia rẽ xã hội và bạo lực.”

Lào là nước mạnh mẽ khuyến khích việc giữ vững quyền quốc gia lên trên nhân quyền và quyền tự do quốc tế, Việt Nam và Malaysia cũng đã có những nhận định ủng hộ.

“Mỗi thành viên ASEAN có quyền theo đuổi việc phát triển kinh tế và xã hội riêng của mình và tự do lựa chọn hệ thống chính trị riêng phù hợp với lịch sử văn hoá và thực trạng xã hội cũng như những giá trị quốc gia của mỗi nước, dựa trên mong muốn của nhân dân mà không có sự can thiệp từ bên ngoài hoặc áp lực từ bất kỳ hình thức nào,” Lào nói.

Và trong một tuyên bố rõ ràng được nhằm để tách thương mại và đầu tư ra khỏi bản Tuyên ngôn, Lào nói, “Nhân quyền không nên được dùng như là điều kiện để gia hạn những trợ giúp phát triển chính thức, tiếp cận thương mại và đầu tư tại những quốc gia thành viên ASEAN.”

Miến Điện đã không nhận định trực tiếp về bản dự thảo nhưng đã ủng hộ vị trí của Lào về việc “không đề cập đến những điều kiện trói buộc trong bản tuyên bố chính trị này” và đã đồng ý với Lào về “những giới hạn liên quan đến việc sử dụng khái niệm ‘nhóm dân thiểu số và ‘người dân tộc’.”

Định nghĩa về việc ai sẽ có được quyền tự do trong bản Tuyên ngôn có vẻ như được tranh luận nhiều, với một số các nước thành viên đưa ra quan điểm riêng của mình.

Bản dự thảo viết “Mọi người đều có toàn bộ quyền tự do đưa ra trong bản Tuyên ngôn, không có bất kỳ một dị biệt nào như chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hoặc những quan điểm khác, quốc tịch hoặc nguồn gốc xã hội, nhận diện tính dục, tài sản, tàn tật hoặc những thân thế khác.”

Tuy nhiên, những quốc gia có xã hội bảo thủ như Miến Điện và Malaysia đã phản đối việc bao gồm “nhận diện tính dục” và Malaysia đã đưa ra những quan ngại về định nghĩa về “tính dục” và “những thân thế khác”, tìm cách bảo đảm rằng chúng phải được “thừa nhận bởi những giá trị chung của ASEAN trên tinh thần đoàn kết đa dạng,” và không dựa trên những định nghĩa được quốc tế công nhận.

Thái Lan đề nghị thay đổi “nhận diện tính dục” thành một định nghĩa cấp tiến hơn là “định hướng giới tính” để phản ánh ngôn ngữ của Uỷ ban Xoá bỏ Nạn Kỳ thị Phụ nữ (CEDAW). Thái Lan cũng đã đề nghị bao gồm thêm cụm từ “nhận diện giới tính”.

Trong những ý kiến của các thành viên khác, Singapore đã có một hướng đi tương đối cẩn trọng, tuyên bố rằng họ họ dè dặt đối với một số vấn đề, đặt biệt là “Giáo dục tiểu học phải được bắt buộc và miễn phí,” và “Quốc tịch của một cá nhân không thể bị bác bỏ hoặc thu hồi nếu nó dẫn đến việc cá nhân này trở thành vô tổ quốc.”

Việt Nam đặt vấn đề về việc sử dụng từ “một cách tự do” trong quyền công dân được tham gia một cách tự do trong chính quyền và đề nghị loại bỏ phần “tra tấn, ép buộc biến mất hoặc những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng” khỏi danh sách của những ngược đãi nhằm ngăn cản một chính phủ trao trả một người xin tị nạn.

Bản thảo hiện tại cũng định nghĩa khi nào một án tử hình được sử dụng. Tuy nhiên, một số nước thành viên đã phản đối việc bao gồm này.

Dự thảo về những thay đổi được đưa ra trong bản thảo bị rò rỉ sẽ gây ra những quan ngại trong nhiều tổ chức xã hội dân sự.

Lo ngại từ những khả năng bản tuyên ngôn có thể nằm dưới tiêu chuẩn quốc tế theo thói quen “phong cách ASEAN,” tài liệu tuyên bố vị thế của xã hội dân sự đối với bản tuyên ngôn đưa ra vào tháng Sáu 2011 bởi Cơ quan Hỗ trợ Đoàn kết cho người dân châu Á về ASEAN và Nhân quyền, một liên minh gồm hơn 70 tổ chức phi chính phủ ở khu vực Đông nam, nói rằng:

"Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tiêu chuẩn nhân quyền trong Tuyên ngôn Nhân quyền ASEAN không được thấp hơn so với những điều kiện nhân quyền quốc tế. Thay vì thế, ASEAN, như là một tổ chức khu vực nên tự mình phấn đấu để cam kết với những tiêu chuẩn cao hơn về nhân quyền và đóng góp cho sự tiến bộ trong sự nghiệp phát triển và bảo vệ nhân quyền trên toàn thế giới”.

Tháng trước, tổ chức Ân xá Quốc tế đã phê phán hội đồng ASEAN bị lên án là đã soạn thảo một điều lệ về nhân quyền trong đó nói rằng nó hầu hết tiến hành một cách bí mật và không tham vấn với các tổ chức nhân quyền phi chính phủ.

Các quan chức ASEAN nói rằng tổ chức ASEAN hy vọng sẽ hoàn tất bản thảo về hiến chương nhân quyền vào năm 2012. Bảo thảo cuối cùng phải được thông qua với sự đồng thuận chung.

.
.
.

No comments: