Friday, February 3, 2012

THẤY GÌ QUA CHUYẾN CÔNG DU CỦA TRỢ LÝ NGOẠI TRƯỞNG HOA KỲ ? (Quỳnh Chi, RFA)



Quỳnh Chi, phóng viên RFA, Bangkok
2012-02-01

Theo thông cáo báo chí đăng ngày 30 tháng 1 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, trợ lý Ngoại trưởng đặc trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, ông Kurt Campbell công du đến Nam Hàn, Việt Nam và Campuchia từ ngày 30 tháng 1 đến ngày 4 tháng 2.
Chuyến đi trong bối cảnh Hoa Kỳ tuyên bố trở lại Thái Bình Dương, và trước đó hai tuần, bốn nhân vật quan trọng trong Thượng viện Hoa Kỳ cũng công du đến các quốc gia trong khu vực này.

Quỳnh Chi hỏi chuyện chuyên gia Đông Nam Á, giáo sư Carlyle Alan Thayer và được ông cho biết chuyến đi có ý
nghĩa quan trọng:

Nhân quyền trong quan hệ Việt-Mỹ

GS Carlyle Thayer: Chuyến đi rất quan trọng bởi vì Tổng thống Hoa Kỳ công bố chiến lược quân sự sau một thời gian bàn thảo rộng rãi. Những gì được phác thảo sẽ được Hoa Kỳ thực hiện trong thời gian tới. Ông Kurt Campbell sẽ là người chuyển tải chi tiết hơn về chính sách ấy và sẽ nghe xem từng quốc gia ở khu vực có khả năng hợp tác với Washington ở mức độ nào.

Quỳnh Chi: Trên trang nhà của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho thấy lý do của chuyến đi này đến Nam Hàn là vì vấn đề Bắc Hàn, còn đến Campuchia là do vai trò chủ tịch luân phiên khối Asean của nước này. Còn vấn đề Việt Nam thì thông cáo báo chí không nói rõ ràng lắm. Theo giáo sư thì mục đích ông Kurt Campbell đến Việt Nam là gì?

GS Carlyle Thayer: Việt Nam đã ra dấu chỉ cho thấy họ muốn tiến thêm một bước trong quan hệ hợp tác với Hoa Kỳ. Biểu hiện là trong chuyến đi của bốn thượng nghị sĩ vừa qua, Hà Nội có một danh sách các loại vũ khí muốn mua từ Washington. Vấn đề là nhân quyền Việt Nam cản trở việc hợp tác như nhiều giới chức Hoa Kỳ đã lên tiếng. Cho nên đây là thời điểm mà ông Kurt Campbell tìm cách tháo gỡ vấn đề với giữa hai chính phủ. Phản ứng của hai bên từ chuyến đi này sẽ là dấu chỉ cho thấy hai nước có thể hợp tác với nhau tới mức nào. Một hệ thống (chính trị của Việt Nam) dễ được chấp nhận hơn có thể giúp giải quyết vấn đề trong một số tình huống.

Quỳnh Chi: Nhưng mà chỉ mới cách đây hai tuần, bốn thượng nghị sĩ Hoa Kỳ cũng công du Châu Á và nói về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam. Ông có nghĩ là Hoa Kỳ đang tạo một áp lực quá mạnh lên Việt Nam trong cùng một thời gian? Bởi đừng quên rằng khi nói đến ngoại giao, người ta nói đến sự “khôn khéo” chứ không nói đến “nhẹ” hay “mạnh”.

GS Carlyle Thayer: Nhân kỷ niệm 15 quan hệ hai nước, ông Micheal Michalak có phát biểu trên TV Việt Nam là vấn đề buôn bán vũ khí giữa hai nước sẽ không xảy ra nếu tình trạng nhân quyền không được cải thiện. Đó là điều không thể xảy ra. Đây là thời đại mà Hilary Clinton làm ngoại trưởng, một nhiệm kỳ rất mạnh. Bà luôn muốn quan hệ hai nước tiến xa thêm một tầm vóc mới.

Tình trạng nhân quyền của Việt Nam ngày càng tệ. HRW vừa cho ra bản báo cáo hàng năm cho thấy trong năm qua, Việt Nam kết án 33 blogger và người hoạt động dân chủ và ít nhất là hơn 20 người khác bị bắt nữa. Tôi nghĩ là Hoa Kỳ muốn nhìn thấy Việt Nam bắt đầu thả một số người. Đó là cái quan ngại lớn nhất.

Bất kể chính quyền Obama muốn làm gì, bao gồm cả việc bán vũ khí, thì cũng phải được Quốc hội thông qua. Thượng nghị sĩ John McCain nói là tình trạng nhân quyền sẽ cản trở việc này. Tổng thống Barack Obama không thể nào hủy bỏ quyết định của bên Quốc hội mà họ sẽ tìm cách tháo gỡ vấn đề với những người trong thượng viện.

Quỳnh Chi: Xem ra thì cả hai bên đều cho thấy mình muốn gì, cũng giống như những gì từng xảy ra trong quá khứ?

GS Carlyle Thayer: Lúc nào Việt Nam muốn cái gì đó thì họ cải thiện tình trạng nhân quyền. Bây giờ họ muốn vũ khí. Lúc trước khi muốn mở rộng thương mại với Hoa Kỳ, Việt Nam cũng đã phóng thích vài tù nhân ủng hộ dân chủ nhân quyền. Hiện tại vấn đề đang nằm ở việc Thượng viện đã có những phát biểu cho thấy sẽ giới hạn chuyện này. Cho nên, chính quyền Barack Obama và Thượng viện phải thấy Việt Nam có những hành động nào thì chấp nhận được.

Thế cân bằng trong quan hệ với Trung Quốc

Quỳnh Chi: Thưa, tôi có đọc một bài viết của tác giả Rodion Ebbighausen đăng trên Deutsche Welle, ông này cho rằng việc Hà Nội tranh thủ sự ủng của các nước khác đồng thời thắt chặt quan hệ với Trung Quốc là việc “đi nước đôi” và điều này làm vấn đề Biển Đông không rõ ràng. Ông có nghĩ là Việt Nam thực hiện chính sách “nước đôi” không?

GS Carlyle Thayer: Mối quan hệ giữa Việt Nam – Trung Quốc – Hoa Kỳ là mối quan hệ tam giác và Hà Nội không thể chuyển đổi từ bên này sang bên kia mà phải cố gắng giữ thế đề ba góc đó cân bằng. Để làm gì? Để làm cho cả hai nước kia đều nhìn thấy lợi ích từ Việt Nam và Việt Nam có thể khuyếch trương đến mức tối đa lợi ích của mình. Đây là cách đi khác hẳn với cách Việt Nam ứng xử trong quan hệ Việt – Liên Xô – Trung Quốc trong quá khứ.

Quỳnh Chi: Câu hỏi cuối thưa giáo sư, trở lại vấn đề nhân quyền Việt Nam. Thưa ông, trong quá khứ, các sự kiện lịch sử Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào những diễn biến tại Trung Quốc. Mỗi khi bên Trung Quốc phải lo chỉnh đốn nước họ thì Việt Nam có được cơ hội để tạo nên sự thay đổi. Ông có cho đây là thời điểm đúng để Việt Nam thay đổi xét về khía cạnh nhân quyền?

GS Carlyle Thayer: Sau Đại hội Đảng hồi tháng Giêng năm ngoái, Việt Nam tiến hành đàn áp các blogger và những người biểu tình phản đối Trung Quốc vì không muốn đánh giá thấp ảnh hưởng của các cuộc cách mạng ở Trung Đông. Hiện tại Trung Quốc sử dụng chính sách ngoại giao mềm mại nên sẽ không gây áp lực cho Việt Nam như là một năm trước. Cho nên Việt Nam “có thể dễ thở hơn một chút” mà có thể mở rộng quan hệ với Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, đó chỉ là vấn đề mang tính tạm thời. Xét về khía cạnh lâu dài, nếu Việt Nam muốn hiện đại hóa quân sự và nâng cấp khả năng tuần tra, bảo vệ vùng biển thì phải nhìn đến khả năng hợp tác với Hoa Kỳ vì những vũ khí và thiết bị như radar tiên tiến. Đó là loại radar mà Hoa Kỳ đã cung cấp cho Indonesia và Philippines. Câu hỏi là Việt Nam có cần những loại đó không khi có bờ biển rất dài. Hà Nội và Washington đồng ý sẽ có hội nghị bộ trưởng quốc phòng mỗi ba năm.

Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã đến Hoa Kỳ năm 2009. Vậy thì năm nay Bộ trưởng Leon Panatta sẽ sang Hà Nội. Từ đây đến đó là thời gian mà Việt Nam có thể dùng để cải thiện tình trạng nhân quyền, nếu không thì việc hợp tác quốc phòng hai nước cũng sẽ chững lại.

Quỳnh Chi: Xin cám ơn giáo sư Carlyle Alan Thayer.


Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
----------------------------

RFA 2012-02-03
RFA 2012-02-02
RFA 2012-02-01

.
.
.

No comments: