Thursday, February 23, 2012

TẢN MẠN VỀ GOLF (Quảng Thanh)



QUẢNG THANH (Mỹ)
17-02-2012

Vừa qua, dư luận nước ta sôi nổi lên về việc Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng ra lệnh cấm nhân viên Bộ GTVT chơi golf vì cần để dành thời giờ, sức lực, tâm huyết giải quyết nhiều vấn đề bức thiết mà giao thông vận tải nước đang gặp phải như nạn kẹt xe, nạn xây dựng các công trình vừa kéo dài vừa kém chất lượng. Theo dư luận báo chí, rất nhiều người ủng hộ, nhưng cũng có những người phản đối lệnh này.

Bài viết này nhằm cung cấp một số dữ liệu về golf trên thế giới và nước ta và nêu ra một số nhận định về sự phát triển golf trong bối cảnh kinh tế xã hội nước ta hiện nay.

Nguồn gốc việc chơi golf
Nếu chỉ căn cứ vào việc chơi golf là dùng một cây gậy đánh vào một quả bóng liên tiếp nhiều lần để cuối cùng nó rơi vào một cái hố nhỏ thì các nhà sử học vẫn không thống nhất được nguồn gốc của golf vì có khá nhiều hình thức chơi tương tự của dân gian ở nhiều nơi trên thế giới từ xa xưa. Ngay ở Việt Nam ta, xưa cũng có một trò chơi dân gian mang tính chất tương tự là môn "đánh phết", về sau trở thành một môn thể thao phổ biến trong các ngày tết, ngày hội. Tương truyền, từ thời Hai Bà Trưng, trò đánh phết đã được tổ chức để rèn luyện thể lực và mưu trí cho quân sĩ(1).
Nhưng hình thức chơi golf hiện đại thì được cho là có nguồn gốc từ Scotland, vì tại đó hiện còn lưu trữ văn bản đầu tiên về golf là lệnh cấm chơi golf năm 1457 của vua James II. Lý do cấm là vì ham chơi golf mà dân chúng và quân sĩ xao lãng việc học tập kỹ thuật bắn cung tên, kỹ thuật cần thiết cho mục đích quân đội thời bấy giờ(2).
Môn golf được người Pháp đưa vào nước ta năm 1920 khi kiến trúc sư người Pháp Ernest Hébrard thiết kế một sân golf trên vùng đồi của thành phố Đà Lạt. Nhưng chỉ một số ít người Pháp và rất ít người Việt giàu có do thân cận với thực dân Pháp và đặc biệt có Bảo Đại, vua cuối cùng triều Nguyễn, mới chơi golf. Vì thế, môn golf vẫn xa lạ với tuyệt đại đa số dân Việt Nam ta, và không phát triển cho tới những năm 1990. Giữa thập niên 1980, nước ta bắt đầu đổi mới, mở cửa giao thương với thế giới, cho nên đã có khá nhiều dự án lấy đất làm sân golf và các sân golf bắt đầu đi vào hoạt động từ những năm 1990.
Khi giao thương rộng rãi với thế giới thì việc xây dựng một số sân golf ở nước ta là không thể tránh khỏi. Nhưng vấn đề ở đây là việc phát triển sân golf ở nước ta có những "khác thường" hơn thiên hạ. Đó là:

1. Quá nhiều dự án sân golf được cấp phép xây dựng trong thời gian quá ngắn
Ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan... người ta cũng có sân golf, nhưng họ phát triển từng bước, điều hòa với sự phát triển kinh tế, công nghiệp và thu nhập của người dân. Còn Việt Nam ta chỉ từ năm 1998 đến 2008, nghĩa là trong vòng 10 năm mà đã có tới 139 dự án sân golf trên khắp nước.

Nếu cấp phép cho tất cả các dự án sân golf này để hoàn thành vào năm 2010 với diện tích bình quân 112,2ha/sân thì số đất sẽ mất khá lớn, lên tới hơn 15.000ha. Do gặp nhiều phản ứng, nhất là của dân quê bị mất đất canh tác, ngày 26/11/2009 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định 1946/QĐ-TTg loại bỏ một số dự án, và đến năm 2020 nước ta chỉ có 90 sân golf.

Thế nhưng, mới đây lại lòi ra thêm nhiều dự án nói là các địa phương đã "lỡ" cấp phép trong giai đoạn 2006-2008 mà đã "quên" không khai báo lên cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư! Do đó, Bộ KH-ĐT có đề ra 3 phương án giải quyết mấy dự án "lỡ cấp phép" này, nhưng lại ủng hộ phương án chấp nhận những cái "lỡ" ấy, nên số sân golf sẽ tăng lên thành 118 thay vì 90 như Thủ tướng đã ký (3)!

Sự khác thường ở đây là các tỉnh thành đã không chấp hành lệnh của trung ương, và trung ương mà đại diện là Bộ KH-ĐT cũng như chính phủ không biết những cấp dưới đã làm những gì, và không những không trừng phạt mà còn muốn hợp thức hóa những việc làm sai trái của cấp dưới.

2. Không quy định vị trí các sân golf
Ở các nước, sân golf chỉ được phép xây dựng ở những vùng đất không thể dùng trong nông nghiệp, không thể dùng cho cây công nghiệp, chẳng hạn như ở các vùng đồi núi, sa mạc, vùng cát ven biển, vùng đất trên những vùng mỏ đã khai thác… Nhiều nước phương Tây đã có luật môi trường quy định chỉ những vùng nào mới được xây dựng sân golf(4).

Trong khi ở ta một số sân golf lại dùng đất nông nghiệp, đất ruộng lúa, đất vườn của nông dân, có sự ép buộc của chính quyền địa phương khiến nông dân phải bán hay được đền bù với giá chỉ vài chục nghìn đồng một mét vuông, chứ không phải với giá thỏa thuận giữa nông dân với chủ đầu tư. Người nông dân bị buộc phải bán đất, nhận một số tiền đền bù, giải tỏa để ra đi, thì không thể nào tìm được đất để canh tác, mà lại không được đào tạo nghề nghiệp gì, cho nên sau một thời gian ăn vào tiền đền bù, sẽ hết tiền và sẽ trở nên nghèo hơn trước!
Như vậy sự khác thường là làm sai mục tiêu của phát triển đất nước: phát triển là để nâng cao mức sống cho toàn dân chứ không phải làm cho một thiểu số giàu càng giàu thêm và đa số những người vốn đã nghèo lại nghèo thêm. Thế thì còn đâu là đạo lý, là công bình xã hội, chứ chưa nói đến chủ trương mà Nhà nước đang theo đuổi: "Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa".

3. Diện tích đất cho dự án sân golf quá lớn

Một sân golf là một vùng đất chứa một dãy lỗ (hole) liên hoàn, nhỏ nhất là 9 lỗ, thường thường là 18 lỗ, lớn hơn là 27 lỗ và lớn nhất là 36 lỗ. Mỗi lỗ lại là một vùng đất khá lớn để người chơi dùng cây gậy đánh vào quả bóng đặt ở vùng 1, rồi đi tới nơi quả bóng rơi, đánh tiếp… cho đến khi quả bóng được rơi vào một cái hố nhỏ (cup), đường kính khoảng 10,8cm, sâu khoảng 10cm nằm ở vùng số 10 như trong sơ đồ(5).
Đối với quốc tế, diện tích trung bình các sân golf hiện đại 18 lỗ có thể lên tới 60ha(6) và chỉ có một số rất ít sân 36 lỗ mà diện tích hơn 100ha. Nhưng những dự án sân golf ở ta, các chủ đầu tư cố ý xin đất rất lớn, như sân golf Dai Lai Star Golf & Country Club chiếm 300ha trên thung lũng dưới chân núi Ngọc Thanh (tỉnh Vĩnh Phúc) được mệnh danh là thiên đường của người chơi golf.
Hiện nay trung bình một sân golf ở nước ta chiếm mất 112,2ha. Sở dĩ các chủ đầu tư nước ngoài và các đối tác trong nước ta lập dự án sân golf chiếm diện tích lớn là nhằm núp bóng dự án sân golf để chiếm đất xây biệt thự! Đó là mối lợi kếch xù mà các nhà đầu tư sân golf nhằm vào nước ta.

Theo tác giả Hoàng Lan, trong bài báo Núp bóng sân golf để xây biệt thự(7) thì có tới 40% đất trong số các dự án triển khai làm sân golf được dùng để kinh doanh bất động sản. Hằng trăm ngôi biệt thự cao cấp "đính kèm" cạnh sân golf trong mỗi dự án là mục tiêu chính các chủ đầu tư nhắm đến… Một trường hợp điển hình: Năm 2003, dự án sân golf Tam Đảo (Vĩnh Phúc) được cấp phép với diện tích 137ha. Chủ đầu tư đã dùng tới quá nửa diện tích (90ha) làm biệt thự, chia thành 290 lô đất rao bán ngay sau khi sân golf Tam Đảo đi vào hoạt động. Với mỗi lô đất có giá khoảng 1 tỉ đồng, công ty thu về gần 300 tỉ. Trong khi dự toán đầu tư cho dự án chỉ khoảng 400 tỉ đồng.
Như vậy, rõ ràng, các dự án sân golf ở nước ta không phải là những dự án cho môn thể thao golf như ở các nước khác mà là các dự án "lợi dụng danh nghĩa golf để chiếm đất mà làm giàu" qua việc buôn bán bất động sản.

Tác hại của sân golf đến môi trường

1. Cỏ trồng trên sân golf
Không phải cỏ nào cũng được, mà phải là một số loại cỏ thích hợp cho sự lăn của quả bóng và cả giúp cho người chơi tăng khả năng hữu hiệu trong việc đánh vào quả bóng và ép quả bóng bay đi (take a divot). Một số cỏ được thường dùng trên vùng 7 (fairway) và vùng 4 (rough) là cỏ uốn (bent grass), cỏ Bermuda (Tifwat 419 Bermuda grass), cỏ rye (rye grass), cỏ xanh Kentucky (Kentucky blue grass) và cỏ Zoysiagrass. Còn trên vùng 8 (putting green) thì cỏ lại càng kén chọn hơn. Cần nhiều nước và hóa chất để nuôi dưỡng cỏ.

2. Nước tưới cỏ
Năm 2004, Liên Hiệp Quốc ước tính rằng các sân golf trên thế giới dùng vào khoảng 9,5 tỉ lít nước mỗi ngày là bằng số lượng nước dùng cho 4,7 tỉ người trên thế giới! Lượng nước dùng mỗi ngày để tưới một sân golf tại Thái Lan là 6.500m3 và bằng số lượng nước trung bình cho 60.000 người dân quê ở Thái Lan mỗi ngày(8)! Ở nước ta chưa ai cho biết con số, nhưng Việt Nam và Thái Lan cũng tương đương thôi.

3. Thuốc trừ sâu và diệt các loại cỏ khác: Lượng thuốc trừ sâu cho mỗi acre (0,405ha) cỏ trên sân golf là 18 pound (1 pound = 454g = 0,454kg) mỗi năm trong khi lượng dùng cho nông nghiệp là 2,7 pound mỗi năm, nghĩa là đất dùng cho sân golf sẽ gây độc hại cho môi trường gấp gần 7 lần đất cho canh tác(9).Và về lâu về dài, sự tích lũy chất độc sẽ gây tác hại lớn cho con người và sinh vật trong vùng.
Năm 1988, Cơ quan Bảo vệ môi trường của Mỹ (US Environment Protection Agency) đã cấm sử dụng chất Diazinon trên các sân golf và đồng cỏ bởi vì có ảnh hưởng nguy hại đến các loài chim(10). Như vậy nếu cho rằng sự phát triển sân golf với những thảm cỏ được chăm sóc rất kỹ, rất đẹp trên những địa hình trông hấp dẫn, mát mắt, là phát triển du lịch sinh thái… là một sai lầm; dân giàu ở xa, lâu lâu tới hưởng thụ những tiện nghi của sân golf và hệ thống biệt thự, nhà nghỉ, nhà hàng, spa… trong khi dân cư quanh vùng đó sẽ phải hứng chịu sự tác hại của môi trường do hóa chất, do nước sử dụng trên sân golf. Vậy thật ra, phát triển sân golf trong du lịch thì không phải là du lịch sinh thái mà là du lịch hủy hoại môi trường.

4. Những ai chống lại việc phát triển quá nhiều sân golf?
Vì sân golf gây tác hại cho môi trường cho nên trên thế giới tất cả những nhà môi trường học, những nhà hoạt động tích cực cho sự phồn vinh chân chính cho con người, những nhà trí thức có tấm lòng nhân ái đều chống lại sự phát triển của quá nhiều sân golf. Một số người xem golf như là thú tiêu khiển của nhóm nhỏ người giàu có mà sử dụng quá nhiều tài nguyên quốc gia và làm hại môi trường, cho nên bị đa số quần chúng chống đối.
Tại một số nơi trên thế giới, đặc biệt là Philippines và Indonesia, đã xem việc chống lại du lịch chơi golf (golf tourism) và chống lại phát triển về golf như là một trong các mục tiêu của một số phong trào cải cách đất đai. Hàn Quốc có thu nhập bình quân đầu người gấp 30 lần nước ta nhưng nước này có chính sách rất nghiêm ngặt trong việc mở sân golf, sân golf chỉ được xây dựng ở những nơi quy định và phải trả chi phí đền bù giải tỏa, tái định cư và phí tổn hại môi trường rất lớn qua 54 điều luật, cho nên vô cùng khó cho một chủ đầu tư xây sân golf mới tại Hàn Quốc.
Có lẽ vì vậy người Hàn mới đến Việt Nam lập liên doanh Hàn-Việt xin đầu tư sân golf, và tháng 11/2010 họ đã nhận được giấy phép cho xây dựng sân golf và khu nghỉ dưỡng ở làng K’ren của người thiểu số K’hor, cách Đà Lạt 15km về phía đông bắc. Sân golf này sử dụng khoảng 80ha đất nông nghiệp, trưởng bản Bon Nor K’Do nói trong cuộc trả lời phỏng vấn ngày 15/8/2011 là khoảng 700 người đang phụ thuộc vào trồng cà phê, lúa gạo, cây ăn quả, rau và hoa ở khu đất nằm trong dự án này sẽ mất đất canh tác.
Như vậy phát triển nhiều và nhanh số sân golf tại nước ta cũng có nghĩa là nhập khẩu ô nhiễm môi trường vào nước ta và tạo ra sự thất nghiệp cho nông thôn ta, mà lợi lộc thì lại vào túi một số nhỏ các nhà giàu biết đầu cơ.

5. Những ai ủng hộ phát triển nhiều sân golf ở nước ta?
Các chủ đầu tư núp bóng golf để chiếm đất xây biệt thự, buôn bán bất động sản tạo siêu lợi nhuận. Họ biết lợi dụng cơ hội, biết lợi dụng sự thiếu chặt chẽ cả luật pháp nước ta và đặc biệt sự thiếu hiểu biết về cái lợi, cái hại từ sân golf của các quan chức có trách nhiệm về quy hoạch đất đai, quy hoạch vùng, quy hoạch công nghiệp của nước ta, thì luôn tìm cách cổ vũ cho sự phát triển sân golf. Cho nên, ông Nguyễn Ngọc Chu, Tổng thư ký Hiệp hội Golf Việt Nam mới tuyên bố: "Chúng tôi phải làm việc, chúng tôi phải kiếm tiền, và chúng tôi tận hưởng nó"(11). Phải chăng là làm tiền bằng mọi cách? Tận hưởng tiền bằng mọi giá, bất chấp thiên hạ và đạo lý?
Ông Nguyễn Tạo, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch ở Đà Lạt, Lâm Đồng nói: "Các sân golf tạo ra việc làm, mang lại nhiều tiền hơn cho người địa phương, phát triển các dịch vụ và thu hút những khách du lịch nước ngoài cao cấp. Trồng cà phê không đảm bảo thu nhập ổn định bởi giá cà phê lên xuống thất thường"(12). Quả là những lời nói "bất hủ"! Vậy Việt Nam nên phá tuốt hết cà phê, trà, cao su... kể cả lúa để lấy đất làm sân golf cho mau giàu sang!
Mặt khác, những người có quyền thế, những người giàu nhanh chóng lại có tâm lý "chơi golf" là được "lên đẳng cấp" thành "quý tộc" mới là oai! Thật ra golf là môn chơi xa xỉ, chẳng có gì là "quý tộc" cả. Ai có tiền, có thời giờ (ít nhất là 5, 6 giờ liên tục trong một ngày) thì tha hồ chơi.
Ngày nay, rất nhiều người Việt giàu rất nhanh mà thật ra không tạo ra sự ích lợi cho cộng đồng xã hội để đáng được giàu như thế, trái lại có thể nhờ làm hại xã hội mà giàu! Có lẽ thấy được điều đó mà ông Bộ trưởng Đinh La Thăng mới bức xúc truyền lệnh cấm cán bộ cấp cao ngành GTVT chơi golf, vì trong khi các ngài tận hưởng những tiện nghi chơi bời của dân "phú" cả ngày trời thì hàng vạn người dân đang khốn khổ hít thở không khí ô nhiễm, nóng bức hay lạnh rét, trễ nải công việc… do bị kẹt xe nhiều giờ liền! Mà nạn kẹt xe này là do các ngài đã không làm tròn nhiệm vụ, đã không dành thời giờ và tâm huyết để cùng tìm cách sửa chữa.
Hiện ở nước ta, việc chơi golf quá đắt tiền so với thu nhập của tuyệt đại đa số người dân. Để mua được một thẻ hội viên của một sân golf phải bỏ ra từ 30.000 tới 130.000USD, hằng năm còn phải đóng từ 1.000 đến 3.000USD cho ban quản lý sân golf, và khi đó mỗi lần chơi phải mất khoảng 20-25USD tiền thuê một cô kéo xe chứa dụng cụ đánh golf đi theo trên sân (caddy), rồi tất nhiên còn phải cho tiền "bo" cô ấy, thường là vài trăm nghìn đồng. Còn nếu không có thẻ hội viên, mỗi lần chơi tốn khoảng 110USD. Đó là chưa kể các chi phí cho "hậu trận golf" như tắm hơi, massage và nhậu nhẹt. Mới tính sơ sơ đã vậy, chưa kể tiền dụng cụ, xe hơi dùng tới sân golf… Cho nên mấy ai trong nước ta có đủ điều kiện chơi golf trừ các nhà giàu "nhanh", các quan chức mà "lương là đồ bỏ", chỉ sống nhờ "bổng" chìm "bổng" nổi.
Hiện nay nước ta chỉ mới có 8.000 người chơi golf và có thêm 8.000 khách nước ngoài tới chơi(13). Trong khi ở Âu châu và Mỹ, người thu nhập trung bình cũng có thể chơi golf. Chẳng hạn, ở Âu châu, chỉ cần 3.000USD là có được thẻ hội viên để chơi trong 3 năm, mỗi lần chơi, cứ việc tự tới, lấy dụng cụ của mình và chơi rồi về, không cần caddy.

Một sân của Extreme Golf ở Mỹ chỉ dựa phần lớn vào địa hình tự nhiên

Kết luận
Khi nước ta hội nhập với thế giới, mở cửa theo kinh tế thị trường và cần sự đầu tư của các nhà tư bản nước ngoài thì việc có một số sân golf là điều bình thường. Nhưng có bao nhiêu sân golf là hợp lý trong bối cảnh kinh tế, văn hóa của nước ta là một vấn đề. Việc phát triển quá nhiều sân golf trong vòng 10 năm qua ở nước ta là một sai lầm cũng y hệt như sự sai lầm trong việc bung ra quy hoạch quá nhiều khu công nghiệp, quá nhiều cảng biển mà không sử dụng hiệu quả. Điều này có thể quy kết về mấy nguyên nhân sau đây:
Chính phủ trung ương đã cho các tỉnh thành cái quyền quá lớn trong việc quy hoạch việc sử dụng đất mà thiếu hoàn toàn sự quy hoạch chung phát triển kinh tế hài hòa trên phạm vi cả nước.
Mỗi địa phương tự tìm cách kiếm lợi nhuận tối đa cho địa phương mình mà không cần biết các địa phương khác làm gì, việc mình làm có hại gì cho các địa phương khác hay không. Các nhà quy hoạch đã không hiểu hay hiểu mà vì tư lợi nên cố tình bỏ qua cái nguyên tắc cơ bản là "sự tối ưu cục bộ sẽ phá vỡ tối ưu toàn cục". Ở đây là lợi nhuận tối đa cho từng địa phương riêng lẻ sẽ phá vỡ sự phát triển bền vững của đất nước.
Khi đô thị hóa nói chung, xây dựng sân golf nói riêng, các địa phương đã dùng quyền lực ép buộc người dân quê bán đất họ đang canh tác với cái giá quá rẻ. Đặc biệt là sau khi đền bù một số tiền, người ta coi như đã làm tròn phận sự với nông dân, mà không ai lưu tâm tới việc với số tiền đền bù ấy, sau khi đi khỏi đất canh tác, người nông dân sẽ sinh sống ra sao. Không được huấn luyện nghề nghiệp, không có việc trong khu công nghiệp cho họ làm, cho nên sau một thời gian ăn vào cái vốn được đền bù ấy, người dân trở nên thất nghiệp, đã nghèo lại nghèo thêm. Như vậy, đô thị hóa, xây dựng nhiều sân golf mà khiến cho dân chúng vốn sinh sống trong vùng ấy nghèo hơn là sự phát triển không bền vững, chỉ đem lại sự giàu có cho một nhóm thiểu số. Đó là một sai lầm lớn.
Các nhà lãnh đạo địa phương và trung ương của ta đã không học tập những thất bại trong quá trình đô thị hóa của nhiều nước trên thế giới, mà vội vàng và quá dễ dãi cấp phép cho các dự án đầu tư của tư bản nước ngoài khi mà các dự án như thế bị cấm nơi xứ sở của họ vì ô nhiễm môi trường, và sân golf là một trong những thứ đó.
Nếu không thay đổi cách điều hành đất nước, không khống chế, điều hòa để hướng mọi sự phát triển địa phương tới sự phát triển bền vững của đất nước, cứ để cho các địa phương phát triển tự phát như hiện nay thì chẳng bao lâu nữa dân tộc ta sẽ lâm nguy.



(1)
(2)
1457 Act of the Scottish Parliament, History of Golf, http://en.wikipedia.org/wiki/History_of_golf#Origins
(3)
Phạm Huyền, Quy hoạch sân golf muốn "phình to", http://vef.vn/2011-05-23-bo-khdt-muon-quy-hoach-san-golf-phinh-to-
(4)
Hogan, C.M.; G. Deghi, M. Papineau et al. (1992). Environmental Impact Report for the Pebble Beach Properties project by Del Monte Forest. Earth Metrics Inc., Prepared for the city of Monterey and State of California Clearinghouse; U.S. Federal Register: 2 August 1995 (Volume 60, Number 148, Pages 39326-39337).
(5),(6)
(7)
(8),(9)
Water and golf courses, Water usage: Chris Reuther, Know Your Environment, Academy of Natural Sciences, 1999; National Golf Foundation; State of the World 2004; Japan: "Japan Golfcourses and Deforestation," TED Case #282, 2003; Pesticides: "EcoMall: A Greener Golf Course, 2004"; Thailand: U.K. Sports Turf Research Institute; Colorado River: Environmental Defense; Las Vegas: Associated Press.
(10)
(11),(12),(13)
Đường mòn Golf Hồ Chí Minh làm phương hại lúa gạo của Việt Nam. Phương Lan dịch từ Financial Times/Bloomberg 12/9 đăng trong (http://mag.ashui.com/index.php/tuongtac/phanbien/55-phanbien/267-duong-mon-golf-ho-chi-minh-lam-phuong-hai-lua-gao-cua-viet-nam.html)
.
.
.

No comments: