Dirk Kurbjuweit
Phan Ba dịch từ Der Spiegel số 08/2012
Tháng Hai 24, 2012
Lời của người dịch: Dirk Kurbjuweit sinh năm 1962 là nhà báo, nhà văn người Đức, cựu trưởng văn phòng của báo Der Spiegel ở Berlin. Ông đã hai lần nhận Giải Egon Erwin Kisch cho các bài phóng sự của mình. Ông cũng đã nhận Giải Truyền thông Roman Herzog năm 2011.
----------------------
Dirk Kurbjuweit
Tại sao Phương Tây không đấu tranh nhất quán cho hình ảnh con người của nó
Có ai còn có thể chịu đựng được nữa không? Có ai còn có thể chịu đựng được nữa không, khi những người nổi dậy trong Syria bị bắn gục trong các khu phố của họ, cả phụ nữ lẫn trẻ em, khi đau đớn của họ không được chăm sóc vì hầu như không còn thuốc men nữa, khi họ bị tra tấn sau lúc bị bắt giam, khi hàng nghìn người đã phải trả giá bằng mạng sống của mình cho niềm mơ ước có được nhân phẩm, nhân quyền, dân chủ, nhà nước pháp quyền và tự do, những lý tưởng mà đã thành hình trong thế giới Phương Tây và cần phải có giá trị ở khắp mọi nơi? Có ai còn có thể chịu đựng được nữa không, khi một phần lớn người Syria muốn tiếp tục dự án của chính chúng ta và đã đổ máu vì việc đấy?
Nữ thủ tướng liên bang [Đức] Angela Merkel có thể chịu đựng được việc đấy. Ngoại trưởng [Đức] Guido Westerwell có thể chịu đựng được việc đấy. Nhà dẫn đầu phe đối lập Frank-Walter Steinmeier có thể chịu đựng được việc đấy. Sự thật là hầu như ai cũng có thể chịu đựng được, không chỉ trong nước Đức, cả ở Hoa Kỳ, ở Pháp hay trong Liên hiệp Anh. Hầu như không có ai yêu cầu Phương Tây phải gửi máy bay ném bom đến Syria để chấm dứt cảnh giết người đấy, như nó đã gửi máy bay ném bom đến Lybia. Hiện bây giờ, cái dự án đấy hoạt động không được tốt cho lắm, cái “dự án của cả hai cuộc cách mạng Đại Tây Dương”, như sử gia Heinrich August Winkler đã gọi trong tác phẩm đồ sộ “Lịch sử Phương Tây” của ông ấy. Ở Mỹ và ở Pháp, những quyền của con người đã được xác nhận bằng văn bản lần đầu tiên vào cuối thế kỷ 18. Nền tảng của nó là một hình ảnh con người mang dấu ấn của Kitô giáo, Chủ nghĩa Nhân văn, Cải cách Kháng cách và Khai Sáng. Con người, mỗi một người riêng lẻ, là thiêng liêng theo nghĩa rằng một cuộc công kích vào danh dự của nó, vào tính toàn vẹn của nó và vào sự tự do của nó là không thể chấp nhận được. Nhà xã hội học người Pháp Émile Durkheim đã nói về một sự thánh hóa của cá nhân.
Phương Tây, cái thường tự hiểu mình là mặt đạo đức của thế giới, lâu nay đã cho rằng hình ảnh con người này sẽ thắng thế ở khắp mọi nơi, một khi các dân tộc khác được tự do và đạt đến mức phát triển của mình. Nhưng đấy có lẽ là một điều sai lầm. Bộc lộ ra thêm vào đấy là việc một đất nước như nước Đức không hề muốn mình là một luật sư nhất quán cho dân chủ và tự do. Từ tất cả các lý do đấy, hình ảnh con người chiếm ưu thế trong tương lai của thế giới có thể là một hình ảnh hoàn toàn khác với hình ảnh của Phương Tây.
Lúc đầu, sau khi Bức Tường [Berlin] sụp đổ, Phương Tây có cảm giác như mình đã được xác nhận. Nối tiếp theo cả hai cuộc cách mạng Đại Tây Dương tròn hai trăm năm sau đó là những cuộc cách mạng của Đông Âu, và đấy là lại về tự do, dân chủ và nhân quyền. Sau khi các nền độc tài cộng sản bị lật đổ, những nước muốn vào Liên minh châu Âu và có triển vọng được thu nhận đã thích ứng hệ thống nhà nước và hình ảnh con người của họ với các mong muốn từ Bruxelles. Dự án Đại Tây Dương đã mở rộng hẳn ra về phía Đông.
Nhưng nó không tới được châu Á. Ngay nước Nga là đã không cùng thực hiện mà đã phát triển trở thành một nhà nước chuyên quyền. Trung Quốc vẫn là chế độ độc đảng, cái biến đổi trước hết là về mặt kinh tế và thay thế Chủ nghĩa Cộng sản ngày một nhiều hơn qua một Chủ nghĩa Tư bản do nhà nước định hướng. Bây giờ Phương Tây đang chờ đợi. Nó chờ xảy ra điều mà cả một thời gian dài là niềm hy vọng của Phương Tây, đối với những người nào đó còn là một điều chắc chắn nữa: rằng lịch sử Âu-Mỹ sẽ lập lại ở Trung Quốc, rằng một tầng lớp người dân không bằng lòng với sự thịnh vượng mà hướng đến quyền cùng quyết định về chính trị.
Từ cuối năm 2010, dự án Đại Tây Dương dường như nhận được thêm một cú đẩy mới. Người dân ở Bắc Phi và Cận Đông nổi dậy chống lại những kẻ cai trị họ, vì họ không còn muốn chịu đựng sự khốn cùng và đàn áp nhiều thêm nữa. Nhiều cuộc cách mạng này đã thành công vào lúc ban đầu, những kẻ chuyên quyền biến mất, cải cách được tiến hành.
Cảnh sát chống những người bất đồng chính kiến ở Trung Quốc. Ảnh: Aly Song / Reuters
Nhưng nhìn kỹ thêm lần nữa thì bản tổng kết không tươi hồng cho lắm. Ở Lybia vẫn còn có tra tấn và các phe dân quân vẫn còn chống nhau, một hội đồng quân đội thống trị ở Ai Cập và đất nước này vẫn còn trong sự lộn xộn. Trong những lần bầu, các đảng Hồi giáo thắng cử, giống như ở Tunisia và Maroc. Vì thế mà người ta không thể nói rằng hình ảnh con người của Phương Tây đã chiến thắng tại các cuộc cách mạng Ả Rập. Ngay cả khi dân chủ vững mạnh ở đấy đi chăng nữa, thì đấy vẫn là những xã hội khác, những nhà nước khác với Phương Tây. Có lẽ Sharia sẽ có hiệu lực, những luật lệ của đạo Hồi, cái cũng định sẵn những hình phạt khắc nghiệt mà không thể nào hòa hợp với những quyền con người của Phương Tây được. Có lẽ không phải cá nhân là thiêng liêng, mà vẫn là gia đình, cộng đồng tín ngưỡng hay quốc gia.
Khi nghĩ rằng tỷ lệ dân số không thuộc Phương Tây ngày một tăng lên, thì đây đã là một lý do cho việc rằng dự án Đại Tây Dương không bắt buộc phải có một tương lai to lớn. Thêm vào đó, nối tiếp theo sức mạnh kinh tế của Trung Quốc sẽ không chỉ là ảnh hưởng chính trị mà còn cả ảnh hưởng văn hóa nữa. Và chính sức mạnh này đã khiến cho các chính khách Phương Tây phản bội lại dự án của họ.
Họ đã luôn phản bội nó qua các thế kỷ. Người Mỹ và người Pháp, mặc dù họ là những người thành lập dự án này, đã chiếm hữu nô lệ, họ đã đàn áp các thuộc địa của họ một cách dã man, đã tiến hành những cuộc chiến tranh tàn bạo ở Việt Nam và đã nuôi dưỡng những nhà độc tài. Nhưng Hoa Kỳ và Pháp cũng đã luôn làm nhiều điều cho dự án này, mới đây nhất là với những chiếc máy bay chiến đấu của họ trên Lybia.
Nước Cộng hòa Liên bang [Đức] mãi sau Đệ nhị Thế chiến mới tham gia dự án Đại Tây Dương, nhưng rồi đã trở thành một dạng giống như người học trò gương mẫu, lương thiện, hòa hoãn, ngay cả khi thỉnh thoảng cũng có khoảng cách quá xa với những nhà bất đồng chính kiến. Cuộc đấu tranh cho nhân quyền thời đó hầu như không làm cho người Đức hao tốn gì. Thương mại với khối Đông Âu không quan trọng cho sự thịnh vượng và không có cuộc chiến nào được tiến hành. Nó thật là quá rẻ, khi đấu tranh để cho hình ảnh con người của chính mình được phổ biến.
Bây giờ điều đấy đang thay đổi. Trong chuyến đi thăm Trung Quốc vừa rồi, Angela Merkel đã ưng thuận rằng bà ấy được gặp ít người Trung Quốc phê phán chế độ hơn là trong dự định. Bà ấy đã có lần nổi tiếng là một nữ luật sư cho nhân quyền. Điều đấy bây giờ đã qua rồi. Đến một ngày nào đó, thị trường Trung Quốc sẽ là thị trường lớn nhất thế giới, và nước Đức với thế mạnh công nghiệp của nó có những cơ hội tốt để mang lại thịnh vượng cho mình từ đó. Merkel không muốn phá hỏng những triển vọng đấy.
Có sự phản đối chống lại chính sách này của Merkel không? Hầu như không. Ai lại muốn nói rằng người đấy chấp nhận mất bớt thịnh vượng vì một chính sách nhân quyền nhất quán, ngay khi phần lớn là không có kết quả? Người Đức không có sự cố gắng to lớn để đấu tranh cho hình ảnh con người Đại Tây Dương đấy.
Điều đấy cũng thể hiện qua cách đối xử với những nước Hồi giáo. Chiến dịch kéo dài đã mười năm của quân đội Đức trong Afghanistan khiến cho người dân mệt mỏi. Họ không muốn những người lính Đức cứ tiếp tục đổ máu cho một ít ổn định ở Afghanistan. Vì Angela Merkel biết điều đấy, nên nước Đức trong Hội đồng Bảo an đã bỏ phiếu trắng khi đề tài thiết lập vùng cấm bay trên Lybia được nêu ra. Đại sứ Đức đã đưa tay lên cùng với Trung Quốc và Nga. Bây giờ thì người ta đã đi tới đấy rồi, ở cạnh bên những nhà nước độc tài.
Nạn nhân của cuộc nội chiến trong Syria. Ảnh: AP.
Về Syria thì bây giờ các quốc gia Phương Tây khác trông có vẻ như họ đã mệt mỏi vì cuộc đấu tranh bằng quân sự cho nhân quyền, nhất là khi không ai biết được chính quyền nào rồi cuối cùng sẽ thắng thế ở Syria.
Tình hình hiện nay là như thế đấy. Người Syria vẫn không được bảo vệ, vì nhân quyền không có một người luật sư mạnh và nhất quán. Tất cả đều đã mệt mỏi, lúng túng, không ai sẵn sàng hy sinh nhiều hơn nữa. Qua đó mà mối nguy hiển đã trở nên to lớn hơn, rằng đến một ngày nào đó có một hình ảnh con người khác sẽ chiếm ưu thế trên thế giới. Cá nhân không còn là thiêng liêng nữa, mà là một cộng đồng, rồi thì người ta có thể đối xử một cách hà khắc với cá nhân riêng lẻ, khi người đấy không khuất phục tập thể.
Các luật sư của nhân quyền có ba khả năng để phản ứng lại với tình trạng này. Họ có thể là những luật sư cao thượng, những luật sư giả chết hay những luật sư đáng ngờ.
Người luật sư cao thượng là người đấu tranh nhất quán cho việc của ông ấy, ngay cả khi điều đấy gây hại cho chính mình. Ông ấy chấp nhận bị giảm mất thịnh vượng của mình và sẵn sàng trả giá bằng máu để cho những người khác có được tốt đẹp hơn. Đó là một vai trò lãng mạn, nhìn lần đầu thì người ta trông có vẻ rất tốt đẹp trong lúc đấy, nhưng cùng với sự nhất quán, mơ mộng của ông ấy cũng trở nên buồn cười, vì cuối cùng thì người ta không thể nào tiến hành mọi cuộc chiến vì cái tốt. Trước sau gì thì thế giới cũng không thật sự tốt hơn bởi thế, chỉ cảm giác của người đấy thôi. Nước Đức không muốn nhận vai trò này.
Người luật sư giả vờ chết nhận ra rằng hành động nhất quán là việc không thể, và vì ông ấy không thể chịu đựng được những mâu thuẩn của mình nên ông ấy giả vờ chết. Ông ấy im lặng về câu hỏi của nhân quyền, bỏ túi những lợi nhuận từ xuất khẩu của mình và nương nhẹ những người lính của mình. Ông ấy từ bỏ việc muốn cải tạo thế giới theo ý của mình và đến một lúc nào đấy ông ấy sẽ phải trải nghiệm rằng thế giới này đã thay đổi đến mức bây giờ nhân quyền cũng bị đe dọa cho chính ông. Nước Đức không được phép đi theo con đường này, vì nó sẽ đánh mất chính nó trên đấy.
Người luật sư đáng ngờ phải khó khăn lắm mới chịu đựng được chính bản thân mình. Ông ấy không nhất quán, ông ấy thủ đoạn và vì thế mà không đáng tin cậy. Ông ấy làm tăng thịnh vượng của mình, giữ lấy nguyên liệu của mình, nhưng ông ấy không chấp nhận hết tất cả. Nước Đức là một người luật sư đáng ngờ như thế, cũng như toàn bộ Phương Tây. Đúng là không tốt đẹp khi phải thừa nhận như thế, nhưng đó là vai trò duy nhất mang tính thực tế.
Nhưng cũng cần phải có một vài quy định: Phương Tây phải đoàn kết với nhau, tách ra như người Đức đã làm trong câu hỏi về Lybia là có hại đến dự án. Những người bị truy nã về chính trị ở nơi khác cần phải có một cơ hội công bằng để được tỵ nạn. Các tổ chức phi chính phủ như Amnesty International hay Ủy ban Quốc tế của Hồng Thập Tự có thể đấu tranh nhất quán hơn cho nhân quyền và vì thế mà xứng đáng để được hưởng một sự hỗ trợ hào phóng từ các quốc gia Phương Tây. Các nhà thống trị chuyên quyền của Trung Quốc hay Kazakhstan không phải là kẹo bông và cần được nghe những lời nói rõ ràng. Bợ đỡ sẽ làm hại dự án. Phương Tây không thể gửi những người lính của mình đi khắp những nơi mà con người bị đàn áp dã man, nhưng thỉnh thoảng nó có thể làm việc đấy, để cho những nhà độc tài thấy rằng họ không thể dựa trên một sự im lặng. Khi nhất quán là không thể thì đừng để cho người ta đoán trước được mình là công cụ tốt nhất. Người ta cũng có thể gửi vũ khí, thuốc men hay lương thực, để hỗ trợ cho một cuộc đấu tranh vì tự do.
Phương Tây cần phải chấp nhận cuộc đấu tranh vì hình ảnh con người trên toàn cầu với những quy tắc đó. Nó sẽ thường xuyên bị lên án là không nhất quán và hai mặt, nó sẽ có lỗi qua sự thụ động, nhưng nó phải chịu đựng được việc đó, ngay khi điều đấy thỉnh thoảng rất, rất khó khăn, nhưng bây giờ, với những người Syria đang nổi dậy.
Dirk Kurbjuweit
Phan Ba dịch từ Der Spiegel số 08/2012
.
.
.
No comments:
Post a Comment