Nguyễn Quý Đại
February 21, 2012 12:22 AM
Thật khó quên nơi chôn nhau cắt rún, vì trong tiềm thức của mỗi chúng ta vẫn còn những kỷ niệm buồn vui thời thơ ấu với khung trời kỷ niệm của quê hương qua tiếng chày giã gạo, tiếng gà gáy, tiếng chó sủa ở đầu làng, tiếng hát ru con à ời ngọt ngào hòa nhịp với tiếng ve sầu trong trưa hè nắng gắt ….
Thời gian trôi qua bốn mùa thay đổi ở xứ người, chúng ta không còn nghe tiếng rao bán xôi, bánh mì điểm tâm như ở Việt Nam, rồi một hôm hình ảnh quê hương lại hiện về thật rõ khi tôi nhận DVD khánh thành nhà thờ Tộc với đầy đủ sinh hoạt của bà con thân tộc rất cảm động, DVD có đệm nhạc phẩm “Quê hương“ của nhạc sĩ Giáp Văn Thạch phổ nhạc từ thơ của thi sĩ Đỗ Trung Quân, giòng nhạc thanh thoát thiết tha, hấp dẫn như chùm khế ngọt ngào gợi chúng ta nhớ làng quê Việt Nam êm đềm bên ruộng lúa, bờ tre, với con sông dài uốn khúc… Những hình ảnh xinh đẹp ấy dễ đi vào tâm hồn người viễn xứ và khơi dậy tình yêu quê hương, một thứ tình cao cả thiêng liêng của mỗi dân tộc.
Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay
Quê hương là con diều biếc
Tuổi thơ con thả trên đồng
Quê hương là con đò nhỏ
Êm đềm khua nước ven sông
….
Dòng nhạc tác động mạnh mẽ tâm trạng nhớ quê của hàng triệu người Việt xa xứ, lời nhạc khéo léo như kêu gọi, mời mọc quyến rũ “khúc ruột ngàn dặm“ trở về quê hương qua hình ảnh quen thuộc, thiết tha của người mẹ Việt Nam, nhưng câu kết thúc của nhạc phẩm “quê hương nếu ai không nhớ… sẽ không lớn nổi thành người“ trơ trẽn, hỗn xược làm người nghe bị hụt hẫng và sự cảm xúc từ giòng nhạc đi vào hư không!
Theo tác giả trả lời Mặc Lâm, phóng viên đài RFA ngày 5-10-2008, câu thơ này không có trong nguyên bản mà đã bị thay đổi thêm bớt khi đăng trên tờ báo “khăn quàng đỏ“ và được phổ nhạc. Sau 1975 văn, nhạc sĩ miền Nam bị giới hạn sáng tác theo cảm xúc của mình, thơ bị cắt bỏ thêm bớt phải viết theo chỉ đạo của đảng. Đời sống người dân nhiều năm qua gánh chịu triền miên nạn hối lộ, tham nhũng, cướp đất, cướp nhà….Thi sĩ Đỗ Trung Quân cùng làn sóng người trí thức và văn nghệ sĩ yêu nước năm 2011 xuống đường tại Sài Gòn chống hành động xâm lược của Tàu chiếm Hoàng sa, Trường sa và ra lệnh cấm đánh cá hàng năm 3 tháng, trái với luật biển quốc tế nhưng nhà cầm quyền CS Việt Nam tỏ ra nhu nhược đồng lõa với kẻ xâm lăng, hành động này gần như bán nước cho ngoại bang. Anh cũng như những người tham gia biểu tình biểu lộ tâm tình yêu nước, bị công an theo dõi canh cửa gác nhà. Thơ của anh không còn là chùm khế ngọt ngào, anh bày tỏ sự bất đồng chính kiến của mình và làm thơ lên án chế độ “Hãy thử sờ lên đầu mình xem… Đã mọc đuôi sam?…“
Nhìn lại Quê Hương nếu chúng ta đến Ải Nam Quan, Bản Giốc, Bãi Tục Lãm, Lão Sơn phải đau lòng vì VN đã mất đi một phần đất lịch sử, CSVN che dấu việc nhượng đất cho Tàu hàng chục ngàn cây số vuông để cầu vinh, bảo vệ quyền lợi của đảng hơn quyền lợi của dân tộc và cúi đầu ca tụng tình hữu nghị Việt-Trung. CSVN xem đất nước này là của riêng, họ đứng trên đầu dân tộc, vơ vét cho tiền đầy túi, điển hình Vinashin thất thoát 5 tỷ USD, Cty cho thuê tài chính ALC II vỡ nợ, nhà máy điện EVN nợ chồng chất, Cty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) thua lỗ trầm trọng, đất nước chúng ta đầy ngập sự giả dối, lường gạt lẫn nhau, vật giá tăng, Việt Nam là 5 nước có tỉ lệ lạm phát cao nhất trên thế giới, thực trạng này sẽ làm gia tăng tỷ lệ nghèo đói, môi sinh hủy hoại, giáo dục xuống cấp, bằng cấp giả mạo lan tràn, văn hóa, đạo đức thoái hóa, đời sống người dân về mặt tinh thần lẫn vật chất ngày càng điêu linh khốn khổ. Trẻ em nghèo không đủ tiền đi học phải đi bán vé số, đánh giày, lao động vất vả… vùng cao nguyên nhiều nơi mùa đông giá lạnh trẻ em không đủ cơm ăn áo mặc, không có cầu qua sông… Nhà nước vay tiền để xây những xa lộ mới mênh mông phô trương sự phồn vinh phú quý, nhiều lâu đài nguy nga lộng lẫy, vũ trường, nhà hàng, khách sạn to lớn, nhiều khu giải trí cờ bạc, sân golf cho nhóm tư bản đỏ là cán bộ hưởng thụ… Dân số VN tăng nhưng bệnh viện công thì không xây dựng phát triển, một giường phải cho 3 bệnh nhân, bệnh viện tư điều trị trên 100€ một ngày chưa tính tiền thuốc, người dân nghèo phải chấp nhận số phận chua xót, đắng cay …
Đời sống nông thôn đã nghèo càng nghèo hơn, nhiều gia đình mất mùa, nợ nần chồng chất phải bán con gái “lấy chồng“ làm nô lệ cho đàn ông Đài Loan, Đại Hàn… Trong khi đó đời sống của giai cấp giàu là những cán bộ, bộ đội từ bưng biền miền Bắc vào Nam sau 30.4.75 chỉ có chiếc balo, đôi dép râu… thường đến chợ trời mua đồng hồ “không người lái“, Radio, xe đạp… nay trở thành những triệu phú đô la, là giới lãnh đạo cai trị miền Nam, họ hưởng đủ tất cả lạc thú trên đời, nhà lầu, xe hơi, rượu ngon, gái đẹp… Họ dùng quyền lực cướp đoạt tài sản, nhà cửa, đất đai, bóc lột sức lao động, tham nhũng hối lộ, buôn người (xuất cảng lao động), bán tài nguyên, rừng, biển… họ cho con du học những đại học đắt tiền nước ngoài, xài sang nhất Á Châu, mua xe loại nổi tiếng thế giới: Mercedes, BMW, Audi, Rolls-Royce, du thuyền, máy bay…
Nhờ thời Tổng thống Bill Clinton ký quyết định bỏ cấm vận Việt Nam (3.2.1994), hai nước Việt-Mỹ bình thường hóa quan hệ, chấm dứt 20 năm căng thẳng sau chiến tranh. Nhà cầm quyền CSVN có cơ hội mở cửa tiếp xúc với thế giới Tây phương, “đổi mới” kinh tế, từ đó được các quốc gia tư bản bỏ tiền vào đầu tư tại VN, đời sống ở thành phố phát triển hơn, hệ thống du lịch mở cửa chào đón du khách. Năm 2011 lượng ngoại tệ do người Việt chuyển về Việt Nam qua các hệ thống ngân hàng đạt mức kỷ lục là 9 tỷ USD, số ngoại tệ nầy tương đương với 8% tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam. Theo tin của hãng Reuters, tháng 12.2011 các nhà tài trợ quốc tế đã cam kết dành cho Việt Nam năm 2012 là 7,4 tỉ USD viện trợ phát triển chính thức của ODA (Official Development Assistance) quỹ tiền tệ quốc tế giúp cho chính phủ các nước chậm tiến để phát triển kinh tế. VN là một trong 5 quốc gia đứng đầu trên thế giới tiếp nhận tiền của ODA và FDI (Foreign Direct Investment) là chương trình ngoại quốc đầu tư trực tiếp vào Việt Nam (đừng quên rằng người ta bỏ tiền ra phải có quyền lợi, không ai cho không biếu không, họ cho tay phải, tay trái lấy lại thứ khác). Theo ước tính của báo kinh tế The Economist, tổng số nợ công của VN vào năm 2010 là 50.7 tỷ USD, chiếm 51.7% GDP. Nợ công tiếp tục tăng trong khi thâm hụt ngân sách luôn ở mức rất cao, nếu nhà nước VN không có khả năng trả nợ thì có thể dẫn đến vỡ nợ như Hy Lạp… Các đời cháu chắt chúng ta phải è lưng ra trả nợ, như tục ngữ “người ăn ốc kẻ đổ vỏ“.
Việt Nam ảnh hưởng Trung cộng du nhập thứ văn hóa tạp lục, phim ảnh Tàu chiếu cả ngày trên truyền hình, dư luận cho rằng theo đà này giới trẻ VN thuộc lịch sử Tàu hơn Việt Nam, điển hình loạt phim Lý Công Uẩn-Đường tới thành Thăng Long, kỷ niệm 1000 Thăng Long, thuộc loại phim lai căn mất gốc, không những sai lệch lịch sử mà có chỗ còn xuyên tạc lịch sử, được dàn dựng tại trường quay Hoành Điếm bên Tàu, đạo diễn, diễn viên phụ, y phục tất cả đều của Tàu ….
Các chất hóa học độc hại làm gia vị thực phẩm, mùi hương nước uống từ Tàu tràn ngập vào Việt Nam từ thành thị tới thôn quê, làm ảnh hưởng sức khoẻ cuả người dân qua nhiều thế hệ, hiện nay nhiều người bị bệnh ung thư… Đây là hành động thâm độc của Tàu, muốn giết dân tộc Việt Nam không cần súng đạn, nhưng nhà cầm quyền Việt Nam không kiểm soát để ngăn chận. Dân trí Việt Nam còn thấp, văn minh không học mà học cái ngu, cái láu cá lường lọc, gian manh của Tàu khi xử dụng hóa chất vào thực phẩm… Thế giới ngao ngán tẩy chay sản phẩm sản xuất “made in China”.
Việt Nam không thiếu nhân tài, nhưng ngành kỹ nghệ không phát triển, những hãng xưởng kỹ nghệ chỉ sản xuất hàng cho các nước Tư Bản. Nhìn lại Nam Hàn trước 1975 có hơn gì miền Nam Việt Nam, những thập niên qua nước họ phát triển mạnh về kỹ nghệ xe hơi, máy móc nổi tiếng khắp thế giới được ưa chuộng. Trong khi Việt Nam vẫn là nước lạc hậu, người ta bỏ nhà máy điện nguyên tử, thì Việt Nam vay mượn Nga 10,5 tỷ USD để xây nhà máy ở Bình Thuận? bài học từ hai nhà máy điện quá đắt cho môi trường thế giới là Tschernobyl và Fukushima, tại sao Việt Nam không nhìn thấy?
Nhà báo trong nước đã viết: “Con Người Việt Nam hôm nay đứng trước nguy cơ sa xuống tầng thấp nhất của nhân cách: từ an phận, ích kỷ, giả dối, hèn nhát, vô cảm đến đểu giả, trơ trẽn, gian ác”. Nhà văn Võ thị Hảo đã viết cho BBC http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2012/02/120211_vn_land_dispute_vothihao.shtml.
Léonid Brejnev (1906-1982) từng tin tưởng cộng sản sẽ toàn thắng khắp nơi trên thế giới, lúc lên nắm quyền năm 1964, năm 1983 phải nói nỗi tuyệt vọng: “Xã hội chủ nghĩa gì mà 1/3 xe chạy ngoài đường là ăn cắp xăng của công, 1/3 bằng cấp là bằng cấp giả, công chức đến sở làm việc là đến để có mặt, sau đó thì đi coi hát hay đi làm việc riêng”. CSVN còn tệ hại hơn nữa.
Thiên đường cộng sản đã sụp đổ, Tổng bí thư CS Liên Bang Xô Viết ông Mikhail Gorbachev giải tán đảng CS tháng 12.1991, ông đã khuyến cáo tại Đông Berlin (7.10.1989) “Wer zu spaet kommt, den bestraft das Leben (kẻ nào chậm trễ sẽ bị đền mạng). Những ai còn mê ngủ theo chủ nghiã CS độc tài sẽ bị bánh xe lịch sử nghiền nát.
Nhìn lại Việt Nam có đổi mới, phát triển nhờ nhận tiền viện trợ, nhưng vẫn theo chủ nghiã CS, cánh cửa tự do, nhân quyền khép kín, nhà tù được mở rộng cho những người yêu nước, bất đồng chính kiến phản đối nhà cầm quyền, họ biến người dân thành con ngựa bị bịt mắt kéo xe. Người dân VN ngày nay không còn tin vào nhà nước, họ sống trong âm thầm chịu đựng, nhưng không thể tránh được sự đè nén qúa mức phải tự vệ, phản kháng mạnh như vụ Tiên Lãng, gây ra sự bất bình và phẫn nộ trong nhân dân, dư luận ồn ào trong và ngoài nước làm nhà cầm quyền CSVN đau đầu và run sợ.
Thế hệ chúng ta từng sống gắn bó với quê nhà một thời chinh chiến, đổ máu xương để bảo vệ bờ cõi tiền nhân để lại, dù ở bất cứ nơi nào trên thế giới nhưng tâm hồn luôn hướng về quê hương, không bao giờ quên những năm tháng cơ cực tù đày. Cuộc đổi đời đầy khổ lụy, là người Việt Nam nhưng không có quyền của một công dân trên đất nước mình, dù lúc đó đã chấm dứt chiến tranh khói lửa nhưng chúng ta phải rời bỏ quê hương qua bao gian nan, vượt biển, vượt rừng đi tìm tự do bất chấp phong ba bảo táp, hải tặc hãm hiếp. Tiếp theo các chương trình O.D.P. (Ordely Departure Program), H.O. (Humanitarian Operation), làn sóng người lao động trả nợ chiến tranh xin tỵ nạn từ các nước Đông Âu, khi thiên đường cộng sản quốc tế sụp đổ.
Người Việt hải ngoại hướng về Việt Nam luôn đấu tranh cho chủ quyền, và sự nguy cơ của dân tộc đã và đang bị cai trị dưới chế độ độc tài CS, đàn áp tôn giáo, tự do và nhân quyền không được tôn trọng. Phong trào của Văn Nghệ sĩ hải ngoại sáng tác nhạc thổi bùng ngọn lửa đấu tranh cùng toàn dân trong nước chống chủ trương bành trướng của Trung cộng để Việt Nam sớm thoát cảnh đọa đày, không bị Hán hóa làm nô lệ. TT Asia ra DVD Hùng ca sử Việt, câu lạc bộ Tình nghệ sĩ của nhà văn Trần Việt Hải (Los), nha sĩ, nhạc sĩ Cao Minh Hưng sáng tác nhạc phẩm Vùng lên cứu nước, Nhóm Hưng ca VN với nhạc sĩ Việt Dzũng, Nguyệt Ánh, Huỳnh Lương Thiện, Trương Sĩ Lương, Xuân Nghĩa, Tuấn Minh, Tuyết Mai, Lưu Xuân Bảo…. phát hành CD 10 ca khúc Xuống Đường … khơi động mạnh mẽ tinh thần đấu tranh của đồng bào trong và ngoài nước.…. Nhạc sĩ kiêm ca sĩ Hoàng Hoa (Italy) và thi sĩ Lê Trân đã góp ca khúc Tổ Quốc Bên Trời; NS Trúc Hồ Bước chân Việt Nam, Con đường Việt Nam và Một ngày Việt Nam, Thiên thần trong bóng tối, Đáp lời sông núi; NS lão thành Anh Bằng: Đừng im tiếng, Cả nước đấu tranh, Phải lên Tiếng, anh Nguyễn Văn Nghệ (Munich) với nhạc phẩm Việt Nam – Tiếng gọi quê hương tôi v v…
Cao trào đòi hỏi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phải trả tự do cho tất cả tù nhân chính trị và tôn giáo. Ngọn lửa đấu tranh cho công lý đang đốt cháy bạo quyền CS, may mắn cho dân tộc VN thế hệ trẻ dù sinh sau năm 1975 còn có nhân cách, yêu quê hương cùng xuống đường một cách ôn hòa để phản đối Trung cộng xâm lược biển đảo Việt Nam. Nhạc ca sĩ Việt Khang uất hận nghẹn ngào trước cảnh người dân sống nghèo nàn, khổ cực đoạ đày và bị hiếp đáp, anh sáng tác theo sự xúc cảm của tâm hồn, nặng tình đất nước với nỗi đau của một công dân Việt Nam. “Việt Nam Tôi Đâu?”:
Việt nam ơi, thời gian qúa nửa đời người
Và ta đã tỏ tường rồi
Ôi cuộc đời ngày sau tàn lửa khói
Mẹ Việt Nam đau từng cơn xót dạ nhìn đời
….…
Tôi không thể ngồi yên
Để đời sau cháu con tôi làm người
Cội nguồn ở đâu?
Khi thế giới nay đã không còn Việt Nam….
Và ta đã tỏ tường rồi
Ôi cuộc đời ngày sau tàn lửa khói
Mẹ Việt Nam đau từng cơn xót dạ nhìn đời
….…
Tôi không thể ngồi yên
Để đời sau cháu con tôi làm người
Cội nguồn ở đâu?
Khi thế giới nay đã không còn Việt Nam….
Nhạc phẩm “Việt nam Tôi Đâu?” đi vào lòng người từ quốc nội bùng cháy lan tràn ra hải ngoại được các cơ quan truyền thông, giới văn nghệ sĩ hưởng ứng phổ biến vinh danh và ủng hộ lòng yêu nước của giới trẻ trong nước. Phong trào biểu tình chống Tàu ở Hà Nội, Sài Gòn bị công an đàn áp đánh đập, anh tiếp tục sáng tác nhạc phẩm thứ hai “Anh là Ai?”
Xin hỏi anh là ai – sao bắt tôi, tôi làm điều gì sai?
Xin hỏi anh là ai – Sao đánh tôi chẳng một chút nương tay
Xin hỏi anh là ai – Sao không cho tôi xuống đường tỏ bày
Tình yêu quê hương này, dân tộc này, đã quý nhiều đắng cay…
Xin hỏi anh ở đâu – ngăn bước tôi chống giặc Tàu ngoại xâm
Xin hỏi anh ở đâu – Sao mắng tôi bằng giọng nói dân tôi
Dân tộc anh ở đâu – Sao đang tâm làm tay sai cho Tàu?
Để ngàn năm ghi dấu bàn tay nào nhuộm đầy máu đồng bào….
Xin hỏi anh là ai – Sao đánh tôi chẳng một chút nương tay
Xin hỏi anh là ai – Sao không cho tôi xuống đường tỏ bày
Tình yêu quê hương này, dân tộc này, đã quý nhiều đắng cay…
Xin hỏi anh ở đâu – ngăn bước tôi chống giặc Tàu ngoại xâm
Xin hỏi anh ở đâu – Sao mắng tôi bằng giọng nói dân tôi
Dân tộc anh ở đâu – Sao đang tâm làm tay sai cho Tàu?
Để ngàn năm ghi dấu bàn tay nào nhuộm đầy máu đồng bào….
Hai nhạc phẩm của Việt Khang thành công rực rỡ đi vào lịch sử dòng nhạc dân tộc, làm rung động hàng triệu con tim trong và ngoài nước, giọng hát anh hấp dẫn nồng nàn, tiếng nhạc du dương, một thứ âm điệu nhẹ nhàng, thiết tha mà truyền cảm, là tiếng rên xiết, gào thét của hàng triệu người con nước Việt trước thảm hoạ mất nước, thôi thúc lòng người phải nghĩ tới trách nhiệm đối với quê hương. Lời nhạc không mang tính hằn học, hận thù mà lịch sự xin hỏi những người lãnh lương từ thuế của dân, sao không bảo vệ dân mà đàn áp biểu tình chống ngoại xâm, anh là ai? sao không biết cội nguồn, nhẫn tâm đánh, đạp vào mặt người biểu tình. Người Việt tỵ nạn CS ở Đức, Mỹ, Úc, Canada, Pháp biểu tình trước các tòa Đại sứ, Lãnh sự quán Trung cộng lên án hành động xâm lược với cái luỡi bò liếm hết biển Đông. Những người yêu nước từ Hà Nội đến Sài Gòn đã xuống đường ôn hòa, bày tỏ thái độ chống quân xâm lược, thay vì giới lãnh đạo VN có trách nhiệm trước tiền đồ quê hương dân tộc phải ủng hộ lòng yêu nước, họ đã dùng quyền lực giải tán bóp chết quyền tự do của người công dân đã quy định trong Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền.
Trung Tâm ca nhạc Asia đài SBTN, nhạc sĩ người Pháp Antoine Figali dịch ra tiếng Anh, Pháp, giới Nghệ Sĩ Hoa Kỳ ở Hollywood cũng lên tiếng ủng hộ đòi hỏi tự do dân chủ và kêu gọi VN trả tự do cho Việt Khang.
Là một người dân Việt Nam, có truyền thống từ hàng ngàn năm chống giặc, mong ước chúng ta hãy cùng nhau đứng lên như NS. Trúc Hồ kêu gọi đáp lời sông núi, Việt Khang can đảm đem nhạc và tiếng hát của mình để phục vụ cho quê hương, dân tộc, anh không run sợ trước bản án tù đày dù trên một đất nước chỉ có bạo lực cai trị, kìm hãm tự do. Việt Khang bị nhà cầm quyền VN bắt bỏ tù cuối năm 2011, nhưng họ thất bại không thể bỏ tù lý tưởng của anh và những người yêu nước thuộc mọi tầng lớp chống lại nhà cầm quyền bằng tiếng nói của lương tâm, như cụ Phan Châu Trinh đã nói:
Một dân tộc nào có người tù về quốc sự như thế thì dân tộc ấy càng thêm vẻ vang. Một dân tộc không có người ở tù về quốc sự thì cái dân tộc ấy là khối dân tộc vô hồn thôi.
Hy vọng với ảnh hưởng tốt của các phong trào nổi dậy: “Cách mạng hoa lài- Mùa Xuân Ả Rập“ từ Tunisia, Ai Cập, Lybia… dân tộc Việt Nam sẽ sớm thoát cảnh đọa đày, đón nhận ánh sáng Tự do, Dân chủ để quang phục Quê Hương.
Munich đầu năm Nhâm Thìn 2012
Nguyễn Quý Đại.
Tài liệu tham khảo và hình trên Internet
.
.
.
No comments:
Post a Comment