Monday, February 20, 2012

NHÌN LẠI CHỦ NGHĨA MÁC - LÊNIN (Nguyễn Gia Kiểng)



Nguyễn Gia Kiểng
Thứ hai, 20 Tháng 2 2012 03:45

Tháng 2 này Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) kỷ niệm 82 năm thành lập, đây là dịp để nhìn lại một cách tổng quát và dứt khoát chủ nghĩa Mác-Lênin, một chủ nghĩa mà trong suốt quá trình thành lập, đấu tranh và cầm quyền ĐCSVN đã lấy làm tư tưởng nền tảng và đã có hậu quả to lớn đối với nước ta. Đây là một việc làm cần thiết vì quần chúng Việt Nam vẫn còn thiếu một cái nhìn ngắn gọn về một chủ nghĩa đã và đang tác động lớn lên cuộc sống và tương lai của họ. Mặt khác viết về chủ nghĩa Mác-Lênin trong một bài báo là điều có thể làm được trong lúc này bởi vì cuộc tranh luận về chủ nghĩa này đã chấm dứt và đã có kết luận; viết về nó không khác lật lại một trang sử. Một lý do khác là, trái với nhận định lạc quan của một số người, Việt Nam chưa thực sự bước vào giai đoạn hậu cộng sản, ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin, hay đúng hơn gánh nặng của nó trên đất nước ta, vẫn còn rất lớn.

Marx và chủ nghĩa Marx

Karl Marx sinh năm 1818 tại Trier (Đức) trong một gia đình giáo sĩ Do Thái từ nhiều đời nhưng thân phụ ông đã bỏ đạo Do Thái để theo đạo Tin Lành. Nguồn gốc và thời đại đã có ảnh hưởng lớn trên ông. Từ dòng dõi giáo sĩ Do Thái Marx thừa hưởng tâm lý tiên tri, quả quyết và giáo điều thể hiện rất rõ trong các tác phẩm của ông. Chủ trương xây dựng một thiên đường ngay trong cuộc đời này và trên mặt đất này, bằng bạo lực nếu cần, cũng không khác niềm tin của đạo Do Thái trong kinh Torah (Cựu Ước). Marx cũng trưởng thành cùng với sự hình thành của nước Đức. Khi Marx sinh ra trên lãnh thổ nước Đức hiện nay có hơn hai trăm vương quốc tự trị, nhiều khi xung đột với nhau. Nước Đức đã thống nhất và trở thành cường quốc mạnh nhất Châu Âu trong vòng một nửa thế kỷ. Lúc đó Châu Âu vẫn còn bàng hoàng vì cuộc cách mạng Pháp 1789 và những cuộc chiến khốc liệt do Napoléon gây ra. Pháp, cường quốc số 1 Châu Âu trong thế kỷ trước, đã tan hoang và kiệt quệ sau Cách Mạng 1789 và những cuộc chiến của Napoléon để trở thành vùng đất của những bạo loạn, với những cao điểm là Cách Mạng 1830, Cách Mạng 1848 và Công Xã Paris 1871. Song song với những đảo lộn chính trị ồ ạt và đẫm máu đó, cuộc cách mạng kỹ nghệ, thành quả của những tiến bộ khoa học dồn dập từ thế kỷ trước, vẫn tiếp tục tràn tới làm thay đổi đột ngột cách suy nghĩ, nếp sống và tổ chức xã hội. Chưa hết, thế kỷ 19 cũng là thế kỷ đầy bão táp về mặt tư tưởng, đặc biệt là tư tưởng chính trị. Các ý kiến không sâu sắc như trong thế kỷ 18 được - coi là thế kỷ ánh sáng với sự bùng phát của khoa học và triết học - nhưng các cuộc thảo luận sôi nổi hơn nhiều. Chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa kinh tế tự do, chủ nghĩa phúc lợi, chủ nghĩa xã hội, tư hữu, bóc lột, cách mạng v.v. là những đề tài tranh cãi gay cấn trong mọi cuộc gặp gỡ của trí thức. Càng gay cấn vì tuy khác nhau, thậm chí đối nghịch nhau, trên những chọn lựa nhưng hầu như mọi trí thức lúc đó đều theo chủ nghĩa nhất nguyên, nghĩa là cho rằng chân lý chỉ có một, và dĩ nhiên ai cũng tin là mình có chân lý. Tóm lại thế kỷ 19 trong đó Marx sinh sống, là một thế kỷ cuồng loạn về mọi mặt. Một giai đoạn nguy hiểm. Quá nhiều đảo lộn cực mạnh xảy ra trong một thời gian quá ngắn. Và Marx ở ngay giữa cơn bão này bởi vì từ thế kỷ 18 Đức trở thành trung tâm của hai phong trào tư tưởng mạnh xuất phát từ Pháp: phong trào thuần lý và phong trào lãng mạn. Phong trào thuần lý, chủ yếu do ảnh hưởng của các phát minh khoa học, tin rằng chỉ có những gì thuần lý mới có giá trị. Phong trào lãng mạn chủ trương phải cởi bỏ tất cả mọi ràng buộc để tìm cảm giác cực mạnh. Hai phong trào này giống nhau ở chỗ chúng đều không dành cho các giá trị đạo đức một tầm quan trọng nào. Không khí cuồng loạn đó không thích hợp cho những suy nghĩ chín chắn và thận trọng. Không thể bỏ qua bối cảnh sôi động này nếu muốn hiểu Marx.

Trái với một nhận định đã thời thượng trong một giai đoạn Marx không phải là một triết gia đúng nghĩa, dù là một nhà tuyên truyền và bút chiến thiên tài. Marx học triết và được cả một trường đaị học - mà ông không theo học - tặng bằng tiến sĩ triết khi mới ngoài hai mươi tuổi, nhưng không vì thế mà ông là một triết gia. Các triết gia không đồng ý về một định nghĩa chính xác của triết nhưng họ đều coi triết là một cố gắng tìm sự hiểu biết xâu xa và chính xác ở mức độ tối đa có thể đạt tới. Bertrand Russell ví triết như một vùng trái độn giữa khoa học và thần học; nó không thể trái ngược với khoa học để có sự chính xác, nhưng nó cũng phải dám phiêu lưu vào những gì mà khoa học không thể hoặc chưa thể giải thích. Chính vì sự phiêu lưu này mà một triết gia, một mặt, phải nắm vững những hiểu biết khoa học đã đạt được và, mặt khác, phải rất thận trọng trong lý luận.

Trong những bộ môn của triết, tri thức học là phần quan trọng nhất, nó có mục đích chất vấn những gì mà chúng ta biết hoặc tin để xem chúng ta có thể tin tới mức độ nào. Những xác quyết hồ đồ - như Marx luôn luôn làm - là điều tối kỵ đối với triết. Không phải ai học triết cũng là triết gia. Bằng cấp, kể cả bằng tiến sĩ, chỉ chứng nhận một căn bản để từ đó học hỏi thêm; điều quan trọng là những gì mình học được sau đó. Trong trường hợp của Marx bản tính hiếu động cũng như bối cảnh xô bồ của thời đại không thúc đẩy ông học hỏi thêm. Vả lại dù học triết nhưng Marx không thích triết. Ông viết trong cuốn Luận Án về Feuerbach, cuốn sách có thể coi là tác phẩm về triết duy nhất của ông: "các triết lý chỉ cố hiểu thế giới trong khi vấn đề là phải thay đổi nó". Câu này chứng tỏ Marx không những không thích triết mà còn phản triết. Tại sao phải thay đổi thế giới? Thay đổi cái gì và để đạt tới kết quả nào? Và làm sao có thể thay đổi được một cái gì nếu không hiểu nó? Sau cuốn sách nhỏ này, viết năm 1845 nhưng chỉ phổ biến hạn chế, nhiều nhân chứng cho biết Marx đã bỏ hẳn môn triết để dành trọn thời giờ và cố gắng cho tuyên truyền và hành động; ông chỉ quan tâm trở lại tới triết rất lâu sau đó khi đọc lại Hegel để soạn thảo cuốn Tư Bản Luận.

Marx đã viết rất nhiều hầu như trên tất cả mọi chủ đề trừ khoa học thuần túy nhưng không bao giờ tập trung vào chủ đề nào cả. Ông viết nhiều nhất trong thập niên 1840, khi chưa đầy 30 tuổi. Sau đó từ năm 1849, ông sang Anh và sống rất cơ cực. Ông đã phải viết hàng ngàn bài báo cho tờ báo Mỹ New York Tribune vì "lý do thực phẩm" theo chính lời ông. Dầu vậy Marx đã rất túng thiếu, ba trong sáu đứa con của ông đã chết vì thiếu ăn; Marx và phần còn lại của gia đình đã chỉ sống sót nhờ sự giúp đỡ của người bạn trung thành Engels. Chỉ từ 1869 trở đi, khi Engels được thừa hưởng gia tài vì thân phụ qua đời và có thể trợ cấp đều đặn cho ông 350 đồng bảng Anh mỗi năm, Marx mới tạm thoải mái. Tình trạng đau thương này không cho phép Marx học hỏi thêm và cũng không cho phép ông suy nghĩ và viết một cách bình thường. Hơn thế Marx còn phải rất chật vật để khảo cứu về kinh tế, một bộ môn mà ông hoàn toàn không biết gì và cũng không có căn bản để học hỏi một cách nghiêm chỉnh, trong khi soạn thảo cuốn Tư Bản Luận, tác phẩm công phu nhất của ông mà theo chính lời ông để viết ra ông đã phải "hy sinh cuộc sống, hạnh phúc và gia đình". Ngoài ra do bản tính hiếu thắng Marx cũng mất rất nhiều thì giờ để viết những lá thư tranh cãi vô bổ với những người phê phán hoặc không đồng ý với ông. Một số những thư từ này về sau cũng được sưu tập lại và xuất bản. Cũng nên đặt câu hỏi tại sao Marx lại có thể cô đơn và khổ cực đến thế mặc dù đã rất nổi tiếng? Rất có thể là do bản tính kiêu căng ông không có bạn, nhưng cũng có thể là ít người thực sự quí mến ông.

Các tác phẩm của Marx thường là những cuốn sách ngắn, trừ ngoại lệ là cuốn Tư Bản Luận. Ông viết rất nhiều bài báo. Phần lớn, nếu không muốn nói là tất cả những gì Marx viết và nhắc lại đều mang tính bút chiến và xác quyết nhưng rất ít lý luận. Có lẽ do nguồn gốc gia đình giáo sĩ Do Thái của Marx mà chúng đều có giọng điệu phán quyết và tiên tri. Những tác phẩm được liệt kê nhiều nhất là Luận Án Về Feuerbach (1845), Tuyên Ngôn Cộng Sản (1847), Đấu Tranh Giai Cấp Tại Pháp (1850), Ngày 18 Brumaire (1850), Phê Bình Kinh Tế Chính Trị (1859), Nội Chiến tại Pháp (1871), Phê Bình Cương Lĩnh Gotha (1875) và dĩ nhiên Tư Bản Luận (chỉ quyển I được in trong lúc Marx còn sống năm 1867). Ngoài ra Marx cũng tham gia vào hai tác phẩm của Engels, Ý Thức Hệ Đức (1846) và Chống Dürhing (1878). Như trên đã nói trừ cuốn Tư Bản Luận tất cả những tác phẩm của Marx đều là những cuốn sách ngắn rất ít giá trị lý luận và khảo cứu, có mục đích tranh luận và hô hào. Marx chủ yếu viết các bài báo. Những ý kiến của Marx được lặp lại nhiều lần một cách tản mác trong các tác phẩm chứ không được tập trung và đào sâu trong trong một cuốn sách nào. Tất cả những ý kiến của Marx có thể tìm thấy trong cuốn Tư Bản Luận.
Marx đã viết những gì?

Những tư tưởng chính của Marx có thể gom lại trong bốn chủ đề:

1/ Một phần được coi là triết lý gồm lý luận biện chứng mà Marx lấy lại của Hegel nhưng ứng dụng vào chủ nghĩa duy vật thành Duy Vật Biện Chứng (dialectic materialism) và sau đó ứng dụng vào lịch sử thành Duy Vật Sử Quan (materialistic conception of history).

2/ Một lý thuyết về kinh tế chính trị trong đó cốt lõi là lý thuyết giá trị và thặng dư giá trị được trình bày trong Tư Bản Luận.

3/ Một lý thuyết về nhà nước và cách mạng được lặp lại nhiều lần đặc biệt là trong Tuyên Ngôn Cộng SảnTư Bản Luận nhưng không bao giờ được đào sâu.

4/ Quan trong hơn là quan điểm của Marx về đạo đức được phát biểu nhiều lần một cách rất quả quyết dù không biện luận.

Vào lúc này, khi mọi tranh luận nghiêm chỉnh về Marx đã chấm dứt ta có thể nói ngắn gọn hai điều. Một là những gì Marx đã nói đều không có giá trị lý luận bởi vì Marx chỉ xác quyết chứ không chứng minh gì cả. Hai là tất cả đã được các nhà lý luận nghiêm chỉnh, và sau đó thực tế, chứng minh là sai và độc hại. Tuy vậy cũng không phải là vô ích nếu ta nhìn lại một cách ngắn gọn một lần chót nền tảng tư tưởng của Marx và của phong trào cộng sản thế giới.

Một nghịch lý đầu tiên cần được đặc biệt chú ý là thứ tự thời gian của hai tác phẩm nổi tiếng nhất của Marx, Tuyên Ngôn Cộng SảnTư Bản Luận. Tuyên Ngôn Cộng Sản là tín điều của chủ nghĩa cộng sản; nó khẳng định chủ nghĩa tư bản nhất định sẽ tiêu vong nhưng không nói tại sao. Tư Bản Luận có mục đích chứng minh niềm tin này. Tuy vậy Tuyên Ngôn Cộng Sản lại có trước Tư Bản Luận gần hai mươi năm. Như vậy là kết luận có trước lý luận. Đây là một cung cách mà không một người tỉnh táo nào có thể tự cho phép, chưa nói một nhà tư tưởng. Kết luận khi chưa lý luận chỉ có thể là kết luận theo cảm tính hoặc kết luận một cách gian trá và có mọi triển vọng là sai; lý luận với mục đích biện hộ cho một kết luận đã có sẵn chỉ có thể là ngụy biện. Chỉ riêng một điểm này thôi cũng đủ khiến chủ nghĩa Marx đáng bị bác bỏ.

Chính Marx đã là nạn nhân đầu tiên của nghịch lý này. Tuyên Ngôn Cộng Sản khẳng định chủ nghĩa tư bản sẽ bị đào thải như một tất yếu (nghĩa là một điều chắc chắn sẽ đến), và Marx cam kết sẽ chứng minh một cách khoa học. Mọi người chờ đợi và Marx đã phải vật vã trong hai mươi năm để viết Tư Bản Luận cố chứng minh một điều không thể chứng minh được vì không đúng. Khi cuốn Tư Bản Luận được phát hành sau một thời gian chờ đợi dài nó đã là một thất vọng lớn. Nó quanh co, dài dòng, nhàm chán và không chứng minh được gì cả. Đọc nó là một cực hình, nó là cuốn sách của một người viết về một vấn đề mà mình không biết gì. Đã chỉ có quyển I được in ra bằng tiếng Đức khi Marx còn sống, năm 1867. Bản tiếng Anh phải đợi đến 19 năm sau, năm 1886, nghĩa là ba năm sau khi Marx qua đời. Các quyển II và III chỉ được in ra năm 1885 và 1894. Người ta có thể hình dung sự thất bại bi đát của cuốn sách. Trên thực tế nó đánh một dấu chấm hết trên sự nghiệp của Marx như một lý thuyết gia.

Marx đã lấy lại lý luận về giá trị mà David Ricardo đưa ra hồi đầu thế kỷ 19 nhưng thêm vào đó những suy luận mông lung. Kinh tế đối với Marx chỉ là sản xuất, và sản xuất chỉ là sản xuất hàng hóa; hình ảnh xí nghiệp của Marx chỉ là xí nghiệp của một chủ nhân quyết định hoàn toàn theo ý muốn, Marx không hề biết đến các công ty cổ phần, thị trường, tiền tệ, tín dụng, luật lao động, luật thương mại v.v. dù những khái niệm này đã khá phổ biến vào thời đại của ông. Ông lý luận một cách quanh co, pha trộn kinh tế với xã hội học, tâm lý học, lịch sử, triết học, rồi kết luận gượng gạo rằng sẽ có tích lũy và tập trung tư bản, giai cấp lao động sẽ bị bần cùng hóa và sẽ nổi dậy đánh đổ chế độ tư bản. Điều rất mỉa mai là cuốn sách đã ra đời sau khi thực tế đã rõ ràng là trái ngược với những gì Marx tiên đoán. Số lượng các xí nghiệp tăng lên nhiều thay vì nhỏ lại, giai cấp lao động sống thoải mái hơn nhiều thay vì bị bần cùng hóa.

Qui luật biện chứng của Hegel tự nó đã sai. Theo Hegel mọi sự trong vũ trụ biến chuyển theo một qui luật được gọi là "biện chứng" qui định bởi một Lý Trí Tuyệt Đối huyền bí không khác các thượng đế của các tôn giáo, nhưng thuần lý. Qui luật biện chứng như sau: bất cứ thực thể nào, dù là sự vật hay ý kiến, mà ta lấy làm điểm khởi hành của lý luận hay quan sát (và gọi là tiền đề) cũng có một sự phản bác (gọi là phản đề), sự mâu thuẫn giữa đôi bên cuối cùng dẫn tới kết quả là một tổng hợp thuần lý hơn thay thế cả tiền đề lẫn phản đề. Tổng hợp sau đó lại là khởi điểm cho cho một biện chứng khác, nghĩa là một tiền đề mới, và tiến trình biện chứng cứ thế mà tiếp tục, mỗi bước là một tiến bộ nghĩa là dẫn tới một tình trạng hợp lý hơn. Vì thế theo Hegel tất cả những gì hiện hữu đều hợp lý và ngược lại tất cả những gì hợp lý đều sẽ thể hiện. Áp dụng vào lịch sử Hegel cho rằng lịch sử là sự xung đột giữa các quốc gia, mỗi quốc gia - tiền đề - đều có một quốc gia đối nghịch - phản đề -, mâu thuẫn giữa hai quốc gia dẫn tới kết quả là sự thống nhất thành một quốc gia mới. Quốc gia mới này, bao gồm những ưu điểm của cả hai. Đến lượt nó lại gặp mâu thuẫn v.v. Hegel trình bày hệ thống tư tưởng của mình một cách phức tạp đến nỗi nhiều người không thể hiểu và không dám kết luận là nó sai.

Nhưng nó có mọi lý do để sai. Trước hết Lý Trí Tuyệt Đối chỉ là một giả thuyết không khác thượng đế của các tôn giáo và cùng lắm chỉ có thể kiểm chứng chứ không thể chứng minh, nhưng thực tế lại không kiểm chứng những gì Hegel nói. Cho đến nay tất cả các phát minh lớn làm thay đổi lịch sử nhân loại không diễn ra vì các nhà bác học đã lý luận theo biện chứng của Hegel, các cuộc xung đột giữa các quốc gia trong tuyệt đại đa số cũng không dẫn tới sự thống nhất trong một quốc gia mới văn minh hơn và hợp lý hơn. Lý thuyết biện chứng của Hegel cũng chỉ là một lý luận cổ điển coi trái đất là trung tâm và phần quan trọng nhất của vũ trụ trong khi khoa học đã chứng minh ngay trong sinh thời của Hegel rằng nó chỉ là một phần vô cùng nhỏ trong một vũ trụ vô cùng lớn. Vả lại lý luận của Hegel đàng nào cũng không thể chấp nhận được vì Hegel không hề định nghĩa những tiêu chuẩn phải có để một cái gì đó được coi là phản đề hay tổng hợp, như vậy qui luật biện chứng có thể được vận dụng một cách rất tùy tiện.

Marx đã chấp nhận biện chứng của Hegel (và do đó đảm nhiệm mọi sai lầm của Hegel) vì nó được trình bày như một qui luật tất yếu, điều mà ông đang cần để chứng minh tính tất yếu của sự đào thải của xã hội tư bản, nhường chỗ cho xã hội cộng sản. Tuy vậy Marx vận dụng biện chứng của Hegel một cách khác, thành Duy Vật Biện Chứng rồi Duy Vật Sử Quan. Duy Vật Biện chứng là biện chứng của Hegel nhưng có nguyên nhân không phải từ một Trí Tuệ Tuyệt Đối mà từ chính vật chất. Khái niệm duy vật (materialism) xuất hiện trong câu hỏi căn bản của môn tri thức học "cái gì có thực để làm khởi điểm cho sự chắc chắn của sự hiểu biết của chúng ta?" Đồng thời nó cũng hiện diện trong cuộc tranh cãi về siêu hình học xem hồn hay xác quan trọng hơn. Có hai cách trả lời khác nhau. Trường phái duy tâm (idealism) cho rằng chỉ có ý kiến là có thực trong khi trường phái duy vật cho rằng chỉ có vật chất là có thực. Người ta đã có thể chất vấn Hegel rằng Lý Trí Tuyệt Đối tại sao và do đâu mà có, nhưng người ta lại càng khó chấp nhận khẳng định không chứng minh của Marx, theo đó tất cả trong vũ trụ này đều do vật chất qui định. Marx có thể nghĩ là ý kiến của ông độc đáo nhưng về bản chất nó không khác niềm tin của những người thổ dân ở trung tâm nước Úc thờ tảng đá Uluru như một thần linh. Marx còn liều lĩnh hơn hẳn Hegel. Hegel chỉ dùng biện chứng để giải thích quá khứ (và biện minh cho sự thống nhất nước Đức) trong khi Marx còn dùng biện chứng để tiên liệu tương lai một cách chắc nịch. Về lịch sử, khác với Hegel nhưng cũng tùy tiện như Hegel, Marx coi động cơ của lịch sử là sự xung đột giữa các giai cấp, mặc dù Marx chưa bao giờ định nghĩa rõ ràng thế nào là một giai cấp. Theo Marx chính những xung đột giai cấp này đã khiến xã hội loài người tiến hóa qua các giai đoạn cộng sản nguyên thủy, nô lệ, phong kiến, tư bản, và sắp tới cộng sản. Marx còn thêm thắt những xác quyết khác – cũng không chứng minh như thường lệ - , như sự hiểu biết về một vật thể là một hành động có tác dụng làm thay đổi vật thể đó, để tự phân biệt với Hegel. Rõ ràng là Marx cũng không tha thiết gì với biện chứng của Hegel mà chỉ chấp nhận nó vì hai đặc tính phù hợp với cuộc cách mạng vô sản mà ông hô hào: một là nó là một lý thuyết tiền định (determinist) và do đó có thể sử dụng để chứng minh sự tất thắng của cuộc cách mạng này, hai là nó thuần lý và do đó cho phép biện luận một cách có vẻ khoa học và chính xác. Trên thực tế biện chứng của Marx còn cho phép lý luận một cách tùy tiện hơn cả biện chứng của Hegel vì nó không những giải thích quá khứ, một điều ta có thể ít nhiều quan sát, mà còn tiên liệu cả tương lai. Một thí dụ : bộ máy tuyên truyền của đảng cộng sản Liên Xô lý luận biện chứng như sau: 1/kinh tế phải được lãnh đạo tập trung để có hiệu quả (tiền đề); 2/nhưng khái niệm công nhân làm chủ xí nghiệp đòi hỏi tản quyền (phản đề); 3/giải pháp là nhà nước Xô Viết (tổng hợp). Cách lý luận "biện chứng" này cho phép những người không cần có một trình độ lý luận và kiến thức nào nói bất cứ gì sau một thời gian huấn luyện ngắn về biện chứng. Nó đã là nguyên nhân của niềm tin nền tảng của các chế độ cộng sản rằng những người vô học cũng có thể lý luận và giữ những vai trò lãnh đạo.

Quan điểm về nhà nước và cách mạng của Marx có thể tóm tắt như sau: nhà nước và luật pháp chỉ là dụng cụ đàn áp của giai cấp cầm quyền. Trong giai đoạn hiện nay (nghĩa là giữa thế kỷ 19) giai cấp cầm quyền là giai tư sản cho nên chính quyền và luật pháp chỉ là những dụng cụ của giai cấp tư sản để thống trị và bóc lột giai cấp lao động vô sản. Giai cấp vô sản chỉ có một chọn lựa là vùng dậy đánh đổ giai cấp tư sản bằng mọi phương tiện, kể cả và nhất là bằng bạo lực. Marx không giải thích tại sao phải dùng bạo lực để đạt một mục tiêu đàng nào cũng đến nếu sự thay thế xã hội tư bản bằng một xã hội cộng sản là điều tất yếu theo duy vật lịch sử. Theo Marx, vì chỉ có vai trò dụng cụ đàn áp của giai cấp thống trị nên nhà nước không còn lý do tồn tại trong xã hội cộng sản không giai cấp sắp đến, và do đó sẽ tàn lụi đi. Tuy vậy để tiến từ xã hội tư bản sang xã hội cộng sản sẽ cần một giai đoạn chuyên chính vô sản trong đó nhà nước vẫn còn được duy trì như là dụng cụ của giai cấp vô sản để tiêu diệt hẳn chế độ tư bản và xây dựng xã hội cộng sản. Đối với Marx giai cấp vô sản chủ yếu là giai cấp công nhân; cuộc cách mạng vô sản chủ yếu là cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân cho nên nó chỉ có thể thành công khi chủ nghĩa tư bản đã phát triển đầy đủ để tạo ra một giai cấp công nhân đông đảo.

Quan điểm coi nhà nước và luật pháp như là những dụng cụ đàn áp và bóc lột của giai cấp thống trị là một quan điểm đen tối và rất chủ quan của riêng Marx bởi vì ngay trong thời đại của Marx và trước đó phần lớn các nhà tư tưởng nghĩ khác hẳn. Họ coi chính quyền là phương tiện để đảm bảo an ninh và công lý – nghĩa là chống bóc lột - và đem lại hạnh phúc cho người dân. Họ cũng quan niệm luật pháp là sự thể hiện trong xã hội những giá trị đạo đức và nhân bản.

Thực tế đã phủ nhận hoàn toàn lập trường của Marx. Cuộc cách mạng cộng sản đã không thành công trong các nước tư bản phát triển như Marx tiên liệu, trái lại chế độ tư bản càng phát triển thì nhu cầu làm cách mạng để lật đổ nó càng giảm. Các đảng cộng sản đã chỉ giành được chính quyền tại các nước nông nghiệp lạc hậu, như Nga và Trung Quốc; các chế độ cộng sản được thành lập cũng không phải là một bước tiến về xã hội cộng sản mà đều biến chất và tàn lụi đi. Chỉ có một điều đúng với quan niệm về nhà nước của Marx là trong các chế độ đó chính quyền và luật pháp đã quả nhiên là những dụng cụ đàn áp, nhưng đó là vì họ theo quan điểm của Marx chứ không phải vì một tất yếu lịch sử nào cả.

Điều độc hại nhất trong tư tưởng chính trị của Marx là sự phủ nhận hoàn toàn các giá trị đạo đức và tình cảm. Marx, và sau đó sau đó Lênin, chỉ coi những giá trị như sự lương thiện, sự thủy chung, tình bạn, tình yêu, sự đam mê, lòng bác ái, lòng biết ơn v.v. như là những sản phẩm của quan hệ sản xuất và có mục đích phục vụ giai cấp thống trị. Cũng nên nhận định rằng những người cộng sản coi chủ nghĩa Mác-Lênin là khoa học bởi vì chủ nghĩa này không quan tâm tới đạo đức và tình cảm mà nó coi duy tâm và trừu tượng, do đó vô nghĩa. Đối với Marx không làm gì có cái gọi là bản chất con người. Xét cho cùng đây là một quan điểm rất bi quan. Cuộc đời còn giá trị gì khi con người cũng chỉ như đất đá? Người ta có thể chấp nhận quan điểm này nếu muốn nhưng nó chẳng có gì là đặc sắc và cao siêu.

Khó có thể tìm thấy một tác phẩm nào ca tụng chủ nghĩa tư bản một cách nồng nhiệt như Tuyên Ngôn Cộng Sản. Theo Marx chỉ trong một thời gian ngắn chủ nghĩa tư bản đã đem lại những tiến bộ huyền diệu, đã tạo ra thế liên thuộc giữa các quốc gia, đem ánh sáng văn minh đến với những dân tộc mọi rợ, đã tạo các thành phố và giải phóng một phần đáng kể loài người khỏi "cuộc sống ngu xuẩn tại nông thôn" v.v. Tuy vậy, cũng ngay trong Tuyên Ngôn Cộng Sản Marx chủ trương phải tiêu diệt chế độ tư bản và giai cấp tư sản bằng bạo lực. Giai cấp tư sản phải bị tiêu diệt bằng bạo lực không phải vì nó xấu hay ác mà vì một tất yếu lịch sử. Cũng thế, giai cấp vô sản phải thắng không phải vì nó tốt mà vì thắng lợi của nó là một tất yếu lịch sử. Nên nhớ là tuy Marx nói giai cấp tư sản bóc lột giai cấp vô sản nhưng ông không hề coi sự bóc lột này là một tội, trái lại ông coi nó là một lẽ tự nhiên, cũng tự nhiên như việc giai cấp vô sản phải tiêu diệt giai cấp tư sản. Marx không phân biệt thiện và ác, tốt và xấu. Đạo đức hoàn toàn vắng mặt trong tư tưởng của Marx.

Chính Marx khai tử chủ nghĩa Marx

Một điều cần được lưu ý là chủ nghĩa Marx chưa bao giờ được một nhà tư tưởng lớn nào bênh vực. Đã chỉ có những người làm công tác tuyên vận trong các đảng cộng sản đề cao nó. Họ viết ra hàng triệu trang giấy nhưng không viết được gì đáng để ý bởi vì đó chỉ là những cố gắng để cố bào chữa cho cái không thể bào chữa. Những triết gia có tầm vóc hoặc không đề cập tới Marx hoặc chỉ đề cập tới để bác bỏ.

Chính Marx cũng không tin ở những gì mình hô hào. Năm 1872, sau khi Công Xã Paris (một cuộc nổi dậy võ trang của những người cộng sản Pháp mà Marx và Đệ Nhất Quốc Tế nhiệt tình cổ võ) bị dẹp tan vì không lôi kéo được quần chúng, Marx tuyên bố tại Amsterdam nhân dịp đại hội Đệ Nhất Quốc Tế: "Ở những nước như Mỹ và Anh người công nhân có thể tranh đấu để đạt mục tiêu bằng phương thức ôn hòa". Nhưng nếu cách mạng bạo lực không cần thiết ở Anh và Mỹ thì nó cũng không cần thiết ở bất cứ nước nào vì Anh và Mỹ chính là hai quốc gia mà chủ nghĩa tư bản được thể hiện một cách triệt để nhất. Câu nói này tương đương với lời tuyên bố khai tử chủ nghĩa Marx vì cốt lõi của nó là kêu gọi giai cấp công nhân vùng lên cướp chính quyền bằng bạo lực để thực hiện chuyên chính vô sản. Tại đại hội này Marx vận động để dời trụ sở Đệ Nhất Quốc Tế sang Philadelphia, Mỹ. Năm 1875 đến lượt Đảng Dân Chủ Xã Hội Đức, xương sống của phong trào cộng sản quốc tế vào lúc đó, họp đại hội tại Gotha chính thức chọn lựa đường lối đấu tranh hợp pháp. Biến cố này tương đương với sự cáo chung của phong trào cộng sản mà Marx hô hào vì nó là một phong trào chủ trương cách mạng bạo động. Marx đã rất thất vọng, ông viết ra cuốn "Phê Bình Cương Lĩnh Gotha" đả kích đại hội này nhưng lại không phát hành. Vì không tìm được nhà xuất bản hay vì Marx tự thấy mình không thuyết phục vì tại sao công nhân có thể đấu tranh ôn hòa tại Mỹ và Anh như chính ông đã nói mà lại không thể đấu tranh ôn hòa tại Đức nơi chế độ tư bản còn ít triệt để hơn? Năm 1876 Đệ Nhất Quốc Tế tuyên bố tự giải tán. Marx tán thành quyết định này và từ đó không tham gia một hoạt động nào nữa cho đến khi chết năm 1883, thọ 65 tuổi. Lúc đó Marx đã hoàn toàn chìm vào quên lãng. Trước khi chết ông để lại một câu nói dí dỏm: "Điều chắc chắn là tôi không phải là một người mác xít!".

Chủ nghĩa Marx kể như đã chết tại Châu Âu. Và chết một cách buồn thảm. Như trên đã nói cuốn Tư Bản Luân, tác phẩm công phu nhất của Marx đã chỉ gây thất vọng. Không ai tán thành, hầu như không ai muốn đọc. Marx đã muốn đề tựa cuốn sách này cho Charles Darwin, một nhà bác học đương thời với ông, cha đẻ của lý thuyết tiến hóa, nhưng Darwin từ chối. J.M.Keynes, một trong những nhà kinh tế lớn nhất thế giới trong thế kỷ 20 đánh giá nó như sau :"Tư Bản Luận là một cuốn sách lỗi thời, không những sai về mặt khoa học mà còn vô tích sự và vô dụng trong thế giới ngày nay". Đó là năm 1932, giữa lúc chủ nghĩa tư bản đang gặp khủng hoảng dữ dội. Năm 1878 vào lúc mà uy tín và ảnh hưởng của ông hầu như không còn gì, Engels đã viết cuốn Chống Durhing với mục đích trình bày một cách mạch lạc toàn bộ tư tưởng của Marx và phục hồi ảnh hưởng cho Marx (Durhing là một giáo sư đại học Berlin phản bác Marx trên nhiều điểm). Cuốn sách được Marx tán thành và đóng góp. Nó được đăng từng kỳ trên tạp chí Vorwärts của Đảng Dân Chủ Xã Hội Đức. Sau một thời gian đảng này quyết định ngừng đăng với lời giải thích: "cuốn sách hoàn toàn không có lợi gì cho đa số đảng viên, trái lại còn gây một sự nhàm chán đến cực độ".

Chủ nghĩa Mác-Lênin

Nhờ Lênin mà chủ nghĩa Marx được phục hồi thành chủ nghĩa Mác-Lênin. Lênin là một chuyên viên khủng bố, lớn lên trong một truyền thống khủng bố quốc gia cũng như gia đình. Tư tưởng chính trị cách mạng của Nga kể từ thập niên 1860 coi ám sát và thủ tiêu là phương pháp bình thường để giải quyết các khác biệt. Anh ruột Lênin bị hành quyết về tội khủng bố. Lênin đã nhìn thấy ở chủ nghĩa Marx một vũ khí lý tưởng để không những chỉ phá hoại mà còn cướp được chính quyền, và ông đã thành công. Do nguồn gốc khủng bố Lênin tin rằng muốn giành chính quyền không thể dựa trên hậu thuẫn quần chúng mà phải dựa trên một đội ngũ cán bộ nhỏ nhưng chuyên nghiệp và quyết tâm sẵn sàng sử dụng bạo lực. Cuộc Cách Mạng Tháng 10 Nga năm 1917 đã được mọi sử gia đánh giá là một cuộc đảo chính cướp chính quyền của một nhóm nhỏ. Chủ nghĩa Mác-Lênin có thể định nghĩa là chủ nghĩa Marx vận dụng theo cách của Lênin, nghĩa là lấy lại toàn bộ chủ nghĩa Marx nhưng đẩy tới mức triệt để một số yếu tố: tôn sùng bạo lực, coi thường luật pháp, phủ nhận mọi giá trị đạo đức. Lênin viết rất nhiều nhưng chỉ viết để hô hào, tranh luận và mạt sát. Đóng góp của ông không đáng kể về mặt lý luận nhưng quan trọng về những hậu quả.

Một câu mà Lênin nhắc lại nhiều lần, đặc biệt là trong hai cuốn Nhà Nước và Cách mạngCách Mạng Vô Sản và Tên Phản Bội Kautsky có thể tóm tắt tư tưởng chính trị của Lênin: "chính quyền cách mạng là chính quyền do giai cấp vô sản giành được và giữ lấy, chính quyền này không hề bị ràng buộc bởi bất cứ một luật pháp nào".

Cuốn Lênin Toàn Tập (Moscow, 1955, trang 311) in lại một diễn văn của Lênin: "Chính quyền Xô Viết đã hành động như mọi cuộc cách mạng vô sản phải hành động. Nó đã đập tan pháp lý tư sản. Chừng nào chúng ta chưa khủng bố - nghĩa là một viên đạn vào đầu ngay tại chỗ - chúng ta sẽ chẳng đạt được kết quả nào cả". Khi Steinberg, bộ trưởng tư pháp (lúc đó gọi là ủy viên nhân dân tư pháp) hỏi ông "Như thế thì cần gì bộ tư pháp nữa, cứ gọi thẳng là bộ tàn sát cho tiện!" Lênin trả lời: "Đúng lắm, tiếc là chúng ta không thể dùng danh xưng đó".

Trong diễn văn trước đại hội Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Nga năm 1920 Lênin giáo huấn thanh niên như sau: "Có một đạo đức cộng sản không? Dĩ nhiên là có! Bọn tư sản thường buộc tội chúng ta là phủ nhận mọi giá trị đạo đức (…) Chúng ta phủ nhận đạo đức theo nghĩa nào? Chúng ta phủ nhận mọi đạo đức không xuất phát từ con người và giai cấp. Đó chỉ là đạo đức bịp bợm phục vụ quyền lợi của giai cấp tư sản. Chúng ta khẳng định đạo đức của chúng ta hoàn toàn nhắm phục vụ đấu tranh giai cấp. Đạo đức của chúng ta hoàn toàn đặt nền tảng trên cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản". Một câu nói của Lênin được nhắc lại nhiều lần là "đạo đức là những gì hợp với quyền lợi của cách mạng". Chẳng có gì để thảo luận về một quan niệm nhà nước, luật pháp và đạo đức như thế.

Theo đúng bài bản của Marx, Lênin coi nhà nước là cần thiết cho giai đoạn chuyên chính vô sản, một giai đoạn chuyển tiếp lên xã hội cộng sản, một khi xã hội cộng sản đã đạt tới thì vai trò của nhà nước sẽ mờ nhạt đi. Nhà nước trong giai đoạn chuyển tiếp đó do đảng cộng sản, đội tiền phong và người đại diện chân chính của giai cấp vô sản, lãnh đạo một cách hoàn toàn và tuyệt đối. Lênin gọi đó là chế độ dân chủ vô sản và tuyên bố nó ưu việt gấp triệu lần dân chủ tư sản. Nhưng giai đoạn chuyển tiếp đó sẽ kéo dài bao lâu? Đại hội 22, năm 1961, của Đảng Cộng Sản Liên Xô, sau 47 năm cầm quyền, dự tính rằng sẽ đạt tới xã hội cộng sản vào năm 1980. Nhưng rồi năm 1980 qua đi mà không có gì thay đổi cả. Từ đó vấn đề đặt ra không phải là giảm mà trái lại là tăng cường vai trò của nhà nước và tăng cường sự lãnh đạo của đảng cộng sản trên nhà nước. Cho đến khi Liên Bang Xô Viết sụp đổ năm 1991. Tại Trung Quốc chỉ một thời gian ngắn sau khi đảng cộng sản giành được chính quyền câu hỏi giai đoạn chuyển tiếp kéo dài bao lâu không đặt ra nữa. Khi Mao Trach Đông chết người ta chỉ thấy trong thư viện của ông những cuốn sách cổ của Trung Quốc và những cuốn sách giải trí chứ không hề có cuốn sách nào của Marx và Lênin. Tại Việt Nam ông Hồ Chí Minh từng nói rằng ông không có tư tưởng nào cả mà chỉ theo tư tưởng của Marx, Lênin, Stalin và Mao. Tất cả các đảng cộng sản không hề có một đóng góp lý thuyết nào cả mà chỉ khẳng định một cách máy móc sự trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin, trừ đảng cộng sản Ý với Gramsci, nhưng Gramsci phản bác chủ nghĩa Mác-Lênin nhiều hơn là tán thành. Lý do dễ hiểu: người ta không thể cải tiến một cái gì về bản chất đã sai. Một sự kiện chứng tỏ chủ nghĩa Mác-Lênin không thuyết phục: trong suốt lịch sử của phong trào cộng sản chưa hề có một đảng cộng sản nào thắng một cuộc bầu cử lương thiện nào; về điểm này chủ nghĩa Mác-Lênin còn thua cả các chủ nghĩa Phát Xít và Nazi.

Sự sai trái và độc hại của chủ nghĩa Mác-Lênin không khó nhìn thấy và nhiều nhà bình luận đã thấy ngay từ đầu và đã vạch ra một cách rất rõ ràng. Tuy vậy cho đến thập niên 1970 nó vẫn lôi kéo được một số đông người, kể cả một số trí thức xuất sắc. Lý do là vì vấn đề mà nó nêu ra cũng là vấn đề mà lương tâm con người đặt ra từ rất lâu mà vẫn chưa có giải đáp, đó là bất công xã hội và chênh lệch giàu nghèo. Kể từ khi bắt đầu văn minh thế giới luôn luôn phải sống trong một mâu thuẫn nhức nhối giữa những tư tưởng quảng đại coi mọi người là anh em và một tổ chức xã hội phân biệt chủ và tớ. Và thời nào cũng có những người ao ước xóa bỏ mâu thuẫn nhức nhối đó. Trong nhiều trường hợp chính lòng quảng đại đã khiến người ta tiếp tay cho tội ác. Chủ nghĩa Marx là một giải pháp sai và độc hại nhưng vấn đề nó đặt ra có thực. Chủ nghĩa Mác-Lênin chỉ là sự vận dụng tư tưởng của Marx cho mục tiêu cướp và giữ chính quyền bằng bạo lực và khủng bố.

Một tai họa cho nhân loại

Theo một khảo cứu công phu và nghiêm túc của một nhóm học giả Pháp chủ nghĩa Mác-Lênin đã làm thiệt mạng ít nhất 100 triệu người trên thế giới, ngay cả nếu chỉ kể những nạn nhân do các chế độ cộng sản trực tiếp và cố ý sát hại. Ngày 26-01-2006 Hội Đồng Châu Âu đã ra nghị quyết 1481 coi các chế độ cộng sản là tội ác đối với nhân loại. Các nước mắc vào chế độ cộng sản đều nghèo khổ và lạc hậu hơn hẳn những nước không cộng sản với những điều kiện địa lý và lịch sử tương tự. Sự so sánh đã rất rõ rệt trong trường hợp các nước bị phân chia với một phần dưới chế độ cộng sản và một phần dưới một chế độ không cộng sản, như Đông và Tây Đức, Bắc và Nam Cao Ly, Trung Hoa Lục Địa và Đài Loan, Bắc và Nam Việt Nam trước 1975.

Do sự phủ nhận các giá trị tình cảm và đạo đức chủ nghĩa Mác-Lênin làm hoại loạn con người và khuyến khích lối sống gian trá, ác độc, ích kỷ và vô trách nhiệm. Tất cả các chế độ cộng sản đều là những chế độ cực kỳ tham nhũng bởi vì trong thâm tín của nó chủ nghĩa Mác-Lênin coi chức năng của nhà nước là thống trị và bóc lột. Đó cũng đều là những thảm kịch cho môi trường, quan hệ xã hội và văn học nghệ thuật. Đã chỉ có rất ít những tác phẩm có giá trị dưới các chế độ cộng sản và chúng đều là sáng tác của những người phản kháng.

Khi đảng cộng sản Nga cướp được chính quyền tại Nga năm 1917 chủ nghĩa Marx đã chết từ lâu tại Âu Châu. Ta có thể coi ngày chết chính thức của nó là đại hội Gotha 1875. Với bản chất khủng bố, khi sang Châu Âu Lênin đã rất phấn khởi khi tìm được một chủ nghĩa có dáng dấp của một triết lý mà lại hoàn toàn phủ nhận mọi ràng buộc pháp lý và đạo đức. Do trình độ văn hóa sơ sài ông không được gần gũi với những trí thức lớn để biết rằng chủ nghĩa Marx đã bị bác bỏ. Nếu Lênin có văn hóa hơn rất có thể chủ nghĩa Marx đã không được phục hồi thành chủ nghĩa Mác-Lênin và lịch sử nước Nga và thế giới đã khác.

Thảm kịch Việt Nam

Thảm kịch đối với Việt Nam còn lớn hơn vì chủ nghĩa Mác-Lênin đã toàn thắng năm 1975, nghĩa là đúng 100 năm sau khi nó đã bị đào thải tại Châu Âu và cũng rất lâu sau khi nó đã gây ra những tội ác ghê gớm tại Liên Xô và Trung Quốc. Chúng ta chậm trễ một cách bi đát về tư tưởng chính trị. Sự chậm trễ này cho tới nay vẫn chưa được ý thức đầy đủ.

Nhiều người lạc quan cho rằng chủ nghĩa cộng sản không còn tại Việt Nam và hiện nay chúng ta đã ở trong giai đoạn hậu cộng sản. Nhận định này sai. Đã có thay đổi về mặt kinh tế nhưng kinh tế chính là mặt mà lý thuyết Marx chưa bao giờ được áp dụng. Vả lại thay đổi cũng không quan trọng như nhiều người nghĩ. Đảng và nhà nước cộng sản vẫn kiểm soát 2/3 hoạt động kinh tế. Trên các mặt khác, có tầm quan trọng lớn hơn hẳn, như quyền lãnh đạo tuyệt đối của đảng cộng sản trên nhà nước, quan điểm cho rằng nhà nước và luật pháp chỉ là dụng cụ thống trị và bóc lột, sự phủ nhận hoàn toàn các giá trị đạo đức, và lý luận "biện chứng" tùy tiện cho phép rút ra bất cứ kết luận nào từ bất cứ sự kiện nào v.v. chế độ vẫn chưa hề thay đổi. Sự nới lỏng, nếu có, chỉ là vì chính quyền không đủ khả năng kiểm soát chứ không phải vì không muốn kiểm soát. Và vì trong tình trạng không thể kiểm soát tất cả nó nhắm trước hết những người phản kháng nên nó thả lỏng, nhiều khi sử dụng, các tệ nạn xã hội và các băng đảng xã hội đen.

Lịch sử có lẽ sẽ không khe khắt với ông Hồ Chí Minh, người đã du nhập chủ nghĩa Mác- Lênin vào Việt Nam. Ông đã lầm như rất nhiều người Việt Nam vào lúc đó. Nhưng lịch sử chắc chắn sẽ khe khắt hơn nhiều với những người sau ông đã thấy nó sai nhưng vì tham vọng quyền lực vẫn áp đặt lên dân tộc.

Và lịch sử sẽ còn gay gắt hơn đối với những trí thức ở thế kỷ 21 vẫn không dám phản kháng trước một chính quyền trắng trợn tuyên bố tiếp tục theo đuổi chủ nghĩa Mác-Lênin và còn áp đặt nó như là môn triết duy nhất được giảng dạy trong các trường học. Rất gay gắt. Bởi vì ngoài vấn đề trách nhiệm, các thế hệ mai sau sẽ còn bị dằn vặt với những câu hỏi nhức nhối về căn cước. Như họ từ đâu đến, và cha anh họ là hạng người gì.

Nguyễn Gia Kiểng
(Tháng 02/2012)
.
.
.

No comments: