Wednesday, February 1, 2012

NGƯỜI MIẾN ĐIỆN CÒN TIN NHAU (Ngô Nhân Dụng)



Ngô Nhân Dụng


Tại sao người Miến Điện họ tin nhau như vậy? Đây là một thắc mắc chung khi chúng ta thấy bà Aung San Suu Kyi chấp nhận ghi tên tranh cử, và nhiều ứng cử viên thuộc đảng Liên minh Dân tộc Dân Chủ của bà cũng ra tranh cử; trong những cuộc bầu cử bổ túc vào một quốc hội đã được bầu lên năm ngoái.

Năm ngoái, Liên minh này (viết tắt l
à NLD theo tên trong tiếng Anh) đã hoàn toàn tẩy chay cuộc bỏ phiếu vì nhiều người trong đảng vẫn còn ở trong tù, mà cũng vì họ không tin tưởng vào chính quyền của Tổng thống Thein Sein vẫn do nhóm quân phiệt đứng sau điều động. Năm nay, những tù nhân mới được tự do cũng sẵn sàng “đánh cá” vào thiện chí của ông Thein Sein. Nhiều người còn trong lớp tuổi dưới 40, đã bị cầm tù hàng chục năm từ 1988, đã nói với nhà báo: Bà Suu Kyi tin ông Thein Sein nói thật. Chúng tôi tin ở óc phán đoán của bà. Người ta tin Bà Suu Kyi đủ khôn ngoan, mà bà thì tin ông Thein Sein nói thật. Người Miến Điện còn tin nhau như vậy, thật là một điều đáng quý, một hiện tượng hiếm thấy trong đời sống chính trị ở các nước còn chưa phát triển!

Vấn đề này không đặt ra ở các nước đã có kinh nghiệm sống dân chủ tự do. Những người ra ứng cử tổng thống hay vào quốc hội ở Mỹ hay ở Pháp năm nay không ai đặt vấn đề tin hay không tin chính quyền. Bởi vì người ta quen sống trong những xã hội có luật pháp, họ đã sẵn có lòng tin ở hệ thống dân chủ trọng pháp. Trong những xã hội đó guồng máy hành chính tổ chức việc bầu cử không theo đảng nào cả; công an cảnh sát không phục vụ một nhóm nào cả. Các đảng phái chính trị tha hồ tranh giành nhau, guồng máy nhà nước đóng vai trọng tài, hoàn toàn trung lập, độc lập đối với các đảng phái. Quyền trung lập và độc lập đó được hiến pháp bảo đảm; nhưng quan trọng hơn nữa là được dư luận dân chúng, báo chí, truyền thông tự do bảo đảm. Sống trong không khí trong sạch như vậy, các nhà chính trị bắt buộc phải tôn trọng kết quả những cuộc bỏ phiếu; tôn trọng luật chơi dân chủ.

Ở những nước chậm tiến, không có các điều kiện trên. Những người cầm quyền thường dùng dùng công an cảnh sát như đám tay sai đáp lực dân bỏ phải phiếu cho họ. Họ dùng guồng máy cai trị để ban ân phát huệ mua chuộc nhân viên trong bộ máy tổ chức bầu cử, mua chuộc các nhóm cử tri. Báo chí không được tự do thông tin và phê phán, các ông nắm quyền tự tung tự tác. Và có khi họ bác bỏ ngay kết quả cuộc bỏ phiếu nếu thấy không được dân tín nhiệm. Năm 1988, chính quyền quân phiệt Miến Điện đã làm việc đó. Khi cho dân bỏ phiếu tự do mà thấy đảng NLD thắng đa số trong quốc hội, các ông tướng xóa bỏ luôn kết quả rồi bắt bớ giam cầm những người đối lập hàng chục năm trời.

Vậy tại sao bây giờ phe đối lập ở Miến Điện lại tin vào lời hứa hẹn cải tổ của Tổng thống Thein Sein? Vì họ đã thấy những hành động cụ thể chứng tỏ nhóm quân phiệt đã nhượng bộ, trả lại nhiều quyền tự do cho người dân. Nhưng nguyên nhân quan trọng hơn, là trong 40 năm nắm quyền, các tướng lãnh quân phiệt chưa giết chết niềm tin trong xã hội Miến Điện.

Mặc dù nhóm tướng lãnh Miến Điện trước đây cũng độc tài và tàn bạo không thua gì những nhà độc tài khắp thế giới, nhưng họ chưa làm tan rã hết nền tảng đạo đức của dân tộc Miến, trong đó có niềm tin của mỗi con người đặt vào người khác. Quân phiệt Miến Điện là những nhà “độc tài non;” tuy cũng tham quyền và tàn bạo nhưng không biết dối trá một cách có hệ thống tinh vi như các đảng cộng sản.

Các chế độ cộng sản hủy hoại đạo đức của xã hội vì họ nối dối một cách có hệ thống với những phương pháp tinh vi được sử dụng tận tình. Các đảng cộng sản đều có một bộ máy tuyên truyền khổng lồ để làm công việc nói dối. Họ dùng các thủ đoạn gian trá đánh lừa dân, đánh lừa các đối thủ, và thường hãnh diện khi các thủ đoạn đó đạt kết quả.

Tại sao các chế độ cộng sản phải dựa trên dối trá? Bởi vì các đảng Cộng sản dựa trên chủ nghĩa Marx Lenin. Họ đã học tập các thủ đoạn lường gạt và tuyên truyền theo kinh nghiệm quốc tế, chỉ việc đem về mỗi nước thi hành. Chế độ phải nói dối trước hết vì lý do thực tế. Khi sự thật trái ngược hẳn với các lý tưởng được đề ra, thì phải nói dối để ngụy biện, bào chữa. Sau đó, phải nói dối lần thứ hai để chữa cho lần nói dối trước. Rồi cứ thế tiếp tục không bao giờ ngưng! Nhưng lý do quan trọng không phải là do thực tế mà nằm trong bản chất của các đảng cộng sản, khiến họ tự cho phép sống gian dối mà không cần hổ thẹn.

Cộng sản quốc tế đã biến chủ nghĩa Marx Lenin thành một thứ tín ngưỡng vô thần. Bản chất của tín ngưỡng này dựa trên lòng tin tuyệt đối, Đảng tự cho mình đã nắm được Chân Lý, Lẽ Phải. Cho nên, những đảng viên cuồng tín không từ nan một hành động tàn ác nào, không ngần ngại giết người, chôn sống người, và không ngần ngại dùng các thủ đoạn gian trá, khi làm nhiệm vụ đối với Đảng. Tất cả được biện minh bằng niềm tin rằng họ đang đi đúng chiều hướng của lịch sử nhân loại. Đảng Cộng sản muốn thay đổi cả thế giới, trong đó phải triệt để thay đổi những nền nếp đạo lý cũ, thay thế bằng một nếp sống tinh thần mới. Hồ Chí Minh đã viết mấy bài huấn luyện cán bộ và đảng viên về “Đạo Đức Cũ và Mới, hay “Đạo Đức Cách Mạng. Sau khi phê phán nền đạo đức cũ, bị coi là hủ lậu, Hồ Chí Minh chỉ kết luận một điều: Nền Đạo Đức Mới, hay Đạo Đức Cách Mạng, là tuyệt đối tuân hành mệnh lệnh của Đảng. Đọc hết các tài liệu trên (vẫn còn in trong Hồ Chí Minh Toàn Tập) thì chúng ta hiểu tại sao nền tảng đạo đức ở nước ta đã bị sụp đổ.

Các đảng viên cộng sản vì thế chỉ cần tuyệt đối trung thành với Đảng là đủ; nếu vì quyền lợi Đảng thì không một thủ đoạn gian ác, dối trá nào không dám làm. Giống như những tín đồ quá khích ôm bom tự sát gần đây, sẵn sàng hy sinh vì tín ngưỡng. Nhiều đảng viên bị đầy đọa đến chết vẫn còn nghĩ: Đảng không thể nhầm được! Đảng sẽ minh oan cho mình! Chính thứ tín ngưỡng vô thần này đã giết chết niềm tin trong xã hội. Vì khi còn có địa vị và nắm quyền hành thì chính các đảng viên bị oan ức này vẫn nhân danh Đảng thản nhiên dùng mọi thủ đoạn gian dối và độc ác, nghĩ rằng mình vẫn theo duổi một lý tưởng tốt đẹp! Người nắm quyền dùng các thủ đoạn gian trá thì người dân cũng bắt buộc phải sống dối trá, dối mình, dối người, ngay cả trong gia đình cũng phải gian dối với nhau. Thứ chất độc này đã thấm nhiễm vào tất cả mọi tế bào trong cơ thể xã hội.

Nước Miến Điện không gặp tai họa đó. Những nhà tranh đấu dân chủ ở Miến Điện nhìn chế đđộc tài quân phiệt thấy bản chất của nó là do dốt nát, vô minh, chứ không do một chủ nghĩa vô thần đem từ bên ngoài tới áp đặt trên nhân dân. Chế độ quân phiệt Miến sai lầm từ khi ông Newin theo chủ trương kinh tế tự cung tự cấp, bài xích các nước dân chủ Tây phương, thân thiện với các nước cộng sản, khiến mức sống dân Miến Điện bị tụt hậu không khác gì Việt Nam trước khi thay đổi. Nhưng các nhà quân phiệt không tạo ra một bộ máy tuyên truyền dối trá một cách có hệ thống. Họ không làm nước Miến Điện nhiễm độc bằng một lý tưởng hão huyền nào để biện minh cho chế đđộc tài. Cho nên họ vẫn còn tôn trọng những đạo lý Phật giáo đã thấm nhiễm trong dân tộc Miến Điện từ hàng ngàn năm giờ vẫn chưa thay đổi.

Vì vậy người Miến Điện còn có niềm tin; những nhà tranh đấu dân chủ thấy có thể tin vào lời hứa của ông Thein Sein khi có thể kiểm chứng bằng việc làm. Niềm tin đó không phải là vô điều kiện mà dựa trên những hành động cụ thể, được thi hành từng bước một. Trước khi gặp bà Aung Sang Suu Kyi để trình bầy ý định dân chủ hóa chế độ, ông Thein Sein đã nới lỏng cho báo chí và các mạng lưới internet được tự do hơn. Các quan sát viên nước ngoài đã ngạc nhiên, đánh giá tình trạng thông tin ở Miến Điện trở thành tự do nhất trong vùng Đông Nam Á, không kém Thái Lan hoặc Singapore. Sau khi đã thỏa hiệp với Bà Suu Kyi, chính quyền Thein Sein tiếp tục chứng tỏ thiện chí qua những hành động cụ thể khác: Trả tự do cho các tù nhân chính trị, và tổ chức bầu cử để những người đối lập này có cơ hội xuất hiện chính thức trên diễn đàn chính trị.

Việc làm mạnh dạn nhất của ông Thein Sein là đã ngưng ngay việc xây dựng đập nước ở Myitsone đã được giao khoán cho Trung Quốc sau khi dư luận dân chúng bầy tỏ nỗi lo ngại kinh tế ngày càng lệ thuộc vào nước láng giềng phía Bắc. Hành động này cho thấy các tướng lãnh cầm quyền biết lắng nghe ý dân. Họ quyết định trở về với quyền lợi chung của dân tộc chứ không mù quáng tự ái chỉ biết quyền lợi riêng để bị ngoại bang mua chuộc. Thái độ cương quyết với Trung Quốc cũng là một thứ đảm bảo, vì người ta biết hậu quả kinh tế của chính sách chấm dứt lệ thuộc Trung Quốc là phải mở cửa giao thiệp với các nước dân chủ tự do.

Hành động Miến Điện mời mọc rồi tiếp đón ngoại trưởng Mỹ cũng giúp người dân Miến Điện tin tưởng hơn. Vì từ bao năm nay, một điều kiện mà các chính quyền Mỹ vẫn đòi hỏi trước khi bãi bỏ cấm vận là nhóm quân phiệt phải trả các quyền tự do cho dân Miến Điện. Xin bang giao lại với nước Mỹ tức là cũng chấp nhận sẽ thi hành những điều kiện đó. Phản ứng của cộng đồng quốc tế trở lại giao thiệp với Miến Điện là một thứ bảo đảm cho người dân thấy có thể tin rằng chủ trương dân chủ hóa của Thein Sein là một sự thật. Chính vì thế, họ có thể mạnh dạn nói: Hãy bỏ qua quá khứ.

Nhìn vào tấm gương nước Miến Điện chúng ta học được một điều:
Muốn tái tạo niềm tin trong xã hội Việt Nam, chúng ta cần những hành động cụ thể, chứng tỏ lời nói đi đôi với việc làm.
Muốn tạo dựng niềm tin phải bắt đầu bằng những hành động công khai, minh bạch. Phải tôn trọng sự thật.
Người dân chỉ tin có sự thật khi họ có các quyền tự do phát biểu.
Bao giờ các báo, đài, các mạng lưới ở nước ta mới được tự do? Nếu chưa đạt được điều kiện tối thiểu đó thì còn chưa muốn bắt đầu tái tạo niềm tin.

.
.
.

No comments: