Sunday, February 19, 2012

LÃNH ĐẠO, TRUYỀN THÔNG & NGƯỜI DÂN ! (Trần Bình Minh, Nhật Bản)



Trần Bình Minh (Nhật Bản)
19-2-2012

Lời phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan “Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, biết kế thừa những tinh hoa dân chủ của các Nhà nước pháp quyền trong lịch sử và đã, đang phát triển lên tầm cao mới, khác hẳn về bản chất và cao hơn gấp vạn lần so với dân chủ tư sản” vẫn nóng hổi mang tính thời sự khi “quả bom” Đoàn Văn Vươn phát nổ! Nó là sự kiểm chứng xác thực nhất cho lời giáo huấn của bà! Pháp luật có phải là công cụ để bảo vệ quyền công dân như lời ai đó rao giảng không!

Sau khi thủ tướng đích thân ra tay vụ Tiên Lãng, những tưởng mọi oan ức của người dân được giải tỏa sau kết luận của ông! Nhưng như thế nào nhỉ? Đồng tình có, lạc quan có, băn khoăn có! Có lẽ tất cả mọi người đều quan tâm đến hai điểm chính: 1.Lãnh đạo hải phòng sẽ bị xử lý thế nào? 2. Số phận gia đình ông Đoàn Văn Vươn ra sao?

Lãnh đạo Hải phòng phải kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc. Ôi! Rút kinh nghiệm kiểm điểm! Phải sâu sắc đấy nhé! Nó đã trở thành thần chú cho mọi vấn đề do một tập thể gây ra. Anh Đoàn Văn Vươn vẫn bị khép vào tội giết người và chống người thi hành công vụ, phải khẩn trương điều tra, tuy có nói đến những tình tiết giảm nhẹ. Nếu anh bị khép tội và xử tù thì việc giao đất lại cho gia đình anh có ý nghĩa không? Nếu trái bom Đoàn Văn Vươn không nổ thì mọi việc có được thủ tướng đích thân ra tay, kết luận không?

Người dân Tiên Lãng hồ hởi tin vào quyết sách của thủ Tướng và cảm ơn ông vì nhờ ông mà họ tiếp tục được thuê đất! Họ không còn đòi hỏi gì khác! Mới đây thôi bà Ba Sương khi được khôi phục sinh hoạt Đảng đã hứa tiếp tục phấn đấu, trau dồi và giữ gìn phẩm chất, lý tưởng trong sáng của Đảng?! Giáo dục của ta đã tạo ra những công dân tuyệt đối vâng lời! Một điều hoàn toàn trái với xã hội công dân, người dân là chủ thể của mọi hoạt động xã hội! Và chính họ chứ không ai khác có quyền phế truất nhà cầm quyền thông qua lá phiếu của mình. Không phải thông qua Đảng cử dân bầu như hiện nay.

Việc tất cả bộ máy của Hải Phòng đều trở nên vô hiệu hóa và sự kiện người dân nín thở chờ vào kết luận của thủ tướng nói lên điều gì? Người dân có tin vào pháp luật, tin vào chính quyền cấp địa phương hay không? Nếu là nhà nước pháp quyền đúng nghĩa thì liệu anh Vươn có phải từ anh hùng thành tội đồ? Một xã hội có công lý thì không thể chỉ phụ thuộc vào ý chí của cá nhân người lãnh đạo mà phải do chính bản chất của thể chế đó quyết định! Do đó, nói uy tín Thủ tướng lên cao khi giải quyết vụ Tiên Lãng là nói lên sự bất lực của hệ thống pháp luật hiện có!

Người dân sẽ không tin vào công lý , pháp luật khi mà mọi cơ quan hành pháp, tư pháp đều bị vô hiệu hóa bởi người đứng đầu cấp ủy! Người ta sống cần lạc quan nhưng cũng phải nhìn nhận thẳng vào thực tế những gì đang diễn ra! Vụ án Nọc Nạn và vụ án Tiên Lãng có nhiều điểm giống nhau. Gia đình Biên Toại được tha bổng dù đã giết một viên chức người pháp, còn anh Đoàn Văn Vươn thì sao? Anh được sống trong chế độ pháp quyền cao gấp vạn lần so với dân chủ tư sản thì chắc phải khác! Tôi vẫn hay đọc cổ tích và tin và những kết cục có hậu!

Vậy đâu là căn nguyên của vấn đề? Trong hiếp pháp 1992, điều 17 ghi rõ : Đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Theo Luật sư Trần Quốc Thuận thì“Cho dù người dân có được 5 quyền: sử dụng, chuyển nhượng, thừa kế, thế chấp và cho thuê quyền sử dụng đất nhưng có một quyền phủ lên bên trên làm cho năm quyền đó trở thành không có quyền gì cả. Đó là sở hữu nhà nước thuộc về toàn dân. Mà toàn dân là một thuật ngữ tù mù, không là gì cả.” Bàn về vấn đề này, giáo sư Võ Tòng Xuân nói rằng từ thời xưa quyền sở hữu đất đai của người dân đã được công nhận. Vậy điều gì khiến hiến pháp ghi thành sở hữu toàn dân? Theo ông Nguyễn Đình Lộc trưởng ban Biên tập Hiến pháp 1992: “Không ai có đủ dũng cảm đứng lên đòi bỏ sở hữu toàn dân, vì đó là một vấn đề nhạy cảm, đụng đến chủ nghĩa xã hội.” Tôi thì không hiểu về chính trị lắm, nhưng tôi thiển nghĩ bất cứ một chế độ nào dù là tư bản hay chủ nghĩa xã hội đều phải đảm bảo cho người dân những quyền cơ bản, những quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm mà sở hữu đất đai là một trong những quyền ấy!

Từ Tiên Lãng khiến chúng ta không khỏi suy nghĩ nhiều điều: Quyền của người dân trong xã hội, Đảng, truyền thông. Tại sao báo chí ban đầu chỉ đưa tin một cách hời hợt nhưng sau đó lại vào cuộc một cách quyết liệt đến vậy! Nếu đại tướng Lê Đức Anh và những quan chức khác không lên tiếng, nếu không có sự cho phép của ban tuyên giáo TW thì liệu sự việc có thể được tường thuật chi tiết đến vậy không? Chắc là không! Chính trị vốn là nghệ thuật của những điều có thể mà! Chúng ta hãy xem những gì nóng nhất của những báo mạng chính thống mấy ngày nay: Mai Phương Thúy với áo dài, mẹ bật đèn xanh cho con gái làm chuyện ấy… Ngày 17/2 không một tờ báo chính thống nào trong nước đả động đến cuộc chiến tranh biên giới dù với bất cứ góc cạnh nào! Nhắc lại không phải là để khơi gợi hận thù, đơn giản chỉ để tưởng niệm những người con đã hy sinh ngã xuống vì Tổ Quốc! Lịch sử là những sự kiện có thật xảy ra không thể lãng quên hay tìm cách xóa bỏ nó! Nhưng người ta cũng đã đục bỏ những dòng chữ nói về quân xâm lược ấy! Người ta đang sợ điều gì? Mục ngày này năm xưa trên Truyền hình TTXVN nói về ngày sinh Hải thượng Lãn Ông?! Tin nóng buổi tối của báo giáo dục đưa:“Bố của phó giám đốc sở GTVT mất thì được thông báo toàn thành phố” ! Phải chăng đây là định hướng tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí hoạt động đúng chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước! Và tích cực tham gia tuyên truyền định hướng dư luận xã hội!

Thế nào là báo chí cách mạng, thế nào là thông tin! Thế nào là trung thực trong xã hội hiện nay? Nhà văn Nguyên Ngọc nóiTôi cho rằng căn bệnh nặng nhất, chí tử nhất, toàn diện nhất của xã hội ta hiện nay là bệnh giả dối. Tốt để làm gì? Sạch để làm gì? Quên mình để làm gì?” Câu hỏi được gì, mất gì quá phũ phàng với TS Cù Huy Hà Vũ, thầy Nguyễn Việt Khoa…Báo chí, truyền hình cũng vậy, tất cả đều theo guồng quay đó! Quyền lực thứ tư của đất nước là như vậy sao!

Nếu không phải là Đoàn Văn Vươn mà người vi phạm là một bí thư thành ủy một thành phố trực thuộc TW thì thế nào nhỉ? Bí thư thành ủy là Ủy Viên Bộ chính trị. Xét về mặt đảng, chính trị sẽ cao hơn hẳn chánh án tòa án nhân dân tối cao chỉ là một UVTW thông thường ! Nếu không có sự cho phép của UBKTTW, TW Đảng, BCT thì có lẽ không một cơ quan báo chí hay cơ quan điều tra nào dám tiến hành xem xét vụ việc! Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng đã phát biểu khi còn là phó thủ tướng: “Theo quy định điều lệ Đảng và ý kiến bộ chính trị không xử lý các cá nhân , tập thể trong vụ Vinashin”. Không căn cứ vào pháp luật mà căn cứ theo điều lệ Đảng! Vậy nhà nước pháp quyền căn cứ vào đâu để có dân chủ! Thực chất bộ chính trị là cơ quan có quyền lực cao nhất nhưng lại không có luật riêng, chỉ có điều lệ Đảng! Đó là sự bất cập lớn nhất. Nếu không có sự kiểm soát và kiềm chế lẫn nhau quyền lực sẽ tha hóa, biến những lãnh đạo thành những ông vua tập thể!

Nếu những lỗi khuyết tật của hệ thống không được sửa thì mọi tiêu cực trong xã hội vẫn cứ phát sinh : “Có thể nói hầu hết những gì khó khăn, bê bối, trì trệ, suy thoái, hư hỏng, kéo dài trong mấy chục năm qua, suy cho cùng, có nguồn gốc liên quan tới những khuyết tật hệ thống của thể chế chính trị, cho nên sẽ khó có hy vọng khắc phục triệt để nếu không loại bỏ những lỗi hệ thống đó.”( GS Hoàng Tụy)! Có người nói “Công cuộc đổi mới thực chất là trả lại cho người dân những quyền đã mất .”

Vâng! Bất cứ một nơi nào trên thế giới trong quá trình chuyển đổi đều có nhiều tiêu cực biểu hiện dưới những hình thái khác nhau! Quả bom Đoàn Văn Vươn như một hồi chuông cảnh tỉnh: chịu chấp nhận đổi mới toàn diện, sửa lỗi hệ thống hay tiếp tục để những quả bom khác âm ỉ chờ phát nổ! Đến khi nào mọi công dân đều lấy pháp luật làm chuẩn mực cho mọi hành động thì nhà nước ta mới là nhà nước pháp quyền thực sự theo đúng nghĩa của nó! Tôi tin ngày đó sẽ tới!

Tác giả gửi cho Quê choa

.
.
.

No comments: