10.02.2012
Sau khi công bố tác phẩm Quần đảo GULAG và bản tuyên ngôn “Không sống bằng dối trá”, Alexander Solzhenitsyn bị bắt và sau đó bị trục xuất khỏi Nga Sô sang Đức vào năm 1974. Ngay sau đó tiểu luận này đã được dịch ra tiếng Anh và đăng trên The Washington Post vào ngày 18 tháng Hai năm 1974.
Phạm Ngọc dịch từ tiếng Nga
Solzhenitsyn trong trại giam ở Kazkhastan (1945-53)
KHÔNG SỐNG BẰNG DỐI TRÁ
Có một thời chúng ta thậm chí không dám cả nói thầm! Giờ đây, khi viết và đọc những sách báo ngoài luồng,[1] và đôi lúc tụ tập hút thuốc tại Viện nghiên cứu khoa học, chúng ta có thể phàn nàn thẳng thắn với nhau: “bọn họ” định chơi trò gì đây, định dắt mũi chúng ta tới đâu nữa! Những tâng bốc vô bổ về thành tựu vũ trụ trong khi đất nước nghèo đói và kiệt quệ; củng cố chế độ cai trị dã man; thổi bùng ngọn lửa nội chiến; nuôi dưỡng chính thể Mao Trạch Đông bằng của cải vật chất của chúng ta một cách khinh suất, để rồi sau đó lại lùa chính chúng ta ra chiến trường chống lại hắn; và chúng ta, còn lối thoát nào khác ngoài việc tuân lệnh lên đường? “Bọn họ” tuyên án bất kì ai họ muốn, tống những con người khoẻ mạnh vào nhà thương điên — “bọn họ” luôn như thế, còn chúng ta — bó tay bất lực!
Mọi thứ dường như đã gần chạm đáy, cái chết toàn diện về mặt tinh thần đã chạm vào tất cả chúng ta, còn cái chết về mặt thể xác sắp sửa cháy bùng và nuốt chửng hết cả lũ chúng ta lẫn thế hệ con cháu; thế mà chúng ta vẫn cứ bình chân như vại, vẫn nở một nụ cười đớn hèn và cứ lúng ba lúng búng như thể nuốt phải lưỡi:
— Nhưng làm cách nào để dừng điều đó được cơ chứ? Chúng ta làm gì đủ sức, phải không nào? Chúng ta đã bị phi nhân tính một cách tuyệt vọng tới mức chỉ vì một khẩu phần ăn khiêm tốn hàng ngày cũng sẵn lòng đánh đổi mọi nguyên tắc của mình, tâm hồn của mình, những nỗ lực của tiền nhân và cơ hội dành cho hậu thế — cốt sao sự tồn tại mong manh của mình không bị phá vỡ. Chúng ta chẳng còn lấy một chút vững vàng, một chút tự hào và một bầu nhiệt huyết. Chúng ta thậm chí còn chẳng sợ cái chết vì vũ khí hạt nhân, không sợ thế chiến thứ ba (còn có thể trú ẩn trong những kẽ hầm mà!), thế nhưng lại sợ những hành động can đảm của công dân! Chúng ta chỉ e sợ mình bị tách ra khỏi bầy đàn, phải tiến bước một mình và đột nhiên nhận ra rằng không còn bánh mì, không còn khí đốt, không còn hộ khẩu Moskva.
Chúng ta đã bị nhồi sọ bởi các khoá học chính trị, đến nỗi trong bản thân luôn nuôi dưỡng một ý tưởng — hãy sống thật thoải mái và rồi tất cả sẽ tốt đẹp: anh chẳng đời nào tách rời khỏi môi trường, điều kiện xã hội, sự tồn tại xác định ý thức, và chúng ta thì liên quan gì? chúng ta có thể thay đổi được gì đâu!
Thực chất thì có thể, chúng ta có thể thay đổi tất cả mọi thứ! Tuy nhiên, chúng ta vẫn cứ tự lừa dối để trấn an bản thân. Chẳng “bọn họ” nào có lỗi cả — mà chính chúng ta và chỉ có thể là chúng ta!
Có thể phản đối: nhưng thực tế có thể nghĩ ra điều gì hay ho nào! Họ bịt miệng chúng ta, có ai muốn nghe chúng ta nói chứ, cũng có ai hỏi ý kiến chúng ta đâu. Làm thế nào buộc họ phải nghe chúng ta?
Thuyết phục được họ là điều không tưởng.
Lẽ tự nhiên là có thể loại bọn họ bằng bầu cử, nhưng làm gì có bầu cử ở đất nước ta!
Ở phương Tây người ta biết đến bãi công và biểu tình — còn chúng ta, một lũ người khiếp nhược, cảm thấy thật kinh khủng: sao lại có thể đột nhiên bỏ việc, sao lại có thể đột nhiên xuống đường chứ?
Thế nhưng, những phương cách định mệnh khác đã từng được trải nghiệm trong lịch sử cay đắng của dân tộc Nga suốt một thế kỉ qua cũng không phải dành cho chúng ta, và thực sự chúng ta không cần tới chúng! Giờ đây, khi những lưỡi rìu đã hoàn thành công việc đốn chặt, khi những hạt được gieo đã nảy mầm, chúng ta có thể thấy rõ sự lầm đường lạc lối của những kẻ non nớt và tự phụ — những kẻ từng tưởng rằng họ có thể đem lại công bằng và hạnh phúc cho đất nước bằng khủng bố, bằng cách mạng đẫm máu và bằng nội chiến. Không đâu, xin cảm ơn, hỡi các vị tiền nhân soi sáng! Giờ đây chúng ta nhận thức được rằng nhân nào quả nấy, các biện pháp tồi tệ sẽ sinh ra các kết quả tồi tệ. Hãy để cho bàn tay chúng ta được trong sạch.
Vậy là một cái vòng tròn lẩn quẩn ư? Và thực tế không còn lối thoát? Lẽ nào chúng ta chỉ còn một lựa chọn duy nhất là ngồi khoanh tay chờ đợi: bỗng nhiên chuyện cổ tích sẽ biến thành hiện thực?
Nhưng sẽ chẳng bao giờ có chuyện gì xảy ra cả, chừng nào chúng ta còn tiếp tục thừa nhận, tiếp tục ca ngợi, tiếp tục đóng góp, chừng nào chúng ta còn chưa tự tách mình ra khỏi một thứ dễ nhận thấy nhất xung quanh chúng ta: đó là sự Dối Trá!
Khi bạo lực xâm nhập vào cuộc sống bình yên của con người, khuôn mặt của nó sáng ngời ánh tự tin, như thể nó đang giương cao ngọn cờ và hô lớn: “Ta là Thần Bạo Lực đây! Hãy chạy xa, hãy tránh đường, bằng không ta sẽ nghiền nát tất cả!” Song bạo lực sẽ nhanh chóng trở nên già cỗi, chỉ sau ít năm thôi nó đã mất hết đức tự tin, và để duy trì được bộ mặt khả kính, nó bèn lôi kéo một đồng minh đắc lực: đó là Dối Trá. Bởi lẽ: Bạo Lực không thể nào che giấu được móng vuốt của mình nếu không có Dối Trá, và Dối Trá chỉ có thể duy trì được sự tồn tại của mình nhờ Bạo Lực. Bạo lực không thể nào đặt bàn tay lông lá của nó vào mọi lúc và lên tất cả mọi người được, nó đòi hỏi chúng ta phục tùng sự dối trá, tham gia vào mọi hành động dối trá như một nhu cầu sinh hoạt hàng ngày — lòng trung thành tuyệt đối được đặt vào đó.
Và như thế, chìa khoá đơn giản và dễ dàng nhất cho tự do, lâu nay vẫn bị chính chúng ta lãng quên, nằm ở đây: từng cá nhân không tham gia vào sự dối trá. Cho dù dối trá bao trùm tất cả, thống trị tất cả, chí ít chúng ta phải dám khẳng định một điều: dối trá không khuất phục được tôi!
Điều này sẽ mở một lối ra cho vòng lẩn quẩn tưởng tượng, tồn tại do việc khoanh tay ngồi yên của chúng ta. Đó là biện pháp dễ dàng nhất cho chúng ta để huỷ diệt sự dối trá. Bởi lẽ, khi dối trá bị người ta ngoảnh mặt quay lưng, đồng nghĩa với việc nó chấm dứt sự tồn tại. Dối trá chỉ có thể tồn tại trong cơ thể người ta như một căn bệnh truyền nhiễm.
Chúng ta không phải tự lên gân, chúng ta chưa đủ trưởng thành để có thể tiến vào quảng trường dõng dạc hô lớn “sự thật muôn năm” hoặc nói to những gì chúng ta nghĩ. Việc đó không những không cần thiết mà còn nguy hiểm. Song hãy từ chối nói những gì mà chúng ta không nghĩ.
Đó là con đường của chúng ta, phương cách đơn giản và dễ thực hiện nhất, một khi đã tính tới cả sự nhát gan bẩm sinh trong mỗi con người. Và nó cũng dễ hơn nhiều — dù nói thế này cũng còn là nguy hiểm — so với phong trào bất tuân thủ dân sự mà Gandhi từng kêu gọi.
Phương cách của chúng ta là không ủng hộ dối trá một cách có ý thức! Khi nhận thức được đâu là ranh giới của sự dối trá, tuỳ theo nhận thức của mỗi người, ta phải tránh xa đường biên ung hoại này. Hãy đừng cố nối lại xương cốt mục ruỗng và lớp vẩy bị huỷ hoại của Hệ tư tưởng, hãy đừng cố vá víu những mớ giẻ mục nát, và chúng ta sẽ ngạc nhiên biết bao nhiêu khi sự dối trá nhanh chóng trở nên bất lực và yếu ớt, và những gì cần được lột trần khi đó sẽ thực sự được phơi bày trước toàn thế giới.
Vì thế, với tất cả sự rụt rè của chúng ta, hãy để mỗi người trong chúng ta có một lựa chọn: hoặc tiếp tục là nô lệ cho dối trá một cách có ý thức (hoàn cảnh đưa đẩy mà, chúng ta có muốn thế đâu, mà là để nuôi sống gia đình, và như thế, cũng là giáo dục con cái mình trong một tinh thần dối trá); hoặc là rũ bỏ hết dối trá để sống như một con người trung thực, xứng đáng với sự kính trọng của con cái và của người đương thời. Và từ hôm nay trở đi, mỗi người chúng ta sẽ:
— không viết, không kí, không in ấn dưới mọi hình thức một lời nào mà ta cho rằng bóp méo sự thật;
— không nói ra những lời như thế, cho dù nói chuyện riêng hay nói trước công chúng, dù tự mình hay do ai đó yêu cầu, dù với vai trò của tuyên truyền viên, giáo viên, nhà giáo dục hay nghệ sĩ sắm vai trên sân khấu;
— không mô tả, không cổ vũ, không truyền tải một ý tưởng nào mà ta thấy rõ ràng là giả dối hay bóp méo sự thật cho dù trong lĩnh vực hội hoạ, điêu khắc, nhiếp ảnh, khoa học kĩ thuật hay âm nhạc;
— không trích dẫn, dù trong văn nói hay văn viết, một câu nói “được chỉ đạo” để làm hài lòng ai đó, để có được một tấm thẻ bảo hiểm, để đạt được thành công trong công việc nếu ta không hoàn toàn chia sẻ với ý kiến được trích dẫn, hoặc nếu nó không phản ánh chân thực vấn đề;
— không tự ép mình phải đến dự các cuộc biểu dương, hội họp nếu chúng trái với ý nguyện hay mong muốn của ta, không nhận vào tay hoặc giương lên một áp-phích hay biểu ngữ mà ta không hoàn toàn đồng ý;
— không giơ tay thông qua một đề xuất mà ta không thực sự tán đồng, không bỏ phiếu, dù công khai hay bí mật, cho ai nếu ta cho rằng người đó không xứng đáng hay không đáng tin cậy;
— không ép mình phải dự những cuộc hội họp mà ở đó thảo luận các vấn đề bóp méo sự thật;
— ngay lập tức bước ra khỏi các cuộc họp, hội nghị, giảng đường, diễn kịch, chiếu phim nếu nghe thấy diễn giả nói dối, phát biểu những ý thức hệ ngớ ngẩn hay tuyên truyền vô sỉ;
— không đặt mua những báo chí có thông tin bị bóp méo và sự thật bị che đậy.
Tất nhiên, chúng ta chưa liệt kê hết tất cả những việc có thể và cần thiết để lánh xa sự dối trá. Nhưng một người tự làm trong sạch mình sẽ dễ dàng nhận ra những tình huống khác với cái nhìn trong trẻo của anh ta.
Phải, việc đó ban đầu sẽ không hề dễ dàng chút nào. Có thể một số người sẽ mất việc làm. Với những thanh niên muốn sống đời sống chân thật, việc này thoạt tiên sẽ làm cho cuộc sống của họ trở nên vô cùng phức tạp, bởi những bài học bắt buộc của họ tràn ngập những lời dối trá, và họ cần phải chọn lọc. Nhưng không có lối thoát nào khác hơn cho bất kì ai muốn trở nên trung thực: vào bất kì ngày nào, mỗi người trong chúng ta sẽ phải đối mặt với ít nhất một trong các lựa chọn trên đây, ngay cả khi chúng ta trú ẩn trong những ngành khoa học kĩ thuật có tính an toàn nhất, hoặc là sự thật, hoặc là dối trá; hoặc là độc lập tư tưởng hoặc nô lệ tinh thần. Và những ai không đủ dũng cảm để bảo vệ chính tâm hồn mình thì cũng đừng tự hào về những quan điểm cấp tiến của bản thân, đừng vỗ ngực rằng mình là viện sĩ hàn lâm hay nghệ sĩ nhân dân, là một nhà hoạt động nhiều cống hiến hay một vị tướng, mà hãy tự nhủ với bản thân: tôi ở trong bầy đàn, tôi là một “hèn đại nhân”, sao cũng được miễn là có cơm ăn và áo mặc.
Thậm chí con đường này — phương cách ôn hoà nhất trong tất cả những đường lối phản kháng — hoàn toàn không dễ dàng chút nào. Nhưng trong chừng mực nào đó, nó còn dễ dàng hơn nhiều so với việc tự thiêu hay tuyệt thực: lửa sẽ không bao trùm thân thể bạn, mắt bạn sẽ không bị nổ tung vì hơi nóng, và cuối cùng thì gia đình bạn sẽ luôn có được bánh mì và nước uống.
Một dân tộc vĩ đại ở châu Âu, những người từng bị chúng ta phản bội và lừa dối — dân tộc Tiệp Khắc, chẳng đã cho chúng ta thấy chỉ với bộ ngực trần không gì bảo vệ đã dám vươn ra chống lại bánh xích xe tăng hay sao! nếu như trong bộ ngực ấy không tồn tại nhịp đập của một trái tim cao quý?
Con đường này vô cùng khó khăn? Phải, nhưng là phương cách dễ dàng nhất trong tất cả những lựa chon khả thi. Không phải là lựa chọn dễ dàng cho phần xác, nhưng lại là lựa chọn duy nhất của phần hồn. Và dù đó không phải là con đường dễ dàng nhưng đã có người trong chúng ta, thậm chí hàng chục người, luôn trung thành với những nguyên tắc này từ rất nhiều năm và sống bằng sự thật.
Và như vậy, bạn không phải là người đầu tiên dấn bước vào con đường này, mà sẽ nhập cùng với dòng người trên đó. Con đường sẽ bớt gập ghềnh và ngắn hơn nếu tất cả chúng ta cùng liên kết và siết chặt đội ngũ! Nếu đội ngũ chúng ta lên đến hàng ngàn người, thì không điều gì mà ta không làm nổi. Và nếu đội ngũ chúng ta lên đến hàng vạn người, thậm chí đất nước ta sẽ thay đổi đến mức chúng ta còn không nhận ra được nữa!
Nếu chúng ta còn sợ hãi, thì xin hãy đừng kêu ca than vãn, rằng có ai đó đang đè nén không cho ta thở nữa — chẳng có ai khác ngoài chính chúng ta đang tự siết cổ mình! Khi đó, hãy cúi đầu xuống thấp hơn, và hãy nhẫn nhục đợi đến một ngày không xa, những nhà sinh học anh em sẽ giúp chúng ta những phương tiện có thể đọc được ý nghĩ con người và sẽ cải tạo lại hệ thống gien di truyền cho chúng ta!
Và chừng nào chúng ta còn sợ hãi, thì chúng ta còn thực sự nhỏ nhoi hèn mọn đến mức tuyệt vọng, và những lời thơ khinh miệt của Pushkin đích thực là dành cho chúng ta vậy:
“Tự do chi cho một bầy súc vật
Ách nặng và roi vọt là di sản truyền đời của chúng.” [2]
12/2/1974
_____________________
Chú thích của người dịch:
[1]Samizdat (nghĩa đen là tự xuất bản): trào lưu văn học ngầm, xuất bản tự do, không được in mà chỉ tồn tại dưới dạng viết tay hoặc đánh máy, lưu hành trong giới trí thức Nga sau khi Khrushov lên nắm quyền, và mở ra thời kì tương đối tự do hơn trong văn nghệ. Các tác phẩm như Tầng đầu địa ngục của Solzhenitsyn, Bác sĩ Zhivago của Pasternak... là các ví dụ của trào lưu văn học này.
Là người gieo giống tự do trên đồng vắng
Tôi ra đi từ sáng sớm tinh mơ
Bàn tay tôi trong trẻo ngây thơ
Gieo mầm sống trên luống cày nô dịch
Nhưng tôi chỉ phí thời gian vô ích
Cả tư tưởng và việc làm thiện chí của tôi
Nhân danh thanh bình, cứ gặm cỏ đi thôi!
Tiếng vinh dự không thể làm tỉnh giấc
Tự do đâu cho một bầy súc vật?
Chúng chỉ cần cắt xẻo, cạo lông
Đời nối đời, di sản chúng nó chung
Là ách nặng đeo chuông và roi vọt
-------------------------------
Lời bạt của người dịch:
Nhan đề bài tiểu luận nguyên tác tiếng Nga “Жить не по лжи” dịch sát nghĩa là “Sống không theo dối trá”, còn nói theo kiểu Việt là “Không sống theo dối trá” hay “Sống không dối trá”. Tuy nhiên, nếu dịch như thế thì chưa đủ mạnh, chưa đủ tính khẳng định của một tuyên ngôn. Kể cả khi dịch “Đừng lấy dối trá làm lẽ sống”, theo chúng tôi, cũng chưa đủ tính kiên quyết.
Có ý kiến cho rằng: người ta không chỉ sống “bằng” bánh mì, chứ nói “bằng dối trá” là chưa ổn?! Theo thiển ý của chúng tôi, nếu nghĩ rộng ra một chút, trong thời buổi mà người ta cần đến dối trá như cơm ăn nước uống hàng ngày, như một thứ “bánh mì”, thì tuyên ngôn “Không sống bằng dối trá” hoàn toàn “ổn”! Ngoài ra, người ta vẫn thường nói: đừng sống “bằng” ảo tưởng, “ảo tưởng” cũng có phải là một thứ “bánh mì” đâu?!
Và không phải vô cớ mà người ta dịch ra tiếng Anh là “Live not by lies”.
-----------------
Bấm vào đây để xem những bản dịch tác phẩm của Alexander Solzhenitsyn đã đăng trên Tiền Vệ.
.
.
.
No comments:
Post a Comment