Trần Đông Đức
Thu, 02/16/2012 - 04:52
Gần đây, Trung Quốc đã dùng tên tuổi Khổng Tử một cách đại quy mô như là thương hiệu quốc gia để lập viện giao lưu quốc tế. Năm 2010, để đối đầu với Tây Phương, Trung Quốc cũng dùng tên tuổi Khổng Tử để tạo nên một giải thưởng hòa bình nhằm cạnh tranh với giải Nobel danh giá trao cho nhà bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba đang bị cầm tù.
Việc lạm dụng họ Khổng quá đà này đã làm cho nhiều người có tư tưởng hoài cựu cảm thấy mất mát làm sao! Dù sao Khổng Tử cũng là một nhà hiền triết cổ đại có đức độ và sức ảnh hưởng vượt ra khỏi biên cương văn hóa Trung Quốc tạo nên thế đứng trang trọng trong văn hiến các nước như Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam.
Thế mà trong thời đại mở cửa, các doanh nghiệp Trung Quốc đã "không tha cho lão" đã kinh doanh tên tuổi cổ thánh tiên hiền để thành tên đồ uống như bia tam Khổng, dầu thơm Khổng phủ mang tính tiếp thị khách hàng.
Chưa hết, bây giờ Trung Quốc lại có ý định điều chỉnh Nho giáo, phục hồi kết hợp một số đặc điểm mang tính phục tùng nề nếp để qua đó khống chế khát vọng tự do hạnh phúc của con người. Chính Khổng Tử lại bị nhà cầm quyền Hoa Lục cho dùng làm vỏ bọc để đối đầu với các giá trị phổ quát của thế giới đâm ra hình ảnh hoài cựu này trở nên một thứ "Đông Á bệnh phu" kiểu mới, hình ảnh một ông già Tàu thô lậu chậm chạp rề rề trước những khát vọng trào lưu của nhân dân Trung Quốc.
Hương Thơm Khổng Giáo
Thực sự, trong quá khứ sức ảnh hưởng của Khổng Giáo cũng chỉ đến với những nước Đông Á mà thuật ngữ đã đặt tên là khối "Hán Ngữ Văn Hóa Quyển" tức là vùng văn hóa Đông Á lấy những màu sắc như Nho giáo, Hán học, ăn đũa làm nét tương đồng. Nước Việt Nam về mặt văn hóa đứng trong khối Đông Á nhưng về địa lý thì nghiêng về Đông Nam Á do đó Khổng Giáo ở Việt Nam có sự pha trộn mang tính tùy tiện kiểu uống nước cuối sông chứ không chắc gì là nghiêm cẩn đạo mạo như kiểu Triều Tiên và Nhật Bản.
Nếu đem so sánh tính cách con người giữa hai dân tộc Nhật Bản và Việt Nam mọi người sẽ thấy ngay sự sai biệt rất lớn trong lễ nghĩa phép tắc của Khổng Giáo. Đúng là hai phiên bản như kiểu truyện Kiều đã qua phóng tác, như nhạc giao hưởng đã đặt thêm lời. Nghiệm ra Khổng Giáo hay là Nho Giáo gì gì đấy không phải là một thứ gì cao siêu chuẩn mực như nhất.
Có nhiều trí thức học giả Việt Nam cũng tỏ ra vẻ trầm tư khi thấy nét khác biệt giữa Nho Giáo của Việt Nam và Trung Quốc rồi cho rằng đó là một đặc điểm "Việt hoá" đâm ra tự hào về nét pha trộn này mà cho là Việt hóa Nho giáo, xưng là Việt Nho. Ở một góc cạnh cao hơn mà nhận xét, Khổng Giáo chính là một vỏ bọc màu mè chứ ruột gan bên trong ai rút kiểu nào cũng không hề hấn gì về mặt danh nghĩa và nội dung. Khổng Giáo chính là một xác chết bị rút ruột từ lâu đời, ai có chút quyền uy cậy thế đều cũng có thể hà hơi vào đấy là có thể tự tạo cho mình một trạng thái bá quyền văn hóa.
Thật vậy, các thuyết Trung Dung, Luận Ngữ; Đại Học Chi Đạo… Bất Diệc Lạc Hồ này nọ, nghe cứ là thâm trầm, sâu lắng, hút hồn, quyến rũ lòng ai.. Các giới nhân văn danh sĩ tri thức nếu bình tĩnh đọc lại một lúc rồi cũng sẽ nhận ra rằng các học đạo này chỉ hay ho hấp dẫn được mấy trang đầu do đặc tính ngữ văn Hán ngữ mà thôi. Lật sâu vào trong thì có nhiều lý luận rất nực cười, dở hơi mang tính cổ tục hũ hóa tâm hồn chứ chẳng thấy lý luận nào tới bến bờ như triết Tây Phương. Điều này là thật đấy.
Ngay cả Đạo Đức Kinh của Lão Tử được xem là một cuốn Kinh Thư, rất có chất thơ, mơ hồ bàng bạc, xuất thế giáng trần nhưng hình như toàn bộ những hay ho tinh tuý nó nằm hết trong mấy câu đầu… "Đạo khả đạo phi thường đạo ….". Vô tới sâu vài trang sau là mất hết định hướng triết học bao quát mà nói sang kỹ thuật phải cúng tế trời đất thổ thần phẩm vật chuẩn bị ra làm sao, hiểu chết liền (@Vũ Quý Hạo Nhiên - báo Người Việt).
Do đó, nói tư tưởng học thuyết trong mấy sách cổ đại Trung Quốc nó cứ mông lung như những cánh chim bay vô định dưới trăng khuya (nguyệt điểu mông lung). Nó cứ là bàng bạc trong một bối cảnh nào đó tạo thành tâm lý ảo tưởng cho người đọc thấy rằng ta đây chiêm nghiệm sự uyên thâm bát ngát.
Gần đây, có một số độc giả Việt Nam như Nguyễn Thị Hường trên facebook đã nhận ra đặc tính trời ơi trong Khổng Giáo và có lẽ là trong các kinh thư triết học cổ đại Trung Quốc. Nhưng những người như "Nguyễn Thị" chưa có điều kiện chín muồi để hô to lên rằng chẳng qua đó là một thứ "trạng lột" đánh lừa tâm lý triết học để bắt thiên hạ phục tùng nền bạo chính. (Mềnh hiểu rõ ý cô Nguyễn Thị Hường qua một cái còm trên facebook cho nên viết bài này coi như là biểu lộ sự đồng tình)
Chính Sách Cộng Khổng phối hợp
Hiện nay, ở Trung Quốc có hai nhà Tân Khổng Giáo là Khổng Khánh Đông (người vừa chửi dân Hồng Kông là chó) và giáo sư Vu Đan, được mệnh danh là Nữ Khổng Tử cố gắng làm sao để đưa Luận Ngữ, Trang Tử… trở thành văn hóa quần chúng. Sách bán chạy, show truyền hình có nhiều người coi bởi vì sự hiếu kỳ của quần chúng đang đói khát về phương diện tâm linh tinh thần. Nhiều người cũng tìm đến Khổng Mạnh Lão Trang trong một trạng thái sương khói kiểu Trung Quốc hồn làm khung văn hóa.
Trung Quốc vốn là quê hương của Khổng Giáo, trật tự, văn hiến, lễ nghĩa lắm lắm! nhưng các triều đại được dựng lên trong 1000 năm trở lại đây đều là do nông phu cái bang thô bạo dã man cướp giết mà thành. 2000 năm trước, nhà Hán dùng Khổng giáo để thiên mệnh hóa triều đại. Chu Nguyên Chương khởi tổ nhà Minh vốn xuất thân ăn mày cái bang, thế mà khi định được thiên hạ đem Khổng Giáo về xài tạo nên một định chế nghiêm ngặt ngất trời. Rồi nhà Thanh là dân du mục ở ngoài Vạn Lý Trường Thành cai trị Trung Quốc cũng dùng ngay Khổng Giáo để trị dân Trung Quốc cho dễ. Rõ ràng, hệ tư tưởng này thích hợp với đường lối trị dân như kiểu chăn dê thả lợn do đó thường được bạo quyền dùng làm công cụ chăn dân.
Sự du nhập Khổng Giáo vào Việt Nam cũng là do các triều đại phong kiến đưa vào làm nền tảng cai trị chứ kể từ khi nước ta thoát li ra khỏi bản đồ Trung Quốc. Đây là sự tự nguyện du nhập và để làm công cụ hành chánh.
Như đã nêu trên, Khổng giáo luôn luôn là công cụ của thế lực cầm quyền. Bình dân nhận lấy giáo luật này chính là tự mang xiềng vào cổ trong một trạng thái bị nô tính hóa chứ họ không bao giờ tự cảm nhận được hương vị sầu riêng, sầu thiên thu của nó.
Đảng cộng sản Trung Quốc gần đây mặc nhiên kế thừa các di sản Khổng Giáo, định lập hương án giữa Thiên An Môn để vọng niệm (nhưng âm mưu lộ liễu quá, cho nên sau đó âm thầm hạ xuống). Cấp nhà nước có đưa ra đề án, nghiên cứu bài bản để áp dụng trật tự đó cho vận mệnh thống trị của đảng cộng sản. Nhiều người có chút lãng mạn xem đây là một bước đồng hành của đảng cộng sản với truyền thống văn hóa, nhảy vào tâng bốc chính sách này coi như là phương hướng tư tưởng đặc sắc đậm đà.
Nhưng đây chính là thủ đoạn tinh vi dùng não trạng Khổng Giáo để làm tê liệt mọi nỗ lực thách thức và tinh thần kháng nghị của nhân dân chẳng khác gì các triều đại phong kiến thời xưa. Đề cao Khổng Giáo chính là bảo vệ quyền lợi giai cấp thống trị. Phương pháp lý luận Cộng - Khổng được ứng dụng để khống chế nhân dân Trung Quốc. Khổng Giáo và Cộng Sản chính là hai tròng trên một cổ.
Không còn chối cãi gì nữa, các hạng học giả trí thức như nữ Khổng Tử Vu Đan hay là Khổng duệ F-73, Khổng Khánh Đông đang tiếp tay cho đảng cộng sản để "hài hòa hóa" xã hội Trung Quốc để nhân dân càng thêm phần bị "thuần dưỡng".
Mao Trạch Đông với chủ trương "phê Khổng dương Tần" để phá vỡ trật tự xã hội cũ lập nên văn hóa cộng sản. Nhưng bây giờ cộng sản có chân có đế rồi thì lại quay lại ngay với Khổng Giáo để củng cố địa vị mang tính mệnh trời. Chiếc vòng văn hóa này cứ như một trình tự tuần hoàn.
Giá Trị Học Thuyết
Nhưng nếu Khổng giáo là một học thuyết có lý luận tinh vi và sắc sảo, "luận ngữ", "trung dung", "đại học chi đạo tại minh minh đức"… nghe cứ là uyên thâm đạo mạo thế mà lại làm sao cứ trở thành công cụ thô bỉ cho bọn cường quyền muôn đời sử dụng để trấn áp mọi tư duy ý thức khác biệt.
Nếu truy lỗi nhà Khổng tạo dựng nên chủ thuyết cho giai cấp thống trị thì quá đáng. Nhưng về mặt khách quan Khổng giáo không thể nào trút bỏ trách nhiệm về một chủ thuyết làm sao mà chỉ có lợi cho giai cấp thống trị. Tất cả chỉ là đề cao trật tự vai vế mang tính bá quyền văn hoá. Chưa nói đến nhiều trật tự của nhà Khổng đề ra mang tính hỗn loạn không minh bạch để người đời thích sao thì cứ diễn giải tùy tiện. Nhiều nhà "Khổng Học trung ương" từng bị chất vấn về mặt giải nghĩa kinh văn tuỳ tiện. Có lần nữ Khổng Tử Vu Đan giải thích khái niệm "Tiểu Nhân" là tương đương với "Tiểu Hài Tử" (kiểu như là baby, con cái bé bỏng trong nhà) làm trăm nhà phản đối quá chừng về sự thêu dệt ngôn ngữ.
Đứng ở đỉnh cao học thuật uyên bác, hiểu biết sâu sắc thế mà các học giả này cũng bị chỉ trích rồi cãi nhau tán loạn về chuyện "Luận Ngữ tâm đắc" mà lại giảng sai ý tự. Bên Tàu còn thế nữa là Việt Nam.
Nếu nói Khổng Giáo thực sự là một chủ thuyết giá trị đại diện cho văn minh phương Đông để đem só sánh với văn minh phương Tây thì chẳng khác nào đem lễ phép kiểu con nít học lớp một so với cái bắt tay lịch sự của người lớn.
Khổng Giáo ở Việt Nam
Việt Nam chưa có ban bệ lý luận Cộng - Khổng phối hợp như ở Trung Quốc nhưng chắc chắn trong một ngày rất gần hai đảng cộng sản sẽ trao đổi kinh nghiệm lý luận, cho ra đời một số lý thuyết gia cộng sản mang áo quần Nho gia, (kiểu khăn đóng ái dài cải biên) lên đàm đạo Cộng - Khổng tư tưởng. Dám lắm!. Trung Quốc đã cho ra đời được thế hệ Cộng - Khổng nhìn bề ngoài thì tỏ ra "Đông phương khí chất" nhưng bên trong chính là một âm mưu thách thức kiểu "Đông phong áp đảo Tây phong" tạo nên những nhận thức lệch lạc về giá trị phổ quát trên thế giới hiện nay.
Nhiều người cho rằng một số nước Á Đông khác có môi trường văn hóa Khổng Giáo vẫn tiến bộ như thường. Không đúng. Đài Loan, Nhật Bản, Nam Hàn là xã hội thoát Nho thoát Khổng từ thượng tầng. Văn hoá của những nước này lấy cơ cấu chính trị và tiêu chuẩn nhân văn của Tây phương áp dụng từ cơ sở hiến pháp. Khổng Tử đã chết để nhân dân các nước này được sống. Các nhà khai sáng các nền "dân quốc" của Trung Hoa (Đài Loan) và Đại Hàn đều ảnh hưởng tinh thần nhân văn của Âu Mỹ mà điều chỉnh theo đặc tính dân tộc, kể cả Nhật Bản.
Nếu Trung Quốc có mệnh hệ lịch sử như Âu Châu để các nước nhỏ tự quyết định vận mệnh và cạnh tranh sinh tồn thì lịch sử thế giới đi theo một hướng khác. Trung Quốc có thế cục lớn nhưng xét cho cùng đó là tập hợp bởi những quốc gia thất bại không vươn mình thoát khỏi gông xiềng của nền chính trị kiểu trung ương tập quyền mà Khổng gia có phần đóng góp thiết lập từ thời cổ đại.
Trong thời kỳ Pháp thuộc, Việt Nam bị Âu hóa một cách trực tiếp, Khổng Nho coi như đã bị phế bỏ một cách có hệ thống. Do đó nói Việt Nam có tín đồ Khổng Giáo thực sự hay không, đố ai còn biết được. Cộng sản lên ngôi rồi, lúc đầu tưởng là có thái độ dứt khoát hơn với những thứ sương khói mơ hồ nhưng lúc sau lại lôi kéo vào nhân dân Việt Nam cái lồng Khổng Giáo này một cách lạc hậu mê muội hơn thời thực dân phong kiến.
Trung Quốc đang dùng Khổng Giáo để tái hiện âm mưu phô trương văn hóa mềm đối với các nước xa xôi. Ở vị trí đặc thù Việt Nam có văn hóa Nho gia từ thời cổ đại, việc đưa viện "tân" Khổng Giáo sang chính là một sự xâm lăng thô bạo về mặt tư tưởng chẳng khác gì chuyện Mã Viện đúc lại trụ đồng. Nhân dân Việt Nam ngoài việc cho Khổng Giáo lụi tàn còn không quên khi nào đi ngang qua cái viện Khổng Giáo Trung Quốc mới dựng thì hãy nhớ ném vào đó vài cục ngói gạch đất đá như là hành động tự cứu thoát khỏi gông xiềng, thoát ly Cộng - Khổng.
.
.
.
No comments:
Post a Comment