Saturday, February 25, 2012

HÀNH TRÌNH VÀO ĐẠI HỌC CỦA CÔ BÉ LỚN LÊN TỪ TRẠI TRẺ MỒ CÔI (Băng Huyền/Viễn Đông)


Băng Huyền/Viễn Đông
 (VienDongDaily.Com - 22/02/2012)
Đến khi mẹ Hảo nhận nuôi em, làm giấy tờ và đưa em qua Mỹ vào đầu tháng 10 năm 2006, mẹ đổi em sang họ của mẹ, và em có thêm tên tiếng Mỹ là Kelly”.

“Từ khi em còn rất nhỏ, em đã bị bỏ trước cửa chùa Diệu Giác và lớn lên tại cô nhi viện của chùa [còn được gọi nhà nuôi dạy trẻ mồ côi Diệu Giác, tại quận 2 thành phố Sài Gòn] cùng với khoảng 100 anh chị và các bạn, các em nhỏ khác. Khi đã lớn, em có hỏi thầy Phó [giám đốc] về hoàn cảnh em đến chùa, thầy cho biết lúc đó em bị sốt cao, nên thầy đem vào chùa và em được các ni cô trong chùa chăm sóc. Em còn nhớ mỗi buổi sáng khi chúng em tập thể dục dưới sân, thỉnh thoảng có nghe tiếng em bé khóc, tụi em chạy ra ngoài thì nhìn thấy có em bé bỏ trong giỏ đi chợ để trước cửa. Do nhìn thấy vài lần rồi, nên em cũng hình dung hoàn cảnh của em đã đến chùa ra sao. Vì không có giấy tờ gì kèm theo em, nên thầy đã lấy họ của thầy đặt cho em, tên của em là Văn Ái Liên, nghĩa là đóa sen yêu thương. Đến khi mẹ Hảo nhận nuôi em, làm giấy tờ và đưa em qua Mỹ vào đầu tháng 10 năm 2006, mẹ đổi em sang họ của mẹ, và em có thêm tên tiếng Mỹ là Kelly”.

Ái Liên (áo dài xanh) đang nói trong phần thi trả lời câu hỏi cuộc thi hoa hậu áo dài trong đêm dạ tiệc mừng xuân Nhâm Thìn 2012 do Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California tổ chức ngày 11-2-2012 - ảnh: Băng Huyền/Viễn Đông

Bằng giọng nói dịu dàng, ấm áp, bình thản nhưng đôi lúc cố nén nỗi nghẹn ngào của mình, cô giáo trẻ Lê Ái-Liên Kelly đã mở đầu câu chuyện về hoàn cảnh đặc biệt của mình với người viết.

Trong đêm dạ tiệc mừng xuân Nhâm Thìn 2012 do Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California tổ chức ngày 11-2 vừa qua, có 19 thầy cô được tuyên dương và nhận tấm plaque “Giảng viên xuất sắc niên khóa 2010-2011 vì đã gắn bó với tiếng Việt và văn hóa nước nhà”. Trong số đó, cô giáo trẻ Lê Ái-Liên Kelly là giáo viên tiêu biểu của Trung Tâm Việt Ngữ Văn Lang San Diego. Cô giáo Ái-Liên Kelly đã bắt đầu công việc dạy tiếng Việt ngay từ khi em còn là học sinh lớp 11 trường Scripps Ranch High School (San Diego). Hiện nay, Ái Liên đang theo học năm thứ hai chuyên ngành sinh học (biology), một môn học mà em rất yêu thích, ở trường Miramar College. Em đang chuẩn bị chuyển lên đại học University of California, San Diego (UCSD) vào mùa Thu 2012. Ái Liên đang theo đuổi ước mơ trở thành một bác sĩ sản phụ khoa trong tương lai. Dù rất bận rộn với việc học ở trường và phụ giúp mẹ việc nhà, nhưng Ái Liên Kelly vẫn dành thời gian soạn giáo án, hướng dẫn các em trong lớp nhỏ nhất của trường, học cách phát âm, viết những chữ Việt đầu tiên.

Cũng ngay tối dạ tiệc, trong phần dự thi hoa hậu áo dài, cô giáo Lê Ái Liên Kelly (thí sinh số 6) với gương mặt xinh xắn, nụ cười rạng rỡ, cùng vẻ tự tin, duyên dáng khi trả lời câu hỏi dự thi, đã nhận được những tràng pháo tay ủng hộ nhiệt tình của các thầy cô và quan khách tham dự. Tuy em chỉ vào được vòng chung kết và không nhận được giải thưởng nào, nhưng sự ủng hộ của mọi người dành cho em, và phần thưởng thêm để khích lệ tinh thần cho em do MC Đỗ Tân Khoa đề nghị, là một kỷ niệm đẹp cho lần đầu tiên em tham dự dạ tiệc và cũng là một kinh nghiệm quý giá cho mình. Em đã chiến thắng bản thân, vượt qua nỗi rụt rè khi đứng trước mọi người và bình tĩnh trả lời câu hỏi mà không run như em đã lo sợ.

Ái Liên và mẹ tại Hội Chợ Tết Sinh Viên - ảnh tài liệu gia đình

Ý chí thay đổi cuộc đời
Đừng bao giờ đổ lỗi cho hoàn cảnh, bởi lẽ hoàn cảnh sẽ chẳng là gì nếu bạn thật sự có niềm tin, ước mơ, hoài bão và ý chí kiên cường. Đây chính là điều mà người viết cảm nhận được từ những thành công mà cô giáo trẻ dạy Việt ngữ, một bác sĩ tương lai Lê Ái Liên Kelly đã đạt được trên những chặng đường đời nhiều thử thách mà em phải vượt qua.

Thử thách đầu đời khi Ái Liên cảm nhận được là nỗi buồn của đứa trẻ bị ba mẹ bỏ rơi, lúc em vào học lớp 1 tại trường An Phú. Ái Liên nói: “Lúc nhỏ, ở trong cô nhi viện, ngoài các ni cô thì chúng em gọi là cô, còn người giám đốc của cô nhi viện chúng em gọi là thầy Phó. Những người bảo mẫu tình nguyện vào để nấu bếp, chăm các em nhỏ, thì tụi em gọi là mẹ. Những người đàn ông tình nguyện đến chở tụi em đi học, và làm những việc nặng trong chùa, thì tụi em gọi là ba. Những anh chị lớn trong cô nhi viện thì tụi em gọi là anh chị, bằng tuổi thì gọi bằng tên. Khi đó em không ngạc nhiên và thắc mắc gì hết, vì từ nhỏ em ở trong đó, đâu có đi ra ngoài nhiều, nên thấy ai cũng như mình. Nhưng đến lúc đi học lớp 1 thì mới thấy mình khác với những bạn khác. Em cũng có hỏi, nhưng các ni cô cũng nói mình đừng vì hoàn cảnh của mình mà bi quan buồn bã, khuyên em hãy mạnh mẽ và cố gắng học. Có lúc em rất tức giận, rất buồn và chia sẻ với ni cô về việc em căm ghét ba mẹ đã bỏ em. Các ni cô là người nhiều lòng từ bi, khuyên em không nên nuôi lòng thù hận và căm ghét người sanh thành. Các cô nói, biết đâu ba mẹ vì hoàn cảnh mà không nuôi được em, nên đã gửi em tại cô nhi viện. Các cô khuyên em sau này, khi em quyết định có con, thì hãy suy nghĩ kỹ và đừng lặp lại những điều mà ba mẹ em và ba mẹ các bạn khác tại đây đã làm với con cái của mình”.

Điều tưởng chừng giản dị: có ba, có mẹ chăm bẳm, được vòng tay ấm áp của mẹ ôm ấp vỗ về lại trở nên quá xa vời, nó chỉ thoáng ẩn hiện trong giấc mơ nồng say của Ái Liên, em còn phải vượt qua những buồn tủi vì bạn bè chọc ghẹo. Ái Liên kể: “Hồi đầu khi em đi học, những bạn trong lớp biết em từ cô nhi viện ra, không ai muốn chơi với em hết, vì nhiều bạn nghĩ rằng từ trong cô nhi viện ra nên không được cha mẹ dạy dỗ, sẽ hư hỏng, học không giỏi. Lúc đó em rất buồn. Đi học, thấy bạn có ba mẹ dẫn đi học, còn tụi em thì được chở trên một chiếc xe lam để đến trường. Khi về lại, em nói với mấy ni cô em không muốn đi học nữa, đi học buồn quá, bị các bạn chọc ghẹo... Cô nói nếu bị bạn chọc như vậy, rồi không đi học nữa, có nghĩa mình đã chấp nhận những lời của bạn nói là đúng. Lúc đó em nghĩ, mình được các ni cô và thầy Phó tại Diệu Giác dạy dỗ đàng hoàng, chưa chắc mình học dở hơn các bạn. Vì vậy, vào học em rất cố gắng, mỗi khi cô cho bài tập về nhà, em làm bài và học rất kỹ, luôn luôn ngoan trong lớp”.

Nhờ tư chất thông minh và sự cố gắng, chăm chỉ trong học tập đã giúp Ái Liên được chọn vào lớp chuyên của trường An Phú và lúc nào cũng đứng hạng nhất từ lớp 1 cho đến lớp 8, được các bạn bầu làm lớp trưởng nhiều năm liền. Ái Liên khoe: “Thầy cô trong trường rất thương em, trường thì cũng nhỏ, thành ra em rất nổi tiếng. Em cũng tham gia nhiều cuộc thi như văn hay chữ tốt, vở sạch chữ đẹp... Em được khen giỏi văn, hồi lớp 2, mấy thầy cô lớp 5 gọi em qua lớp để đặt câu cho mấy anh chị học theo. Em dặn mình phải luôn luôn cố gắng, tuy mình là một trẻ mồ côi, nhưng phải làm được những điều mà các bạn có đủ ba mẹ đã làm, có khi còn phải giỏi hơn. Một số bạn khác sống tại trại mồ côi, khi đi học, bị bạn bè trêu chọc, rất tức giận hoặc tính tình người đó trở nên khắc nghiệt, không tự tin nữa. Có rất nhiều bạn bỏ học, hoặc trở thành người xấu, vì các bạn nghĩ khi sinh ra mình đã không được yêu thương, thì mình phải cố gắng làm gì. Còn em thì không nghĩ vậy. Mình phải biết tôn trọng mình, như vậy thì người khác cũng sẽ tôn trọng mình”.

Ái Liên rời Việt Nam đến định cư tại Mỹ, sự thay đổi trong cuộc sống càng đòi hỏi sự cố gắng của em nhiều hơn. Những lúc bỡ ngỡ ban đầu trong đời sống mới, những rào cản ngôn ngữ là những thử thách mà em phải vượt qua. Ái Liên nói: “Khi mới qua, em hầu như không biết tiếng Anh, vì lớp tiếng Anh trong trường học tại Việt Nam phần lớn chỉ được học ngữ pháp, từ vựng không nhiều. Khi vào học, những môn như toán, lý, hóa... có công thức, thì em làm được, nếu đọc đề bài không hiểu lắm, thì có thể đoán. Nhưng môn tiếng Anh hay lịch sử... là những môn rất khó với em. Vì các thầy cô nói nhanh quá, nhiều khi em không hiểu. Những tuần đầu tiên em thường khóc nhiều lắm. Cô giáo trong trường rất tốt, đã nhờ những anh chị qua lâu, đến nói chuyện với em, nên em cũng vượt qua được. Cô giáo Mary Olbersen dạy lịch sử giỏi lắm, sau mỗi buổi học, em thường tìm đến cô để được cô giúp em học thêm tiếng Anh. Em viết trước những đoạn văn ngắn ở nhà rồi đưa cô xem. Cô giúp em viết sao cho đúng, giúp em phát âm... Năm em lên lớp 11, cô về hưu, đã tặng em một miếng đá hình vuông để chặn giấy, trên đó có dòng chữ It Can Be Done. Năm lớp 9, lớp 10, em phải học ESL. Nhưng khi em lên lớp 11, em đã bắt đầu lấy những lớp tiếng Anh như những bạn sanh ra và lớn lên tại Mỹ. Đến năm lớp 12, thay vì lấy lớp bình thường, thì em đã lấy những lớp cao cấp. Bài văn đầu tiên của lớp về đề tài đọc một cuốn sách và viết cảm nhận về quyển sách được yêu cầu đọc. Khi thầy trả bài về, thầy nói trong lớp này có bài của em là điểm cao nhất. Những bạn nào muốn viết được điểm cao thì hãy mượn bài của Kelly (tên tiếng Anh của Ái Liên) đọc”.

Chia sẻ bí quyết, Ái Liên nói: “Vì cách viết văn Việt của mình khác văn tiếng Anh, em cần phải thực tập nhiều. Thường khi viết xong một đoạn văn, em gửi sớm một chút để thầy xem, thầy sửa lại, hoặc đưa những ý kiến để em viết cho hay hơn. Thầy giải thích vì sao dùng chữ này, mà không dùng từ khác... Vì vậy, từ lớp 12 đến năm thứ hai đại học hiện nay, những lớp Anh văn của em đều được điểm A. Khi tốt nghiệp lớp 12, điểm trung bình tổng kết của em là 4.21 GPA. Trường em có hơn 500 học sinh, thì có 80 bạn mặc áo màu trắng (điểm từ 4.0 trở lên), em là 1 trong 80 bạn đó”.

Ái Liên của ngày hôm nay đã trưởng thành, không chỉ học giỏi, em còn biết quan tâm đến mọi người qua những việc làm thiện nguyện. Mỗi Thứ Sáu vì không có giờ học tại đại học, em dạy kèm không lấy tiền cho những em lớp 6, 7, 8 tại trường trung học; Thứ Bảy em đi dạy Việt ngữ tại Trung Tâm Việt Ngữ Văn Lang San Diego. Những mùa hè trước, em còn tình nguyện đi làm trong bệnh viện để có thêm kinh nghiệm. Bằng số tiền dành dụm từ việc thu gom ve chai trong nhà và xin hàng xóm, cộng với sự đóng góp của người quen, em đã theo mẹ về Việt Nam và tổ chức tiệc Giáng Sinh cho các bạn ngay tại Diệu Giác, cũng như đi thăm một số nơi khác.

Có một niềm tin trong em

Hiện nay Ái Liên đang thực hiện mơ ước trở thành bác sĩ sản phụ khoa, đón nhận những mầm non chào đời để đem lại niềm vui cho những bà mẹ. Giấc mơ của em dần trở thành sự thật nhờ vào sự kết nối của những tấm lòng nhân ái. Đặc biệt là tình mẹ thiêng liêng mà Ái Liên hằng ao ước đã được người mẹ nuôi là bà Hảo thấu hiểu và trao gửi cho em trọn vẹn. Tình thương yêu đó đã tăng thêm trong Ái Liên niềm tin vào cuộc sống, vào tấm lòng nhân ái của con người trong đời sống này, thêm ý chí, nghị lực cho bản thân em.

Ái Liên xúc động chia sẻ: “Dù sống tại Diệu Giác rất tốt, nhưng em vẫn ao ước có một mái ấm gia đình, có mẹ, có ông bà, cô dì, cậu chú... Niềm ước mơ ấy đã trở thành hiện thực khi em gặp được mẹ em bây giờ, nhân dịp mẹ về Việt Nam năm 1998, đến thăm và tặng quà cho chúng em tại Diệu Giác”.

Hành trình nhận Ái Liên làm con nuôi của bà Hảo cũng lắm gian truân với biết bao tâm sức và thời gian ngay trong những thời điểm kinh tế suy sụp và công việc làm khó khăn. Bà Hảo kể: “Khi làm giấy tờ nhận bé Liên làm con và đưa bé sang Mỹ, tôi phải mất hết 4 năm rưỡi. Khi nghĩ lại, tôi không biết vì sao mình có đủ kiên nhẫn để thực hiện được công việc đó. Có năm tôi phải bay về Việt Nam 5 lần, có một lần tối Thứ Sáu bay qua Việt Nam, sáng Thứ Năm đã có mặt trong văn phòng để làm việc rồi. Sau khi vất vả làm giấy tờ xin con nuôi hơn 3 năm mà không thấy có hứa hẹn gì chắc chắn, thầy Phó đã khuyên tôi bỏ cuộc vì lo cho tôi khổ nhọc mà có thể không được thành công như mong muốn, bé Liên khóc với tôi nói, thôi mẹ bỏ cuộc đi mẹ. Khi đó tôi mệt mỏi quá nên cũng muốn bỏ luôn. Nhưng rồi tôi nghĩ, mình hãy thử lại. Nếu mình kiên trì thêm một chút nữa để đánh đổi một tương lai tốt hơn cho bé Liên, thì cũng nên cố gắng theo đuổi cho đến cùng”.

Cho dù đơn xin con nuôi của bà đã bị bác nhiều lần nhưng với sự kiên tâm, bà đã giúp thay đổi cuộc đời bé Liên.
Từ một bài báo, bà Hảo đã biết đến nhà nuôi dạy trẻ mồ côi của chùa Diệu Giác. Khi về Việt Nam năm 1998, bà đã tìm đến giúp gạo cho chùa. Vì muốn nuôi một em tại đây học lên đại học để em đó có tương lai và sau này em sẽ quay lại giúp thêm được nhiều người khác, bà đã tổ chức một cuộc thi toán và văn để chọn một em có khả năng. Ái Liên đã được bà chấm ngay từ đầu, vì tư chất thông minh, sự sâu sắc của em, nhưng thầy Phó cho biết Ái Liên đã được một ông người Mỹ bảo trợ, nên chị đã chọn bé Thu, dù em này văn và toán kém hơn Ái Liên và những em khác, nhưng bù lại rất tốt bụng, luôn luôn đỡ đần các ni cô và các mẹ nuôi chăm em và làm việc nhà.

Tuy nhiên, mối duyên mẹ con của bà và Ái Liên đã bắt đầu khi Ái Liên là người đều đặn viết nhiều thư nhất để tâm sự mọi chuyện với bà. Bà kể: “Có một lần bé Liên nói với tôi những bạn khác khi được điểm 9 và 10 luôn được ba mẹ vuốt tóc khen giỏi, còn con thì không có ai hết, con rất muốn được gọi cô Hảo là mẹ một lần trong đời, con cũng vui rồi. Tôi nghe mà không cầm được nước mắt. Sau đó ông người Mỹ nhận bảo trợ cho bé Liên có liên lạc với tôi và cho biết người vợ Việt Nam của ông không đồng ý ông nhận con nuôi, vì vậy ông từ bỏ để tôi được chính thức bảo trợ cho bé Liên. Khi làm giấy tờ, bé Thu không muốn xa bạn bè tại Diệu Giác nên không đi, thành ra cuối cùng chỉ có bé Liên qua Mỹ”.

Tình mẹ bao la và cơ hội vươn tới tương lai mà em ước mơ

Bà Hảo tâm sự: “Trong cuộc đời này có nhiều tài sản khác nhau. Tài sản tôi cho bé Liên mà tôi thấy tôi hạnh phúc nhất chính là lòng tin và tương lai để đạt được ước mơ của mình. Đó là tài sản lớn mà tôi rất hãnh diện. Khi bé Liên mới đến Mỹ, bé hơi thiếu tự tin, bé rất sợ mọi người biết mình là con nuôi. Nên khi tôi đi làm, nhiều người hỏi sao trẻ mà có con lớn vậy, tôi chỉ cười và nói tôi ham vui sớm, chứ không bao giờ nói tôi có con nuôi. Khoảng hơn 2 năm nay, bé Liên đủ tự tin và tự nói bé là con nuôi, khi đó tôi mới thấy mình vui lắm, vì đã trao được tài sản cho bé mà không cần đợi đến khi tôi chết mới trao”.

Bà kể tiếp: “Trước đây bé Liên rất sợ tôi lấy chồng, có con và sẽ không còn thương bé nữa. Nhưng từ khi tôi bảo lãnh bé qua bên này, tôi không còn ý định lập gia đình nữa. Niềm vui của tôi hiện nay là công việc và bạn bè cùng sở, hạnh phúc được làm mẹ của bé Liên và sống gần gũi bên những người thân trong gia đình”.

Con đường để đạt được những ước mơ và thành công không phải là con đường trải thảm nhung, mà là con đường nhiều gai nhọn, để bước đi thì không hề dễ dàng. Những mũi gai nhọn sẽ làm chùn bước cho ai không đủ bản lĩnh. Nhưng Ái Liên đã không để cho mình gục ngã mà thường xuyên nỗ lực để tiến bước.

Ái Liên nghẹn ngào nói: “Em luôn luôn nghĩ mình may mắn. Em có gặp những bạn bị khuyết tật, còn em vẫn có đầu óc bình thường để suy nghĩ, để ca hát, có thể nói được những điều mình nghĩ, tay chân lành lặn để có thể vẽ, viết... Em không có ba mẹ ruột bên cạnh, nhưng em thấy có những bạn khác tuy có đầy đủ ba mẹ, mà phải đi bán vé số, không được đi học, hoặc có bạn có đủ ba mẹ nhưng lại bị đánh đập, bị đối xử không tốt. Em thấy tuy rằng em không có đủ ba mẹ nuôi dưỡng, nhưng em được lớn lên trong tình thương của thầy Phó và các ni cô, cùng nhiều ba nhiều mẹ trong cô nhi viện, được cho đi học. Theo em biết qua đọc một số tin tức trên báo thì một số mái ấm khác dù có ân nhân tặng tiền, nhưng những nơi đó không mua áo quần mới, không tổ chức tiệc vui cho các bạn. Còn thầy và các ni cô trong Diệu Giác luôn luôn mua cặp, sách vở và quần áo, giầy dép mới cho tụi em đi học. Mỗi năm Tết đến, tụi em có ít nhất một bộ áo quần mới. Thầy không muốn những người khách đến thăm thương hại tụi em, muốn tụi em phải tự tin như những bạn ngoài đời thường”.

Ái Liên tâm sự: “Em rất thương mẹ, mẹ cũng rất thương em! Có những lúc em bị điểm thấp, em không vui với điểm của mình, hoặc không vui với những khó khăn mình gặp. Mẹ luôn luôn là người động viên em. Những người mẹ khác thường nói với con mình là con phải được điểm tốt, phải thiệt giỏi... thì mẹ mới thương. Nhưng mẹ em không nói vậy. Mẹ nói nếu con học không giỏi, không thành được bác sĩ thì mẹ vẫn thương con; con làm cô giáo cũng được, hoặc làm gì con thích cũng được, con không kiếm được nhiều tiền cũng không sao, miễn là con vui thì mẹ cũng vui rồi.
“Em rất cám ơn mẹ, cám ơn ông bà ngoại, các cô cậu, dì, anh chị em họ... ai cũng đón nhận em là thành viên trong gia đình. Tình thương của mẹ và mọi người xung quanh giúp em tự tin vượt qua những khó khăn. Từ nhỏ đến giờ em rất thích học trở thành bác sĩ. Em muốn sau khi thành bác sĩ, em sẽ đi nhiều nơi và giúp đỡ nhiều người. Em sẽ gặp các bạn có hoàn cảnh như mình để nói rằng dù mình là trẻ lớn lên trong cô nhi viện, mình vẫn có thể thành công và mong các bạn hãy cố gắng, vì em làm được, thì các bạn cũng sẽ làm được. Em mong mọi người có dịp hãy đến thăm những trại trẻ mồ côi. Như hồi em còn ở trong đó, mỗi lần có khách đến thăm thì em vui lắm, vì thấy vẫn có người quan tâm đến mình. Riêng những bạn đang có mái ấm gia đình với ba mẹ thì hãy biết yêu quý và trân trọng niềm hạnh phúc đó vì có một gia đình luôn luôn yêu thương
”. - (BH)

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài và hình ảnh trên trang này. 


Nguồn: http://www.viendongdaily.com/hanh-trinh-vao-dai-hoc-cua-co-be-lon-len-tu-trai-tre-mo-coi-frFwcrXb.html
Băng Huyền/Viễn Đông

.
.
.

No comments: