Friday, February 24, 2012

GỬI CHỊ NGUYỄN THỊ THANH TUYỀN : TẠI SAO Ư ??? (Trần Đức Thạch)



Trần Đức Thạch
13:00 - 24/02/2012

Đọc bài và nhìn thấy hình của chị và các mẹ già đứng trước cái cổng sắt to đùng vô cảm của cơ quan nhà nước nào đấy mà tôi thực sự xót xa. Tôi đã nghe tiếng nấc của trái tim mình. Đau đớn quá! Oan khuất quá! Muốn thực sự chia sẻ nỗi đau với chị và gia đình anh Nhật mà không biết làm thế nào được. Nếu cần phải hi sinh tính mạng để nỗi oan của gia đình chị và biết bao người dân oan khác trên đất nước ta được hóa giải thì tôi cũng sẵn sàng. Đây là ý nghĩ thực tâm, mong chị ghi nhận cho.

Chị và nhiều người khác đang khắc khoải với hai tiếng ‘tại sao’ mà anh Nhật bị giết trong đồn công an Bến cát. Tôi dùng từ bị giết mới chính xác. Năm 2008, tôi bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam bắt, vì viết bài kêu oan cho gia đình và những người khác. Họ vu cho tôi cái tội tuyên truyền chống nhà nước. Trong một buổi hỏi cung, tên trung tá công an cơ quan điều tra an ninh Hà Nội Trần văn Thiết đã tuyên bố với tôi:

- Nếu mày không nhận tội và còn nhắc tới tự do dân chủ, yêu nước, tao sẽ bảo đám công an trẻ vào cho mày lên bờ, xuống ruộng. Nếu mày có bị làm sao, bọn tao chỉ mất một tờ giấy lập biên bản mày tự sát là xong!

Và lời đe dọa của tên trung tá công an Trần văn Thiết năm nào đã trở thành hiện thực với trường hợp anh Nhật cũng như nhiều người khác. Và đây là một tuyên bố nữa của tên công an Trần văn Thiết:

- Luật pháp nằm trong tay chúng tao, bọn tao làm gì chả được!

Để thể hiện lời tuyên bố đó, hắn đã đánh tôi choáng váng trong buồng hỏi cung. Kể lại chuyện này mong chị và mọi người bớt đi nỗi dằn vặt bởi hai tiếng ‘tại sao’.

Bọn công an điều tra là vậy. Còn bọn công an quản giáo thì sao? Cái hôm 14/9/2008, chúng nó tống tôi vào trại giam số 3 của sở công an thành phố Hà nội. Theo sự hiểu biết pháp luật của tôi thì công dân bị tạm giam là để giúp cơ quan điều tra làm sáng tỏ vấn đề nào đó hoặc là vụ án. Công dân chỉ bị coi là có tội khi bản án của tòa tuyên có hiệu lực. Vì suy nghĩ như thế nên tôi cứ đàng hoàng ngồi vào ghế trong phòng quản giáo khu C chờ phân buồng. Bất ngờ tên trung tá công an trưởng khu C lúc đó tên là Dũng đen từ phía sau nện vào đầu tôi mấy cú choáng váng. Hắn vừa đánh vừa gầm lên:

- Mày không biết nơi này là đâu à?

Tôi giật mình nhớ tới lời nói của anh Nguyễn sĩ Lý một người tù bị oan cách đây chừng hai mươi năm khi viết thư cho báo Tiền phong. Anh gọi trại tạm giam là địa ngục trần gian. Và khi tôi cùng anh Đặng văn Ký làm phóng sự văn học ‘Đôi bạn tù’, tôi đã được nghe anh kể rất nhiều chuyện rùng rợn mà anh đã trải qua và chứng kiến.

Những chuyện rùng rợn trong trại tạm giam chúng tôi đã đưa vào sách do nhà xuất bản Thanh niên ấn hành năm 1989. Rất tiếc là những tình tiết quá rùng rợn đó đã làm ban biên tập ngần ngại và yêu cầu giản lược bớt đi. Và phóng sự đặc biệt ấy bị đổi thành tiểu thuyết mới xuất bản được.

Trước đây thì chỉ nghe nói, còn bây giờ tôi phải trực tiếp đối diện với thực tế. Sực nhớ đây là địa ngục trần gian như anh Lý đã cảnh báo nên tôi nhanh chóng lấy lại tinh thần để tiếp chiêu. Sau khi nện tôi mấy cú phủ đầu. Hắn bắt tôi cởi trần truồng. Hai mắt hắn lim dim ngắm dương vật tôi một cách đắm đuối như một gã đồng tính khát tình. Trên tay hắn mân mê sợi dây thắt lưng bộ đội trung quốc của tôi vừa mới cởi ra. Ngắm chán, hắn bảo tôi nâng dương vật lên. Hắn tiến đến nghiến răng dùng dây thắt lưng quất vào dương vật tôi tới tấp. Tôi đau buốt tới tận óc, muốn hét lên cũng không thành tiếng. Tôi không ngờ cái chiêu phải tiếp đầu tiên lại ác độc đến thế. Tôi cắn răng chịu đựng và bấm bụng: Miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời! Lúc đó tôi có ý định sẽ tìm cách trả thù tên quái vật này khi ra khỏi nhà tù với lòng căm hận cao độ. Dẫu biết rằng chấp cháp với loại 'đầu trâu mặt ngựa’ này chỉ thêm bẩn tay nhưng uất ức không chịu được.

Chuyện tôi bị hành hạ và làm nhục trong trại tạm giam của công an không sao kể xiết. Hơn năm trăm năm mươi ngày trong ngục tối cơ mà. Mỗi lần nhớ tới là trái tim tôi lại quặn thắt, phẫn uất cứ như muốn nổ tung ra. Cứ mỗi lần kể ra chẳng khác nào tôi tự tra tấn mình. Nhưng vì chị và nhiều người khác cứ day dứt với hai tiếng 'tại sao’ thì tôi xin kể với ước mong chị và mọi người hình dung ra được cái chết của anh Nhật rõ ràng hơn.

Thấy chị và các mẹ cầm di ảnh của anh Nhật đứng trước cái cổng sắt sừng sững lạnh lùng vô cảm. Tôi biết chị và các mẹ đang đòi hỏi công lí, chí ít cũng là hi vọng. Nhưng than ôi! Cái cổng sắt im lìm ấy là sự trả lời của các cơ quan chức năng thời nay. Mà họ có cho người ra tiếp chị và các mẹ cũng chẳng có gì hơn. Khi tôi chuẩn bị ra tòa. Tôi đã phản ảnh với cán bộ viện kiềm sát mọi chuyện mà công an đã hành xử vô nhân tính với tôi. Nhưng ông ta đã làm ngơ lánh mặt và để cho tên trung tá công an Trần văn Thiết tiếp tục làm nhục tôi. Hôm đó tên Thiết định bắt tôi phải quỳ xuống lạy một tên tù can tội cướp giật bằng bố. Hắn còn vỗ bàn quát vào mặt tôi:

- Viện là cái gì, tòa là cái gì! Nếu không có bọn tao thì viện với tòa lấy cứt mà xử à!

Qua câu nói này của tên Thiết mong chị và mọi người hiều cho là công an đang nuôi cả viện kiểm sát và tòa án đấy. Mà tên Thiết nó nói trơ tráo vậy chứ ngẫm ra thì cũng đúng. Trong cả hai phiên tòa tôi đều khẳng định mình vô tội bằng căn cứ các văn bản hiến pháp và pháp luật hiện hành. Tôi kết tội các cơ quan tiến hành tố tụng của Hà nội đã chà đạp lên hiến pháp và pháp luật nghiêm trọng. Vậy mà chúng nó vẫn trơ tráo kết án tôi ba năm tù giam và ba năm quản chế đấy chị và mọi người ạ!

Vâng! Tôi không phải băn khoăn bởi hai tiếng ‘tại sao’ vì đã trải qua một thực tế đau đớn oan ức như vừa kể. Có thể đó là sự giải đáp phần nào cho băn khoăn của chị và mọi người. Chị Tuyền ơi! Tôi đã nén lòng căm hận để viết ra được mấy lời này, mong chị coi đây là lá thư chia sẻ nỗi niềm oan ức đau đớn mà chị và gia đình đang gánh chịu.

Tôi mong lắm qua lời tâm sự này, chúng ta không phải băn khoăn bởi hai chữ ‘tại sao’ nữa. Chúng ta hãy siết chặt tay nhau quyết đi tìm công lí, bằng mọi biện pháp, nhưng với thái độ cương quyết và ôn hòa phải không chị?

--------------------------------

Nguyễn Thị Thanh Tuyền
07:53 - 22/02/2012

Sau khi ra cùng mẹ ra tận Hà Nội khiếu nại đến VKSND Tối cao và hiện gia đình còn đang chờ trả lời từ VKSNDTC về cái chết của anh Nguyễn Công Nhựt, thì ngày 15-2 vừa qua, ông Nguyễn Tấn Đức, Chánh Văn Phòng VKSND tỉnh Bình Dương, cho hay Cơ quan Điều tra của VKSND Tối cao đã kết luận vụ anh Nguyễn Công Nhựt chết tại trụ sở Công an huyện Bến Cát, Bình Dương là "do tự tử và những nghi ngờ thể hiện trong khiếu nại của chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền (vợ anh Nhựt) là không đúng".

Chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền cùng mẹ anh Nhựt cùng cô Trịnh Kim Tiến đã lặn lội ra tận Hà Nội để khiếu nại về cái chết tại đồn CA của người thân

Quá sốc khi đọc được tin này, chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền lên tiếng cho rằng "đây là dấu hiệu bưng bít sự việc" và khẳng định những tố cáo trong đơn của chị là hoàn toàn đúng với sự thật, cũng như luôn khẳng định là "chồng tôi không có tội, không tự tử. Công Ty Kumho liên đới với công an Bình Dương, bắt người trái pháp luật và cố tình hại chết chồng tôi". Theo chị Tuyền, chính ông Phong - ở cục cảnh sát điều tra vủa VKSNDTC ở Hà Nội khi tiếp xúc với chị cũng đã từng nêu nghi vấn về việc "tại sao trên xác nạn nhân, thấy xuất hiện kiến bu nhiều trong tinh hoàn"?
Hôm qua, 19-2, chị Tuyền đã phổ biến bài viết với hàng loạt câu hỏi "tại sao?" cho cơ quan chức năng về cái chết của chồng mà trong một năm qua ai cũng đã biết là vì sao chồng chị chết. Tuy nhiên, xem qua các cơ quan chức năng, nhất là công an Bến Cát, Bình Dương khó mà trả lời được. Tất cả dành cho dư luận phán xét.

Tại sao?

Vợ chồng anh Nguyễn Công Nhật và Nguyễn Thị Thanh Tuyền

Cái từ “tại sao” nó luôn ở luôn ở tâm trí từ khi người chồng yêu thương của tôi đã ra đi vĩnh viễn khỏi cuộc đời này. Anh ra đi để lại bao nhiêu tiếc thương, bao nhiêu giọt nước mắt của tôi và những người thân trong gia đình. Thương Anh bao nhiêu tôi càng căm hận của những kẻ gây ra cái chết của Anh bấy nhiêu.

Đã gần một năm trôi qua cái từ “tại sao” vẫn luôn là câu hỏi lớn nhất của tôi đến các cơ quan chức năng nhưng đến nay vẫn chưa được trả lời thích đáng.

Tại sao cái chết của anh Nhựt chưa được làm sáng tỏ?

Tại sao đến bây giờ gia đình tôi chưa nhận được kết quả điều tra của VKSND tối cao? Trong khi VKSND tỉnh Bình Dương trả lời là đã có kết quả và gửi về cho gia đình chúng tôi rồi?. Vậy có nghĩa là sao?

Cái chết của anh Nhựt không những riêng tôi và gia đình, mà cả dư luận đều thấy cái vô lý từ phát ngôn đầu tiên của các công an Bình Dương: “Nhựt chết là do treo cổ bằng dây sạc pin điện thoại”. Sau đó, đối diện với dư luận phẫn nộ của người dân thì công an Bình Dương trả lời rằng “Nhựt thắt cổ bằng dây cáp điện thoại bàn”.

Nếu là treo cổ: một người nặng 65kg cao 1m78 treo cổ bằng dây sạc pin điện thoại là điều hết sức vô lý. Nếu một người thắt cổ thì phản xạ tự nhiên của con người thì không thể tự mình thắt cổ trừ khi có người khác thắt giùm. Công an Khuyến trả lời với gia đình “Thắt cổ dưới hình thức treo cổ” vậy có nghĩa một người chết có thể chọn hai phương thức chết cùng một lúc “Thắt cổ rồi tự mình treo cổ”. Than ôi! thật là nực cười cho những lời phát ngôn của công an Bình Dương vô lý nối tiếp vô lý.

Chắc có lẽ đến bây giờ tất cả mọi người cũng như tôi cùng gia đình điều thắc mắc hai từ “tại sao”:

Tại sao anh Nhựt tình nguyện ở đồn công an? Trong khi bỏ vợ ở nhà một mình hiu quạnh.

Tại sao anh Nhựt tình nguyện ở lại đồn công an mà vợ vào thăm công an không cho gặp?

Tại sao Anh tự nguyện ở lại mà tịch thu điện thoại của Anh, và không cho Anh gọi điện thoại về gia đình? Đến nay điện thoại, đôi giày của Anh cũng không trả lại cho gia đình.

Tại sao Anh bị tịch thu điện thoại và không có điện thoại gọi cho gia đình nhưng lại có dây điện thoại để "tự thắt cổ" chết?

Tại sao Anh tình nguyện hợp tác mà nhốt khóa cửa trái ngoài?

Tại sao giữ Anh ở lại mà không thông báo cho gia đình?

Tại sao lúc đầu công an Bình Dương trả lời là anh Nhựt sợ tội nên quẫn trí tự tử chết? Sau đó lại trả lời Anh có công tố giác tội phạm và sợ bi trả thù nên không dám về nhà và đã xin ở lại đồn công an rồi tự tử?

Tại sao anh Nhựt tự nguyện ở lại công an rồi tử tự chết? Trong khi anh có một gia đình hạnh phúc.

Tại sao anh Nhựt tự tử mà thân thể bầm dập, máu dính nhiều trên quần và áo gối, hai bên háng có vết thương bị ngoại tử và kiến bu nhiều trong tinh hoàn thế kia?

Tại sao khám nghiệm hiện trường không cho gia đình Anh tham gia mà lại nhờ một người tạp vụ trong đồn công an chứng kiến hiện trường?

Tại sao vợ Anh xin gặp anh lần cuối thì công an không cho? Âm thầm dời xác Anh đi khỏi đồn công an mà không thông báo cho gia đình?

Tại sao phó giám đốc công an Nguyễn Hoàng Thao yêu cầu phải mổ tử khi gấp không thì xác thúi? Vậy Anh chết khi nào? Đến nay pháp y cũng không kết luận về vấn đề này và không biết Anh chết ngày nào vào lúc mấy giờ?

Tại sao biên bản khám nghiệm hiện trường, bản ảnh, hiện trường có nhiều tình tiết khác với bản ảnh mà gia đình tôi chụp được, dấu vết trên hiện trường không phù hợp với việc thắt cổ tự tử chết ?

Tại sao việc khám xét trên thân thể qua bản ảnh chụp dấu vết trên thân thể là hoàn toàn mâu thuẫn nhau?

Tại sao giấy bút đâu để Anh viết? Ai đưa giấy bút cho Anh ấy viết?

Tại sao Anh viết 4 trang giấy không ai phát hiện? Người canh giữ Anh ở đâu?

Tại sao bức thư Anh gửi cho vợ mà công an không chịu đưa bản chính mà đưa bản photo?

Tại sao chữ viết không giống chữ viết Anh? Anh viết trong hoàn cảnh nào mà ngôn ngữ không giống ngôn ngữ của Anh? Tại sao Anh viết một bức thư mà có hai nét chữ?

Tại sao Anh viết một lá thư tuyệt mạng mà ca ngợi những điều tra viên là những người tuyệt vời nhất mà trong khi đó anh không nhắn nhủ và xin lỗi về người Mẹ già yếu người Cha bệnh tật đã cho Anh ăn học thành người và người vợ yêu thương Anh và lo lắng cho Anh biết chừng nào?

Tại sao Anh đành đoạn đi theo Ông Bà… để mái tóc đầu bạc tiếc thương đưa tiễn mái đầu xanh, bỏ lại một người vợ mà Anh hay nói “thương vợ nhất trên đời”?

Tại sao ông Thiếu tá Nguyễn Thành Phú biết số điện thoại vợ Anh để gạ gẫm và rủ rê vào khách sạn và bảo vợ Anh bán đất để cứu chồng? Vậy mà Anh viết thư ca ngợi hắn?

Ai cũng biết cái chết của Anh Nhựt mối chốt từ đầu là do công ty Kumho. Nhiều lần Anh đã báo cáo mức hao hụt thành phẩm do phần mềm bị lỗi và một số nguyên do khác yêu cầu giải quyết triệt để nhưng không được giải quyết. Anh nghi ngờ những người ăn trộm 56 lốp xe trong đêm ngày 21/08/2010 đã báo cho ông Chi Kyu Sik, ông Kim Tae Song… nhưng các vị Hàn Quốc này làm ngơ. Sau đó chính họ đã giao nộp anh Nhựt cho công an Bình Dương trong giờ làm việc. Cũng trong ngày họ đã tuyển dụng gấp thay thế vị trí của anh Nhựt. Điều đó chứng minh là các vị Hàn Quốc công ty Kumho đã có kế hoạch hãm hại Anh từ đầu, đến lúc anh Nhựt chết, người mà công an báo trước tiên là các vị Hàn Quốc này. Nên cái chết của Anh Nhựt không thể không có bàn tay nhiều tiền của bọn chúng nhúng vào nên mọi người điều đánh dấu hỏi tại sao đối với công ty Kumho.

Tại sao công ty Kumho cử anh Nhựt hợp tác điều tra mà không thông báo cho gia đình biết?

Tại sao có cuộc họp kéo dài từ 9h đến 13h30 ngày 25/04/2011 của công an Bình Dương và công ty Kumho mà không được công khai.? Cuộc họp này bàn về vấn đề gì? Tại sao kết thúc cuộc họp này mới thông báo cái chết của anh Nhựt để vợ anh ấy chờ từ 8h15 đến 13h30?

Tại sao Anh và một số nhân viên có công điều tra vụ mất lốp xe điều bị công ty giao nộp cho công an đưa đi?

Tại sao công an và công ty Kumho không điều tra những nghi vấn mà Anh nêu ra khi anh còn sống? Tại sao đến khi Anh chết đi thì thả những nhân viên của Anh về và điều tra theo hướng nhận định của Anh?

Tại sao vụ án mất 56 lốp xe kéo dài gần một năm mới điều tra lại?

Tại sao công ty Kumho nhờ Phó công an Bến Cát - Ông Khiêm đưa cho gia đình Anh 20triệu? Có phải chăng công ty Kumho có mối thâm tình với công an Bến Cát nên mượn công an mạnh tay vào có gì Kumho chi tiền cho gia đình Anh là xong, nhưng không ngờ gia đình Anh không nhận bởi vì đồng tiền này không thể mua được mạng sống của Anh.

Tại sao số lượng hàng tồn kho bị thiếu hụt đã xử lý vào cuối niên độ mà kéo dài từ 2008 đến 2010 lệch 6000-7000 lốp? Vậy báo cáo tài chính có trung thực không? Ai là người ăn trộm những lốp xe này? Đến nay công an Bình Dương vẫn chưa công khai minh bạch số lượng bị mất.

Tại sao một công ty lớn hơn 1000 người lao động nhưng tai nạn chết người xảy ra thường xuyên mà không có công đoàn nào bảo vệ người lao động? Tại sao vụ việc được bưng bít?

Hai chữ "tại sao" ấy chỉ để hỏi cơ quan chức năng chứ bản thân tôi và gia đình cũng như các bạn đọc đã biết Anh Nhựt chết là do đâu rồi.

Riêng đối với cá nhân tôi, con người ai cũng một lần chết, tiền bạc của cải, danh vọng... không thể đem theo, nhưng tiếng để đời cho con cháu mai sau tốt hay xấu là do thế hệ đi trước. Những ai đã giết chết Anh Nhựt và pháp luật không trừng trị thì trước hay sau cũng gặp quả báo, đời này không trả thì đời con đời cháu sẽ trả. Mọi người hãy đợi mà xem.

Nguyễn Thị Thanh Tuyền

nguồn: facebook.com/notes/tuyen-nguyenthithanh

.
.
.

No comments: