Monday, February 20, 2012

THẾ GIỚI POST PAX AMERICANA (Lê Mạnh Hùng)



Lê Mạnh Hùng
Thứ sáu, 17 Tháng 2 2012 02:22

Cách đây không lâu, theo nhật báo New York Times kể lại, một nhóm quan chức cao cấp Trung Quốc gặp một nhóm quan chức cao cấp Mỹ. Một quan chức Trung Quốc lên tiếng thao thao bất tuyệt nói đến sự suy thoái tất yếu của Mỹ và sự nổi lên cũng tất yếu của Trung Quốc, nhưng cuối cùng kết luận một cách rất thành thực: “Cầu trời hãy đừng để cho Mỹ suy yếu quá nhanh!” Mặc dầu những kết luận của viên quan chức Trung Quốc này chưa chắc đã xảy ra, nhưng ông ta quả đã là đúng khi e ngại về những hậu quả của một thế giới không còn viên sen đầm quốc tế Hoa Kỳ nữa.

Nếu Hoa Kỳ suy thoái thì thế giới sẽ khó có triển vọng bị chi phối bởi một nước kế thừa độc nhất như đế quốc Mỹ kế thừa đế quốc Anh trong thế kỷ thứ 20. Ngay cả Trung Quốc dù có nổi lên cũng không làm được việc đó. Hậu quả là một tình trạng bất trắc chung cho thế giới với những căng thẳng có thể dẫn đến rối loạn khi các thế lực cạnh tranh đụng độ với nhau.

Những người nói đến một thế giới hậu “hòa bình Mỹ” nói đến hai khả năng xảy ra chuyện này. Một cuộc khủng hoảng khổng lồ và bất ngờ của hệ thống chính trị kinh tế Mỹ - tỷ như một cuộc khủng hoảng tài chánh mới - sẽ dẫn đến một phản ứng dây truyền dẫn đến một tình trạng rối loạn về chính trị và kinh tế trên toàn thế giới. Nhưng một cuộc khủng hoảng như vậy có một hệ quả quá nghiêm trọng và như đã xảy ra vào năm 2008 sẽ thúc đẩy toàn thế giới hợp tác để ngăn chặn. Điều mà người ta nói đến nhiều hơn là một sự suy thoái từ từ của hệ thống Mỹ với người Mỹ càng ngày càng rút ra khỏi thế giới. Nhưng trong trường hợp này sẽ không có một cường quốc nào có đủ khả năng đóng vai trò mà thế giới trông đợi vào Hoa Kỳ sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991: vai trò lãnh đạo một trật tự thế giới mới dựa trên hợp tác giữa các quốc gia. Điều có triển vọng xảy ra là một loạt những cuộc tranh chấp giữa các thế lực cả địa phương lẫn toàn cầu với nguy cơ tiềm tàng làm sụp đổ trật tự thế giới hiện có. Thay vì một thế giới mà ước vọng dân chủ của người dân các nước được thực hiện là một thế giới kiểu Hobbes với mỗi quốc gia lo bảo vệ cho quyền lợi quốc gia của mình dựa trên những sự phối hợp khác nhau của chuyên chế, chủ nghĩa dân tộc và tôn giáo.

Lãnh đạo của các quốc gia hạng trung, trong đó có Ấn Độ, Nhật Bản, Nga và các nước Châu Âu lúc này đã bắt đầu lượng giá hệ quả tiềm tàng của sự sụp đổ của “hòa bình Hoa Kỳ” đối với quyền lợi quốc gia của họ. Nhật Bản, e sợ trước triển vọng của một Trung Quốc chi phối lục địa Châu Á đã bắt đầu sáp lại gần với Châu Âu cũng như bắn tiếng hợp tác quân sự với Ấn Độ trong trường hợp Mỹ rút ra khỏi Châu Ávà Thái Bình Dương. Nga tuy rằng bất mãn và mâu thuẫn với Mỹ hiện đang cố gắng để kéo lại vào mình các nước thuộc Liên Xô cũ. Châu Âu vốn chưa bao giờ trở thành một khối thống nhất hiện đang bị lôi kéo theo nhiều hướng. Đức và Ý thì bị hấp dẫn bởi Nga vì những quyền lợi thương mại và quan hệ lịch sử. Pháp và các nước ở Trung Âu thì muốn có một Liên Hiệp châu Âu thống nhất về quân sự và chính trị trong lúc Anh quay trở lại chính sách truyền thống tìm cách thao túng một tình trạng quân bình quyền lực ở lục địa Châu Âu (balance of power) trong lúc giữ một quan hệ đặc biệt với Hoa Kỳ tuy rằng đã suy thoái. Các nước khác có triển vọng sẽ tìm cách cắt ra cho mình một vùng ảnh hưởng riêng như là Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách gây lại ảnh hưởng của mình tại các quốc gia thuộc đế quốc Ottoman cũ. Nhưng không một nước nào trong đó có đủ sức mạnh tổng hợp về kinh tế, tài chánh, kỹ thuật cũng như là quân sự để thừa kế vương miện mà Hoa Kỳ bỏ lại.

Trung Quốc mà hầu như lúc nào cũng được nhắc đến như là nước thừa kế ngai vàng của Mỹ lại càng thiếu khả năng làm chuyện đó. Cho đến nay sự thành công của Trung Quốc trong việc phát triển là nhờ vào sự hiện diện của trật tự thế giới mà người Mỹ lãnh đạo. Thành ra cho đến bây giờ Trung Quốc vẫn cẩn thận chấp nhận trật tư thế giới cũ tuy rằng không coi trật tự này là vĩnh cửu. Chính giới lãnh đạo tại Bắc Kinh cũng thường xuyên nhấn mạnh rằng trong mọi chỉ số quan trọng của phát triển, tài nguyên và sức mạnh, Trung Quốc vẫn còn là một nước đang phát triển và sẽ còn là như vậy trong vài thập niên nữa, đi sau không những Hoa Kỳ mà cả Châu Âu và Nhật Bản trong các chỉ số chính về kỹ thuật hiện đại và sức mạnh quân sự.

Nhưng nếu sức mạnh Mỹ trở nên suy kém và người Mỹ rút về bên trong khu Bắc Mỹ của mình thì một Trung Quốc bá quyền hơn có thể xuất hiện. Một Trung Quốc kiêu căng, cậy vào sức mạnh của mình có thể dẫn đến các nước lân bang liên minh chống lại mình. Không một cường quốc láng giềng nào của Trung Quốc – Nga, Nhật, Ấn Độ - sẵn sàng chấp nhận cho Trung Quốc đóng vai trò của Mỹ trong trật tự toàn cầu. Không những vậy họ còn có thể tìm cách lôi kéo Mỹ vào cuộc để chống lại một nước Trung Quốc quá mạnh. Hậu quả của những cuộc tranh chấp tại Châu Á có thể rất gay gắt nhất là nếu ta xét đến tinh thần dân tộc nói chung còn rất mạnh tại các nước Châu Á. Á Châu trong thế kỷ 21 này như vậy có thể giống như Châu Âu trong thế kỷ 20, đầy bạo động và đẫm máu.

Trong khi đó tình trạng an ninh của một số quốc gia nhược tiểu có cái không may bị ở gần các cường quốc vùng cũng trở nên tế nhị hơn. Cho đến nay họ được an toàn nhờ vào tình trạng an ninh chung của trật tự thế giới được bảo đảm bằng sức mạnh của Mỹ. Nhưng một khi Mỹ suy thoái và rút ra khỏi thế giới họ sẽ bị nhiều nguy cơ. Các nước này, bao gồm những nước như Georgia, Belarus, Ukraine ở Châu Âu, các nước thuộc vùng Trung Đông và Trung Á, Nam Hàn, Đài Loan và các quốc gia nhỏ tại Đông Nam A như Việt Nam, Thái Lan, Philippines, sẽ thấy số phận mình tùy thuộc vào những diễn biến của trật tự thế giới mới sau khi Mỹ rút bỏ, với các tranh chấp trong các cường quốc vùng hoặc là còn bị kiềm chế và trật tự hoặc là công khai bành trướng và đụng độ. Sự vắng mặt của Mỹ có nguy cơ là sẽ làm mất sự ổn định địa lý chính trị của thế giới.

Một hậu quả khác của sự suy thoái của Mỹ là sẽ không có ai đứng ra chủ trì những hoạt động có lợi ích chung cho toàn thế giới như các hải lộ, không gian ngoài trái đất, không gian ảo, và đặc biệt là môi trường sinh thái mà sự bảo vệ là cần thiết cho mức độ phát triển lâu dài của kinh tế thế giới. Trong hầu hết mọi trường hợp sự vắng mặt của Hoa Kỳ trong vai trò lãnh đạo sẽ làm cho mọi cố gắng đạt đến một sự đồng thuận hầu như không thể có được vì sức mạnh chi phối của Mỹ tạo ra trật tự nơi mà bình thường có thể có đụng độ.

Tuy rằng những điều nói trên có thể sẽ không xảy ra, nhưng những ai mơ ước một thế giới hậu “hòa bình Mỹ” có thể sẽ thấy hối tiếc vì ước vọng của mình.

Lê Mạnh Hùng
.
.
.

No comments: