Bay Vút
13/02/2012 - 13:54 Võ Thái
Các trang mạng nội địa lấy ý tưởng và nội dung của Facebook chưa bao giờ bị gây khó dễ. Trong khi đó người dùng Facebook ở Việt Nam buộc phải thành thạo việc đổi DNS, vượt tường lửa, dùng phần mềm chuyên dụng mới có thể truy cập được.
Giáng sinh năm 2011, Mark Zuckerberg đến Việt Nam để du lịch, báo chí trong nước từ lề phải đến lề trái không bỏ sót bất kỳ hoạt động nào của ông chủ Facebook trên đất nước hình chữ S.
Khó khăn truy cập
Với sự kiện người sáng lập Facebook đến Việt Nam, cộng đồng dùng mạng xã hội này hy vọng rồi đây vào Facebook sẽ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, niềm hy vọng kia có vẻ quá lạc quan - ở nơi này nơi khác, lúc này lúc kia, các ‘tín đồ’ của Facebook vẫn luôn bị các nhà cung cấp dịch vụ gây khó dễ.
Chọn Facebook làm nơi chia sẻ kết nối với bạn bè gần hai năm nay, Hải Âu, một kỹ sư xây dựng đang sống tại quận 12, nói: “Ở nhà, tôi chọn dịch vụ của Viettel, do đã đổi DNS hoặc file host nên vào Facebook vi vu. Đến công trình phải xài thiết bị kết nối 3G cũng của Viettel để lên mạng nhưng với Facebook đừng hòng mà truy cập.”
Từ ngày trang bị cho mình ‘con’ smartphone Galaxy II, Hồng Nga (phóng viên cho một tờ nhật báo tại Sài Gòn) không còn phải lúc nào cũng kè kè máy vi tính xách tay bên người. Cô cho biết: “Em dùng ‘con’ này để đọc báo, kiểm tra mail, chát chít thì vô tư, nhưng khi vào Facebook để chia sẻ với bạn bè thì gặp nhiều khó khăn. Em đã thử nhiều phần mềm nhưng không phải cái nào cũng ‘ok’ cho đến khi cài opera”.
Ông Đinh Lê Đạt, Phó Giám đốc khối nội dung số của Công ty Cổ phần Dịch vụ Trực tuyến FPT, cho rằng có nhiều phần mềm hỗ trợ trên điện thoại di động để truy cập vào Facebook, cho nên nói dùng mobile lúc nào cũng vào được Facebook sẽ không hoàn toàn đúng vì nó còn phụ thuộc vào phần mềm và nhóm người sử dụng, cũng như cách truy cập.
Chặn để thu lợi nhuận?
Đầu năm 2012, ông Nguyễn Thanh Lâm, Giám đốc VTC, cũng là đơn vị chủ quản mạng xã hội Go.vn, phát biểu: “Việc Facebook bị chặn ở Việt Nam do các đơn vị cung cấp dịch vụ cân nhắc lợi ích kinh tế, chứ không phải chính trị như nhiều người nghĩ".
Facebook bị chặn chưa bao giờ đồng loạt trên phạm vi toàn quốc, mà chỉ thỉnh thoảng ở nơi này nơi kia. Điều này do đơn vị cung cấp dịch vụ cân nhắc ‘đóng cửa’ những dịch vụ không sinh lời để thông đường cho những dịch thu được nhiều tiền hơn tại những vùng nhất định. Cụ thể, khi dịch vụ có thể mang lại tiền như Voice, IP... tăng, nhà mạng sẽ ‘rào’ đường truyền của các dịch vụ không tạo ra tiền mà tiêu tốn băng thông.
Ông Lâm giải thích thêm: “Thống kê có tới 70-80% băng thông quốc tế chạy qua hai cổng Facebook và Youtube. Đây là những đường truyền quốc tế đắt hơn quốc nội, lại không tạo ra lợi nhuận”.
Lời giải thích của vị giám đốc sở hữu trang mạng xã hội Go.vn, vốn được xem là có sự đỡ đầu của Bộ Thông tin-Truyền thông, bị nhiều người lên tiếng phản đối, cho rằng không đúng sự thật.
“Nói về tốn băng thì Facebook không thể nào bằng Youtube được nhưng chỉ có Facebook bị chặn là tại sao. Theo tôi, có lẽ do đây là mạng quốc tế nên nhà nước khó quản lý nội dung trên đó, nhất là nội dung không hợp lòng các ‘bác’. Mặc khác họ cố tình làm cho người dùng Facebook gặp nhiều khăn khi truy cập dẫn đến chán mà quay về dùng mạng nội địa”, Quang Hiển, nhân viên môi giới bất động sản của tập đoàn Becamex, nói.
Ngay cả các nhà cung cấp dịch vụ cũng không đồng ý với ông Lâm: họ cho rằng việc kinh doanh luôn đặt lợi ích khách hàng lên trên hết. Không thể có chuyện ‘bóp’ dịch vụ không sinh lời để thông đường cho những dịch vụ có thể sinh lời cao hơn. Thực tế có một số dịch vụ có thể chưa tạo ra lợi nhuận nhưng có đông người sử dụng, nếu nhà mạng đóng đường truyền của dịch vụ này không khác gì tự sát.
Về mặt kỹ thuật, ông Đinh Lê Đạt, giải thích: “Nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet dễ dàng kiểm soát, can thiệp được nhiều thứ. Tất nhiên mỗi nhà mạng có một kỹ thuật, công nghệ không giống nhau. Dĩ nhiên việc kinh doanh này cũng phải tuân thủ theo quy định luật pháp Việt Nam”.
Chưa đủ tác động chính sách của Facebook
Hiện số người dùng Facebook tại Việt Nam vào thời điểm cuối năm 2011 dao động từ 3 đến 5 triệu thành viên. Theo thống kê của Google AdPlanner, Việt Nam có trên 5,6 triệu thành viên; theo SocialBaker.com - hơn 3,6 triệu thành viên; còn theo Facebook Ads - gần 3 triệu thành viên.
Nhiều người sử dụng mạng xã hội này lo lắng sau khi lên sàn, Facebook sẽ khai thác kỹ thông tin cá nhân nhiều hơn để nâng giá trị doanh thu từ hoạt động quảng cáo.
Giải thích về điều này, ông Đinh Lê Đạt cho rằng “việc Facebook lên sàn, người dùng trong nước không bị ảnh hưởng nhiều. Mặt khác, chính sách, hướng phát triển của một công ty như Facebook đã được chuẩn bị từ rất lâu, chứ không phải lên sàn mới nghĩ cách thu tiền. Hơn nữa, trong xu hướng cạnh tranh khốc liệt của các mạng xã hội hiện nay, nếu khai thác không khéo, tính năng mới không độc đáo, cập nhật không tốt, sẽ bị người dùng sẽ bỏ rơi, chứ nói đâu đến mượn họ để kiếm tiền”.
Ông Đinh Lê Đạt nhân xét: “So sánh các mạng xã hội trong nước thì Facebook nằm hạng ‘top ten’ nhưng nếu đem so trên phạm vi thế giới thì thành viên Facebook ở Việt Nam chưa đủ để tác động đến chính sách của ‘gã khổng lồ’”.
Vậy có nên dùng mạng xã hội này hay không? Trước câu hỏi này, một ‘V.I.P’ của Vụ Công nghệ Thông tin thuộc Bộ Thông tin-Truyền thông, đưa ra lời khuyên: “Không nên dùng Facebook vì đây là môi trường phát tán vi-rút, dễ đánh cắp thông tin cá nhân, không an toàn cho máy tính và bản thân người dùng”.
.
.
.
No comments:
Post a Comment