Friday, February 24, 2012

CHUYẾN ĐI THĂM TIẾN SĨ LUẬT CÙ HUY HÀ VŨ (RFI, RFA)



Thanh Phương   -   RFI
Thứ sáu 24 Tháng Hai 2012

Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, vợ của tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, hôm nay vừa đi thăm chồng trở về. Ông Cù Huy Hà Vũ hiện đang thọ án tại Trại giam số 5 của Bộ Công An, thuộc huyện Yên Định tỉnh Thanh Hóa, kể từ khi bị tuyên án 7 năm tù giam và 3 năm quản chế với tội danh « tuyên truyền chống Nhà nước ».

Nghe (03:45)  :  Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà - Việt Nam

Vừa trở về Hà Nội, luật sư Dương Hà trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ:

LS Nguyễn Thị Dương Hà : " Về mặt sức khoẻ thì anh Vũ vẫn như thế, không có gì tiến triển. Anh vẫn than là hay bị đau nữa đầu và thỉnh thoảng vẫn lên cơn đau tim vào ban đêm. Nhưng về mặt tinh thần thì không có gì phải phàn nàn, tuyệt vời, không có gì dao động.

RFI : Qua chuyến thăm lần này chị có biết thêm gì về điều kiện giam giữ anh Hà Vũ ?
LS Dương Hà : Về điều kiện giam giữ thì anh Vũ có nói là họ có cải thiện một chút, tức là họ thay các xí xổm thành xí bệt, nhưng khổ nổi là lại thay một xí bệt rất bẩn, chắc là đã dùng rồi, vứt đi. Anh Vũ cũng phàn nàn về cách cư xử ( của trại giam ). Đặc biệt là hôm Tết, bánh chưng cũng như giò và các thứ khác bị thiu hết, bởi vì họ xé hết cả ra để khám. Thành ra đến khi mang vào thì ăn được chút xíu là thiu hết, phải vứt hết cả.

RFI : Được biết hôm nay cũng có nhiều người, trong đó có giáo sư Nguyễn Huệ Chi đi theo chị để thăm anh Hà Vũ, nhưng dưòng như chỉ có mình chị được vào ?
LS Dương Hà : Đúng thế ạ. Sáng nay, lúc mở cổng ra định đi thăm anh Vũ thì có một số anh em xin đi thăm cùng. Đông quá nên tôi không nhớ rõ tên, chỉ nhớ mặt thôi, nhưng trong đó thì tôi thấy có anh Huệ Chi. Có đến mấy chục người đi theo. Chỉ có mỗi mình tôi được vào vì có sổ thăm gặp. Còn những anh chị em khác thì nghe nói cũng gặp ông phó trại để ghi tên, đông đđạt lên cấp trên, nhưng cuối cùng ngoài tôi ra, chẳng ai được vào cả.

RFI : Hiện nay chị có tiếp tục vận động để dư luận vẫn chú đến trường hợp của TS Cù Huy Hà Vũ ?
LS Dương Hà : Lúc nào tôi cũng kêu gọi mọi người là đừng quên tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, đừng để anh ấy ngồi tù một cách uổng công, cũng như đừng quên tất cả những ai đấu tranh cho nhân quyền, tự do, hùng cường của đất nước.

RFI : Chị đã từng viết thư cho chủ tịch Nước Trương Tấn sang để lưu ý ông về trường hợp của Cù Huy Hà Vũ. Chị có đã nhận được hồi âm từ Chủ tịch ?.
LS Dương Hà : Tôi không chỉ viết cho chủ tịch Trương Tấn Sang, mà còn viết cho tất cả các ủy viên Bộ Chính trị, cho Bộ trưởng Bộ Công an, Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao và các ông trong Quốc hội. Nhưng nói chung, từ ngày chồng tôi bị bắt cho đến nay, rất nhiều đơn thư của cá nhân tôi, của em chồng tôi là Cù Thị Xuân Bích, của hai người chú là Cù Huy Thước, Cù Huy Chữ, cũng như của rất nhiều anh chị em khác, quen biết cũng như không quen biết, đều không được trả lời.

RFI: Xin cám ơn luật sư Nguyễn Thị Dương Hà.
-----------------------------------


----------------------------------

Gia Minh, biên tập viên RFA
2012-02-24

Một phái đoàn hôm nay đến trại giam ở Thanh Hóa với ý nguyện được gặp tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, người đang bị chính quyền Việt Nam giam tù về tội tuyên truyền chống Nhà Nước, theo điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Tuy nhiên theo nhiều người trong nước thì ông Cù Huy Hà Vũ không hề làm gì tổn hại đến quốc gia mà ngược lại còn vì tinh thần yêu nước nồng này.

Theo định kỳ hằng tháng, bà Nguyễn thị Dương Hà, vợ của tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ đều đi thăm chồng đang bị giam tại Trại 5, Yên Định, Thanh Hóa.
Tuy nhiên trong chuyến đi này, chừng 20 người trong đó có những vị trí thức được nhiều người biết đến tại Việt Nam như giáo sư Nguyễn Huệ Chi..., đã tháp tùng bà Nguyễn Thị Dương Hà đến trại giam.

Không được gặp nhưng đạt yêu cầu
Vào chiều ngày 24/2 khi đang trên đường về Hà Nội, ông Lê Dũng, một trong những người tham gia chuyến đi, cho biết sơ lược về nhóm người muốn được đến thăm tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ tại trại giam, cũng như không khí của đoàn:

Hôm nay có giáo sư Huệ Chi, một bác đại tá quân đội, một anh luật sư, mấy chị bên Viện Khoa học- Xã hội, cùng khoảng 5 anh em chúng tôi là kỹ sư. Đoàn 20 người đi năm xe. Cán bộ trại đón vui vẻ, chỉ mỗi tội không được vào thăm anh Vũ thôi. Ở nhà chúng tôi cũng đoán như thế rồi, và được thế này cũng đạt mục đích.

Đích thân giáo sư Nguyễn Huệ Chi cũng tường thuật lại một số nội dung chính của chuyến đi đến Trại 5, Yên Định, Thanh Hóa cùng với những người khác như sau:
Anh em chúng tôi đông nhưng chỉ được đứng ngoài phòng chờ thôi, mặc dù trao đổi với họ thân tình, đến nơi đến chốn. Ông phó giám thị ra tiếp và nói với tinh thần ngọt ngào. Ông nói các anh toàn những người đứng tuổi và đứng đắn đã đến đây, các anh hãy ghi tên, chức vụ, chức tước, cơ quan làm việc; sau đó tôi sẽ vào trao đổi với ông giám thị vì ông này có quyền quyết định.
Thực ra việc thăm nuôi chỉ có người thân có giấy cho phép. Nhưng chúng tôi đến bất ngờ và nói rõ chúng tôi đã từng là bạn bè thân thiết với ông Cù Huy Hà Vũ, và xét thấy ông này vô tội mà phải chịu một bản án mà rõ ràng trong công luận đang có vấn đề. Cho nên chúng tôi đến để động viên anh ấy để có thể vượt qua được những điều kiện của trại giam cho đến lúc anh ấy ra tù.
Nói thế họ cũng nghe và đề nghị phía đoàn đưa danh sách. Sau khi ông phó giám thị cầm giấy đi vào thì chúng tôi nói liền đây chỉ là hình thức để họ nắm được những người đi đến đây thôi, chứ không chắc việc gặp gỡ Cù Huy Hà Vũ có thể thực hiện được; bởi vì điều đó nằm ngoài mơ ước, và xưa nay chưa có trại giam nào của nhà nước này cho phép làm điều đó cả.

Quản nhiên chừng 10 phút sau có điện thoại gọi ra nói ông giám thị bảo không thể cho phép vào được. Chúng tôi cũng biết trước rồi nên không lấy làm thất vọng. Chúng tôi đứng chờ với thái độ nghiêm chỉnh. Khi đói chúng tôi lấy lương khô ra ăn, và sau đó dọn dẹp sạch sẽ.
Khi chị Dương Hà ra nói cho biết là khi được thông tin có 20 người đến thăm, thì ông Cù Huy Hà Vũ hết sức xúc động và gửi lời ra cảm ơn ân tình, tình nghĩa của những người đã đến. Như vậy cũng đã đạt được yêu cầu: động viên và đưa thông tin cho Cù Huy Hà Vũ là ngoài trại giam có những anh em rất quí mến, rất muốn bày tỏ chia xẻ với Cù Huy Hà Vũ. Chúng tôi cho đó là đạt yêu cầu.


Theo qui định của chính quyền Việt Nam như lời của giáo sư Nguyễn Huệ Chi vừa nhắc lại, thì chỉ có thân nhân có sổ thăm gặp mới được phép gặp người đang bị giam giữ, nên hôm nay cũng chỉ có vợ của tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ được gặp ông trong nhà tù.

Luật sư Nguyễn thị Dương Hà chia xẻ một số thông tin về cuộc gặp với chồng hôm nay:
Cũng như mọi khi hôm nay mỗi tháng tôi đi thăm một lần. Hôm nay theo tôi có chừng 20 người, trong đó có giáo sư Huệ Chi nhưng rất tiếc mọi người phải ở cổng không được vào.
Tinh thần anh vẫn như mọi khi: rất tốt. Anh có kể việc ăn tết thế nào: lần trước ở trại tạm giam nay ở trại giam, đúng ra là trại tù. Anh nói rất tiếc những thứ vợ gửi vào như bánh chưng, giò... bị xé hết ra nên bị thiu phải vứt đi. Sách báo chỉ mang theo những gì từ trại tạm giam, còn những gì gửi về sau lại không được đưa; trong thời gian qua trời rét đậm, rét hại mà đồ rét vẫn không được trả.
Về tinh thần rất tốt, anh luôn khẳng định vô tội, và vẫn nói “Tổ quốc và Nhân dân sẽ phá án cho anh’; anh cũng nói anh tin tưởng một ngày rất gần anh sẽ được ra với mọi người.
Thực ra chỉ nói được đến thế vì lúc nào cũng có hai người ngồi với vợ chồng tôi.

Xin phép được nhắc lại, tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ được nhiều người trong nước biết đến với những hoạt động như tự ứng cử vào chức vụ bộ trưởng văn hóa- thông tin, và những vụ kiện ủy ban nhân dân Thừa Thiên- Huế về việc cho xây dựng xâm hại đến môi trường Đồi Vọng Cảnh ở Huế, kiện thủ tướng Nguyễn tấn Dũng về quyết định cho khai thác bauxite tại Tây Nguyên, quyết định cấm khiếu kiện đông người... Ông cũng có những quan điểm về vấn đề hòa giải dân tộc đối với những người thuộc chế độ Việt Nam Cộng Hòa trước đây...

Ông bị bắt tại một khách sạn ở thành phố Hồ Chí Minh hồi ngày 5 tháng 11 năm 2010 qua vụ được phía cơ quan công an điều tra nêu ra với hai bao cao su khi đang ở trong phòng cùng một phụ nữ; thế nhưng sau đó lại chuyển sang tội danh tuyên truyền chống nhà nước.

Ông bị kết án 7 năm tù giam và 3 năm quản chế do phiên tòa sơ thẩm ở Hà Nội hồi ngày 4 tháng 4 năm 2011. Phiên phúc thẩm vào ngày 2 tháng 8 sau đó giữ nguyên bản án đối với ông.

Theo dòng thời sự:

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.

.
.
.

No comments: