NGUYỄN TRẦN SÂM
06.02.2012
Khi xảy ra vụ chính quyền Tiên Lãng, Hải Phòng, dồn gia đình anh Đoàn Văn Vươn ở xã Vinh Quang đến bước đường cùng, buộc họ phải chống trả, các quan chức Tiên Lãng và cả Hải Phòng đã lên tiếng khẳng định việc làm của họ là ‘đúng luật’, và mô tả anh em anh Vươn như những kẻ côn đồ.
Thế rồi, sau khoảng hai tuần, bỗng nhiên cả ông phó chủ tịch thành phố Hải Phòng Đỗ Trung Thoại lẫn ông chủ tịch huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền bỗng lớn tiếng đòi trừng trị kẻ nào ra lệnh cưỡng chế trái phép trong vụ này!
Nhưng rồi trong mấy ngày gần đây, những kẻ đứng đầu chính quyền Tiên Lãng lại giở giọng, lớn tiếng tuyên bố trở lại rằng việc làm của họ là đúng luật, đồng thời tổ chức bắt toàn bộ đảng viên trong huyện cam kết không nghe ‘luận điệu tuyên truyền của kẻ xấu’!
Thoạt nghe những chuyện này, người ta có thể cho rằng bọn Đỗ Trung Thoại – Lê Văn Hiền là những thằng điên. Nhưng điều này cố nhiên không đúng. Mặc dù bọn họ đúng là loại phàm phu tục tử, văn hóa thấp kém, thiếu tính người, chỉ biết nịnh nọt kiếm chức để kiếm ăn, nhưng chắc chắn họ không phải những kẻ mắc bệnh tâm thần. Việc ‘thay đổi lập trường’ như thay áo này có nguyên nhân phía sau của nó.
Không khó để phán đoán như sau:
Sở dĩ chính quyền Tiên Lãng dám ngang nhiên cưỡng chế trái phép trang trại của gia đình anh Vươn là vì có sự bật đèn xanh từ ‘trên’, tức là ít nhất từ một vài nhân vật chủ chốt của chính quyền cấp cao hơn Tiên Lãng. Mặt khác, Hải Phòng vốn là đất làm ăn của một vài vị rất có thế lực ‘vô hình’ nào đó, nên những nhân vật kia của Hải Phòng rất tin tưởng vào sự bao che ‘vô hình’. Vì vậy mà cả ông Thoại lẫn ông Hiền mới dám tỏ thái độ coi thường dư luận cả nước cũng như lời cảnh báo của những người đã từng nắm giữ những trọng trách rất lớn trong hệ thống quyền lực nước nhà.
Còn việc đổi giọng lần một, khi hai ông nói trên đòi trừng trị kẻ ra lệnh cưỡng chế trái phép, thì dễ đoán là do có một nhân vật ‘cao hơn’ cảnh báo rằng sự việc đã quá rõ ràng, tốt nhất đừng ‘to họng’ nữa, mà hãy thừa nhận tính chất trái phép của việc cưỡng chế, rồi lập mưu đổ vấy cái xấu cho kẻ khác. Trong lúc rối trí, các ông Thoại và Hiền đã phát ngôn theo sự gợi ý đó.
Đến khi phát hiện ra rằng không thể đổ vấy cho ai khác được, một nhân vật khác lại phân tích cho cánh Lê Văn Hiền thấy rõ điều này. Và nhân vật đó cũng xui ông Hiền nói cứng trở lại. Nhưng lần này thì việc xui khiến không còn mang ý nghĩa là để tìm cách giúp đỡ nữa. Thấy cơ chừng không cứu nổi ‘đàn em’, nhân vật (rất có thế lực) này quyết định xui cho đàn em tiếp tục bộc lộ toàn bộ sự láo xược, để rồi sau đó dựa vào ý kiến của các ngành liên quan cùng cơ quan tư pháp để trừng trị những kẻ gây ra vụ tai tiếng quá tồi tệ này.
Chúng ta đều biết rằng ‘phương pháp làm việc’ của hầu hết quan chức thời nay là ‘xin ý kiến chỉ đạo’ của các ‘anh’ bên trên. Đặc biệt, khi xảy ra những vụ rắc rối, quan chức cấp dưới – vốn được chọn không phải vì năng lực mà thậm chí là ngược lại – không bao giờ dám tự ý phát ngôn và hành động. Vì vậy, thái độ tráo trở của mấy vị quan chức Tiên Lãng và Hải Phòng cho thấy có những ý kiến ‘chỉ đạo’ khác nhau. Trong lúc vô cùng bối rối, với những cái đầu vốn đã ngu sẵn, các vị ấy đã liên tục tự vả vào mồm mình.
Với sự vào cuộc công minh của nhiều ngành và tổ chức xã hội cũng như báo chí cả hai ‘lề’, với dư luận rộng rãi đang có sự nhất trí cao trong việc đánh giá tình hình sau vụ Tiên Lãng, dù với cung cách làm việc trì trệ và thái độ bao che đến đâu, cũng đã đến lúc không có lực lượng nào dám nghĩ đến chuyện bịt mồm toàn xã hội được nữa.
Những người đã từng ‘chống lưng’ cho chính quyền Tiên Lãng sắp sửa phải thí những con tốt này để giữ an toàn cho sinh mạng chính trị của mình.
Ngồi buồn ngẫm ngợi sự đời, chỉ là những suy đoán vu vơ để thất vọng và hy vọng.
Tác giả gửi QC
.
.
.
No comments:
Post a Comment