Monday, February 20, 2012

CÁI CHẾT CỦA SỬ GIA PHẠM VĂN SƠN (Văn Nguyên Dưỡng) [1/2]



Văn Nguyên Dưỡng

Trước năm 1975, ở miền Nam, ông Phạm Văn Sơn là một trong rất ít những vị viết sử. Bộ sử được nhiều người biết đến nhất của ông là bộ VIỆT SỬ TÂN BIÊN.

Sử gia Phạm Văn Sơn
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEhU_w8kAaO1LiU08KZYFUEC40f6_zu4K16MbD1xuGAAzitSZ1lNWX_GQ9lnNHByyj3L13RqwZBN45ddZCSDgC4zCN5D4CT6ZPfAzNtjetbwy2e-F7lJ-SY_MehcvE63yjhyphenhyphenc9Lp657zJvw/s400/Nh%C3%A0+s%E1%BB%AD+h%E1%BB%8Dc+Ph%E1%BA%A1m+V%C4%83n+S%C6%A1n.jpg

Tôi hân hạnh được làm việc dưới quyền chỉ huy của ông từ năm 1958 đến 1960. Thời gian này ông mang cấp bậc Thiếu tá, giữ chức vụ Chỉ huy trưởng Trường Quân Báo & Chiến Tranh Tâm Lý Cây Mai; tôi mang cấp bực Trung úy, là huấn luyện viên và sĩ quan an ninh của Trường. Chính trong thời gian này, ông đã tu chỉnh bộ sử nói trên và cho tái bản.

Những thì giờ nhàn rỗi, tôi đã tình nguyện giúp ông. Tôi được ông giới thiệu đến gặp ông Lê Ngọc Trụ, công chức làm việc ở Thư Viện Quốc Gia --lúc đó còn nằm trên đường Gia Long-- để nhờ hướng dẫn sưu tầm tài liệu. Ông Lê Ngọc Trụ còn là một học giả, giảng sư Ngữ học của Đại học Văn khoa Saigon, đã chỉ dẫn cho tôi tìm được khá nhiều tài liệu và sách viết bằng tiếng Pháp về thời Trịnh Nguyễn phân tranh. Các tài liệu này cũng như những tài liệu quí giá khác, giúp cho ông Phạm Văn Sơn tu chỉnh Việt Sử Tân Biên. Thời gian làm việc với ông, tôi đã học được ở ông nhiều điều về viết lách.

Năm 1961, trường Cây Mai đổi tên, chỉ còn là trường Quân Báo. Ngành Chiến Tranh Tâm Lý tách ra riêng, đ
ược dạy riêng ở một trường của ngành này, mới thành lập, ở một địa điểm khác; do đó, Thiếu tá Phạm Văn Sơn cũng được thuyên chuyển về ngành Chiến Tranh Chính Tr... Sau đó không lâu, ông được bổ nhậm vào chức vụ Trưởng Ban Quân Sử của Quân Lực VNCH, thuộc Bộ Tổng Tham Mưu. Ông lần lượt được thăng đến cấp Đại tá và giữ nhiệm vụ này cho đến trước ngày miền Nam sụp đổ.

Tôi nghĩ rằng, với khả năng của Ông và và dưới sự chỉ đạo của người viết sử sở trường và kinh nghiệm như Ông, hẳn là Ban Quân Sử Quân Lực VNCH đã viết được những bộ sử chiến tranh VN cận đại quí giá, nhất là binh sử thời kỳ sau năm 1954 trở đi. Tôi nghĩ như vậy vì tôi biết ông Phạm
Văn Sơn rất thận trọng, không thể khinh xuất trong nhiệm vụ của mình và càng không thể để cho thuộc cấp khinh xuất. Ngày trước ông thường bảo tôi: "Phải cố gắng làm sao cho mức độ trung thực và chính xác cao chừng nào tốt chừng đó, như vậy những điều mình viết về sử mới mong có thêm một chút giá trị. Việc sưu tập những sự kiện, chứng tích, tài liệu có độ xác tín cao nhiều chừng nào thì việc so sánh, nghiên cứu, lượng giá, đối chiếu... dễ chừng nấy".

Đó là lề lối làm việc nghiêm cẩn, thận trọng của ông. Vì vậy sau này, năm 1972, tôi đã không ngạc nhiên khi chiến trường An Lộc còn đang sôi động với những trận đánh đối tuyến chỉ cách nhau có một con đường, giành nhau từng góc phố --giữa các đơn vị VNCH và quân CS Bắc Việt-- khi những cơn pháo kích dữ dội của địch quân chưa giảm, khi không một chiếc trực thăng nào đáp xuống An Lộc mà không sợ tan xác, tôi đã thấy ông hiện diện ở chiến trường này để tìm hiểu sự thật viết về trận chiến khốc liệt đó.

Lúc bấy giờ, tôi là Trưởng Phòng 2, Bộ Tư Lệnh SĐ5BB --cũng là Bộ Tư lệnh Hành Quân Chiến Trường An Lộc-- của tướng Lê Văn Hưng, đã cung cấp cho Đại tá Phạm Văn Sơn những tài liệu, sự kiện "sống" nóng bỏng, chính xác và đầy đủ. Tuy nhiên, muốn viết cho trung thực hơn, ông đã ở lại trong hầm chống pháo với tôi một đêm thức trắng để nghe tiếng đạn pháo của địch quân rơi trên đầu mình và xung quanh đâu đó, vừa hỏi tôi thật chi tiết về những sự kiện ghi trong nhật ký hành quân (mỗi phòng của Bộ Tư Lệnh Hành Quân đều có) kể cả tài liệu, cung từ tù binh của địch bắt được trong các trận đánh trước ở đó.

Sau khi ông rời An Lộc, không bao lâu mặt trận được giải tỏa, tôi đến Bộ Tổng Tham Mưu để gặp ông thì được biết ông đã ra Quảng Trị làm nhiệm vụ như đã làm ở An Lộc. Như vậy ông và những sĩ quan thuộc cấp trong Ban Quân Sử đã hiện diện ở khắp chiến trường lớn để tìm sự thật viết binh sử... Tôi nêu lên những chi tiết trên đây mong các bạn hình dung được tư cách khả trọng của một người viết sử chân chính, ông Phạm văn Sơn, một người đã thành danh trong giới trí thức VN, để rồi tôi xin kể lại những ngày cuối cùng bi đát trước cái chết thảm thương của ông trong lao tù, dưới chế độ bất nhân, tàn độc của CSVN.

Ngày 30/4/75, như mọi người đều biết, Dương Văn Minh, một tổng thống phi hiến, tuyên bố đầu hàng CS Bắc Việt vô điều kiện, Quân Lực VNCH bị bức tử, buông súng, tan rã. Một số tướng lãnh, sĩ quan cấp tá, cấp úy tuẫn tiết. Tất cả những sĩ quan còn lại ở miền Nam vào lúc đó, bị dồn vào các trại tập trung tạm trong lãnh thổ miền Nam, cùng với các cấp chỉ huy cảnh sát, công chức cao cấp, các nhà hoạt động chánh trị trong các đảng phái miền Nam và các vị tuyên uý Công giáo, Tin Lành và Phật giáo trong QLVNCH. Một năm sau, CSBV đưa tất cả những người mà họ gọi là có "nợ máu nhiều nhất với nhân dân” ra miền Bắc, giam giữ và bắt lao động khổ sai ở những trại giam trong rừng sâu nước độc Thượng du và Trung du Việt Bắc. Một số sĩ quan và công chức khác còn bị giam giữ ở các trại cải tạo miền Nam.

Tháng 6, năm 1976, đợt tù nhân đầu tiên bị đưa ra Bắc, trong đó có tôi, bị dồn cứng dưới khoang của những chiếc tàu thủy cận duyên cỡ nhỏ, loại chuyên chở của quân đội CSBV. Sau 4 ngày 4 đêm, tàu cập ở Bến Thủy thuộc Vinh. Từ đó vào nửa khuya, chúng tôi bị chuyển vào bờ, lần này thì bị dồn vào các toa tàu hỏa dùng để chở súc vật, lên phía Bắc. Ngày 15/6/76 --ngày duy nhất mà tôi nhớ suốt 13 năm tù-- đúng một năm sau ngày tôi đưa đầu vào cùm ở trường Don Bosco ở Gò Vấp, trên chuyến tàu hỏa nói trên, qua một kẽ hở thật nhỏ của toa tàu, tôi đã nhìn thấy nhà thương Bạch Mai và ga Hàng Cỏ, những địa danh của Hà Nội mà tôi đã được đọc qua trong các tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn thuở tuổi học trò. Hai sĩ quan tù nhân cấp Tá đã ngộp thở chết trong toa chở súc vật, quãng giữa đường Việt Trì - Yên Bái. Kể từ đó, có thêm hàng trăm tù nhân đi trên những chuyến tàu định mệnh này đã ngã xuống ở các trại tù miền Bắc, vĩnh viễn không còn thấy được những chuyến tàu xuôi Nam...Trong số những người này có Sử gia Đại Tá Phạm Văn Sơn.

Một số tù nhân trên dưới một ngàn người trên các toa tàu này được đổ xuống ga Yên Bái; tôi cũng nằm trong số “tù” này. Từ ga Yên Bái, bộ đội CS dùng xe quân sự Molotova chuyển chúng tôi theo đường bộ lên Sơn La giam giữ ở các trại giam “quân quản” dành cho các sĩ quan miền Nam. Tôi ở đó được một năm rồi bị chuyển sang trại giam công an, cũng ở Sơn La, trong 2 năm nữa.

Năm 1979, trước cuộc chiến ngắn ngủi giữa Trung Cộng và CSVN không bao lâu, tất cả chúng tôi -- những tù nhân chính trị -- ở những trại giam trên các tỉnh biên giới phía Bắc và Tây Bắc được chuyển về các trại giam vùng Trung Du và các tỉnh phía nam, tây nam Hà Nội, như các trại giam Tân Lập (Vĩnh Phú), Nam Hà (Nam Định), Thanh Phong (Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh)... Sự chuyển dồn trại như vậy làm cho đời sống lao tù chúng tôi đã cơ cực càng cơ cực hơn, ăn đã đói càng đói hơn, mỗi người không có được đến 4 tấc chiều ngang để có thể nằm ngửa, phải nằm nghiêng chen chúc lẫn nhau mà ngủ sau mỗi ngày lao động nặng nhọc, nên phòng giam nào cũng hôi hám, thiếu ánh sáng, thiếu không khí đến ngộp thở. Bao nhiêu chứng bệnh ngặt nghèo nguy hiểm đã bộc phát trong anh em chúng tôi, thuốc men không có để trị bệnh. Mạng sống của mọi người bị Tử Thần rình rập từng ngày, từng đêm.

Đa số anh em chúng tôi được đưa về trại giam Tân Lập do công an quản chế, bây giờ đặt dưới sự chỉ huy của Trung Tá Công an Nguyễn Thùy --có lẽ lòng dạ không kém sắt máu như thơ Tố Hữu mà ông ta thường đọc trước các đoàn tù chính trị miền Nam. Tân Lập là một hệ thống trại gồm một trại chính và nhiều phân trại thường được gọi là K, đánh số từ K1 đến K7, nằm rải rác hai bên bờ một nhánh sông bắt nguồn từ sông Lô, chảy qua xã Tân Lập, tỉnh Vĩnh Phú. Tôi đến Tân Lập ngày nào năm đó, đã không còn nhớ nữa, chỉ nhớ là lúc đó trời đã bắt đầu trở lạnh... Dù vậy, sau mỗi buổi lao động vẫn phải theo mọi người ra những bãi vắng trên sông này để tắm trước khi về trại. Chính ở các bãi tắm này chúng tôi mới thấy hình hài khốn khổ của nhau, vì mọi người đều trần truồng. Trong khi số tù nhân từ Sơn La mới chuyển về, người ngợm còn chút thịt da, thì, những anh em tù đã ở trại giam K2/Tân Lập từ mấy năm trước thân thể chỉ còn da bọc xương... Đến hai bên mông là nơi lý ra phải còn có chút thịt, cũng chỉ thấy có xương xẩu nhô hẳn lên, trông thật thảm não. Khi tắm ai cũng rét run, vì cái lạnh của trời và nước làm cho mọi người thấu buốt ruột gan...
bởi trong người không còn năng lượng đề kháng nào nữa.

Tôi nói lên những điều này để chỉ rõ chế độ quản chế, đối xử với tù nhân chính trị của trại giam Tân Lập cay nghiệt hơn bất cứ trại giam nào mà chúng tôi đã trải qua trước đó, mặc dù chúng tôi biết rằng với chế độ tập trung cải tạo, trại giam là nơi CSVN giết người kín đáo nhất, ít đổ máu nhất, bằng áp đặt khổ sai vắt sức, bằng bỏ đói trường kỳ... khiến cho tù nhân chết mỏi mòn vì kiệt sức, vì bệnh hoạn hay vì những lý do mờ ám khác nữa. Không một ai trong chúng tôi, lúc đó, thoát khỏi sự thách đố của định mệnh, của cái chết đến bằng nhiều cách ở bất cứ lúc nào. Ở Tân Lập, Trung tá Nguyễn Thùy và cán bộ Công an trại giam đã làm hơn những điều chúng tôi đã nghĩ, đã biết. Vì thế các tù nhân chính trị chết trong các phân trại Tân Lập nhiều hơn bất cứ nơi nào khác. Riêng ở phân trại K2, mấy tháng mùa đông cuối năm 1979, đầu năm 1980, mỗi ngày ít nhất cũng có 1 đến 2 tù nhân chết; con số tù nhân đến bệnh xá (không có một thứ thuốc men nào để trị bệnh), hằng ngày hơn 200 người, mục đích không phải là để xin trị bệnh, nhưng để được khám, chứng nhận là là “có bệnh”--khỏi đi lao động-- được ngày nào đỡ ngày đó, mặc dầu họ là những người bệnh thực sự cần phải được điều trị và miễn làm việc... chớ đừng nói là lao động nặng.

Tại K2/Tân Lập, trong hoàn cảnh chung như vậy, tôi đã gặp lại Đại tá Sử gia Phạm Văn Sơn. Tôi đã nhìn thấy tận mắt những ngày sống bi đát cuối cùng của đời ông.

Chừng một tháng sau khi đến K2, một buổi trưa, tôi và một người bạn tù khác cùng đợi đến phiên phải lên phạn xá gánh cơm về cho anh em trong đội ăn sau buổi lao động; trong khi chờ đến lượt mình nhận cơm, tôi đã vơ vẩn đến bên ngoài hành lang của một căn phòng nhỏ cạnh phạn xá. Tôi thấy một người, nhận ra ông, mà cứ ngỡ là đôi mắt mình đã nhìn lầm. Ông chính là Đại tá Phạm Văn Sơn, vị chỉ huy trưởng ngày xưa của tôi. Ông chỉ còn là cái bóng âm thầm, một cái xác sắp mục nát, bất động, câm nín sau chấn song sắt, bên trong cửa sổ của căn phòng "cách ly". Duy đôi mắt hiền hòa thì vẫn tinh anh như thuở nào. Rõ ràng ông đang hiện hữu như một tĩnh vật có linh hồn sáng suốt, đang nhìn ngắm mọi sự vật đổi thay, quay cuồng điên đảo với những nhận định xuyên suốt, những ý nghĩ sâu sắc, cao xa nào đó một cách hữu thức... Vì chính đôi mắt nhìn lắng sâu và sáng kia là "cửa sổ linh hồn", cho tôi biết điều đó về ông.

Tôi nhìn ông và ông nhìn tôi.

Trong một thoáng, quá khứ như chi dậy; không biết vì mừng rỡ hay vì ngỡ ngàng xúc động, tôi chợt buộc miệng gọi lên:
- "Thầy"!

Chỉ một tiếng rồi lặng thinh. Tôi còn biết nói gì hay làm gì hơn khi mà... ai cũng biết rằng mình bất lực trước hoàn cảnh bất hạnh nào riêng của mỗi người. Mắt ông hình như sáng hơn, ông đã nhận ra tôi. Trong gương mặt đã biến dạng, sần sùi của ông, với đôi môi khẽ chớp động, tôi đã nhìn thấy một nụ cười. Ông đã hiểu rõ tâm trạng của tôi, tuy ông lặng lẽ không nói một lời nào.

Không một dấu hiệu, ông rời song cửa sổ. Chỉ chưa đầy một phút sau, cánh cửa ra vào của căn phòng nhỏ --đang khép hờ-- mở rộng ra. Ông đứng ở ngưỡng cửa, thẳng thớm như đứng giữa giang san của mình, một giang san thu hẹp đến thật nhỏ nhoi, lạnh lẽo, cô đơn...

Với thế đứng vững vàng như vậy, ông đã cho tôi ý nghĩ là, chính nơi này, nơi thật nhỏ nhoi này, là nơi ông đã tìm ra nguyên ủy, phương trình giải quyết và kết luận cho một nan đề khó giải quyết nhất, hay ông đang ấp ủ một điều gì thật to tát trong tư tưởng của ông. Nhận xét của tôi không thể nhầm lẫn vì ngày xưa nhiều lần tôi đã nhìn vào mắt và tư thế của ông mà đoán đúng những gì ông định ra lệnh cho tôi hay muốn nói cùng tôi. Ở lần gặp lại này, tôi cũng cảm nhận được ý nghĩ của ông như thuở đó.

Tôi định bước vào hành lang, tiến đến gần ông nhưng kịp thấy ông nhìn tôi khẽ lắc đầu. Tôi dừng lại và ghi nhận đầy đủ hơn tín hiệu của căn bệnh ghê gớm đã và đang tàn phá cơ thể của ông. Ông đứng thẳng, hai tay chập lại để trước người.

Những ngón tay đan chéo vào nhau. Chỉ nhìn tôi không nói một lời nào. Ngày đó, đất trời còn lạnh căm. Tuy nhiên, tôi nghĩ không phải vì trời lạnh mà ông trùm kín đầu bằng một chiếc khăn lông trắng đã trở màu vàng, bẩn và lấm tấm những vệt máu, mủ. Vòng khăn quấn kín cổ chỉ chừa có đôi mắt, mũi, miệng và một phần rất nhỏ ở hai bên má. Ông trùm kín mặt như vậy có lẽ để che bớt đi những vết lở lói trên mặt mình, bởi chứng bệnh nan y của ông.Thân thể gầy gò nhưng cộm lên vì mặc nhiều lớp áo quần bên trong. Bên ngoài, ông mặc một chiếc áo mưa màu nhà binh đã thật cũ, sờn rách một đôi nơi. Chân được bó lại bằng những mảnh vải quần áo cũ xé ra, dính đầy bụi đất và những vết máu, vết mủ. Chỉ có một phần mặt mũi và hai tay của ông lộ ra, các phần thân thể khác không thấy được. Và chỉ có vậy thôi, tôi cũng nhận ra rằng không phải ông mang chứng lở lói bình thường mà tôi đã từng thấy, từng biết. Mũi ông đỏ ửng, bóng; hai má cũng vậy, cộng thêm một số vết lở lói; lông mi ở mắt đã rụng. Hai bàn tay cũng có những vết lở tấy, nhưng các ngón tay đã co lại, móng tay nhiều ngón đã bị khuyết lại hay mất hết: Ông bị chứng phong hủi (leprosy) ở thời kỳ trầm trọng. Vì không có thuốc điều trị và vì điều kiện vệ sinh không thể có được trong tù nên bệnh phát triển rất nhanh. Đó là lý do tại sao chỉ mới đi tù trong vòng bốn, năm, năm ông đã trở thành người tàn phế, bị cách ly riêng biệt. Có lẽ người ta gán cho ông chứng bệnh lở lói là để tránh sự loan truyền căn bệnh cùi trong trại giam. Vả lại ông bị "cách ly", chỉ được ra ngoài vào những giờ mọi người đã đi lao động, không còn ai trong trại, nên ít ai biết rõ. Nhưng chính ông, ông biết rõ bệnh trạng của ông. Tôi nhìn ông thật lâu, trong lòng xót xa, không biết phải nói gì, làm gì. Vị sĩ quan cao cấp chững mực với quân phục chỉnh tề trang nghiêm ngày xưa nay đã mang hình hài của một người tàn phế mà ai cũng có thể gặp ở đâu đó. Đôi mắt tôi nói rõ sự thương cảm của tôi đối với ông. Và một lần nữa ông cười, nụ cười nhăn nhún với một chiếc răng khểnh trong môi, như ông muốn nói với tôi rằng: - "Tôi chấp nhận định mệnh của tôi, nhưng tư tưởng của tôi đã vượt khỏi thân xác nhỏ nhoi tàn phế của tôi rồi. Anh đừng thương hại cho tôi.”

Sau nụ cười là ánh mắt nhìn tôi sâu hơn. Trong ánh mắt đó, tôi đã ghi nhận được sự thương xót của ông đối với tôi. Hình như ông đã nhìn thấy lại người sĩ quan thuộc cấp trẻ tuổi của ông ở những ngày xưa, còn độc thân, mặt còn non sữa, nhưng sáng sủa và nhanh nhẹn, đã từng lúc làm ông hài lòng, cùng từng khi khiến ông phải chỉ bảo...

Ngày nay, hắn ta đã trở thành một người cằn cỗi, gầy ốm, lam lũ với áo quần chùm đụp rách rưới, má hóp, mắt thâm vì những ngày thiếu ăn, những đêm thiếu ngủ. Hơn thế nữa, hắn ta còn chưa biết phải làm gì trong cảnh tù đày và trong tương lai.

Tôi chưa biết nói gì thêm, làm gì thêm, ở buổi gặp lại ông trong hoàn cảnh khốn khổ đó, thì anh bạn cùng tôi đi lãnh cơm, tìm được tôi, thấy tôi đang đứng "nói chuyện" với Đại tá Sơn. Anh đến gọi tôi vì cơm anh đã lãnh xong để ngoài sân phạn xá. Tôi tần ngần một phút nhưng rồi cũng phải theo anh trở lại phạn xá gánh cơm về cho anh em ăn. Chúng tôi chào từ giã ông, không thấy ông trả lời. Tôi quay đi, mang theo nỗi buồn thật lớn. Anh bạn nói với tôi:
- “Đại tá Sơn đó, ông ta bị chứng bệnh nan y, vừa bị suyễn, bệnh tim và lao phổi. Ông không hề nói chuyện với ai.”

Tôi trả lời ngắn: - "Ông là boss cũ của tôi."

(Còn tiếp)

.
.
.


No comments: