Saturday, February 4, 2012

BIẾN CỐ THÁI BÌNH (Nguyễn Long, Tương Lai, Dương Thu Hương)


Nguyễn Long
03.02.2012

Tôi cũng như rất nhiều công dân Việt lớp người độ tuổi từ 50 – 70 hầu như ai cũng trải qua quân ngũ cầm súng đánh giặc nên sự trân trọng những người lính nó tự nhiên như trân trọng quá khứ đẹp đẽ của đời người.

Nhưng qua vụ cán bộ chiến sỹ bộ đội Hải Phòng vừa qua tham gia cưỡng chế gia đình ông Đoàn Văn Vươn đã làm tôi thất vọng. Mà không chỉ riêng tôi, qua báo chí và ý kiến của nhiều người cho thấy việc làm trên của bộ đội Hải Phòng đã làm méo mó đi hình ảnh của người chiến sỹ quân đội nhân dân xưa nay vẫn được dân tin, dân mến. Tôi chợt nhớ lại những chuyện về bộ đội Thái Bình cách đây hơn chục năm trước, ngày địa phương đang mất ổn định trầm trọng trên địa bàn cả tỉnh.

Thời điểm những năm 1997 – 1998 khắp làng quê Thái Bình sôi sục bất bình với các cấp chính quyền. Tình trạng khiếu kiện tràn lan và gay gắt xảy ra ở mọi nơi, mọi cấp với đủ các hình thức: khiếu kiện đông người, khiếu kiện liên miên , khiếu kiện vượt cấp… Nhiều nơi đã xảy ra đụng độ, hỗn chiến giữa dân và chính quyền, giữa dân với công an và cả giữa dân với dân. Có nơi dân quá khích còn dùng vũ khí bao vây uỷ ban, thu con dấu sổ sách của chính quyền xã, bắt giữ cán bộ, giam giữ công an. Rồi chặn đường giao thông không cho người lạ, xe lạ đi vào địa phận làng xã… Trong tình hình náo loạn của cả Tỉnh như vậy tất nhiên bộ đội Thái Bình không đứng ngoài cuộc. Bộ chỉ huy Quân sự Tỉnh ngày ấy đã có những ứng sử vừa kịp thời vừa sáng suốt và đúng mực là đưa bộ đội về làng.

Hơn 1.200 người lính Thái Bình ngày ấy đã đeo ba lô về các làng xã. Họ không mang theo vũ khí để trấn áp các cuộc nổi loạn, bạo động của dân mà xuống với dân theo theo tiếng giọi của lương tâm thực sự của người lính. Xuống để thấu hiểu thực tế, mong góp phần cùng dân và chính quyền sớm ổn định được tình hình, các mâu thuẫn ở nông thôn nhanh chóng được giải quyết với phương châm “phải trái phân minh, nghĩa tình trọn vẹn”.

Từng tốp bộ đội về làng đã phân chia nhau về tận các gia đình ăn ngủ với dân, gặp gỡ tiếp cận với các đầu đơn rồi tổ chức giao tiếp, đối thoại trực tiếp và công khai với bà con khiếu kiện. Một mặt vừa đón nhận những chất vấn của dân, vừa ôn hoà giải thích pháp luật, chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước cho dân hiểu. Hướng người dân đấu tranh theo phương pháp ôn hoà để chống tham nhũng và giải quyết những mâu thuẫn bức bách ở cơ sở. Đồng thời theo dõi và phát hiện những vấn đề nghiêm trọng nảy sinh, tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương những biện pháp giải quyết đúng đắn, tránh đụng độ hay hành sử thô bạo, tránh trấn áp những cuộc dân bất bình bạo loạn.

Đặc biệt với các đối tượng đầu đơn quá khích hay “cứng đầu”, các anh không ngại gặp trực tiếp mà còn mời đến tận uỷ ban xã đấu khẩu, đấu lý và tự do tranh luận với cán bộ địa phương và tổ công tác. Một mặt vừa thân tình khuyên răn vừa lấy luật pháp để ràng buộc uốn nắn, răn đe ngăn chặn những việc làm xấu… Những việc làm của bộ đội Thái Bình ngày ấy đã làm chỗ tựa cho dân. Người dân nhìn người lính thấy vẫn công tâm, vẫn vì dân mà nghe theo bộ đội và tin vào Đảng, tin vào chế độ vẫn còn tốt đẹp. Sự ổn định của Tỉnh vì vậy dần dần được trở lại.
Tình hình Thái Bình ngày ấy có thể ví như đám cháy đã âm ỷ khắp cả tỉnh. Trong đó rất nhiều “điểm nóng” đã bùng lên những ngọn lửa. Nếu bộ đội Thái Bình không xác định rõ chức năng là bảo vệ tổ quốc, bảo vệ nhân dân mà lại đem súng ống vềtham gia dẹp loạn thì cả tỉnh sẽ thành chảo lửa và máu của dân cũng như của những người thi hành công vụ sẽ đổ và lan rộng không biết đến đâu.

Trở lại với vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng, sự uất ức của một vài gia đình có đầm bãi bị thu hồi nó mới chỉ như một đốm than hồng. Nhưng chính quyền các cấp ở Hải Phòng đã sử sự sai, dùng lực lượng công an có vũ khí để tấn công vào dân, nhất là sự có mặt của bộ đội Hải Phòng là sự đổ thêm dầu vào lửa làm bùng lên đám cháy“Đoàn Văn Vươn” gây rát bỏng khắp cả nước.

Tôi còn được biết sau sự kiện năm 1997, ở Thái Bình còn xảy ra một số vụ bạo loạn của dân ở một số làng xã. Đã có lần có đồng chí lãnh đạo Tỉnh do suy nghĩ chưa thấu đáo vẫn huy động bộ đội Thái Bình đi thi hành công vụ, nhưng các đồng chí lãnh đạo Tỉnh đội đã không điều quân tham gia. Vì các anh luôn tỉnh táo và hiểu rất rõ nhiệm vụ bảo vệ Tổ Quốc, bảo vệ nhân dân của mình. Và tôi cứ tự hỏi tại sao bộ đội Hải phòng lại không biết điều đó để gây nên sự kiện Tiên Lãng đáng nhẽ không có.

----------------------------------

Tương Lai
Cập nhật : 02/02/2012 04:29

Là nhớ lại và suy ngẫm về sự kiện Thái Bình 15 năm trước, 1997. Vâng, đúng 15 năm ! Bao nhiêu nước chảy qua cầu !

Có lẽ trước khi sự kiện Thái Bình bùng nổ, ít ai nghĩ rằng tại nơi đây, quê hương của lá cờ đầu sản xuất nông nghiệp “ chị Hai năm tấn quê ở Thái Bình ”, nơi đây cũng là lá cờ đầu của “ thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người ” trong kháng chiến, lá cờ đầu của hầu hết các hoạtđộng, từ sản xuất đến văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, xây dựng đời sống mới… Thái Bình tự hào về người quê mình từng có mặt tại những điểm hẹn của lịch sử : bắt sống tướng De Castries tại Điện Biên Phủ tháng 7 năm 1954, cắm cờ trên Dinh Độc Lập vào trưa ngày 30.4.1975, cũng là người Việt Nam “ chân dép lốp mà bay vào vũ trụ ”…

Ấy thế rồi những ngày cuối cùng của tháng 6 năm 1997 có tới 5 trên 7 huyện và thị của tỉnh gồm Quỳnh Phụ,Hưng Hà, Tiền Hải, Ðông Hưng, Thái Thụy có khiếu kiện tập thể của bà con nông dân về những vấn đề dân chủ và công bằng xã hội trong nông thôn. Không được tiếp nhận và giải quyết thỏa đáng, những sự biến xảy ra dồn dập hơn, mãnh liệt hơn, và có chiều hướng bạo lực từ cả hai phía : chính quyền và dân. Và rồi, sự xuất hiện của cảnh sát cơ động đã đặt các cuộc biểu tình ôn hòa và hợp thức vào tình thế bế tắc. Xu hướng bạo lực ngày càng gia tăng. Sự kiềm chế và tính tổ chức ở những người biểu tình càng giảm sút thì các sự biến xã hội càng khó kiểm soát.
Một cuộc khủng hoảng chính trị xã hội thực sự trong nhiều xã và huyện của nông thôn Thái Bình đã bùng nổ.

Trung ương đã thành lập Tổ công tác đặc biệt do đồng chí Phạm Thế Duyệt, Thường trực thường vụ Bộ Chính trị phụtrách về Thái Bình để kịp thời xử lý tình huống và đưa ra những quyết sách. Theo cách nhìn và phong cách làm việc của mình, Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cùng với việc theo sát những nhận định và quyết sách của Tổ công tác trên, đã chỉ thị cho Tổ nghiên cứu Đổi mới [thường gọi tắt là Tổ tưvấn của Thủ tướng, sau này là Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ],cử một nhóm các nhà khoa học về một điểm nóng ở Quỳnh Phụ, từ góc nhìn xã hội học để đưa ra những nhận xét và kiến nghị về sự kiện Thái Bình. Viện trưởng Viện Xã hội học, thành viên của Tổ Nghiên cứu Đổi mới của Thủ tướng được trao trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ đó.

Một nhóm về ở ngay trong lòng điểm nóng : xã An Ninh gồm 4 người do Viện trưởng Viện Xã hội học phụ trách. Một nhóm khác gồm ba cán bộ, do một Phó Viện trưởng phụ trách cùng hai cán bộ nghiên cứu, đều là người quê ở Thái Bình, đi theo tuyến rộng, dọc theo đường Hà Nam, Nam Ðịnh, qua Tiền Hải, vòng về thị xã, qua Ðông Hưng, Thái Thụy, Quỳnh Phụ, Kiến Xương để tìm hiểu âm vang và độ nhiễm cảm của các sự kiện bạo động trong tỉnh. Một nhóm khác nũa xuất phát sau một tuần, đến huyện Thái Thụy nơi có điểm nóng Thái Thịnh để đo sựdiễn biến sau sự kiện An Ninh và dư luận quần chúng về các giải pháp của chính quyền tỉnh đã áp dụng. Ðồng thời với các nhóm đi khảo sát tại Thái Bình, nhóm nghiên cứu về hộ kinh tế gia đình và địa vị của người phụ nữ tại Hải Hậu, Nam Ðịnh được trao nhiệm vụ kết hợp khảo sát thêm về chủ đề mà nhóm nghiên cứu ở Thái Bình đang tiến hành. Một nhóm nữađang nghiên cứu tại 10 xã trong 3 tỉnh (Hà Nam, Nam Ðịnh, Ninh Bình) về đề tài biến động dân số cũng được trao nhiệm vụ thu thập thêm tư liệu về chủ đề như đã nghiên cứu ở Thái Bình.

Vì thế, bản báo cáo tổng kết sẽ đăng dưới đây là dựa trên các tư liệu thu thập được qua phỏng vấn sâu, quan sát trực tiếp, các văn bản của tỉnh, huyện, xã (băng ghi âm ghi lời người được hỏi và tập hồ sơ ghi lại nội dung đã thu vào băng) cùng với 8 báo cáo của các cán bộ đi khảo sát và sơ kết của nhóm khảo sát. Cũng do đó, báo cáo về “ Sự kiện Thái bình ” được hình thành trên cái nền nhận thức của những người nghiên cứu về nông thôn, đặc biệt là nông thôn vùng đồng bắng Sông Hồng.

Giờ đây, trước sự kiện Tiên Lãng vừa xảy ra mở đầu cho năm 2012 gây bức xúc trong dư luận, nhìn lại “ Sự kiện Thái Bình ” năm 1997 để suy ngẫm càng thấy rõ cái logic tất yếu của sự bùng nổ từ những nung nấu tiềm ẩn trong đời sống nông thôn và trong tâm trạng của người nông dân bị đẩy đến bước đường cùng. Một điều tưởng như đã chìm vào trong quá khứ : mọi chính quyền nhà nước qua các biến thiên của lịch sử đều phải đối diện với nông dân, nông thôn, nông nghiệp ở một nước mà hệ văn minh lúa nước ở vùng nhiệt đới gió mùa chi phối toàn bộ đời sống.

Từ tháng 8 năm 45, chúng ta cứ ngỡ là với nhà nước được mệnh danh là của dân, do dân và vì dân chắc sẽ không phải lo về sự đụng độ và đối đầu với cái biển nông dân mênh mông và mãnh liệt ấy. Sau bao nhiêu hy sinh xương máu, chiếc đòn gánh tre vẫn “chín dạn hai vai ” [Nguyễn Du] người nông dân chân lấm tay bùn để góp phần to lớn vào sự nghiệp “ công nghiệp hóa và hiện đại hóa ” đất nước với gần 80 % dân số sống ở nông thôn. Thế nhưng những thành quả của Đổi Mới, của “ hiện đại hóa ” thì người đô thị hưởng phần lớn, bà con nông thôn chẳng được là bao. còn hệ lụy của “ công nghiệp hóa và đô thị hóa” thì họ gánh đủ.

Nguy hại nhất là đất đai, nguồn sống bao đời và cũng là khát vọng bao đời của họ đang dần dà bị teo lại và có khi mất sạch. Mà đất đai, “ quốc gia công thổ ” lại nằm trong tay nhà cầm quyền. Nhân danh nhà nước, nhân danh sở hữu toàn dân, họ tha hồ thao túng, mà nông dân thì chỉ còn ngậm đắng nuốt cay để trở lại với câu than thở cho thân phận người thấp cổ bé họng : “ Trời sao trời ở không cân. Kẻ ăn không hết, người lần không ra ”.

“ Trời ” nói đây có lẽ là “ những ông trời con ” đang nắm lấy “ cán cân công lý ” vào buổi nhiễu nhương pháp luật như trò đùa, muốn nghiêng bên nào cũng được, điển hình là vụ Ba Sương, anh hùng thời kỳ Đổi mới cà cha lẫn con trên Nông trường Sông Hậu, được phong tặng danh hiệu “ người phụ nữ tiêu biểu của Đông Nam Á”,là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, vì “ lực hút của đất ” [từ đất nông nghiệp thành đất dự án với lợi nhuận khổng lồ] mà người phụ nữ ấy bị đẩy vòng lao lý hơn bốn năm trời,để rồi trước sức ép của dư luận người ta phải buông tha, hủy bỏ bản án !

Nhưng dù sao thì Ba Sương cũng là người có “ danh phận ” nổi trội để có thể gọi dậy dư luận, còn biết bao thân phận thấp cổ bé miệng khác thì biết kêu ai như bà Vũ Thị Hải ở Nho Quan, Ninh Bình mà báo ĐạiĐoàn Kết số ra ngày 30.1.2012 vừa nêu. Bà Hải cùng chồng khai hoang, trồng rừng, chồng chết vì tai nạn lao động lúc đào đất, nhưng rồi đất khai hoang của hai vợ chồng bà bị cướp sạch để rồi bà Hải lại trở thành người làm thuê ngay trên mảnh đất rừng vợ chồng bà khai hoang giờ đây chủ mới là ông Bí thư xã !

Và rồi, người nông dân không thể cam chịu. Tức nước vỡ bờ, đó là quy luật muôn đời. Sự kiện Thái Bình năm 1997 và sự kiện Tiên Lãng với cách ứng xử quyết liệt của người cựu chiến binh Đoàn Văn Vươn là sự phát triển logic của cuộc sống. Thật đáng suy nghĩ khi chị Phạm Thị Hiền, vợ của anh Đoàn Văn Quý, em ruột ông Vươn cũng đang bị tù, nói rằng chị “ không ân hận ” về những gì xảy ra và gia đình chị “ chấp nhận mất ” để “ xã hội được ”. Chị biểu tỏ một thái dộ rất đàng hoàng và đúng mực khi không coi vụ cưỡng chế đất đai hôm 5/1 là thi hành công vụ mà là “ cướp ”, vì vậy gia đình chị chỉ “ tự vệ quá giới hạn ”. Khi người nông dân nghĩ như vậy, và đã hành động như vậy thì tầm vóc của sự kiện Tiên Lãng diễn ra 15 năm sau sự kiện Thái Bình 1997 đã là một biến thái mới rất đáng suy ngẫm.

Còn nhớ, khi nghe báo cáo về cuộc Khảo sát Xã hội học về sự kiện Thái Bình, do người viết báo cáo trình bày, đồng chí Phạm Văn Đồng đã không đồng tình khi người báo cáo trình bày rằng : “ ở đây không có chuyện địch ta, mà chỉ là mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân ”. Ông yêu cầu chỉnh lại : “ Đây là mâu thuẫn giữa một bên là những người cầm quyền hư hỏng, thoái hóa biến chất đè nén, áp bức để dân không còn chịu được nữa, và bên kia là người dân phải vùng dậy đấu tranh. Có phân tích như vậy mới tìm ra được giải pháp đúng ”!Quả là một nhận định thật tường minh và chuẩn xác. Đáng tiếc là điều ấyđã không được nghiêm cẩn thực hiện.
Và cái gì phải đến thì đã đến.

Tương Lai
NGUỒN : bài do tác giả gửi


--------------------------------------

Dương Thu Hương
Paris, 04/2007

Thế nào là “phương thức Châu Á”?

Đó là cách hành động riêng biệt của những người cộng sản châu Á, hoàn toàn tương thích với thể chế chính trị. Thể chế này là món nộm hòa trộn ba đặc tính: phong kiến, độc tài và mafia.

Vì nghi ngờ khả năng biện hộ non yểu của mình, tôi xin tạm chứng minh bằng một sự kiện cụ thể:

Cách đây chừng một thập kỷ đã xảy ra vụ nổi loạn của nông dân Thái Bình. Những người dân cày đói ăn biểu tình yêu cầu bọn quan chức địa phương hoàn lại những món tiền bị cưỡng đoạt trái phép. Cuộc khởi loạn thoạt tiên xảy ra trên bảy huyện trong tỉnh, trước hết là Quỳnh Phụ, sau đó lan ra các tỉnh lân cận như Hải Hưng, Vĩnh Phú, Quảng Ninh…

Phóng viên nước ngoài rầm rộ đổ đến Hà Nội. Đương nhiên đây là bộ phận đáng e ngại nhất đối với nhà cầm quyền Hà Nội vì ở Việt Nam chưa có báo chí theo đúng nghĩa. Đối với đảng Cộng sản, phóng viên là con cháu trong nhà, bảo gì phải nghe nấy, nếu hỗn hào sẽ đuổi ra khỏi cửa, bẻ gẫy cần câu cơm … Cho dù vẫn dương dương tự đắc là độc lập, quan lại Việt Nam chỉ e ngại mấy ông mắt xanh mũi lõ, vì chỉ mấy ông này mới có khả năng gia tăng hoặc làm hao hụt hầu bao của các bậc lãnh đạo dân chúng. (Những chiếc vé xanh là quốc hồn quốc túy bây giờ). Vậy thì họ sẽ phản ứng ra sao với đám phóng viên ngoại quốc?

Họ đón tiếp niềm nở, nụ cười thường trực gắn trên môi: trà ngon, gà vườn, quà tặng rẻ tiền nhưng lạ mắt… Kèm theo đó là sự hứa hẹn mềm mỏng: “chúng tôi sẽ để các ông các bà xuống tỉnh Thái Bình trong thời gian ngắn nhất, với điều kiện đảm bảo được sự an toàn của quý vị”. Sự trì hoãn đó có hiệu lực. Một tuần, hai tuần, ba tuần trôi qua. Các ông tây bà đầm không còn đủ kiên nhẫn để chờ đợi. Quỹ thời gian có hạn. Hà Nội chỉ là một quán trọ xoàng. Hành tinh mênh mông còn có biết bao nơi chốn mời gọi … Họ lần lượt ra đi.

Khi phóng viên nước ngoài cuối cùng lên máy bay và các ống kính đã chĩa về hướng khác là lúc cuộc đàn áp bắt đầu. Trong một đêm, hàng nghìn cựu chiến binh đã bị bắt. Không một tờ lệnh. Hoàn toàn là lệnh mồm. Ở Việt Nam, lệnh mồm là thứ hiệu lực nhất. Lực lượng đàn áp là bộ phận được trả lương hậu hĩnh nhất trong guồng máy này. Trên 40% kinh phí quốc dân dành để nuôi họ. Vì thế, cuộc vây bắt diễn ra êm nhẹ. Hoàn toàn trong bóng đêm. Sót lại là tiếng kêu khóc của đám dân quê đói khổ, thất học, thân nhân của những người bị cùm trói và tống vào xe thùng sắt.

Các cựu chiến binh Thái Bình, những người đã hiến dâng toàn bộ tuổi thanh xuân trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, những thương bệnh binh nạn nhân của chất độc da cam, những người thường được ca ngợi véo von là anh hùng cứu nước. Họ sẽ được đảng Cộng sản thân yêu đối xử ra sao?

Họ bị phân tán vào khắp các trại tù, sống trà trộn giữa đám tội phạm thật sự. Ở đó, họ sẽ chết trong một thời gian rất ngắn bởi chính các bạn tù này. Bọn tội phạm được lệnh thủ tiêu họ. Đương nhiên, “lệnh mồm” và ban bố một cách thì thầm đến tận từng cá nhân.

Đây chính là “phương thức châu Á”, nhóm danh từ tôi tạm mượn ông Karl Marx tôn kính ở phương Tây. Bọn tội phạm được hứa hẹn giảm án theo thành tích: giết một người án 20 năm giảm xuống 18 năm. Giết hai người, 18 năm còn lại 16 … Cứ thế mà thực thi.

Khởi sự là các cuộc khiêu khích, gây hấn. Sau đấy là cuộc tàn sát bằng các hình thức khác biệt, trong đó một hình thức đặc biệt hiệu nghiệm và rất ấn tượng: giết người bằng đũa ăn. Người châu Á ăn cơm bằng đũa. Dụng cụ ẩm thực biến thành vũ khí sát nhân là sự ứng biến tuyệt vời. Người ta vót những chiếc đũa bằng gốc tre đực, thứ tre cứng như sắt, một đầu đũa được chuốt nhọn như kim đan. Khi các cựu chiến binh Thái Bình đang ngủ, bọn tội phạm bất thình lình đóng chiếc đũa này vào lỗ tai của họ. Với độ dài 25cm, đũa xuyên suốt từ tai nọ sang tai kia. Nạn nhân chết tức khắc không kịp bật một tiếng kêu.

Như thế, trong bóng đêm và trong sự im lặng, những người cầm đầu cuộc biểu tình của dân cày Thái Bình đã chết theo kiểu ấy. Bạo quyền Việt cộng thực sự là kẻ sáng tạo lỗi lạc. Với nguyên tắc: hiệu quả tuyệt đối trong sự an toàn tuyệt đối, họ đã thực hiện một Thiên An Môn nhung lụa mà sự thành công ở mức tối đa. Hiệu quả tuyệt đối vì số người bị giết nhiều gấp bội số người chết bởi xe tăng và súng liên thanh trên quảng trường Thiên An Môn Trung Quốc. An toàn tuyệt đối vì không một nhà báo nước ngoài nào nhòm ngó nổi nhà ngục Việt cộng, không một ống kính nào ghi lại được, dù một hình ảnh nhù nhòa, tội ác của họ. Đó, “phương thức châu Á”. Nói một cách văn vẻ hơn, cách thức hành xử của loài rắn rết hay ác thú chốn rừng già.

Khi dấn thân vào cuộc đấu tranh cho nền dân chủ, tôi cũng như nhiều anh em khác xác định nhiệm vụ của mình là vạch trần sự thật. Nói đúng hơn là duy danh định nghĩa những sự thật hiển nhiên mà dân chúng chỉ dám thì thầm trong xó bếp hoặc góc tường.

Sự đổi thay ngoại diện ở Việt Nam dễ tác động lên giác quan của người phương Tây nhưng dưới vòm trời tưng bừng náo nhiệt của Sài Gòn và Hà Nội vẫn tồn tại dai dẳng một hiện thực tàn khốc. Hiện thực ấy được tóm tắt như sau: bóng đêm, rắn rết và nước mắt.

Dương Thu Hương
Paris, tháng 04/2007

(nguoithongtin trích 1 phần từ bài viết của bà Dương Thu Hương)

.
.
.

No comments: