Tường trình từ Thành Đô, Đông Hoàn và Ô Khảm
Bài đăng trên The Economist, 28/1/2012
TK dịch
14/02/2012
Vụ Tiên Lãng dường như đã có tiền lệ là vụ Ô Khảm, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, xảy ra vào tháng 12/2011. Bài này cho thấy một cái nhìn tổng quát về những vụ việc tương tự, và dự báo một năm nhiều nguy hiểm tại Trung Quốc.
Bauxite Việt Nam
--------------------------------
Tình hình kinh tế và mạng xã hội khiến những cuộc biểu tình diễn ra thường xuyên hơn tại Trung Quốc, vào thời điểm nhạy cảm với giới lãnh đạo
Tại một khu công nghiệp gần Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, phía Tây Nam của Trung Quốc (TQ), người ta thấy một bảng hiệu màu mè, với dòng chữ ca tụng khu vực tập trung các nhà máy là một “vùng đất sáng ngời, hài hòa và hạnh phúc”. Nhưng vào tháng 1/2012 vừa qua, khi hàng ngàn công nhân nhà máy thép tuần hành qua trước bảng hiệu này, chắc chắn họ đã cảm thấy rùng mình, vì họ đang xuống đường để đòi tăng lương. Cuộc đình công 3 ngày của họ là cuộc đình công lớn bất thường đối với một xí nghiệp trực thuộc trung ương. Nhưng khi kinh tế TQ bắt đầu tăng trưởng chậm lại, thì những bất ổn tương tự sẽ còn xảy ra nhiều hơn.
Báo chí do nhà nước kiểm soát tại TQ không nói gì về vụ biểu tình bắt đầu vào ngày 4/1 tại Thanh Bạch Giang, cách Thành Đô 40 phút lái xe về phía Đông Bắc, nếu đến theo đường cao tốc sẽ đi ngang qua những đồn điền trồng rau và rừng tre. Nhưng tin tức về cuộc đình công này đã nhanh chóng được tải lên mạng internet. Hình ảnh truyền tải trên các vi blog [microblogs] cá nhân cho thấy một đám đông công nhân thuộc Tập đoàn Pangang Thép và Vanađi Thành Đô bị rất đông công an chặn lại không cho tràn xuống đường cao tốc. Tin đồn rằng công an đã tìm cách giải tán đám đông bằng hơi cay. Cuối cùng, giới quản lý nhà máy, chắc chắn được lệnh của chính quyền, đã nhượng bộ công nhân, ít nhất là một phần. Công nhân được tăng lương, dù ít hơn họ đòi hỏi. Còn lương của cán bộ quản lý sẽ không tăng.
Các cuộc đình công ngày trở nên phổ biến tại các nhà máy tư nhân trong những năm qua, lý do thường thấy là công nhân đòi hỏi tăng lương và điều kiện làm việc tốt hơn. Các công ty tư nhân, cũng như các công ty quốc doanh, thường được cán bộ quản lý cho phép dùng tiền để mua chuộc người đình công. Họ tin rằng làm như thế sẽ che đậy được thông tin và ngăn ngừa không cho đình công lan rộng. Nhưng sự bùng nổ sử dụng các mạng xã hội kiểu Twitter đã giúp người biểu tình dễ dàng gửi các bài tường thuật và hình ảnh đến một lượng độc giả khổng lồ. Khả năng của Đảng Cộng sản trong việc ngăn cản bất ổn lan tỏa đang giảm bớt, trong lúc khó khăn kinh tế lại khiến bất ổn ngày càng gia tăng.
Bên dưới giận dữ
Tại một nhà hàng bình dân ở Thanh Bạch Giang, đối diện với khu tập thể của công nhân tập đoàn Pangang, công nhân nhà máy thép phàn nàn rằng nhà nước hứa tăng thêm 260 nhân dân tệ (41USD) mỗi tháng thì vẫn không đủ. Nhiều người thuộc nhóm lương ít nhất mỗi tháng chỉ lãnh được 190 USD mà thôi. Nhưng họ cũng biết công nghiệp thép đang khó khăn, và sự trả đũa nhắm vào những người gây rối gan lì sẽ rất gay gắt. Một thông báo của công an cảnh báo sẽ dùng đến luật pháp, kể cả bỏ tù, chống lại người đình công nào tiếp tục “gây rối trật tự công cộng”. Ngay người viết bài này khi làm nghiệp vụ cũng bị các nhân viên an ninh đi trên một chiếc xe hơi dân sự theo dõi.
Tất cả những bất ổn này một phần là do nỗ lực làm giảm tác hại của việc TQ chi tiêu kích cầu, và việc ngân hàng cho vay vô tội vạ và liều lĩnh theo sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Hiện có ít dự án xây cất mới hơn trước; nhu cầu dùng thép do đó sút giảm. Nhà máy Pangang tại Thanh Bạch Giang hoạt động thua lỗ. Số nhà máy đang thua lỗ tăng từ 9 nhà máy vào tháng Chín (2010) lên tới 25 nhà máy, chỉ một tháng sau đó. Mặc dù nhà nước bớt lo về lạm phát hơn cách đây vài tháng, và hiện đang giảm phanh kinh tế phần nào, nhưng ngành thép đang dự báo một giai đoạn suy thoái. Một số nhà máy cũng có thể phải đóng cửa.
Sự tăng trưởng kinh tế nói chung vẫn còn khả quan. Trong ba tháng cuối năm 2011, kinh tế TQ tăng 8,9% so với cùng kỳ một năm trước đó – một con số mà bất cứ ai, dù lấy thước đo nào cũng phải ganh tị, mặc dù đó là mức tăng trưởng thấp nhất từ quý hai năm 2009. Sự suy thoái đến nay diễn ra tương đối nhẹ nhàng, phù hợp với nỗ lực của chính phủ nhằm giảm nhiệt nền kinh tế. Nhưng điều này cũng không làm giới lãnh đạo khỏi lo ngại rằng năm nay sẽ là một năm khó khăn bất thường.
Châu Âu là nơi tiêu thụ nhiều nhất các sản phẩm của TQ, và cuộc khủng hoảng của khu vực đồng euro đã đẩy rất nhiều nhà sản xuất TQ vào tình cảnh tuyệt vọng. Mức cầu xuống thấp tại Châu Âu và Mỹ đã tác hại lên các nhà máy ở TQ. Các cuộc đình công của công nhân thép kể trên chỉ là một trong rất nhiều cuộc đình công trong vài tháng qua, phần lớn xảy ra tại trung tâm sản xuất hàng xuất khẩu dọc ven biển (xem bản đồ).
Các nhà xuất khẩu TQ hiện không phải đối đầu với cú sốc lớn như vào cuối năm 2008, khi khủng hoảng tài chính khiến mức cầu đột ngột sụp đổ, làm cho 20 triệu người nhập cư mất việc. Nhưng lúc đó TQ phục hồi khá nhanh chóng, nhờ các khoản chi kích cầu lên tới 4.000 tỉ nhân dân tệ (hơn 630 triệu USD với giá chuyển đổi hiện nay), và nhờ vào các chương trình kích cầu của chính các nước phát triển. Tác động với lao động nhập cư còn được giảm nhẹ nhờ thời điểm khủng suy thoái tệ hại nhất rơi đúng vào dịp nghỉ tết âm lịch, khi hầu hết lao động nhập cư trở về nhà nghỉ lễ nhiều ngày.
Lần này thì các nhà xuất khẩu phải đương đầu với mức tăng trưởng chậm trong nền kinh tế các nước phát triển, và rủi ro đe dọa khu vực đồng euro còn nặng nề hơn nữa. Các nhà làm chính sách TQ không muốn chi tiêu vô lối lần nữa, vì chỉ làm hệ thống tài chính thêm nặng gánh với những món nợ xấu, bên cạnh những khoản vay tích hợp lại từ giai đoạn buông thả trước đó. Khoản thâm thủng ngân sách tương đối thấp (khoảng 2.5% GDP trong năm 2010) cho phép nhà nước chi thêm vào an sinh xã hội, nhà ở cho người nghèo, giảm thuế cho các xí nghiệp nhỏ và các khoản hỗ trợ người tiêu dùng. Những biện pháp này lần hồi sẽ có thể thúc đẩy khả năng tiêu thụ cá nhân.
Bề trên bực dọc
Kế hoạch dài hạn của TQ là giảm bớt lệ thuộc vào xuất khẩu, các dự án đầu tư giao thông, đường sắt, các dự án phát triển bất động sản hiện đang có giá ngất ngưởng, và làm sao để việc tiêu thụ sản phẩm và dịch vụ trong nước giữ vai trò thúc đẩy tăng trưởng nhiều hơn nữa. Nhưng lập lại cân bằng như thế sẽ là một con đường dài và gian nan. Chính quyền không muốn một trị liệu gây sốc vì có thể đe dọa công ăn việc làm của 160 triệu lao động nhập cư từ nông thôn lên, cung cấp lao động giá rẻ cho ngành xuất khẩu TQ.
Tình thế kinh tế lúng túng này càng trở nên gay cấn hơn vào thời điểm nhậy cảm chính trị của Đảng Cộng sản. Cuối năm nay (khoảng tháng 10 hoặc 11) đảng sẽ tổ chức Đại hội Đảng năm năm. Đây sẽ là Đại hội lần thứ 18 kể từ khi đảng thành lập năm 1921, là dịp những thay đổi lớn lao về nhân sự lãnh đạo tối cao sẽ diễn ra.
Đại hội sẽ “bầu chọn” một ủy ban trung ương mới với 300 thành viên (nói “bầu chọn” chứ thực ra họ sẽ được các lãnh đạo cao cấp đích thân chọn lựa). Ủy ban này sau đó sẽ nhanh chóng thông qua việc bổ nhiệm một Bộ Chính trị mới, với 25 người. Tất cả, ngoại trừ 2 trong số 9 người của Ban Thường vụ Bộ Chính trị, sẽ được thay thế. Hai nhân vật dường như chắc chắn có mặt là Phó Chủ tịch Tập Cận Bình, sẽ thay thế Chủ tịch Hồ Cẩm Đào (trong vai trò Chủ tịch Đảng sau khi Đại hội kết thúc, và trong vai trò Chủ tịch nước vào tháng Ba năm sau); và Lý Khắc Cường sẽ thay thế cấp trên mình là thủ tướng Ôn Gia Bảo, cũng trong tháng Ba năm sau. Sẽ có nhiều tranh giành diễn ra cho các vị trí còn lại.
Đã cả một thập niên rồi khi TQ trải qua một cuộc thay đổi lãnh đạo với quy mô lớn như thế này – và là lần đầu, kể từ cuối thập niên 1980, sự xuất hiện của một thế hệ lãnh đạo mới diễn ra trùng với thời điểm khó khăn của nền kinh tế. Vào lúc đó, năm 1988, lạm phát cao đã làm xáo trộn kế hoạch thay người kế vị của ông Đặng Tiểu Bình, cho phe bảo thủ thêm vũ khí để tấn công những tay chân có khuynh hướng đổi mới của ông. Cuộc đấu đá trong nội bộ đảng lúc đó đã lộ ra bên ngoài vào năm sau, khi sinh viên xuống đường tại Quảng trường Thiên An Môn đòi tự do.
Những đe dọa đảng phải đối đầu hôm nay rất khác xưa, nhưng giới lãnh đạo vẫn bị ám ảnh bởi nỗi sợ những bất ổn quy mô lớn sẽ xảy ra. Thập niên vừa qua, một tầng lớp trung lưu đông đảo đã xuất hiện – theo một số học giả TQ, con số này lên tới gần 40% dân số thành thị – và đã có một cuộc di dân khổng lồ của lao động từ thôn quê về các đô thị lớn. Đảng đã rất thận trọng. Một lực lượng công an thường phục được bố trí thường trực để theo dõi tình hình trong và chung quanh Thiên An Môn. (Từ 2008, du khách đến thăm khu vực rộng lớn này phải trải qua cuộc rà soát và dò tìm kiểu kiểm tra an ninh ở phi trường.) Đầu năm ngoái, khi những lời kêu gọi nặc danh lan truyền trên internet kêu gọi công dân tụ tập tại trung tâm Bắc Kinh để ủng hộ cuộc nổi dậy đang diễn ra trong thế giới Ả Rập, địa điểm được đề cập không phải là Thiên An Môn mà là Vương Phủ Tỉnh, một phố mua sắm cạnh đó. Công an đã phản ứng ngay bằng cách cho nhân viên tràn ngập khu vực này.
Tại Đồng bằng Châu Giang, nơi sản xuất 1/3 tổng sản lượng xuất khẩu TQ, có rất nhiều dấu hiệu bất ổn. Bên ngoài một nhà máy do Đài Loan làm chủ tại Đông Hoàn, khoảng hơn chục công an đeo nón bảo hộ, tay cầm gậy, theo dõi một nhóm nhỏ công nhân đang giận dữ vì ông chủ của họ bỏ trốn. Nhà máy của họ (sản xuất ghế xoa bóp) không có tiền trả nợ. Công nhân lo sợ rằng sau tết họ sẽ không còn công ăn việc làm để quay lại nữa. Một công an thường phục tìm cách trấn an họ. Nhưng rồi sau đó, một công an sắc phục lại xuất hiện với máy quay phim, và thế là phần lớn công nhân bắt đầu co cụm lại, nhẫn nhịn và im lặng.
Những nhóm công nhân khác tại khu vực này thì ít dè dặt hơn. Vào tháng 11 vừa qua, hàng ngàn công nhân tại một xí nghiệp giày Đài Loan tại Đông Hoàn đã xuống đường biểu tình chống cắt giảm lương và đuổi việc, có lẽ vì xí nghiệp không còn đủ hợp đồng đặt hàng. Công nhân đã lật xe, đụng độ với công an. Hình ảnh công nhân đổ máu được phát tán trên internet. Trong vài tuần vừa qua, lại có thêm những cuộc biểu tình khác.
Một loạt những cuộc biểu tình cũng đã xảy ra tại tỉnh Quảng Đông năm 2010. Vào lúc đó, công nhân – phần lớn tại các nhà máy phục vụ công nghiệp xe hơi – chỉ đòi hỏi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc. Hầu hết những tranh chấp này được giải quyết nhanh chóng và ôn hòa, hiếm khi xảy ra việc xuống đường. Nhưng đợt xung đột mới nhất có vẻ rất khác lạ. Trong khi công nhân thép ở nhà máy quốc doanh Thành Đô muốn tăng lương, thì hiện nay, hầu hết công nhân, thay vì đòi điều tốt hơn cho bản thân, họ chỉ mong không bị cắt lương hay đuổi việc. Người đình công hiện nay cũng có vẻ manh động hơn.
Một báo cáo trong tháng này của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS) cho rằng, so với năm 2010, những cuộc đình công năm 2011 được tổ chức tốt hơn, có tính đối đầu quyết liệt hơn, và dễ được nơi khác bắt chước hơn. Ông Geoff Crothall thuộc Tập san Lao Động Trung Hoa, một tổ chức phi chính phủ tại Hongkong đưa ra nhận xét rằng: “Công nhân lần này không còn sẵn sàng chấp nhận hy sinh vì quyền lợi quốc gia nữa, vì trước hết họ đã hy sinh đủ rồi, và vì tiếp theo là hiện có ít người muốn bỏ cuộc về nhà hơn, so với trước đây.”
Ở giữa xôn xao
Chính quyền hy vọng lao động nhập cư thất nghiệp sẽ trở về quê mình, nơi họ và gia đình vẫn còn một ít đất đai để sinh tồn, hoặc tìm việc ở các thị trấn gần đó. Nhiều công nhân có lẽ sẽ về: cơ hội tìm được việc làm trong nội địa trung quốc đã tăng lên trong vài năm qua, nhờ nhà nước gia tăng đầu tư vào khu vực miền trung và miền tây, nhằm nâng đồng đều mức tăng trưởng ở các vùng.
Tại Trùng Khánh, ở miền Tây Nam TQ, nơi thường xuyên xuất khẩu rất đông công nhân đến các tỉnh ven biển, thì vào năm ngoái, thành phố này lần đầu tiên mướn một lực lượng lao động nông thôn nhàn rỗi với số lượng lớn hơn số công nhân họ gửi đi các vùng khác. Bí thư tỉnh Trùng Khánh, Bạc Hi Lai, được cho là một trong những ứng viên sẽ vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị, ông muốn biến Trùng Khánh thành kiểu mẫu của việc thu hút lao động nông thôn vào thành phố, một dự án đòi hỏi khoản chi tiêu khổng lồ cho các dự án nhà ở cho người thu nhập thấp, đáp ứng nhu cầu lao động nhập cư trong vùng.
Nhưng trong số đang gia tăng những công nhân muốn nhập cư vào các thành phố lớn – hơn 60% theo số liệu của Cục Thống Kê Quốc gia năm 2010 – bản thân họ cũng là con em của những lao động nhập cư, họ không có kinh nghiệp gì về nông nghiệp. Họ cũng tự cho mình là người thành phố, dù họ bị loại trừ khỏi nhiểu phúc lợi xã hội mà người dân đô thị được quyền hưởng. Họ có học hơn thế hệ cha anh mình, và họ lên tiếng mạnh mẽ hơn. Một cuộc bạo loạn do công nhân nhập cư gây ra vào tháng 6 năm ngoái tại Tân Đường, một khu tập trung nhiều nhà máy khác tại Quảng Đông, nơi chuyên sản xuất quần jeans, hé lộ cho thấy những vấn đề mà TQ có thể gặp phải nếu lao động nhập cư thế hệ thứ hai lâm vào cảnh tuyệt vọng. Việc lực lượng an ninh đối xử thô bạo với một phụ nữ mang thai đã kích động hai ngày bạo động với hàng ngàn công nhân nhập cư đốt xe cộ và dinh thự nhà nước. Cũng theo CASS, các cuộc đình công tại các nhà máy vùng ven biển hiện nay cũng phần lớn có sự tham gia của lao động nhập cư thế hệ thứ hai.
Những bất ổn như thế sẽ không lật đổ được đảng cầm quyền. Khi quan chức TQ hoang mang tìm hiểu tác động của các bất ổn trong thế giới Ả Rập, các cuộc biểu tình tại Nga và việc giảm bớt đàn áp tại Miến Điện, thì họ lại có thể an tâm phần nào với kết luận của các cuộc thăm dò dư luận. Những con số này cho thấy có một mức độ tin cậy cao đối với giới lãnh đạo trung ương và sự lạc quan vào tương lai dưới chế độ đảng trị. Nhiều người dân TQ bình thường, dù căm ghét chính quyền địa phương, vẫn tin rằng các lãnh đạo ở Bắc Kinh là những người tử tế.
Sức mạnh của weibo
Nhưng theo Victor Yuan của công ty Horizon, một công ty thăm dò dư luận tại Bắc Kinh, sự hài lòng của công dân với đời sống mình và niềm tin vào chính quyền tuy cao nhưng đã “rớt nặng” trong năm 2010, và cũng không phục hồi được vào năm 2011. Niềm tin vào chính quyền đã rớt khoảng 10 %, xuống còn 60%.
Ông Yuan cũng nói rằng sự phổ biến nhanh chóng của các vi blog đã góp phần vào việc tụt hạng này. Vào cuối năm ngoái, weibo, một trang mạng TQ tương tự kiểu Twitter (hiện bị cấm tại TQ) được gần một nửa trong số 513 triệu người TQ có internet sử dụng trong 6 tháng vừa qua (xem biểu đồ ). Theo Trung tâm Thông tin Hệ thống Internet TQ thì con số này cũng cao hơn cả số người dùng email, và tăng trưởng gấn 4 lần so với một năm trước đó. Bà Li Chunling của CASS ước tính khoảng 90% người dùng internet tại các đô thị dưới 30 tuổi đều là những vi blogger.
Trang mạng Weibo đã thay đổi việc chia sẻ thông tin trong công chúng tại TQ. Những tin tức mà ba hoặc bốn năm trước đây thuộc loại dễ bị cán bộ địa phương che đậy, bóp méo hay bỏ qua thì nay có thể lập tức được truyền tải khắp nơi trên toàn quốc. Những cuộc biểu tình địa phương và những vụ bê bối địa phương trước đây ít người biết tới giờ lại được thảo luận sôi nổi bởi những người dùng weibo, Chính quyền đã cố dùng nhiều cách để kiểm soát những thảo luận như vậy bằng cách chặn từ khóa hoặc hủy tài khoản của người thích soi mói, nhưng họ đã không thành công. Người dùng có thể dễ dàng đi đường vòng. Từ tháng 12 vừa qua, chính quyền đã đưa ra luật lệ mới yêu cầu phải cung cấp tên thật để mở tài khoản. Tuy vậy, người dùng ra vẻ không bị hế hấn gì vì biện pháp ngăn chặn này.
Trong thời gian chuẩn bị Đại hội 18, các lãnh tụ TQ sẽ càng nôn nóng muốn ngăn chặn những gì khiến đảng phải bối rối. Weibo chắc hẳn sẽ làm các lãnh tụ gặp khó khăn hơn nhiều – ít nhất đó là bài học từ cuộc xung đột kéo dài 10 ngày vào tháng 12 vừa qua giữa công an và dân chúng tại làng ven biển Ô Khảm tỉnh Quảng Đông.
Cuộc biểu tình của dân làng tại đây tiêu biểu cho hàng ngàn cuộc biểu tình tương tự xảy ra tại nông thôn TQ mỗi năm: họ khiếu kiện về việc quan chức địa phương tịch thu đất nông nghiệp để làm dự án riêng. Tuy vậy, điều khác lạ là người dân Ô Khảm đã giành quyền kiểm soát làng và đẩy lùi bọn côn đồ và công an đảng gửi tới. Quan chức chính quyền hoảng hốt khi hình ảnh phát tán trên weibo cho thấy người dân phấn chấn đang tập trung giữa làng (hình ở đầu bài), tương tự như sinh viên tập trung tại Quảng trường Thiên An Môn 22 năm trước. Chính quyền tìm cách chặn thông tin, bằng cách ra lệnh chặn những từ khóa mang tên làng và địa phương liên quan, nhưng họ đã không thành công.
Dân làng kết thúc biểu tình vào ngày 21/12/2011 sau khi có sự can thiệp hiếm hoi của lãnh đạo cấp cao của Đảng tại tỉnh Quảng Đông, họ hứa sẽ nghiên cứu khiếu kiện của người dân. Một diễn biến rất đáng chú ý đó là vào ngày 15/1/2012, lãnh tụ cuộc biểu tình, ông Lâm Tổ Luyến, được bổ nhiệm làm lãnh đạo Đảng tại đây (ông lãnh đạo Đảng cũ biến mất, có lẽ là vào tù). Ngay cả báo Đảng ở Bắc Kinh cũng không còn giữ im lặng về vụ này nữa, mà nói rằng diễn biến cho thấy chính quyền địa phương nên chấm dứt đối xử với công dân như kẻ thù. Ông Uông Dương, Bí thư Đảng tỉnh Quảng Đông, người được cho là một trong những ứng viên cao cấp sẽ vào Bộ Chính trị năm nay, nói rằng vụ việc cho thấy “ý thức dân chủ” của người dân đang trở nên mạnh mẽ hơn. Ông kêu gọi các quan chức chính quyền không được bỏ mặc những vấn đề mà người dân quan tâm.
Ít ai cho rằng vụ Ô Khảm là một bước ngoặt của Đảng. Bằng chứng là việc bắt bớ nặng tay vẫn diễn ra, ít nhất một người biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn mới đây đã bị công an lôi đi theo kiểu cũ. Nhưng vụ việc vẫn làm dấy lên cuộc tranh cãi, ít nhất là trên mạng, về cách mà Đảng cần đáp lại những cuộc biểu tình và những hình thức áp lực khác của quần chúng. Và nông dân Ô Khảm cũng cảnh báo rằng họ sẽ không thỏa mãn cho tới khi họ lấy lại được đất đai. Một lãnh tụ biểu tình nói có thể sẽ có một cuộc nổi dậy khác, “lớn hơn” lần này nữa.
Ban lãnh đạo mới sau Đại hội sắp tới sẽ phải nhanh chóng đương đầu với bài trắc nghiệm về khả năng xử lý bất ổn xã hội này. Ngay cả nếu như đất nước TQ không bị đẩy vào tình huống đối đầu với các cuộc nổi dậy kiểu Ả Rập chăng nữa, thì nhiều học giả TQ cũng nói rằng vài năm sắp tới sẽ là những năm bất ổn lan rộng, được thúc đẩy bởi mức tăng trưởng kinh tế chậm hơn và khoảng cách ngày càng lớn giữa người giàu và người nghèo. Các lãnh tụ sắp ra đi của TQ đã tìm cách đè nén cuộc thảo luận về cách cải tổ hệ thống chính trị, cho phép quần chúng thêm tự do để nói lên những uẩt ức của mình. Nhưng nhiều nhà phân tích tin rằng thực sự có một nhu cầu cấp bách cần tiến hành các cải cách theo hướng này. “Mô hình Trung Quốc” hiện nay, theo cách gọi của một số chuyên gia trong và ngoài TQ sau khi các nền kinh tế Tây phương rơi vào khủng hoảng ba năm trước đây, có vẻ như ngày càng chông chênh, không bền vững.
Trò ru-lét Trung Quốc
Một điều thú vị, cho thấy một số người trong đảng nhìn tương lai ra sao, được tiết lộ vào tháng Tư năm qua, khi Trương Mộc Sinh, một trí thức quan trọng, xuất bản cuốn sách kêu gọi phục hồi mục tiêu đã từng được nhắc tới trong thời Mao là xây dựng một nền “dân chủ mới”. Tướng Lưu Nguyên, con của Lưu Thiếu Kỳ, chủ tịch TQ thời Mao, công khai ủng hộ ý tưởng này. Ông Trương (con của một cố quan chức cấp cao, tương tự như một số lãnh tụ tương lai khác) nói rằng một nền dân chủ mới sẽ vẫn tiếp tục có một đảng cai trị nhưng sẽ có nhiều quyền tự do hơn.
Ít ai trong giới cải cách TQ tin rằng có vị lãnh tụ nào trong tương lai gần sẽ theo đuổi mục tiêu này. Nhưng điều ông Trương nói về TQ hôm nay đã tạo được sự đồng cảm (và được lan truyền rộng rãi trên bởi những người dùng weibo). Một nhà kinh tế nổi tiếng, Ngô Kính Liễn, ghi nhớ một câu của ông Trương trong một luận văn trên báo Tài Kinh, một tạp chí tại Bắc Kinh, trong đó ông công kích ý niệm về “mô hình Trung Quốc” và kêu gọi cải cách chính trị. Câu gây ấn tượng mạnh của ông Trương là câu mô tả TQ như đang “chuyền tay nhau một trái bom nổ chậm”.
Người dịch trực tiếp gửi cho BVN.
.
.
.
No comments:
Post a Comment