08:15:am 10/02/12
Phóng viên Sergiusz Kazimieczuk: Làm thế nào cô có mặt tại Ba lan?
Tôn Vân Anh(1): Đó không phải quyết định của tôi mà của cha mẹ tôi. Cha mẹ muốn cho các con của mình có được cuộc sống bình an, trong xã hội tự do, cuộc sống không bị đe dọa và có điều kiện phát triển. Ba Lan từ trước tới nay đã là huyền thoại đối với người Việt Nam.
Vào những năm 80, giữa lúc ở Việt Nam diễn ra hàng loạt các vụ bắt bớ giam cầm với những án tù lâu năm đối với những người bất đồng, thì đồng thời người ta được nghe nhiều tin từ Ba Lan về những vụ đình công, về sự ra đời của Công đoàn Đoàn kết. Chúng tôi từng sống bằng những huyền thoại đó. Tôi nhớ khi tôi 6 tuổi, bao giờ cũng là những tình cảm tốt đẹp được nói kèm với chủ đề Ba Lan. Và thật đáng ngạc nhiên khi tôi chơi đùa với tụi trẻ trong xóm, tôi cũng phát hiện ra rằng Ba Lan đối với chúng cũng là cụm từ tốt đẹp. Sinh viên, các nhà khoa học Việt Nam khi trở về Việt nam từ Ba lan đã mang theo những hình ảnh tốt đẹp về Ba Lan. Sự kiện linh mục Ba lan trở thành Giáo hoàng cũng đóng vai trò nhất định. Việt Nam là nước có số dân theo Đạo Thiên Chúa đứng thứ hai tại Á châu. Ba Lan như vùng đất thật của câu chuyện cổ tích đối với người Việt Nam.
PV: Sang Ba lan lúc ấy có dễ dàng không?
Tôn Vân Anh : Dễ hơn bây giờ. Hồi đấy Ba Lan tạo điều kiện cho phép nhập cư hợp pháp. Chỉ có hộ chiếu là phải đút lót rất nhiều để có được. Hiện tại người Việt không có điều kiện sang Ba lan một cách hợp pháp. Người Việt bị đẩy vào vùng xám khi phải đi qua các đường dây vượt biên giới một bất hợp pháp. Một số người Việt đã hợp pháp hóa được sự hiện diện của mình tại đây, song đó là số nhỏ. Ba Lan không công nhận người Việt tị nạn chính trị – trong vòng 10 năm, tại Ba lan chỉ có 3 người Việt nam được công nhận quy chế tị nạn trong khoảng một nghìn người đặt đơn.
PV: Ba Lan là huyền thoại. Vậy cô nhận thấy huyền thoại đó ra sao khi đối diện với thực tế?
Tôn Vân Anh : Tôi ở Ba lan đã 18 năm, song người Ba lan luôn luôn làm tôi bất ngờ một cách lý thú. Trong thời gian 18 năm đó tôi không bị ai đánh đập trên đường phố, chưa từng gặp điều gì đáng buồn. Điều này không điển hình đối với châu Âu. Người Ba Lan cởi mở đối với sự khác biệt và họ rất ham hiểu. Người Ba Lan cũng rất mẫn cảm với những khổ cực của các dân tộc khác, nhất là khi dân tộc đó phải trải qua chiến tranh hay bị kiềm chế dưới ách cộng sản. Đó là những bản tính rất độc đáo của người Ba Lan. Không đâu trên thế giới, người Việt được cảm thấy cảm thông, được cảm giác đoàn tụ như tại Ba lan. Tôi từng có cơ hội sang sinh sống tại London nhưng tôi không thấy London hấp dẫn.
Chính Ba Lan đã nuôi nấng tôi thành người hoạt động dân chủ. Là người Việt tại Ba Lan tôi thấy mình có khả năng, điều kiện cũng như trách nhiệm làm những việc có ích cho người Việt đồng thời mang lợi cho Ba lan. Tôi rất muốn cuộc sống chung mang lại nhiều lợi ích cho cả hai bên.
PV: Một đằng Ba Lan gây khó dễ trong việc hợp pháp hóa cư trú, một đằng lại là thiện chí của dân thường?
Đây quả thật là hai thế giới khác nhau. Ba Lan thiếu chính sách nhập cư, thiếu người nhìn nhận vấn đề, thiếu người cảm nhận nhu cầu xã hội. Ba Lan cần ý thức trong chính sách nhập cư, cũng như đón nhận những người có khả năng hội nhập, những người mà bản tính văn hóa của họ không phản lại các giá trị Ba Lan.
PV: Người Việt được coi là một xã hội khép kín. Quả thật chúng tôi rất muốn tìm hiểu, song thực chất chúng tôi không biết nhiều về các bạn.
Tôn Vân Anh : Đây là một cỗ máy. Tôi muốn nói tới việc trục xuất. Người nhập cư bất hợp pháp có thể bị trục xuất về nước. Phần lớn người Việt Nam sang Ba Lan không hợp pháp. Đi dạo phố có thể bị bắt nếu không xuất trình giấy tờ chứng minh đang hợp pháp tại đây. Cơ quan chức năng Ba Lan lúc đó gửi hồ sơ sang Đại sứ quán Việt Nam để xác định danh tính.
Nếu người Việt bị bắt là thành phần “ngoan ngoãn” không gây trở ngại với sứ quán thì sứ quán không xác nhận là người Việt Nam. Nếu ngược lại, người đó được xác nhận là người Việt và nhanh chóng bị trục xuất khỏi Ba Lan. Ngay cả những người tạm trú hợp pháp, số phận họ cũng phần lớn nằm trong quyết định của sứ quán, mà chính sách của sứ quán là kiềm chế sự hội nhập của người Việt. Thậm chí tham gia vào các tổ chức của Ba Lan cũng bị coi là hành động thù nghịch với xã hội chủ nghĩa.
Người Việt luôn sống trong tình trạng sợ hãi, tôi không ngạc nhiên khi họ rất ít đi ra ngoài, bởi đi ra ngoài có thể sẽ bị trục xuất khỏi Ba Lan.
Những vấn đề đó thường dẫn đến các tiêu cực. Cảnh sát, biên phòng và thậm chí nhân viên soát vé trên xe buýt đều biết rằng, phần lớn người Việt tại Ba lan không hợp pháp và sợ bị trục xuất thế nên rất dễ ép người Việt đút lót. Người Việt cũng biết là có thể “đàm phán„ được với các viên chức đó , và họ thường mang theo người một số tiền khá lớn phòng khi cần thiết.
Chỉ có Ba Lan mới có thể phá vỡ vòng luẩn quẩn này, không thể trông chờ sứ quán Việt Nam từ bỏ khả năng kiểm soát người Việt.
Tôi nhận thấy giữa người Việt với người Ba Lan quan hệ rất tốt trong tình láng giềng, trong nhà trường, trong bệnh viện, người Việt luôn nhận được sự giúp đỡ rất tận tình từ người bản xứ. Người nước ngoài tại Ba Lan thường bị chèn ép tại các cơ quan công quyền phụ trách người nước ngoài, nơi mà qua các cử chỉ của các viên chức có thể cảm thấy họ không được trông đợi tại Ba Lan. Ba Lan không có tầm nhìn xa rộng đối với dân nhập cư. Điều này phải được thay đổi.
Không ở nước nào trên thế giới người Việt lại buôn bán trên quy mô lớn như ở tại Ba lan, nơi có thể gặp người Việt tại các khu buôn bán trong các trung tâm thương mại, quán ăn. Người Việt sống hợp pháp thường đăng ký doanh nghiệp và phát triển theo hướng khác. Ở Tây phương người Việt chúng tôi được biết tới qua các ngành nghề nghệ sĩ, doanh nhân, giảng viên Đại học. Người Việt ở đó sinh sống như dân bản xứ. Đặc biệt nhất là mặc dù dân bản xứ ở các nước đó không cởi mở đối với dân nhập cư, song ủy ban hành chính lại luôn cởi mở cho người Việt tị nạn, khác với Ba Lan, nơi khung cảnh xã hội tốt hơn rất nhiều.
PV: Giữa cảnh sát, cơ quan biên phòng Ba lan và an ninh Việt nam có sự hợp tác ư?
Tôn Vân Anh : Tất nhiên là có. Sự hợp tác này được thực hiện công khai và mang tính khiêu khích. Trong 5 năm vừa qua, đã nhiều lần công an an ninh Việt Nam vào các trại giam Ba Lan, nơi giam giữ người Việt bất hợp pháp. Tại đây từng diễn ra các cuộc phỏng vấn người Việt do công an Việt Nam thực hiện mà không có sự kiểm soát từ phía Ba Lan. Bằng cách này Việt Nam tạo cho mình một số hợp tác viên mật. Việc này xảy ra trên đất Ba Lan, theo lời mời của biên phòng Ba Lan. Đây là tín hiệu cho người Việt tại Ba Lan rằng đối với họ, luật Ba lan không được áp dụng mà chỉ sứ quán Việt Nam mới có thực quyền quyết định.
PV: Trục xuất về Việt Nam nghĩa là gì?
Tôn Vân Anh : Ba Lan chịu phí tổn trục xuất về Việt Nam. Đại sứ quán Việt Nam xác nhận những người bất hợp pháp, Ba lan tổ chức chuyến bay trục xuất. Những việc này thường xảy ra rất chóng vánh, nhiều khi trái pháp luật, thí dụ người bị trục xuất có quyền được gọi điện thoại một lần, song thường họ không được gọi điện thoại. Đã có những trường hợp người trục xuất khi vừa xuống sân bay Việt Nam thì bị bắt ngay vào nhà tù.
Khá thường xuyên xảy ra trường hợp sau khi bị trục xuất về nước, người Việt lại tìm cách trở lại Ba Lan. Điều đó cho thấy quyết tâm của những người muốn sống tại Ba Lan và cho thấy họ không muốn sang nước khác.
PV: Tình hình chính trị ở Việt Nam hiện nay thế nào, có giống Ba Lan thời cộng sản không?
Tôn Vân Anh : Tồi hơn. Trong thời chiến tranh lạnh, có hai phe: cộng sản xấu và Phương Tây tốt. Còn bây giờ Mỹ và châu Âu không dấn thân hỗ trợ các dân tộc tại các quốc gia độc tài. Họ không lên án độc tài Viêt Nam mạnh mẽ tới mức có thể trừng phạt Việt nam vì vi phạm nhân quyền. Thực chất thì phương Tây giao dịch thương mại với Việt nam, bỏ ngơ đi vấn đề nhân quyền.
Năm 2004, tại Tây Nguyên đã có các cuộc nổi dậy chống chính quyền. Công an và bộ đội đã nổ súng. Nhiều người thiệt mạng.
Năm 2004, tại Tây Nguyên đã có các cuộc nổi dậy chống chính quyền. Công an và bộ đội đã nổ súng. Nhiều người thiệt mạng.
Ở Việt Nam, chỉ cần dịch định nghĩa ‘dân chủ’ từ mạng web là được lĩnh án 13 năm tù. Viên công an bình thường cũng có thể tống giam người dân vào tù 5 năm không cần Tòa án. Việt Nam là nước có trại cải tạo lao động cưỡng bức, Việt Nam là nước áp dụng biện pháp hỏi cung bằng tra tấn. Tôn giáo bị tấn công, người công giáo bị trấn áp bỏ niềm tin bằng tra tấn, bỏ đói. Để trấn áp mạnh hơn, trẻ em bị cách li với cha mẹ cho tới khi cha mẹ chúng đồng ý bỏ đạo. Phương pháp trấn áp này được áp dụng đối với tất cả các Tôn giáo.
PV: Nhà thờ Công chúa giáo ở Việt nam có hợp pháp không ?
Tôn Vân Anh : Có. Song mọi hoạt động đều bị pháp luật áp bức nặng nề, thí dụ phải xin phép cho mỗi lần làm lễ thờ phụng, nội dung của bài giảng đạo đều phải được các viên chức nhà nước kiểm duyệt.
Các nhà truyền giáo đầu tiên tới Việt Nam từ thế kỷ XVI, Thiên Chúa giáo đã bắt rễ sâu rộng vào Việt Nam. Nhà thờ Tin Lành cũng hợp pháp, song bị khủng bố diện rộng. Ít may mắn hơn là phật tử, Giáo hội Phật giáo bị đặt ra ngoài vòng pháp luật năm 1982(2), phải hoạt động ẩn hình trong nước và hợp pháp tại nước ngoài. Vai trò và đền chùa của Giáo hội này được đảng cộng sản giao cho giáo hội nhà nước chịu sự kiểm soát của họ.
PV: Rất cảm ơn.
Việt Anh dịch
Bản tiếng Ba Lan: http://mandragon.pl/ba-lan/
© Đàn Chim Việt
———————————-
BBT chú thích:
(1) Tôn Vân Anh là thông tin viên RFA, phụ trách trang benviet.org; là người hoạt động xã hội tại Ba Lan. Ý kiến của Tôn Vân Anh trong bài phỏng vấn là nhận định của cá nhân cô.
(2) Phật giáo được đề cập tới ở đây có thể là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất , Người đứng đầu Giáo hội- Hòa thượng Thích Quảng Độ- nhiều lần được đề cử Nobel Hòa bình.
.
.
.
No comments:
Post a Comment