Wednesday, June 15, 2011

VIỆT NAM và PHILIPPINES TẠI NGÃ TƯ ĐƯỜNG (Dương Danh Huy)



Tác giả: Dương Danh Huy  (Manila Times)

Người dịch: Lê Vĩnh Trương
Bài đã được xuất bản.: 15/06/2011 05:00 GMT+7

Vào 25/05/2011 vừa rồi, căng thẳng lại gia tăng lên một mức độ cao hơn trên biển Đông khi ba tàu hải giám của Trung Quốc đe dọa tàu thăm dò địa chấn của Việt Nam Bình Minh 2 và phá hoại thiết bị đo địa chấn của Bình Minh 2. Sự kiện này xảy ra cách bờ biển Việt Nam 120 hải lý và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc 340 hải lý. Địa điểm này nằm gần bờ biển Việt Nam hơn khu vực quần đảo Hoàng sa và Trường sa trong vòng tranh chấp.
Theo luật quốc tế và thông lệ quốc gia, Quần đảo Hoàng Sa và Quần đảo Trường Sa và các bãi đá chỉ được hưởng hoặc chế độ nội thủy 12 hải lý hoặc cùng lắm là một vùng biển nội thủy cộng với một đoạn đặc quyền kinh tế (EEZ) không vượt ra quá nhiều mức 12 hải lý.

Theo như các điển cứu của tòa án và pháp đình quốc tế, phép thử tìm kiếm công bình trong ranh giới biển là nguyên tắc đồng đẳng, trong đó nêu rõ rằng tỷ lệ không gian biển dành cho hai thực thể địa lý tranh chấp nhau sẽ tương đối ứng với tỷ lệ của các chiều dài của các bờ biển tương ứng của thực thể địa lý đó.
Quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là những nhóm đảo nhỏ; các bờ biển tổng hợp của chúng ngắn hơn nhiều so với bờ biển của vùng Biển Đông. Do vậy, ngay cả nếu chúng có được quyền hưởng quy chế vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), thì các vùng đặc quyền kinh tế này  cũng sẽ không vượt ra được 12 hải lý.
Do vậy dù giàu trí tưởng tượng đến đâu đi nữa thì những vùng đặc quyền kinh tế của hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, tức là vùng đang tranh chấp, cũng không thể vươn tới gần các đường trung tuyến giữa chúng và các lãnh thổ.

Cuộc chiến ngôn từ

Với những chi tiết trên, xin mời độc giả theo dõi cuộc chiến ngôn từ giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Vào ngày 27/5/2011, Việt Nam gửi một công hàm ngoại giao đến cho Đại sứ Trung Quốc ở Hà Nội tố cáo Trung Quốc vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) và quyền chủ quyền Việt Nam ngay trong khu vực đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Ngày hôm sau, Trung Quốc phản ứng rằng những gì họ làm là "thực thi luật biển và các hoạt động giám sát hoàn toàn bình thường trong vùng biển mà Trung Quốc có quyền tài phán".
Thế nhưng bởi vì "vùng biển có quyền tài phán" không phải là một trong các vùng nước được định nghĩa trong  Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS), những gì Trung Quốc nói về vùng biển ấy và những cơ sở pháp lý cho vùng biển ấy vẫn còn mù mờ.
Việc tranh cãi qua lại tiếp tục và đến ngày 29/05/2011, Việt Nam đáp trả bằng cách tuyên bố rằng Việt Nam đã thực hiện việc thăm dò hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa, theo tinh thần của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS). Đây không phải là một khu vực tranh chấp và cũng không nằm trong "vùng quản lý của Trung Quốc". Trung Quốc đã cố ý đánh lạc hướng để dư luận nghĩ rằng đây là vùng tranh chấp'.
Rất hiệu quả ở chỗ Việt Nam đã chỉ ra rằng vùng biển của sự kiện này không nằm trong vùng tranh chấp thuộc quần đảo Hoàng Sa hay quần đảo Trường Sa.
Không kém, vào ngày 31/05/2011 Trung Quốc phản công rằng hành động của Trung Quốc, "hành động thực thi luật pháp bằng các tàu hải giám Trung Quốc chống lại việc các tàu Việt Nam vận hành bất hợp pháp là hoàn toàn chính đáng. Chúng tôi yêu cầu Việt Nam phải ngay lập tức ngưng những hành động xâm nhập và không được gây thêm rắc rối mới.'
Thêm một lần nữa, Trung Quốc không đưa ra được trong tuyên bố của mình định nghĩa nào của vùng biển theo luật quốc tế UNCLOS.
Và nước này cũng không đưa ra được giới hạn nào hoặc trích dẫn luật quốc tế nào để biện minh cho lập luận của mình.

Diễn biến gần nhất này có nét tương đồng đáng lưu ý sự kiện Bãi Cỏ Rong vào tháng ba/2011, khi đó hai tàu tuần tiễu của Trung Quốc đe dọa một tàu thăm dò địa chấn của Philippines đang hoạt động tại đây. Sự việc này diễn ra tại khu vực gần bờ biển Palawan của Phi hơn là khu quần đảo Trường Sa trong vùng tranh chấp.
Trong cả hai trường hợp, Trung Quốc khẳng định tuyên bố chủ quyền mà không đưa ra giới hạn hay lý lẽ dựa trên UNCLOS hay luật quốc tế. Trả lời của Philippines là khu Bãi Cỏ Rong không thuộc quần đảo Trường Sa và do vậy không được coi đó là ở trong vùng tranh chấp quần đảo Trường Sa.
Trước đây, Trung Quốc đã đưa ra những yêu cầu tương tự đối với Malaysia tại bãi James,  đối với Indonesia tại vùng biển gần đảo Natuna, và đối với Việt Nam tại Bãi Tư Chính và Thanh Long. Những đòi hỏi này cùng với các sự kiện bãi Cỏ Rong và Bình Minh là những minh chứng cụ thể rằng Trung Quốc đang bành trướng sự kiểm soát của họ ra rất xa khu vực đang tranh chấp là Hoàng Sa, Trường Sa và Bãi cạn Scarborough và với xa ra các vùng nước thuộc các đảo ấy.

Dù Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia và Brunei là tất cả những bên bị ảnh hưởng trực tiếp đến chính sách bành trướng này, hai nước Việt Nam và Philippines, là những nước gần Trung Quốc nhất, sẽ phải đứng mũi chịu sào trước sức bành trướng của Trung Quốc.
Thứ nhất, không gian biển hai nước này rõ ràng sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Thứ nhì, nếu Trung Quốc không cố lấy cớ để tranh giành các vùng biển của Việt Nam và Philippines, thì sau này việc giành giật các vùng biển của Malaysia, Indonesia và Brunei sẽ là những hành động manh mún. Nghĩa là trong khi Trung Quốc có thể thỏa hiệp với các nước ở cực nam của đường chữ U kỳ dị để cầm chân cho Malaysia, Indonesia và Brunei im lặng khi họ xử lý Việt Nam và Philippines trước đã, họ không tự nguyện hạ thấp giọng trong việc đòi chủ quyền trong vùng nước Việt Nam và Phillipines. Có thể nói một cách ngẫu nhiên, nếu Trung Quốc thành công trong cung cách đã ứng xử với Việt Nam và Philippines, thì sẽ dần dần đến lượt Malaysia, Indonesia và Brunei bị cưỡng đoạt.
Do vậy, cả Việt Nam và Phillippines đã đứng trong tình thế cần phải nghiêm túc bảo vệ không gian hàng hải quan trọng đối với kinh tế, an ninh quốc gia và độc lập dân tộc.

Tuy vẫn còn những khác biệt giữa Việt Nam và Philippines trong vấn đề quần đảo Trường Sa, vẫn còn có nhiều lãnh vực mà hai nước có thể hợp tác để bảo vệ các vùng biển của mình không dính gì đến quần đảo Trường Sa.
Trở lại với các tuyên bố chủ quyền quá mức của Trung Quốc, các vùng biển không thuộc quần đảo Trường Sa  nhưng chịu ảnh hưởng của các tuyên bố này có lẽ sẽ có ý nghĩa quan trọng hơn cả các vùng nước đang trong khu vực tranh chấp của quần đảo Trường Sa.

Công hàm của Philippines
Công hàm của Philippines đến Ủy ban về Ranh giới Thềm lục địa sau sự kiện Bãi Cỏ Rong đã nhấn mạnh cách thức nước này vận dụng UNCLOS để bảo vệ quyền lợi của họ tại Biển Đông. Khi Việt Nam cũng dựa trên bộ luật này, hai nước đã có một khung pháp luật chung để hợp tác.
Ví dụ, nếu Việt Nam và Philippines có thể lên tiếng ủng hộ nhau về mặt ngoại giao ở các sự kiện Bãi Cỏ Rong và Bình Minh, thì cả hai nước đều cùng có lợi. Quan trọng hơn, các chuyên gia và nhà ngoại giao của hai nước có thể tập hợp lại cùng các đồng nhiệm ở  Malaysia, Indonesia và Brunei để quyết định rằng quần đảo Trường Sa bao gồm những gì và những vùng biển nào là thuộc về nước nào, việc này sẽ có thể dẫn đến một thỏa thuận chung bên ngoài những vùng tranh chấp trong Biển Đông.
Thông qua cách này, năm nước sẽ đồng ý và định nghĩa những nơi nào là tranh chấp và những nơi nào là không tranh chấp trong Biển Đông. Cách thức như trên sẽ giúp các nước này trong cuộc đấu tranh đơn lẻ và hợp quần chống lại cố gắng của Trung Quốc, hiện đang mở rộng tranh chấp ra những vùng trước đây chưa tranh chấp.  Cách này sẽ giúp thuyết phục thế giới về chính nghĩa mà họ theo đuổi.

Thêm nữa, Việt Nam và Phillippines có thể khai thác là hai nước, có thể có thêm sự tham gia của Malaysia và Brunei, sẽ cùng nộp báo cáo chung về thềm lục địa cho  Ủy ban về Ranh giới Thềm lục địa.
Cả hai cách thức trên sẽ không ảnh hưởng gì đến vấn đề tuyên bố chủ quyền tại quần đảo Trường Sa và sẽ có lợi lớn cho Việt Nam và Philippines trong việc kháng cự lại các tuyên bố mang tính bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông.

Người dịch: Lê Vĩnh Trương

-----------------------------

* Bài viết này của nhà nghiên cứu Dương Danh Huy được đăng trên Manila Times. Ông là tác giả của nhiều bài viết về Biển Đông trên báo Vietnamnet.
Tác giả xin cảm ơn Vũ Hải Đăng, Nguyễn Trịnh Đôn, Nguyễn Thi Thanh Hà, Nguyễn Đăng Thắng, Trần Văn Thùy, Lê Trung Tĩnh, Lê Vĩnh Trương, Phạm Quang Tuấn và bạn hữu đã góp ý cho bài viết này

.
.
.

No comments: